Một khi quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu thu được những kết quả khích lệ, ngành ngân hàng sẽ thực sự bước vào một thời kỳ phát triển mới.
Năm 2013 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với các tổ chức tín dụng, đến mức đã có những lo ngại về một sự đổ vỡ, hay chí ít cũng là sự phá sản của một vài ngân hàng. Nhưng điều đó đã không xảy ra, hệ thống vẫn đứng vững và những con số thể hiện kết quả kinh doanh của đa số ngân hàng thương mại năm qua là khá khả quan. Đặc biệt, người gửi tiền vẫn đặt niềm tin vào hệ thống ngân hàng, với số tiền gửi tiết kiệm không ngừng tăng lên. Bên cạnh việc suy thoái kinh tế, các kênh đầu tư khác ngoài gửi tiết kiệm không hấp dẫn, còn có nguyên nhân hệ thống ngân hàng vẫn tạo được niềm tin từ phía người gửi. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong năm 2013 tăng tới hơn 18%, trong khi mức tăng trưởng tín dụng chỉ 12,51%, chứng tỏ nhiều ngân hàng sẽ xảy ra tình trạng thừa vốn. Thế nhưng nhờ các ngân hàng thương mại nắm giữ thị phần lớn trên thị trường đều có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức chung của hệ thống (từ 14 – 16%) nên nhìn chung tình trạng thừa thanh khoản là không đáng ngại. Vậy nên, ngay từ những ngày đầu năm âm lịch, nhiều ngân hàng đã triển khai các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người gửi. Những khoản tiền gửi lớn còn được cộng thêm lãi suất từ 0,5 – 1%/năm.
Vì sao tốc độ huy động tiền gửi lớn hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng mà các ngân hàng vẫn tích cực huy động vốn? Năm nay, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp dự báo sẽ tăng mạnh theo sau sự khởi sắc của nền kinh tế, trong khi lạm phát khó giảm thêm nếu không muốn nói là có nguy cơ tăng. Điều này đồng nghĩa với việc mức lãi suất huy động dao động từ 7 – 8%/năm được cho là khá rẻ so với các năm trước và so với mức lạm phát hiện nay. Với mức lãi suất này, những ngân hàng kinh doanh hiệu quả vẫn thu được lợi nhuận cao từ hoạt động huy động tiền gửi – cho vay. Nhiều người còn cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước thả nổi lãi suất các kỳ hạn ngắn (hiện mới chỉ thả nổi ở các kỳ hạn dài) thì sẽ khó tránh một cuộc đua huy động giữa các ngân hàng.Tuy nhiên, chữ “nếu” này có lẽ không xảy ra.Đại diện Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết vẫn sẽ điều hành lãi suất và tỷ giá ở mức phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là diễn biến của lạm phát.Nếu điều kiện thị trường diễn biến thuận lợi, các mức lãi suất cho vay có thể được các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm thêm 1 – 2%/năm để hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng trần lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định.
Do thị trường vốn nước ta chưa phát triển, khả năng đa dạng hóa nguồn vốn huy động của doanh nghiệp còn hạn chế, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay từ ngân hàng, kể cả nguồn vốn trung và dài hạn. Vậy nên việc mặt bằng lãi suất giảm khá mạnh so với vài năm trước đã tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Dù bản thân các doanh nghiệp thời gian qua đã tự tái cấu trúc, nâng cao trình độ quản lý, phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý hơn, nhưng họ vẫn mong lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ giảm nữa và giảm đi 1 – 2%/năm cũng đã là một sự trợ giúp rất lớn. Nhìn chung, một mặt bằng lãi suất huy động – cho vay duy trì ổn định ở mức 7 – 10%/năm được xem là phù hợp với bối cảnh kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Minh Hằng