Chúng ta vừa trải qua một giai đoạn rất khó khăn do đại dịch covid-19. Nó tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống, mọi lĩnh vực nghề nghiệp và chắc chắn cũng còn rất nhiều thách thức phía trước. Trong thời gian vừa qua, do điều kiện khách quan, Tạp chí Nội Thất cũng tạm ngưng phát hành hai kỳ báo tháng 9 và tháng 10. Nhanh chóng đẩy lùi covid để tiến tới “bình thường mới” vừa là mục tiêu, vừa là mong muốn của mọi tầng lớp xã hội. Những khó khăn nào đã trải qua? Những giải pháp nào đã được lựa chọn áp dụng để bảo toàn tổ chức doanh nghiệp hoặc giảm thiểu các tác động tiêu cực từ Covid? Những cơ hội nào đã được nhìn thấy và kế hoạch nào cho ngày tháng sắp tới?
Các câu hỏi này đã được Tạp Chí Nội Thất đặt ra với các kiến trúc sư, các nhà thiết kế, cung cấp đồ trang trí nội thất, chiếu sáng, họa sĩ, nhiếp ảnh gia kiến trúc… Mỗi người, từ góc độ quản lý doanh nghiệp hoặc cá nhân đều có những trải nghiệm riêng. Nội Thất xin được chia sẻ trên ấn phẩm xuất bản trở lại sau hai kỳ tạm ngưng – NỘI THẤT SỐ 312.
Nhiếp ảnh gia Quang Trần
Đại dịch covid đã làm thay đổi thế giới mãi mãi, xét trên nhiều phương diện văn hóa, xã hội, kinh tế… Nó tác động đến mọi lĩnh vực nghề nghiệp.
Bản thân Quang làm công việc Nhiếp ảnh Kiến trúc cũng đã qua giai đoạn thử thách và khó khăn.
Tính chất công việc phải di chuyển nhiều và làm việc trực tiếp tại dự án nên tình hình dịch bệnh ảnh hưởng khá lớn. Đặc biệt trong khoảng thời gian từ đầu tháng 6-2021 đến 10-2021 công việc đóng băng vì không thể đi lại.
Trước đây Quang vẫn tâm niệm một điều “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Trải qua giai đoạn này nhìn lại mới thấy suy nghĩ đó không còn phù hợp với tình hình hiện tại, mình nên suy nghĩ điều chỉnh cho phù hợp hơn mới có thể tồn tại trong khó khăn…
Dịch bệnh lấy đi mất nhiều thứ nhưng cũng mang lại nhiều thứ hay ho. Thời gian ở bên gia đình nhiều hơn, thời gian nhìn lại nhiều hơn và nhận ra những nhu cầu thiết yếu và cơ bản nhất. Cũng chính vì điều này, Quang nghĩ sau đại dịch những giá trị cốt lõi và chân phương nhất sẽ được đề cao hơn trong cuộc sống, đó cũng là định hướng trong nghề nhiếp ảnh mà Quang hướng tới.
Kiến trúc sư Nguyễn Việt Triều | CEO của PT&T Group
Không như các quốc gia khác, ảnh hưởng của covid-19 được dự báo trước cho doanh nghiệp Việt Nam nhờ vào độ trễ nhất định so với thế giới. Tuy nhiên sức ảnh hưởng của nó tàn khốc không kém các quốc gia khác bao nhiêu. Thậm chí, vì thiếu vaccine nên sức tàn phá của đại dịch trở nên nghiêm trọng cho Việt Nam.
Chính vì được dự báo trước, doanh nghiệp của tôi cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý và kế hoạch để có thể thích ứng và đối phó. Đặc thù là một doanh nghiệp vừa thiết kế, vừa sản xuất, thi công nên tại Đam San (một trong những thương hiệu của PT&T Group), công việc bị gián đoạn rất nhiều. Thời điểm giãn cách, chính vì chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất ba tại chỗ mà nhân sự của Đam San bị mắc kẹt tại cả công trình và nhà xưởng khi nhà nước buộc giới nghiêm ở khoảng thời gian đỉnh dịch. Xưởng sản xuất tại Bình Dương, trụ sở văn phòng tại Thủ Đức còn công trình rải rác các tỉnh nên việc phối hợp phải nhịp nhàng thông qua trao đổi online. Đỉnh điểm, các dự án đều phải làm cầm chừng hoặc dừng toàn bộ, các đơn hàng không thể bàn giao hay nhận thêm dù mọi thương thảo đã đi đến hợp đồng. Đam San đã xác định chỉ ký kết khi tình hình nhân sự ổn định.
