Trả lời chất vấn tại Quốc hội hôm 15-6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình hình kinh tế đã tốt hơn so với tháng 4 và đặc biệt là so với quý I. Đưa ra các chỉ số hàng tồn kho giảm nhanh, số doanh nghiệp phá sản dừng lại và nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất cũng khá hơn, ông nói rằng “Chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất và bắt đầu có xu hướng phát triển tốt”. Phó Thủ tướng cho biết thêm: Chính phủ sẽ phấn đấu điều hành để đạt mức tăng GDP khoảng 6% trong năm nay, trong khi lạm phát ở mức 7 – 8%.
Về vấn đề thất thoát tài sản nhà nước tại các tập đoàn, ông Phúc nhìn nhận: “Bất cứ tổn thất nào tài sản của nhà nước là trách nhiệm của Chính phủ, trong đó có trách nhiệm của các bộ, chúng tôi xin khẳng định điều này… Vì vậy, mỗi một thất thoát, mỗi một hiện tượng xã hội nào không tốt trong xã hội, từ một con tàu đang đi ngoài khơi bị chìm, đến những máy bay bị nổ đều liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ, đến các bộ, ngành liên quan”.
Một nội dung được chất vấn nhiều là vấn đề cải cách hành chính và chống tham nhũng. Nhiều đại biểu đặt vấn đề làm thế nào để giảm phiền hà từ bộ máy hành chính cũng như nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã thống kê được toàn bộ thủ tục hành chính của cả nước và lần đầu tiên công bố lên cổng thông tin điện tử của Chính phủ cũng như của các địa phương. Hiện nay khi người dân cần tìm hiểu bất kỳ địa phương nào có bao nhiêu thủ tục hành chính thì chỉ cần vào cổng thông tin của địa phương đó là biết ngay.
Tuy nhiên, ông Phúc nói thêm: “Dù cải cách gì đi chăng nữa, nhưng cán bộ của chúng ta làm việc không tận tụy, tiêu cực, tham nhũng thì không thủ tục nào giải quyết nổi. Trên tinh thần đó, theo tôi, cán bộ chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao năng lực trí tuệ, nâng cao năng lực hành động đi sát với thực tiễn cuộc sống để quyết định những quyết sách cần thiết đối với nhân dân mà không sợ trách nhiệm, không sợ mất chức, mất ghế thì mới phục vụ nhân dân tốt được”.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ sự đồng tình cần sửa luật về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự thủ tục bổ nhiệm cán bộ vào trong bộ máy nhà nước.
Kết thúc nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định việc chất vấn và trả lời chất vấn đã đi thẳng vào những vấn đề lớn của đất nước, được cử tri quan tâm. Qua phiên chất vấn đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ đối với việc phát triển mạnh mẽ kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và phòng, chống tham nhũng.
Trung đoàn 940
Ảnh TTXVN
Sáng 15-6, lần đầu tiên hai máy bay chiến đấu Su-27 từ căn cứ ở miền Trung đã bay tuần tiễu, trinh sát, bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Trường Sa. Theo báo Thanh Niên, các máy bay làm nhiệm vụ đặc biệt này là của Trung đoàn Không quân 940 (thuộc Sư đoàn Không quân 372) đã hạ cánh an toàn tại sân bay Phù Cát (Bình Định) sau hai giờ bay đến hai đảo Song Tử Tây và Đá Nam (thuộc quần đảo Trường Sa). Đây là sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng của Trung đoàn 940 trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Trong tiếng gầm rú của động cơ phản lực khi vừa hạ cánh, niềm vui, sự xúc động lẫn hân hoan hiện rõ trên từng nét mặt, cử chỉ của các thành viên đoàn bay, của những nhân viên kỹ thuật mặt đất.
Ra tận sân bay đón đoàn bay từ Trường Sa trở về, đại tá Phạm Xuân Thủy, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 372, cho biết: “Chuyến bay có ý nghĩa rất đặc biệt. Các phi công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Theo thiếu tá Hoàng Xuân Kiên, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Không quân 940, để có chuyến bay trên, đơn vị đã phải chuẩn bị từ rất lâu với một quyết tâm cao độ. Từ đầu năm 2011, trung đoàn nhận nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo ở khu vực miền Trung với loại máy bay tiêm kích Su-27. Thượng tá Vũ Văn Cường, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Khánh Hòa chia sẻ: “Tất cả chúng tôi đã được báo trước nên khi nghe tiếng động cơ Su-27 gầm rú trên không, mọi người đã ào cả ra dùng cờ để chào đồng đội. Các phi công chao lượn và bay gần đến mức chúng tôi thấy rất rõ những gương mặt của họ. Có không quân ra tiếp sức, chúng tôi rất vững tin bám biển, bám đảo để bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc…”.
