Hạnh phúc là đây…

Với chủ đề “Tôn vinh nét đẹp Văn hóa Việt”, đây là đám cưới tập thể lần thứ tư, là đám cưới lớn nhất từ trước đến nay dành cho thanh niên công nhân do Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân (gọi tắt là Trung tâm) thuộc Thành đoàn TP.HCM tổ chức.

Chú rể Nguyễn Văn Trung quê Quảng Bình và cô dâu Nguyễn Thị Thảo quê Bình Định tranh thủ chụp hình để khoe với bạn bè

Buổi sáng cùng ngày, trong niềm hân hoan, các đôi uyên ương có cuộc diễu hành bằng xe hoa trên các tuyến đường trung tâm thành phố, thực hiện nghi lễ dâng hoa tại tượng đài Bác Hồ trước UBND TP.HCM và sau đó di chuyển đến Trung tâm Hội nghị Grand Palace để tổ chức lễ cưới. Sự kiện này nhận được sự quan tâm và ủng hộ rất nhiều của cộng đồng, bởi nó có ý nghĩa không chỉ giữ gìn và tôn vinh những nét đẹp của lễ cưới truyền thống Việt Nam, loại bỏ những hủ tục phong kiến nặng nề, lạc hậu mà qua đó đề cao lối sống văn minh, tiết kiệm trong giới trẻ. Hơn nữa, ngày trọng đại của các bạn trẻ được tròn đầy hơn, hạnh phúc hơn khi được sự chia sẻ, hỗ trợ từ tinh thần đến vật chất của các mạnh thường quân. Đó là nguồn động viên rất lớn để các bạn phấn đấu sống tốt hơn để trảơn cuộc đời.

Anh Ngô Thành Phương và chị Trương Thị Hiếu không nghĩ được mình có một đám cưới long trọng như thế này

Nhận giấy chứng nhận đăng ký kết hôn

Ông Huỳnh Ngô Tịnh – Trưởng Ban tổ chức cho biết, xuất phát từ việc chăm lo đời sống cho công nhân bằng việc đồng hành, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với các bạn trẻ trên bước đường lập nghiệp mà Trung tâm có sáng kiến tổ chức đám cưới tập thể. Lần đầu tiên vào năm 2008, Trung tâm chỉ tổ chức cho khoảng chục cặp đôi, nhưng nhu cầu tăng dần, đến năm 2011 có 80 cặp và từ đó, Trung tâm quyết định xem đó là hoạt động định kỳ, tiến hành tổ chức hằng năm. Năm nay, thông tin về đám cưới tập thể được phổ biến rộng rãi đến công nhân, người lao động khá sớm, ưu tiên cho những người có thu nhập thấp, có thành tích tốt trong lao động, người khuyết tật… nên số lượng người tham gia tăng đáng kể. “Để tổ chức một đám cưới đông như thế này là điều không đơn giản. Chúng tôi biết thế nhưng vẫn phải cố gắng hết sức mình. May mắn là chúng tôi có được sự đồng hành, ủng hộ của nhiều mạnh thường quân. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà các doanh nghiệp vẫn chung tay hỗ trợ với chúng tôi vì hoạt động xã hội là điều rất đáng quý. Chúng tôi không hướng đến số lượng lập kỷ lục năm sau cao hơn năm trước mà chủ trương đi vào chiều sâu, tăng chất lượng hỗ trợ hơn. Không chỉ tổ chức đám cưới, vì đám cưới chỉ là mới bắt đầu, chúng tôi muốn và sẽ đồng hành với các bạn trong cuộc sống sau hôn nhân” – ông Ngô Tịnh bày tỏ.