Để duy trì hoạt động ở mức tối thiểu, tại công ty chúng tôi đã tập trung vào hoạt động thiết kế và rà soát, kiểm tra lại hệ thống, quy trình cũng như cải tiến, mổ xẻ các điểm vướng mắc mà trước đây gặp phải. Chính quãng thời gian không bị áp lực về tiến độ hay tâm lý chạy theo KPI, tôi đã nhìn nhận ra được nhiều điều đáng quý để áp dụng sắp tới.
Tôi nhận ra một điều, cần làm tốt nhất những gì mà mình chắc chắn làm được, đây là chìa khóa để duy trì doanh nghiệp và cũng là con đường bền vững mà Đam San xác định từ lúc thành lập. Nay được thử thách thêm lần nữa, thật kinh hoàng.
Kiến trúc sư Vũ Hoàng Kha | Giám đốc Aplus Architects
Những khó khăn là không thể tránh khỏi. Như chúng tôi thì nó liên quan đến ba vấn đề: nguồn việc, dòng tiền và nhân sự.
Về nguồn việc: Trước khi dịch diễn ra, số lượng hợp đồng đang triển khai của Aplus là rất nhiều. Mặc dù doanh nghiệp thiết kế sẽ bị ảnh hưởng chậm hơn các ngành nghề hoạt động trực tiếp, nhưng khách hàng của chúng tôi phần lớn là các tập đoàn bất động sản và các cá nhân là chủ các doanh nghiệp vừa và lớn nằm trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Biên Hòa… nên khi đại dịch diễn ra, dường như họ đều tập trung chống dịch cho doanh nghiệp của mình. Từ tháng 6-2021, hồ sơ thiết kế chúng tôi đến họ đều gặp tình trạng chờ duyệt. Vì vậy các bước tiếp theo đều không thể triển khai.
Về dòng tiền: Vì các hồ sơ đều đồng loạt không được nghiệm thu nên dòng tiền về của các dự án thiết kế đang triển khai là hầu như không có từ tháng 6 đến tháng 9. Các khoản công nợ cũ thu hồi về được cũng chỉ rất hạn chế do tâm lý phòng thủ chuẩn bị ứng phó với đại dịch của tất cả mọi người. Các đối tác cũng bắt đầu khó khăn nên gia tăng áp lực công nợ phải trả lên công ty nhiều hơn. Trong khi chi phí hàng tháng vẫn phải thanh toán các khoản cố định và vận hành doanh nghiệp.
Về nhân lực: Xuất hiện tâm lý lo lắng về dịch bệnh khi mọi người bắt đầu ít giao tiếp, rất nhạy cảm với tiếng ho hoặc ai đó bị cảm. Và khi tất cả phải ở nhà theo chỉ thị Nhà nước thì lương thực thực phẩm lại là vấn đề lớn. Và cả tâm lý hoang mang khi thông tin số ca nhiễm và tử vong ngày một tăng mất kiểm soát.
Đối diện với các vấn đề trên, chúng tôi cũng có một số giải pháp:
Chuyển sang mô hình làm việc online. Từ đầu tháng 5 đã cho nhân viên làm việc ở nhà, thậm chí đồng ý cho các bạn đem máy công ty về nhà. Cũng may mắn là công ty đã áp dụng chuyển đổi số từ trước nên gần như không ảnh hưởng gì đến năng suất và hiệu quả làm việc. Họp online toàn bộ công ty vào mỗi thứ hai đầu tuần và team điều hành vào chiều thứ sáu là cách để luôn giữ được sự tương tác tập thể cũng như kiểm soát mọi kế hoạch một cách tốt nhất. Luân chuyển nhân sự sang số ít dự án còn đang triển khai được để rút ngắn tiến độ là giải pháp tối ưu nguồn việc.
