Nhận định từ năm 1975 đến nay, Việt Nam đã hai lần đánh mất thời cơ và không nên để mất thời cơ thứ 3 sắp tới, GS Trần Văn Thọ đã có bài viết gửi riêng cho Tuổi Trẻ nhân dịp kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước.
Trong giai đoạn tới, nên đưa ra khẩu hiệu “chống tụt hậu như chống giặc” và cả nước quyết tâm đuổi kịp các nước đi trước.
GS TRẦN VĂN THỌ
Cuối năm 1975, các tuần báo ở Nhật lục tục phát hành các số đặc biệt đón xuân 1976. Tôi ấn tượng nhất là hình bìa của tạp chí Economisuto đăng chân dung của 7-8 nhà lãnh đạo đương thời trên thế giới. Báo có phụ chú và ra câu đố cho độc giả, đại khái như sau:
“Đây là những nhà lãnh đạo mà hành động và phát ngôn của họ sẽ làm thay đổi thế giới trong giai đoạn mới. Độc giả nào biết hết tên tuổi của họ thì có thể được xem là người thông thái với thời sự chính trị kinh tế thế giới”. Phía bên trong có giải thích về từng người được chọn in trên bìa.
Dĩ nhiên những hình được chọn có tổng thống Mỹ, Pháp, có thủ tướng Nhật, Anh, Tây Đức,…. Nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên và rất tự hào thì thấy có Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong số đó.
Biểu tượng này nói lên uy tín và kỳ vọng về một nươc Việt Nam mới sau khi có hòa bình và thống nhất đất nước. Hồi đó dân số Việt Nam khoảng 47 triệu, chỉ là một nước nông nghiệp năng suất thấp và mới vừa ra khỏi chiến tranh.
Nhưng tiềm năng con người, ý chí vượt khó của người Việt Nam, tài tổ chức, lãnh đạo của những người cầm quyền, vị trí địa chính trị,… cho thấy triển vọng một nước Việt Nam tầm cỡ xuất hiện ở Á châu trong một tương lai không xa.
Nhưng rất tiếc ta đã chọn chiến lược, chính sách sai và để mất thời cơ, đất nước lâm vào nguy cơ suốt hơn một thập niên sau đó.
Cuối năm 1986, Việt Nam đã đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường và tích cực mở cửa. Nhưng sự khó khăn của giai đoạn chuyển tiếp cộng với hoàn cảnh quốc tế không thuận lợi, Việt Nam phải mất thêm 6-7 năm nữa mới được thế giới chú ý.
Giữa thập niên 1990, lần thứ hai sau ngày 30-4-1975, Việt Nam lại trở thành một vì sao đang lên trên bầu trời Á châu. Kinh tế đã ra khỏi khủng hoảng, tình hình khu vực và quốc tế vô cùng thuận lợi (các nước tiên tiến và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới nối lại viện trợ, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN,…).
Một lần nữa tiềm năng của Việt Nam được đánh giá và kỳ vọng về một nước Việt Nam phát triển lên rất cao. Sống tại Nhật Bản trong những ngày đó tôi thấy rất rõ. Hồi đó dòng thác FDI tại Á châu do Nhật chủ đạo.
Nhật đã đầu tư nhiều tại nhiều nước ASEAN, nhất là Thái Lan, lúc đó hạ tầng kinh tế của những nước này đã khai thác hết, nên các công ty đa quốc gia Nhật đang tìm kiếm thị trường khác, và Việt Nam được xem là điểm đến nhiều triển vọng.
Cuối tháng 3 vừa qua, lúc chỉnh lý sách vở, tư liệu trong phòng nghiên cứu, xem lại các thư mời thuyết trình, dự hội nghị,… về kinh tế Việt Nam, tôi nhớ lại những ngày rất bận rộn giữa thập niên 1990 ở Tokyo.
Các con rồng, con hổ kinh tế ở Á châu phát triển là nhờ nội lực kết hợp với ngoại lực. Với đổi mới và hoàn cảnh quốc tế thuận lợi, nhiều người nhận định Việt Nam cũng sẽ trở thành một nước phát triển mới. Tôi cũng mơ như thế.
Nhưng rất tiếc giấc mơ không thành hiện thực. Từ cuối năm 1996 thế giới không còn đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam khi những yếu kém về chiến lược, chính sách kinh tế và quản lý hành chánh bộc lộ rõ.