Hạnh phúc trong mắt cặp đôi Nguyễn Cẩm Tú và Phan Thị Quý

Cặp đôi chú rể Ngô Văn Đức quê An Giang và cô dâu Phan Thị Minh Kha quê Vĩnh Phúc sau sáu năm quen nhau nay đã thành vợ chồng

Các mạnh thường quân đó là Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới Grand Palace tài trợ địa điểm, doanh nghiệp vàng Kim Hương tài trợ nhẫn cưới, Tập đoàn Tôn Hoa Sen tài trợảnh cưới, Công ty áo cưới Lê Huy hỗ trợ áo cưới, cả việc trang điểm, hoa tươi, kỷ niệm chương, quà… đều được các doanh nghiệp tài trợ. Tổng kinh phí cho đám cưới tập thể này trên 2,5 tỉ đồng. Có mặt tại lễ cưới, nhiều người đã xúc động khi thấy vẻ rạng ngời hạnh phúc qua ánh mắt của cặp đôi Nguyễn Cẩm Tú và Phan Thị Quý khi cả hai bạn đều là người khuyết tật câm điếc. Hay như anh Ngô Thành Phương và chị Trương Thị Hiếu, ở vào cái tuổi trên bốn mươi, qua mai mối mới đến được với nhau, bởi anh cũng bị khuyết tật, không đứng thẳng được trên đôi chân của mình. Và rất nhiều bạn trẻ, mỗi bạn ai cũng có những hoàn cảnh khó khăn nên dù yêu nhau đã mấy năm, mỗi lần nghĩ đến chuyện cưới xin lại phải đong đếm khoản tiền lương ít ỏi mà ngậm ngùi. Bởi vậy, đám cưới này là kỷ niệm lớn nhất trong đời với những công nhân tỉnh lẻ, mang tiếng làm ở thành phố nhưng chưa bao giờ biết đến trung tâm thành phố. Hạnh phúc lâng lâng cứ ngỡ như một giấc mơ…

 

Sân khấu kỷ lục dài 50m cho 120 cặp đôi làm lễ

Tập trung chuẩn bị làm lễ

Ngoài 120 đôi uyên ương may mắn có mặt trong lễ cưới tập thể, còn có nhiều cặp đôi khác muốn tham gia nhưng lại gặp trở ngại khiến họ không thể hiện diện với vai trò cô dâu, chú rể được. Biết tin đám cưới tập thể, ông Mai Kim Sơn, 93 tuổi ở TP.HCM (quận Bình Thạnh) – người thành “chú rể hụt” nổi tiếng trong mấy ngày qua đã viết đơn tham gia, mong muốn cùng người bạn đời chắp nối là bà Lý Thị Thu, 66 tuổi được “danh chính ngôn thuận”. Ông bị từ chối với lý do đã hết hạn đăng ký, ban tổ chức đã chốt đủ danh sách và hoàn tất khâu chuẩn bị, điều này khiến ông thất vọng và nhiều người cũng lấy làm tiếc cho ông. Với trường hợp đặc biệt này, ban tổ chức cho biết họ có mời ông tham dự trong chương trình dã ngoại của các cặp đôi để chia sẻ kinh nghiệm sống với các bạn trẻ.

Chụp hình lưu niệm trước tượng đài Bác Hồ

Được biết, mỗi cặp thanh niên công nhân tham gia lễ cưới chỉ đóng góp tượng trưng số tiền một triệu đồng. Trong lễ cưới, các đôi vợ chồng được tặng một thẻ ATM có tài khoản hai triệu đồng, một bàn tiệc, ảnh cưới và một cặp nhẫn cưới trị giá 2,8 triệu đồng, Đặc biệt, mười cặp đôi khó khăn nhất còn được tặng mười cặp nhẫn cưới kim cương nhân tạo trị giá tám triệu đồng mỗi cặp. Trong chương trình, sau tiệc cưới, các đôi uyên ương còn được tài trợ đi hưởng trăng mật kết hợp với lớp tập huấn kỹ năng về xây dựng gia đình hạnh phúc tại Cần Giờ.

Nâng ly rượu mừng

Ngay trong lễ cưới, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đã đại diện sách kỷ lục Việt Nam công bố, xác lập kỷ lục đây là đám cưới lớn nhất Việt Nam. Bác Tạo, đã ngoài bảy mươi tuổi, người thân của một bạn trẻ vui mừng nói: “Tôi sống tới từng tuổi này mới tham gia một đám cưới đông vui và ý nghĩa như thế. Đây đúng là việc làm văn minh, nghĩa tình, đáng tự hào là thành phố đi đầu trong cả nước”.

Thu ngân

Ảnh Thanh Tuấn – Chế Trung – Thanh An

Exit mobile version