Về dòng tiền: Chúng tôi bắt buộc phải thực hiện chính sách bảo toàn tiền mặt đang có, cố gắng chăm sóc để thu hồi một ít công nợ cũ, giãn chi các khoản không ưu tiên và giảm tất cả các chi phí cố định. Trong đó đáng kể nhất là điều chỉnh giảm bớt 30-50% giờ làm từ tháng 8 và tháng 9.
Về đời sống nhân viên: Công ty vẫn trả lương cho các bạn không tham gia triển khai công việc để ổn định đời sống. Truyền thông nội bộ liên tục về các giải pháp ứng phó khi bản thân nhiễm covid. Cung cấp các nguồn hỗ trợ khả thi và tin cậy để ổn định tâm lý anh em. Chuyển đến kịp thời mỗi bạn một thùng thực phẩm trong thời điểm khan hiếm nhất. Các hoạt động chia sẻ về phát triển bản thân và đời sống tinh thần luôn diễn ra suốt mùa dịch trong các nhóm nội bộ.
Chúng tôi vẫn tin rằng sau giai đoạn nén lại do dịch bệnh thì nhiều khả năng nguồn việc mới sẽ bung ra rất mạnh khi xã hội quay lại guồng vận động. Vì vậy bảo toàn và phát triển chiều sâu nhân lực, tối ưu về quản lý vận hành sẽ giúp công ty nắm bắt thêm nhiều cơ hội mới. Dịch bệnh là một khoảng lặng rất lâu và sâu, giúp chúng ta nhìn nhận mọi thứ rõ ràng về các giá trị thật, các giá trị mà ở điều kiện bình thường chúng ta dễ bỏ qua hoặc dành rất ít thời gian cho nó, ví dụ như sự quan tâm cho gia đình. Dịch bệnh nhắc nhở chúng ta mọi thứ rất vô thường, phải biết trân trọng hơn nữa những gì mình đang có. Dịch bệnh cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại bản thân mình một cách thật nhất. Cơ hội để hiểu rõ bản thân mình, cái mình thật sự quan tâm nhất, cái mình có thể làm tốt nhất và cái mình đem lại nhiều giá trị nhất cho cuộc đời.
Họa sĩ Viết Hoàng | ZoneV, Pouring Art
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, ZoneV cũng không ngoại lệ, làm trong lĩnh vực mỹ thuật nên chúng tôi cũng bị ảnh hưởng gián tiếp do các ngành xây dựng, kiến trúc, nội thất đang tạm dừng hoạt động bởi Covid-19. Thách thức lớn nhất để đảm bảo cho xưởng vẽ vượt qua giai đoạn khó khăn là làm sao duy trì được đời sống của xưởng vẽ trong thời gian giãn cách xã hội và trở lại sản xuất khi nhà nước cho phép hoạt động tiếp tục. Ngoài các chi phí cố định như kho bãi vẫn phải đảm bảo thì bên ZoneV cũng hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt cho đội ngũ anh em họa sĩ để cùng công ty chia sẻ khó khăn.Đối với tôi, thời gian này lại tạo điệu kiện tốt để dành cho gia đình và bạn bè. Nếu như những ngày chưa có dịch, tôi thường bận rộn với đống màu ở xưởng và bị cuốn đi với công việc của mình thì nay vì dịch bệnh, những thay đổi thói quen thường ngày như một khoảng dừng lại cần thiết trong cuộc sống mà mình ít nhận ra, nhờ vậy mà sống cho gia đình nhiều hơn.
Đợt dịch này cũng là dịp để ZoneV có nhiều thời gian nhìn lại những điểm chưa được hoàn thiện trong các sản phẩm của mình nhằm thực hiện tốt hơn trong các dự án sắp tới. Quãng thời gian này chúng tôi cũng toàn tâm toàn ý dành cho việc chuẩn bị góc trưng bày các sản phẩm đặc trưng của ZoneV tại C space- interior center Quận 7 vào tháng 11-2021 tới, qua đó giới thiệu các sản phẩm mỹ thuật của mình đến gần hơn với các chủ đầu tư, các nhà thiết kế và các kiến trúc sư.
Hiện tại, tình hình kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam cũng đang có những biến chuyển tích cực, hi vọng kinh tế Việt Nam mau chóng phục hồi và mọi người sẽ sống chung an toàn với Covid-19.
Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Nghĩa | Founder & CEO Công ty TNHH XD&NT Sen Mộc
Đối với Sen Mộc, khó khăn đầu tiên phải kể đến trong hai năm trải qua dịch bệnh Covid-19 là sự mất cân đối tài chính, dòng tiền âm vì doanh nghiệp phải gánh chi phí mặt bằng xưởng, mặt bằng văn phòng, lương công nhân ở xưởng, lương nhân sự ở khối văn phòng, các khoản nợ của ngân hàng… Đây là khó khăn lớn nhất và cũng chính là nguyên nhân dẫn đến mọi khó khăn khác kế tiếp như: thiếu hụt lao động, thiếu hụt nguồn vốn tái sản xuất, thiếu hụt vật tư… Đó là những khó khăn về vật chất. Về mặt tinh thần còn đáng sợ hơn. Tôi luôn cảm thấy hoang mang, mất phương hướng và lo lắng cho tương lai của doanh nghiệp mình có nguy cơ phải đóng cửa nếu tình trạng dịch bệnh cứ kéo dài.Nhưng người xưa có câu “còn người thì còn của”. Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp này thì mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là bảo toàn nhân sự. Công ty đưa ra các chính sách để hỗ trợ người lao động, để họ an tâm chống dịch và đảm bảo quay trở lại làm việc trong giai đoạn bình thường mới. Trong thời gian cả nước thực hiện chỉ thị 16, ban lãnh đạo công ty làm việc tại nhà dành toàn thời gian xây dựng và củng cố lại các quy trình hệ thống sản xuất nhằm khắc phục các hạn chế đang tồn tại để đạt được hiệu quả tối ưu nhất sau khi khôi phục sản xuất.
Chúng tôi lấy khó khăn đi qua làm cơ hội để nhìn lại mình, rà soát, kiểm điểm và tìm cách điều chỉnh để hoàn thiện mình tốt hơn. Lúc khó khăn nhất chính là lúc mà chúng tôi đã nhận ra rõ ràng nhất về sự yêu thương và đoàn kết của cả công ty. Từ đó, chúng tôi gần gũi nhau hơn, thấu hiểu nhau hơn và chính những điều đó đã tạo ra một tập thể có sức mạnh đoàn kết rất lớn, không những giúp cho công ty vượt qua đại dịch mà tôi tin rằng chính sức mạnh này là yếu tố quan trọng nhất để đưa công ty phát triển vượt bậc sau khi tái khởi động trở lại. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng sau đại dịch thì ngành xây dựng sẽ tăng trưởng rất mạnh, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Cho nên, chúng ta không nên lo lắng về nguồn việc mà điều cấp bách ngay bây giờ chính là tập trung cho công tác chuẩn bị thật tốt để đón đầu các cơ hội vào cuối năm 2021 và cả năm 2022.
KTS Huỳnh Thị Quốc Hương | Giám đốc thiết kế Công ty Ong&Ong
Đại dịch là một sự gián đoạn lớn cả về tinh thần lẫn hoạt động của con người, nó làm thay đổi suy nghĩ của mọi người theo nhiều chiều hướng khác nhau và là một trải nghiệm khó quên. Với riêng tôi, tôi tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ: một người làm thiết kế cảnh quan, một người phụ nữ, một người mẹ. Lần đầu tiên trong đời tôi sống quanh quẩn gian bếp 4 tháng, thiếu thực phẩm, nhớ người thân và cũng không còn muốn biết mùi vị hạnh phúc khi quan sát đồng nghiệp và những người thân yêu lâm nạn.
Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng trong tất cả các nguy cơ hay rủi ro đều mở ra những cơ hội. Như dịp này cho chúng ta quan sát sâu sắc hơn và thay đổi cách tư duy thiết kế để ngày càng phù hợp, gần gũi với thiên nhiên và môi trường. Vai trò của nhà thiết kế cảnh quan là tạo ra các hoạt động kết nối và sáng tạo của con người trong một dự án. Qua 4 tháng trong ngôi nhà của mình, tôi nghĩ là đã đến lúc cần tập trung, thay đổi cũng như tư duy lại cách chúng ta thiết kế không gian cảnh quan cho một dự án. Nó không những đẹp mà cần phải hữu ích, phục vụ thiết thực cho đời sống. thay vì chỉ là cây xanh, là công viên thì có thể nó là những khu vườn cộng đồng, ít ra nó sẽ cung cấp một phần thực phẩm rau xanh và trái cây cho cư dân ở đó một cách cơ bản nhất trong tình huống gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu thông như đợt giãn cách xã hội vừa qua và ngay cả trong tình hình bình thường mới. Hoạt động cộng đồng ở vườn rau và trồng cây ăn quả trong các khu công viên hay dự án không những làm cho chúng ta khỏe mạnh về thể chất mà tinh thần cũng hưng phấn hơn khi được kết nối an toàn với mọi người. Điều này có thể chưa được áp dụng ở Việt Nam nhưng ở Singapore, tôi đã từng thiết kế dự án SengKang garden và dùng toàn bộ sân thượng làm những khu vườn cộng đồng trồng rau và cây ăn quả phục vụ cho cư dân ở đó. Bằng cảm nhận và quan sát thực tế, tôi thấy việc đưa những khu vườn cộng đồng vào dự án và công viên là cần thiết. Nó không những nuôi dưỡng các giá trị cộng đồng mà còn góp phần cải thiện rất lớn cảm giác hạnh phúc cho cộng đồng.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, những người làm nghề thiết kế chúng tôi thường xuyên động viên nhau. Có một người bạn Singapore đồng thời là cố vấn cá nhân của tôi đã gửi cho tôi hai tấm hình mà nó gợi cho tôi suy nghĩ đến nhiều thứ. Nhưng đơn giản và cơ bản nhất là nó đã nhắc tôi nghĩ đến việc là sau này, khi thiết kế một gian bếp thì cùng với các chức năng cần thiết hằng ngày, chắc tôi sẽ tích hợp vào đó một kho nhỏ gọn vừa vặn chứa đủ gạo và mắm muối, gia vị… ít ra đủ dùng trong một tháng khi có dịch bệnh trong cộng đồng. Và như vậy, nhu cầu tỉ lệ diện tích cũng như cách phân chia gian bếp nên được ưu tiên hơn là các không gian khác. Vì suy cho cùng chúng ta cần cái bếp, cần dăm mét vuông ban công trồng rau hơn là các không gian sinh hoạt khác.
Dịp này cũng là quãng thời gian tôi được quan sát và sống với con mình nhiều hơn. Suốt thời gian dịch bùng phát, tôi thấy con trai của mình may mắn khi trong nhà có tủ sách gia đình, lego, hai khối rubik và vài chậu cây nhỏ. Tôi đã thấy phấn khởi hơn khi con trai đã có thói quen tưới cây mỗi sáng sớm và thi thoảng lên sân thượng để ngắm nhìn trời sao khi buồn khi vui. Tôi nhận ra rằng những thói quen mới ở con mình đang dần định hình nên những giá trị tốt đẹp và sẽ theo con mình trong suốt phần đời còn lại.
Ông Cần Hàn | Đồng sáng lập, Giám đốc khối dự án Công ty Cổ phần Unity Architects
Unity Architects chuyên về thiết kế và thi công trọn gói (Design & Build) mảng văn phòng, khách hàng là các công ty, tập đoàn nước ngoài nên trong quá trình thực hiện dự án của họ ở thời điểm đại dịch, chúng tôi đối diện với thách thức lớn về tiến độ, về chi phí, về giải pháp phòng chống dịch. Họ có quy trình, lộ trình chuyển dịch văn phòng một cách bài bản, chính xác từng ngày, từng giờ… do vậy chúng tôi đối diện với bài toán về tiến độ thi công cực kỳ gắt, phải họp hành liên tục, tính toán phương án phù hợp nhất và tư vấn ngược lại cho khách hàng. Thú thật, có những hôm vừa đề xuất sáng kiến này để áp dụng thì chỉ một, hai ngày sau đã phải suy nghĩ ý tưởng mới vì tình hình dịch Covid-19 chuyển biến, các quyết định của chính phủ đã thay đổi nên doanh nghiệp chúng tôi cũng bị động.