Doanh nghiệp quốc doanh vẫn được ưu tiên chú trọng và chưa thoát ra khỏi các định kiến về doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nước ngoài; cũng như cơ chế, thủ tục hành chánh quá phức tạp đã làm yếu đi các tác nhân quan trọng của phát triển là hai loại hình doanh nghiệp ấy.
Giữa năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh nguy cơ tụt hậu là quan trọng nhất trong 4 nguy cơ được bàn đến thời đó. Chỉ tiếc rằng giá như tư tưởng này sớm được triển khai thì đã có các cải cách phù hợp.
Do bối cảnh đó, làn sóng mới FDI từ Nhật không dến Việt Nam mà chảy sang các tỉnh ven biển Trung Quốc.
Khoảng 10 năm trước tôi gặp lại một quan chức của Bộ Tài chánh Nhật, người phụ trách việc nối lại viện trợ của Nhật cho Việt Nam cuối năm 1992. Ông ấy nói với tôi một cách tiếc rẻ: Hồi đó chúng tôi nghĩ Việt Nam, chứ không phải Trung Quốc, là con hổ mới ở chấu Á.
Từ khoảng năm 2000, những cải cách liên quan doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI có tiến triển, đặc biệt là trong quá trình chuẩn bị gia nhập WTO (2007) và ký các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Nhưng giai đọan hậu WTO lại nảy sinh vấn đề mới: Các luồng tư bản nước ngoài vào quá tự do và dưới các thể chế của FTA hàng công nghiệp từ nước ngoài cũng tràn vào nhiều trong khi nội lực chưa được củng cố. Đặc biệt doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn và đất để đầu tư, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do thiếu chiến lược, chính sách tích cực để định hướng dòng chảy FDI và nuôi dưỡng doanh nghiệp trong nước nên vào thời điểm hiện nay, cơ cấu kinh tế tồn tai nhiều vấn đề phải giải quyết trong giai đoạn tới.
Chẳng hạn, nhiều dự án FDI chất lượng xấu (ảnh hưởng môi trường, dùng công nghệ lạc hậu,…), thiếu liên kết giữa FDI và doanh nghiệp trong nước, công nghiệp còn chủ yếu là lắp ráp, gia công, còn ở giai đoạn thấp trên chuỗi giá trị sản phẩm và phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập từ Trung Quốc.
Từ sau đổi mới, Việt Nam phát triển trung bình 6,5%, tỉ lệ người nghèo trong tổng dân số giảm từ gần 90% xuống còn dưới 10%, đời sống dân chúng được cải thiện đáng kể, vị trí của Việt Nam trên thế giới được nâng cao.
Việt Nam từ là một trong những nước nghèo nhất thế giới đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp vào khoảng năm 2010.
Tuy nhiên, 45 năm sau 30-4 hoặc gần 35 năm sau đổi mới là một thời gian rất dài. Như tôi đã trình bày trong cuốn sách Cú sốc thời gian và Kinh tế Việt Nam, xuất bản năm 2016 (NXB Tri thức), vào năm 1952 Nhật là nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng chỉ 15 năm sau tiến lên nước thu nhập trung bình cao và thêm 13 năm nữa trở thành cường quốc kinh tế.
Dĩ nhiên Nhật đã có tích lũy về vốn thể chế, về nguồn nhân lực từ thời Minh Trị nên khi có điều kiện thì phát huy rất nhanh.
Nhưng cái điều kiện để các nguồn lực đó phát huy nhanh là nhờ năng lực và khát vọng của lãnh đạo biết chớp thời cơ trong giai đoạn mới. Hàn Quốc và Đài Loan cũng thắng lợi trong cuộc chạy đua với thời gian.
Hàn Quốc chỉ mất 16 năm (từ 1971 đến 1987) để chuyển từ nước thu nhập trung bình thấp lên trung bình cao và chỉ mất thêm 10 năm nữa để tiến lên hàng các nước tiên tiến.
Đài Loan trở thành nền kinh tế tiên tiến vào năm 1995, chỉ tốn 12 năm kể từ giai đoạn thu nhập trung bình cao.
Tại sao Việt Nam đi chậm? Đó là vì từ 1975 đến nay, ta đã hai lần đánh mất thời cơ.
