Với nhiều người, việc thức dậy mỗi buổi sáng khi tiếng chuông đồng hồ báo thức vang lên là điều không dễ dàng. Không ít người khác thì thức dậy trong trạng thái mệt mỏi, nặng nề và trạng thái này kéo dài đến cuối ngày. Giải thích điều này, thuyết Ayurveda – Sự hiểu biết về đời sống (một thuyết về dinh dưỡng – luyện tập để sống khỏe nổi tiếng của người Ấn Độ, được sử dụng trên toàn thế giới) cho rằng, thói quen sinh hoạt hằng ngày sẽ góp phần củng cố sức đề kháng của cơ thể và thói quen mỗi khi thức dậy sẽ giúp cân bằng các nguồn năng lượng, làm cơ thể thích nghi nhanh với môi trường và hoạt động thể lực – trí lực tốt hơn vào các thời điểm khác trong ngày. Thuyết này cho rằng mỗi cơ thể con người được tạo nên từ ba nguồn năng lượng sống (dosha) là vata (sự phối hợp của các yếu tố không khí và khoảng không vũ trụ, thực hiện các chức năng về phản xạ, vận động, thở, tuần hoàn, cảm giác, bài tiết, tư duy, trí nhớ), pitta (sự phối hợp giữa thủy và hỏa, thực hiện các chức năng về tiêu hóa, cảm giác, thị giác, điều hòa thân nhiệt), kapha (sự phối hợp của nước và đất, thực hiện các chức năng về: bôi trơn (khớp), bài tiết, cấu trúc tế bào, ổn định tinh thần). Mỗi buổi sáng, bạn hãy cố gắng thực hiện những lời khuyên sau trong một tháng để tạo thành một thói quen cho mình vào một ngày không xa.
Đón mặt trời
Theo thuyết Ayurveda, nguồn năng lượng vata lan tỏa trong không khí vào thời điểm trước bình minh, đây cũng là thời điểm lý tưởng để khởi động cơ thể. Do đó, mỗi buổi sáng, bạn hãy cố gắng thức dậy trước lúc mặt trời mọc ít nhất là 20 phút. “Bởi vì đây là một nguồn năng lượng đặc biệt của vũ trụ mà mỗi người nên hấp thu mỗi ngày”, ông Vaidya Rama Kant Mishra, một chuyên gia về Ayurveda ởColorado, Hoa Kỳ cho biết. “Hãy ra ngoài trời trước lúc mặt trời mọc, bạn sẽ cảm nhận được cơ thể mình có một sự biến đổi thật sự”.
“Đến khi mặt trời lên, năng lượng vata được thay thế bởi một nguồn năng lượng cho vận động”, Michael Sullivan, giám đốc trung tâm chữa trị bằng Ayurveda ởBuckingham,Virginia, Hoa Kỳ nói. Đến lúc này, cơ thể đã sẵn sàng cho các hoạt động. Đây là khoảng thời gian thích hợp để ngồi thiền trong một khoảng thời gian ngắn. Sau đó, hãy uống một ly nước ấm có thả một lát chanh để tăng hương vị. Nước ấm có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa và nhu động ruột, tăng cường hoạt động co bóp của ruột để đẩy thức ăn đi. Quả chanh rất giàu khoáng chất và vitamin, giúp tăng cường sức đề kháng và hạn chế độc tố ở đường tiêu hóa.
Chăm sóc khuôn mặt
Thuyết của Ayurveda cho rằng, khuôn mặt là một trong bảy nguồn năng lượng trung tâm của cơ thể. “Khuôn mặt là khu vực tiếp xúc nhiều nhất với môi trường bên ngoài. Do đó, mặt cần được chuẩn bị chu đáo vào mỗi buổi sáng”, ông Vaidya Rama Kant Mishra nói. “Ngoài ra, trong một ngày, da mặt thường xuyên chịu tác động của stress nên việc tăng cường độ ẩm cho da mặt là việc cần thiết”.
Một giấc ngủ sâu và đủ giấc sẽ giúp da mặt căng láng hơn. Rửa mặt bằng nước mát không có chlorinate ngay khi thức dậy là một cách dễ dàng nhất để chuẩn bị cho da chống lại nóng bức, ô nhiễm và sự căng thẳng. Ông Mishra khuyên mọi người nên chuẩn bị một tô nước mát, úp mặt vào đó và nhấp nháy mắt khoảng bảy lần để vệ sinh mặt và mắt.
Vệ sinh răng miệng
Nhiều người trong chúng ta vẫn thường xuyên vệ sinh răng rất kỹ nhưng lại bỏ qua việc vệ sinh lưỡi vì cho là không cần thiết. Tuy nhiên, thuyết Ayurveda lại cho rằng, lưỡi là nơi ẩn náu của nhiều loại thức ăn chưa được tiêu hóa. Việc chà, cạo lưỡi mỗi buổi sáng nhằm làm sạch các mẩu thức ăn này, tránh để chúng xâm nhập trở lại khi bạn tiếp tục ăn uống.
Bạn có thể sử dụng bàn chải đánh răng, cây cạo lưỡi hoặc bàn chải lưỡi, thậm chí một chiếc muỗng cà phê lật ngược để loại bỏ sạch màng vi khuẩn, các mảnh vỡ và chất nhầy bám trên lưỡi. Nên chà, cạo một cách nhẹ nhàng từ phía cuối ra đầu lưỡi từ 7 đến 14 lần, tránh cạo mạnh làm tổn hại lưỡi và cũng tránh cạo vào vùng hàng rào vị giác chữ V ở phía sau của lưỡi.