Có những khách hàng phải dừng lại kế hoạch dịch chuyển văn phòng và hủy toàn bộ cả quá trình cộng tác bấy lâu của cả hai bên, khách hàng cũ thì tính các phương án thu hẹp diện tích thuê, thậm chí có một số khách buộc phải trả lại mặt bằng vì chi phí thuê rất lớn mà đại dịch Covid-19 đã bóp nghẹt họ… đứng trước bao nhiêu xáo trộn, mỗi doanh nghiệp chúng tôi phải tự an ủi mình, ít nhất là mình còn an toàn và có thể sống sót…
Tuy nhiên, đã là doanh nghiệp thì cuối cùng vẫn phải quay lại bài toán về chi phí, về giải pháp đối mặt với những khó khăn do điều kiện “bất khả kháng” là dịch Covid-19 gây ra. Unity cũng không ngoại lệ. Tháng 7-2021, chúng tôi đã thống nhất biện pháp cắt giảm giờ làm, vì thực ra lúc đó Sài gòn lockdown và các dự án Unity đang theo đều đứng lại hết, chỉ vài dự án đang ở giai đoạn đấu thầu nên nguồn việc chỉ tập trung vào một số cá nhân phụ trách dự án đó… Rất may là anh em đã rất đoàn kết, đồng lòng san sẻ khó khăn với công ty khi áp dụng biện pháp mới này. Và từ đó chúng tôi chỉ gặp nhau qua Zoom, Google Meet vào mỗi buổi sáng, mọi cuộc họp đều được thực hiện qua mạng internet… Ưu tiên của Ban điều hành Unity thời điểm đó là tiêm đủ vaccine cho toàn bộ nhân viên. Chúng tôi đã hoàn thành 100% mũi 2 vào giữa tháng 9 đúng mục tiêu đặt ra. Việc làm ý nghĩa nhất mà Công đoàn ở Unity đã thực hiện được trong mùa dịch là làm những phần quà Thực phẩm yêu thương gửi đến từng thành viên Unity. Với nhân viên công ty dù là cắt giảm giờ làm thì chúng tôi vẫn đảm bảo điều kiện thu nhập tối thiểu cho người có thu nhập thấp nhất để có đủ chi phí ăn uống, trang trải sinh hoạt trong mùa dịch này.
Đối với các khách hàng đang thi công dở dang, Unity đưa ra các cam kết về tiến độ hoàn thành ngay sau khi được chính phủ cho phép đi làm lại với điều kiện bình thường mới và đến thời điểm này các dự án Unity thực hiện đã quay trở lại bình thường.
Khi Sài Gòn mở cửa trở lại kèm các điều kiện như chứng nhận vaccine hay các xét nghiệm thì khó khăn của chúng tôi là ở các công nhân công trình, vì mỗi tuần mà làm xét nghiệm ba lần, chi phí rất lớn, trong khi đó tất cả các công trình văn phòng chúng tôi thực hiện đều nằm trong tòa nhà hạng A, hạng B của thành phố, việc kiểm soát an toàn rất nghiêm ngặt. Một khó khăn lớn lúc này là thiếu nguồn lao động chân tay khi họ rời thành phố về quê sau 4, 5 tháng chống đỡ với dịch. Chúng tôi buộc phải chấp nhận những nhà cung cấp có đủ nguồn nhân lực với chi phí cao hơn vì mục tiêu là giữ uy tín với khách hàng.
Những cơ hội nào đã được nhìn thấy và kế hoạch nào cho ngày tháng sắp tới? Thực ra, với tình hình Covid-19 trên thế giới hiện nay thì buộc mỗi doanh nghiệp đều phải chuyển hướng, tìm cách, tìm phương tiện đi cho phù hợp hoàn cảnh, với trạng thái “bình thường mới” hơn. Chúng tôi xác định Niềm tin, Uy tín đi kèm đúng Chất lượng cam kết – chính là chìa khóa và là cơ hội để bước tiếp và phát triển vững mạnh hơn trong những năm tiếp theo. Đại dịch Covid-19 cũng loại bỏ, sàng lọc lại bớt những doanh nghiệp yếu kém, không thể vượt qua được cơn bạo bệnh này. Và đó chính là cơ hội cho những doanh nghiệp còn lại.
