Ngày 29/11 vừa qua, Prudential Việt Nam cùng với Viện Khoa Học Lao Động Và Xã Hội – ILSSA và Viện nghiên cứu Y – Xã hội học – ISMS đã tổ chức hội thảo chuyên đề Aging Summit 2022 với chủ đề “Già hóa dân số – Cơ hội và Thách thức cho thế hệ Millennials”.
Sự kiện Aging Summit 2022 là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động của dự án “Cuộc sống độc lập khi về già”, nhằm nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam về già hóa dân số do Prudential khởi xướng từ năm 2020 đến nay, với mong muốn thúc đẩy giới trẻ có kế hoạch và hành động để có một tuổi già độc lập, hạnh phúc.
Trong khuôn khổ của sự kiện, đại diện của Viện Khoa học Lao động và Xã hội và Viện nghiên cứu Y – Xã hội học, đã có phần trình bày dựa trên các nghiên cứu “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già” (thực hiện năm 2021) và nghiên cứu “Nhận thức và hành động đảm bảo an ninh thu nhập cho tuổi già độc lập của nhóm dân số trong độ tuổi trung niên” (thực hiện năm 2022). Trên cơ sở đó, đề xuất các biện pháp nâng cao nhận thức và hành động của nhóm dân số 30-44 tuổi để đảm bảo an ninh thu nhập cho cuộc sống độc lập khi về già.
Hệ thống bảo hiểm hiện tại ở Việt Nam gồm có nhà nước, thương mại và các thành phần kinh tế khác tham gia. TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng không nên “độc tôn” bất cứ hệ thống nào và cần đảm bảo được nền tảng an sinh xã hội, xác định rõ ai bị “bỏ lại phía sau” để họ được chăm lo đúng mực. Tiến sĩ đề nghị mở rộng, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, kết hợp giữa bảo hiểm y tế và bảo hiểm nhân thọ tư nhân để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trong phiên thảo luận 2, với chủ đề “Già, rồi sao?” đề cập trực tiếp đến thế hệ Millennials – những người sẽ trực tiếp đối diện, chịu ảnh hưởng từ quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Phiên thảo luận chia sẻ góc nhìn đa chiều từ chính những bạn trẻ thuộc nhóm đối tượng này, xoay quanh các chủ đề Tài chính, Sức khỏe, Sự gắn kết với gia đình và xã hội, cùng những mong đợi tuổi về già. Thông qua phiên thảo luận, người xem có thể tìm ra câu trả lời cho riêng mình làm thế nào để có được tuổi già độc lập, an nhiên.