Để nướu và men răng khỏe mạnh, bạn nên đánh răng với một bàn chải nylon mềm. Không nên dùng bàn chải nylon cứng, có thể gây chảy máu nướu và làm tổn hại men răng. Loại kem đánh răng nên dùng là các loại thảo mộc, không chứa các loại hóa chất tổng hợp. “Sau khi đánh răng, bạn nên súc miệng bằng dầu ôliu hoặc dầu mè trong 2-3 phút, để tăng cường sức khỏe răng, nướu, hàm và bảo vệ giọng nói của bạn”, ông Amita Banerjee, nhà dinh dưỡng học về Ayurveda tạiNew Yorkkhuyên. Súc miệng xong, hãy dùng ngón tay massage nhẹ nhàng để dầu thấm vào răng, nướu, giúp bôi trơn và làm sạch các bộ phận trong khoang miệng. Cuối cùng, gõ hai hàm răng vào nhau vài lần để kích thích năng lượng cho hệ tiêu hóa.
Tăng sự nhạy cảm từ tai và mũi
Thuyết Ayurveda quan niệm rằng tai và mũi là hai bộ phận có ảnh hưởng rất lớn đến sự nhạy cảm của cơ thể và ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh. Do đó, mỗi buổi sáng bạn nên có thói quen kích hoạt hai bộ phận này để giúp tinh thần minh mẫn hơn.
Với tai, bạn dùng ngón trỏ và ngón cái để massage tai từ đỉnh rồi di chuyển từ từ xuống các thùy tai. Sau đó, thoa vài giọt dầu mè từ ngoài vào trong ống tai để giúp tăng năng lượng vata. Với mũi, hãy thoa một chút dầu mè hoặc dầu ôliu vào bên trong lỗ mũi để làm sạch xoang mũi.
Đừng quên đôi mắt
Theo thuyết Ayurveda, đôi mắt được xem như là trung tâm của nguồn nhiệt năng, có nghĩa là nó thu hút nguồn nhiệt trong tự nhiên và dễ phát hỏa. Vì vậy, muốn cân bằng năng lượng cho đôi mắt, bạn nên chuẩn bị một chậu nước lạnh, cho mắt vào và khẽ nhấp nháy mắt nhiều lần. Nếu đôi mắt của bạn bị sưng húp hoặc cảm thấy nóng rát, hãy đắp lên mắt hai lát dưa leo hoặc hai miếng bông gòn đã nhúng vào trà hòa tan hoặc sữa dê, sữa bò. Trong trường hợp đôi mắt bạn đỏ ngầu, hãy thử nhỏ ba giọt nước hoa hồng vào mỗi bên.
Mỗi ngày, để tăng cường hoạt động cơ mắt và kích thích dây thần kinh thị giác, bạn nên thực hiện một vài động tác cơ bản như: đưa mắt lên xuống, qua trái qua phải, xoay tròng mắt theo chiều kim đồng hồ và ngược lại, nhắm chặt mắt lại rồi mở ra.
Tự massage với tinh dầu
Massage với tinh dầu thơm sẽ cung cấp những nguồn năng lượng giúp tăng cường sức khỏe và chữa lành bệnh tật. Lưu ý là bạn nên suy xét xem mình nên chọn mùi hương nào để phù hợp với tình trạng của cơ thể. Nếu bạn mất cân bằng về năng lượng vata, hãy sử dụng hương gừng, bạch đậu khấu hoặc cam, mất cân bằng năng lượng pitta thì nên dùng mùi hương mát, ngọt của hoa oải hương, mất cân bằng năng lượng kapha thì hãy dùng hương bạch đàn, hoa hương thảo hoặc lá xô thơm.
Đặt một giọt dầu trên ngón áp út của bàn tay phải và chà nhẹ nhàng vào mắt theo chiều kim đồng hồ, đồng thời hít thở chậm và sâu khoảng 11 lần. Nếu cảm thấy hơi chóng mặt, bạn cần kích thích phần năng lượng giữa đầu và tim mình bằng cách dùng bốn ngón tay ấn nhẹ nhàng trên hai bên thái dương.
Tắm
Tắm buổi sáng sẽ giúp tăng cường độ ẩm cho da và xóa tan căng thẳng, mệt mỏi. Bạn nên tắm với nước có nhiệt độ thích hợp với từng thể trạng. Nước mát lạnh phù hợp để cân bằng năng lượng pitta, trong khi nước âm ấm sẽ lý tưởng để cân bằng vata, còn nước ấm hơn là tốt nhất để cân bằng kapha.
Ayurveda tin rằng tất cả những thứ dính trên da sẽ dần đồng hóa thành một phần của cơ thể. Do đó, thuyết này khuyên bạn nên tránh các độc tố có thể xâm nhập vào cơ thể bằng cách sử dụng xà bông có các thành phần chiết xuất từ thiên nhiên, tránh các sản phẩm nước hoa và chất tẩy rửa tổng hợp.
Ăn uống hợp lý
“Bạn đừng bao giờ bỏ bữa ăn sáng, nhưng cũng không nên ăn quá nhiều trong bữa ăn này”, ông Banerjee nói.
“Từ lúc mặt trời mọc đến 10 giờ là khoảng thời gian giải phóng năng lượng kapha, rất thích hợp cho việc tập thể dục và di chuyển”, ông Sullivan cho biết. “Một bữa ăn nhẹ sẽ không gây quá tải cho hệ tiêu hóa và không gây ì ạch cho các hoạt động của cơ thể”. Bạn nên bắt đầu ngày mới với ngũ cốc, nước trái cây, rau và sữa chua ít béo.
X. Lộc theo The Yoga Journal