Kỹ sư Hoàng Vương | Giám đốc Công ty TNHH Giải Pháp Chiếu Sáng Kiến Trúc ORI LIGHTING
Là một đơn vị chuyên về các giải pháp chiếu sáng nên trong đại dịch Covid-19, Ori lighting cũng đối diện với những khó khăn chung của xã hội và một số đặc thù của ngành.
Trải qua ba đợt dịch đầu tiên từ tháng 2-2020 đến tháng 4-2021, mọi việc đối với Ori vẫn nằm trong tầm kiểm soát, thậm chí đà tăng trưởng vẫn ở mức khá cao. Mặc dù chúng tôi cũng đã nhận thấy có nhiều dấu hiệu của sự khó khăn như: Chi phí vận chuyển trong nước và quốc tế, thủ tục logistics đều tăng cao, tỉ giá ngoại tệ thay đổi liên tục, chi phí đầu tư cho dự án cũng bị chủ đầu tư cân nhắc cắt giảm… Đặc biệt là sự khủng hoảng của chip bán dẫn trên toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ cung ứng của các đối tác sản xuất, dẫn đến việc giao hàng chậm trễ vượt ngoài dự tính. Điều này phần nào cũng làm ảnh hưởng chung đến tiến độ hoàn thiện bàn giao công trình của đối tác là các chủ đầu tư và nhà thầu chính.
Tuy nhiên, những vấn đề khách quan như trên cũng chẳng là gì so với đợt dịch thứ bốn này. Ori cũng không tránh khỏi chịu sự tác động nghiêm trọng. Tất cả mọi thứ đều rơi vào tình trạng “đóng băng” theo đúng nghĩa đen. Toàn bộ các công trình đều buộc phải đóng cửa tạm dừng mà không biết khi nào được thi công trở lại. Hoạt động vận tải, di chuyển bị thắt chặt dẫn đến việc không thể bàn giao các công trình hoàn thiện. Dòng tiền đầu vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến tắc nghẽn việc trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động kinh doanh. Thêm vào đó là sự ảnh hưởng lớn đến tâm lý và tinh thần của toàn thể nhân viên. Những lần gia hạn giãn cách cứ nối tiếp nhau và không có dấu hiệu đến hồi kết. Mọi người thật sự đã rất dũng cảm để chấp nhận và vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Sau thời gian giãn cách gần 4 tháng, phần lớn các đối tác đều kiệt quệ khó khăn do các khoản chi phí duy trì bộ máy doanh nghiệp. Dòng tiền để xoay vòng vốn đầu tư là vấn đề nhức nhối khi vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể từ nhà nước. Đồng thời, tình trạng thiếu nhân sự nghiêm trọng cũng ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phục hồi.
Qua đó, Ori Lighting thấy được là cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phải dự trù cả những tình huống xấu hơn nữa để làm cho doanh nghiệp phục hồi quay lại trạng thái bình thường với sức sống mới.
Vì vậy, chia sẻ tài nguyên sẵn có cùng các đối tác bằng nhiều hình thức như: chia sẻ nhân sự, chia sẻ mặt bằng kinh doanh, kho bãi, cung cấp hàng hóa dịch vụ trước, gia hạn thời gian quyết toán, cắt giảm bớt các chi phí không thiết yếu… cũng chính là cách tự tạo ra dòng tiền cho doanh nghiệp và xã hội.
Với Ori Lighting, liên kết doanh nghiệp của những ngành nghề có tính chất tương đồng cần được đẩy mạnh để tận dụng tối đa việc chia sẻ tài nguyên và lợi thế của mỗi doanh nghiệp. Chúng ta cần phải thay đổi linh hoạt theo thực tế bằng những nguồn lực hiện có để góp phần thúc đẩy guồng quay tài chính vận hành lại. Khi đó, mọi việc sẽ lại vào trật tự của nó.
Theo tôi, chúng ta nên xem đại dịch lần này như là sự sàng lọc và là dấu chỉ cho sự phát triển bền vững với tự nhiên. Các cơ hội vẫn còn đó và vẫn chờ chính chúng ta tự khai thác bằng cách làm sáng tạo hợp lý. Cơn bão nào rồi cũng sẽ tan, mặt trời lại rạng rỡ. Chúng ta hãy cùng đặt niềm tin và hy vọng vào bản lĩnh của mỗi người để vượt qua đại dịch này.