Dòng thời sự

Sáng 21-6, với 99,2% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam, sau khi đã thảo luận, cho ý kiến vào giữa kỳ họp vừa qua.

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày trước khi thông qua, cho thấy đa số các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết ban hành luật này và nhiều nội dung của dự thảo luật.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Quốc hội đã tán thành với đề xuất của dự thảo, trong đó có quy định rõ về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngay tại điều 1 của Luật.

Đặc biệt, sau khi tiếp thu ý kiến các đại biểu, ban soạn thảo đã cho bổ sung thêm nội dung về phạm vi điều chỉnh gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo, quần đảo được xác định theo quy định tại các điều 9, 11, 13, 15 và 17 của luật này và được thể hiện bằng hải đồ, bản kê tọa độ địa lý do Chính phủ công bố.

Về nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển, Luật Biển ViệtNamnói rõ “giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời là một nguyên tắc đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hiến chương ASEAN”.

Đối với chính sách quản lý và bảo vệ biển và quản lý nhà nước về biển, Luật chỉ rõ: “Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.

Luật Biển cũng tiếp tục quy định “đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam” là nhằm nhấn mạnh hơn nữa sự gắn bó, không thể chia cắt của bộ phận lãnh thổ này, khẳng định chủ quyền đầy đủ, toàn vẹn của nước ta đối với các đảo, quần đảo.

Trả lời báo chí về việc Trung Quốc phản đối Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định “Luật Biển Việt Nam vừa thông qua là một hành động lập pháp bình thường, chính đáng vì Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý và chứng cớ lịch sử về chủ quyền không thể tranh cãi tại hai quần đảo Trường Sa-Hoàng Sa trên Biển Đông”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh “Trường Sa-Hoàng Sa được đề cập đến trong Luật Biển Việt Nam không làm ảnh hưởng tới quá trình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông vì đây không phải là vấn đề mới mà chỉ tiếp nối các luật Việt Nam đã có trước đây”.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam và Thủ tướng Hun Sen của Campuchia đã cắt băng khánh thành cột mốc phân định biên giới trên bộ giữa hai nước hôm 24-6 tại cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên.

Tại buổi lễ với sự tham gia của khoảng 1.000 người gồm quan chức hai nước, hai thủ tướng đã kéo khăn phủ đỏ khai trương cột mốc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Cột mốc không chỉ mang ý nghĩa chính trị, xã hội… mà còn là điểm du lịch hấp dẫn không chỉ của hai nước và cho cả bạn bè quốc tế đến để hiểu rõ hơn truyền thống hữu nghị giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước”.

Ông Hunsen mong muốn: “Cột mốc 314 sẽ trở thành cơ sở cho tình hữu nghị mãi mãi và thúc đẩy sự phát triển của tất cả các cơ sở trên biên giới giữa hai nước”.

Mốc 314 nằm giữa tỉnh Kiên Giang của Việt Nam và Kampot của Campuchia được dựng nhân kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ngoài việc tham gia buổi lễ cắm mốc biên giới, hai thủ tướng ViệtNamvà Campuchia cũng đồng chủ trì hội thảo hợp tác đầu tư lần thứ ba giữa hai nước tại tỉnh Kiên Giang.

Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng từ mức 1,2 tỉ USD trong năm 2007 lên 2,8 tỉ USD trong năm ngoái.

 

Ảnh TTXVN

Các cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 (có thu nhập tính thuế đến 5 triệu, chiếm khoảng 73% số người đang nộp thuế hiện nay) sẽ được miễn trong vòng sáu tháng cuối năm. Như vậy những người có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng sẽ được miễn thuế thu nhập trong năm nay.

Đây là nội dung trong Nghị quyết về một số chính sách thuế tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân được Quốc hội thông qua với tỷ lệ ủng hộ 95,79%, trong phiên bế mạc kỳ họp thứ III chiều 21-6.

Quốc hội đã quyết định đưa ra chủ trương này với ba lý do là kích thích tiêu dùng (do lương tối thiểu hiện vẫn được đánh giá là thấp so với mặt bằng giá cả), thể hiện sự quan tâm, động viên của Nhà nước. Đồng thời, hiện số người nộp thuế bậc một chiếm hơn 70% nhưng chỉ đóng góp khoảng 10% vào nguồn thu. Do vậy, việc miễn thuế cho đối tượng này chỉ làm giảm thu ngân sách khoảng 1.900 – 2.000 tỉ đồng, không tác động lớn đến cân đối chi tiêu.

Ngoài ra, nghị quyết Quốc hội cũng cho giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm doanh nghiệp kinh doanh xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty).

Việc miễn thuế này cũng dự kiến được áp dụng với các đơn vị sử dụng nhiều lao động (sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng công trình hạ tầng kinh tế – xã hội).

Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu xung quanh khả năng tác động, tính công bằng… nhưng nghị quyết vẫn đề cập đến việc miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh thuê, hộ – cá nhân giữ trẻ, cung ứng suất ăn ca… Điều kiện kèm theo đối với các hộ – cá nhân này là phải giữ ổn định giá dịch vụ trong năm 2012.

Cùng với Nghị quyết 13 của Chính phủ trước đó, văn bản lần này của Quốc hội được xem là bước đi tích cực của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh.

Trang Business Insider vừa công bố danh sách 29 nền kinh tế nóng nhất toàn cầu. Danh sách này được dựa trên báo cáo sáu tháng một lần về triển vọng kinh tế toàn cầu được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây.

Với ước tính của WB về tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2013 ở mức 6,3% và 2014 là 6,5%, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 22 trong số 29 nền kinh tế nóng nhất thế giới hiện nay. Xuất khẩu là động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, với các sản phẩm chính là hàng dệt may, dầu mỏ, gạo, máy móc…

Cùng với Việt Nam, trong Top còn có sáu quốc gia khác ở Đông Nam Á, 16 nước châu Phi, ba nước Trung Á, hai quốc gia Mỹ Latin và một nước Trung Đông. Chín quốc gia trong Top dựa vào xuất khẩu dầu mỏ, trong khi năm quốc gia nhờ vào xuất khẩu vàng và kim cương, năm quốc gia coi du lịch là trọng điểm và năm nước xuất khẩu nông sản.

Đáng chú ý nhất, chỉ có ba quốc gia nằm trong top trên là thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20).

Hôm giữa tháng 6-2012, ông Andrew Burns, Trưởng nhóm Các xu hướng kinh tế vĩ mô toàn cầu thuộc Bộ phận Triển vọng phát triển của WB, đã khuyến cáo rằng các nước đang phát triển cần chuẩn bị đối phó với thời gian khó khăn ở phía trước, khi kinh tế toàn cầu suy giảm trong cả năm 2012.

Ông Burns cho rằng, suy giảm kinh tế ở các nước đang phát triển là do tốc độ tăng trưởng yếu kém ở các nước phát triển. Dòng vốn chảy đến các nước đang phát triển giảm 40% trong tháng 5, gây ra tác động tiêu cực. Tuy nhiên, tình trạng này cũng bắt nguồn từ việc các nước đang phát triển siết chặt chính sách trong 2011.

Gia Minh tổng hợp

Exit mobile version