Thượng tá Ngô Vĩnh Phúc, Trung đoàn trưởng 940 cho biết, đây là những chuyến bay Su-27 ra Trường Sa đầu tiên của đơn vị xuất phát từ miền Trung. Trước đây, đã từng có nhiều chuyến bay Su-27 và Su-30 ra Trường Sa nhưng đều xuất phát từ các sân bay phíaNamvà do Sư đoàn Không quân tiêm kích 370 thực hiện.
Theo một báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), tình hình tài chính của tập đoàn này hiện đang rất khó khăn.
Tại thời điểm cuối năm 2011, vốn chủ sở hữu của Vinalines đạt 9.411 tỉ đồng; tổng tài sản đạt 55.853 tỉ đồng; nợ phải trả là 43.135 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 9.309 tỉ đồng và nợ dài hạn là 33.826 tỉ đồng.
Trong số nợ trên, nợ đầu tư vào tàu biển và các dự án cảng biển (chủ yếu là cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải), kho bãi và sửa chữa tàu là 34.552 tỉ đồng. Nợ quá hạn của Vinalines là 207 tỉ đồng.
Đáng chú ý, báo cáo cho biết Vinalines đang thiếu hụt dòng tiền để trả các khoản nợ đến hạn và đảm bảo vốn lưu động.
Về kết quả kinh doanh giai đoạn 2007-2010, báo cáo cho biết, Vinalines lãi 716 tỉ đồng năm 2007, năm 2008 lãi 897 tỉ đồng, năm 2009 lãi 317 tỉ đồng, năm 2010 lãi 142 tỉ đồng, năm 2011 lỗ 434 tỉ đồng và bốn tháng đầu năm 2012 lại tiếp tục thua lỗ.
Đánh giá về những nguyên nhân khiến Vinalines rơi vào tình cảnh khó khăn, báo cáo cho biết, tập đoàn này vay nhiều vốn để đầu tư nhưng không phát huy được hiệu quả, dẫn tới chi phí cao và nợ nhiều… Trong giai đoạn suy thoái, Vinalines vẫn tiếp tục đầu tư đội tàu, mở rộng quy mô, đầu tư mạnh trong lĩnh vực cảng biển…
Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất của Vinalines chưa hợp lý, một số doanh nghiệp vận tải biển thành lập quá nhiều đầu mối, đầu tư sang lĩnh vực khác, lập nhiều công ty con/cháu, đầu tư vào bất động sản, chứng khoán không mang lại hiệu quả.
Ngoài ra, nội bộ mất đoàn kết kéo dài và có nhiều sai phạm, tiêu cực trong quản lý sản xuất kinh doanh.
Báo cáo nhấn mạnh “Lãnh đạo Vinalines không thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ và có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc đầu tư xây dựng dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, gây thiệt hại về kinh tế”.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng về tình hình tài chính và đề án tái cơ cấu Vinalines. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Vinalines thực hiện tái cơ cấu mạnh hơn, tập trung vào ba nhóm kinh doanh chính là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ.
Một góc cảng Cái Mép – Thị Vải
Theo bảng xếp hạng Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) năm 2012 do Viện Kinh tế và Hòa bình có trụ sở tại Australia vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 34 trên tổng số 158 quốc gia, vùng lãnh thổ có tên trong cuộc khảo sát.
Khảo sát cho thấy, Iceland là nước hòa bình nhất thế giới và là năm thứ hai liên tiếp giành được vị trí này. Trong khi đóSomaliacũng hai năm liên tiếp giữ vị trí cuối bảng ở xếp hạng nước có nền hòa bình kém nhất thế giới. Quốc gia gây chú ý nhiều nhất làSyriakhi rớt tới 30 bậc xuống hạng 147.
Dẫn đầu khu vực Đông Nam Á là Malaysia ở bậc 20 xếp hạng toàn cầu, tiếp đến là Singapore với bậc 23 và Việt Nam ở hạng 34. Ngay sau Việt Nam là Lào ở hạng 37, Indonesia bậc 63, Campuchia hạng 108, Thái Lan hạng 126, Philippines hạng 133 và Myanmar 139. Riêng Brunei hiện chưa có số liệu khảo sát.
Chỉ số GPI được xây dựng trên 23 tiêu chí khác nhau từ mức độ tội phạm bạo lực, chi tiêu quân sự tới mối quan hệ với các nước láng giềng, mức độ ổn định chính trị quốc gia… Chỉ số này hiện được nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ và phi chính phủ, (bao gồm cả Ngân hàng Thế giới và Liên Hiệp Quốc) sử dụng.
Theo giới phân tích quốc tế, cuộc khảo sát năm 2012 cho thấy thế giới trở nên hòa bình hơn lần đầu tiên kể từ năm 2009 tới nay. Tất cả các khu vực kể cả Trung Đông và Bắc Phi đều có tiến bộ về mức tổng quan hòa bình, cho dù đây là hai khu vực bị đánh giá là ít hòa bình nhất, do tồn tại nhiều bất ổn và bạo lực.
Gia Minh tổng hợp