Từ 4-5 năm nay, kinh tế Việt Nam phát triển tương đối ổn định và tăng trưởng trung bình gần 7%, nhưng đột nhiên đại dịch COVID-19 làm kinh tế suy sụp trước sự đảo lộn, suy sụp của kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, trong khi các nước còn đang khó khăn chống chọi với dịch bệnh, Việt Nam cho đến nay đã thành công trong việc ngăn ngừa sự lây lan của địch bệnh, nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của nhà nước, sự tận tâm, hy sinh của những người phục vụ trong hệ thống y tế, và sự hợp tác, tương tác của các tầng lớp dân chúng.
Thế giới đang bàn luận sôi nổi về sự thành công này. Ta cũng sẽ nghiên cứu thêm để rút bài học cho chiến lược xây dựng đất nước trong thời gian tới.
Thời đại sau COVID-19 sẽ như thế nào? Theo tôi, đối với Việt Nam đây là thời cơ thứ ba kể từ 1975. Nếu biết tận dụng thời cơ này ta sẽ khắc phục các vấn đề về cơ cấu kinh tế nói ở trên và đưa kinh tế phát triển một bước vượt bậc trong thập niên 2020.
Tại sao gọi là thời cơ?
Thứ nhất, cái yếu của nội lực Việt Nam là cơ cấu hành chánh, là tinh thần trách nhiệm của quan chức, là sự tương tác không mấy thuận lợi của doanh nghiệp và dân chúng đối với chính sách của nhà nước.
Nỗ lực và phương châm “chống dịch như chống giặc” lần này đã cho thấy các điểm yếu nói trên đã được khắc phục. Trong giai đoạn tới, nên đưa ra khẩu hiệu “chống tụt hậu như chống giặc” và cả nước quyết tâm đuổi kịp các nước đi trước hy vọng ta sẽ phát triển mạnh mẽ trong thập niên 2020.
Thứ hai, nhờ thành công trong việc chống dịch, hình ảnh Việt Nam là nước an toàn trong cuộc sống và ít rủi ro trong đầu tư làm cho Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các dòng thác FDI mới từ Nhật và các nước Âu Mỹ.
Thứ ba, do đại dịch nầy, các công ty đa quốc gia sẽ tiếp tục di chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác. Hiện tượng này đã bắt đầu từ giữa thập niên 2010 khi tiền lương ở các tỉnh và thành phố vùng duyên hải tăng nhanh, sau đó diễn ra mạnh hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cuối thập niên 2010.
Cũng như dịch SARS năm 2002, đại dịch COVID-19 lần này cũng bắt nguồn từ Trung Quốc làm nhiều người lo ngại trong tương lai nạn dịch tương tự cũng xảy ra từ nước này.
Đã có phân tích cho rằng tập quán ẩm thực (dùng nhiều động vật hoang dã,…) của Trung Quốc dễ gây dịch bệnh hơn các nước khác. Do đó, để phòng rủi ro đứt gãy mạng lưới cung ứng, làn sóng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác sẽ mạnh hơn nữa.
Ta nhân cơ hội này tích cực tiếp nhận có chọn lọc các dự án FDI mới để đưa công nghiệp Việt Nam lên cao trong chuỗi giá trị sản phẩm và từng bước giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong bài viết cho Tuổi Trẻ Xuân 2020, tôi có nói khả năng 4.000 ngày sắp tới sẽ làm thay đổi Việt Nam. Tận dụng thời cơ lần thứ ba nầy sẽ thực hiện thành công giấc mơ 4.000 ngày đó.
Từng kỳ vọng “con hổ mới ở châu Á”
Giữa năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh nguy cơ tụt hậu là quan trọng nhất trong 4 nguy cơ được bàn đến thời đó. Chỉ tiếc rằng giá như tư tưởng này sớm được triển khai thì đã có các bước cải cách phù hợp.
Gần đây, tôi gặp lại một quan chức của Bộ Tài chính Nhật, người phụ trách việc nối lại viện trợ của Nhật cho VN cuối năm 1992. Ông ấy nói một cách tiếc rẻ: “Hồi đó chúng tôi nghĩ Viêt Nam, chứ không phải Trung Quốc, là con hổ mới ở châu Á”.