Vì nỗi đau đó, họ vẫn mơ một ngày câu lạc bộ yêu mến của mình lại trở thành một “ngôi nhà chung” của người hâm mộ, như mô hình của Barcelona (Tây Ban Nha) hay Bayern Munich (Đức) chứ không thuộc về các ông chủ Mỹ không đam mê bóng đá mà chỉ giỏi làm kinh tế như bây giờ. Phong độ “tệ hại nhất trong vòng hơn 20 năm qua” của thầy trò ông David Moyes mùa giải này càng khiến cho các cổ động viên nổi giận và gây sức ép lên các ông chủ Mỹ. Cuối tháng 3 vừa qua, Hội cổ động viên Manchester United (MUST) một lần nữa lại yêu cầu nhà Glazer nên chấp thuận bán MU cho những người thực sự am hiểu và có tình yêu với câu lạc bộ này.
Trước đó, MUST nhiều lần cảnh báo rằng mô hình mà nhà Glazer áp dụng cho MU không còn hợp lý nữa, kể từ khi Sir Alex Ferguson ra đi vào cuối mùa giải năm ngoái. Cay cú với việc câu lạc bộ thi đấu bết bát, gần như không còn khả năng lọt vào Top 4 để có thể tham dự Champions League mùa sau, MUST quy kết các ông chủ câu lạc bộ đã không chịu nâng cấp đội hình. Họ cũng cáo buộc anh em nhà Glazer từ khi mua MU (năm 2005) đến nay đã “rút ruột” của câu lạc bộ 1 tỉ USD để chi trả cho những việc không liên quan gì đến bóng đá, đó là trả lãi và nợ gốc cho các khoản vay ngân hàng.
FC United of Manchester với chức vô địch ngay mùa giải đầu tiên thành lập (2005-2006)
Dù các ông chủ Mỹ cam kết sẽ cấp cho huấn luyện viên David Moyes một khoản tiền lớn trong mùa hè tới để mua sắm, MUST vẫn cho rằng việc câu lạc bộ phải gánh các khoản nợ của các ông chủ là phi lý. Rằng nếu MU muốn cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ tại Premier League cũng như tại đấu trường châu Âu, câu lạc bộ này cần có một nhà đầu tư tầm cỡ chứ không phải vay tiền ngân hàng để mua MU như anh em nhà Glazer. Và còn tốt hơn nếu đội bóng thuộc về tay các cổ động viên thay vì các nhà đầu tư cá nhân.
MUST là một tổ chức có số thành viên lên đến 200 ngàn và nhiều người trong số đó đủ khả năng điều hành tốt một câu lạc bộ như MU. Hiện anh em nhà Glazer nắm giữ 90% cổ phần MU, 10% còn lại đã được niêm yết trên sàn chứng khoán New York vào năm 2012. MU được định giá vào khoảng 2,7 tỉ USD và những ngày vừa qua, giá cổ phiếu của MU trên thị trường chứng khoán London tăng vọt sau khi có tin “thế hệ vàng” Beckham, Scholes… đứng đằng sau kế hoạch mua lại MU. Tuy nhiên, có thể khẳng định, mong muốn MU thuộc vào tay các “cổ đông viên chân chính” là rất khó xảy ra. Gom được 2,43 tỉ USD để mua lại toàn bộ cổ phiếu do nhà Glazer nắm giữ (tức mỗi hội viên bỏ ra hơn 12 ngàn USD) đã là chuyện khó. Mà có tiền rồi, chắc gì nhà Glazer đã chịu bán số cổ phiếu đó?
Vậy nên, có lẽ các cổ động viên của MU nên dõi theo hành trình của FC United of Manchester thì hơn. Đây là câu lạc bộ do một nhóm cổ động viên MU tách ra thành lập ngay khi nhà Glazer mua MU vào năm 2005. Hoạt động với ngân quỹ ban đầu do các thành viên đóng góp, FC United of Manchester đã thăng ba hạng trong thời gian qua và đang thi đấu ở giải hạng 7 trong hệ thống bóng đá Anh. Nếu giữ tốc độ thăng hạng này, chỉ khoảng 20 năm nữa, họ có quyền mơ một cuộc quyết đấu với MU “xịn” tại Premier League lắm chứ!
Địch Vân