Một hoạt động bình thường trong sinh hoạt dân chủ ở các nước, một chủ trương rất hợp thời ở nước ta được nói đến từ lâu, nay mới được Quốc hội đem ra mổ xẻ. Đó là trường hợp đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, được Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận vào sáng 14-9.
Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, Ban chỉ đạo đề án cũng như nhiều ý kiến tại phiên họp nghiêng về phương án Quốc hội thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chủ tịch nước, phó chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, các phó thủ tướng, các thành viên khác của chính phủ; chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước (tổng cộng là 49 người).
Theo đề án, quy định về định kỳ lấy phiếu tín nhiệm đang được thể hiện theo hai phương án. Một là theo định kỳ hằng năm theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4, cụ thể là vào kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân đầu tiên của năm. Phương án hai quy định tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ vào thời gian giữa và cuối nhiệm kỳ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Tuy có nhiều ý kiến khác nhau trong thảo luận nhưng xu hướng chung là việc lấy phiếu tín nhiệm nên tiến hành hằng năm. Vấn đề khác là mức độ công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm, dù đề án còn phân vân nhưng nhiều ý kiến tại Ủy ban thường vụ Quốc Hội cho rằng nên công khai nội dung này.
Do pháp luật đã quy định nhiều năm mà chưa thực hiện được, nên hiện nay dư luận rất ủng hộ quyết tâm của Quốc hội đưa việc bỏ phiếu tín nhiệm thành hoạt động thông lệ và bình thường trong sinh hoạt nghị trường ở nước ta. Nhiều người cho rằng bỏ phiếu tín nhiệm là vấn đề cấp bách, cần phải được thực hiện ngay chứ không nên chần chừ nữa.
Theo các chuyên gia, các cổ vật có niên đại vào cuối thời Nguyên (Trung Quốc)
Suốt tuần qua, hàng chục ngư dân ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã săn lùng cổ vật trong chiếc tàu chìm được một số thợ lặn phát hiện hôm 8-9 tại vùng biển ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu.
Do có sóng to và gió lớn nên các tàu của lực lượng chức năng canh giữ hiện trường nơi con tàu cổ chìm phải nhiều lần di chuyển đi nơi khác. Lợi dụng tình hình này, một số ngư dân bất chấp cả tính mạng đổ xô ra biển lặn tìm cổ vật. Tuy nhiên, do biển động mạnh, việc tìm vớt cổ vật vùi sâu dưới cát không dễ dàng nên nhiều người chỉ lấy được những mảnh cổ vật bị bể.
Mặc dù lực lượng chức năng đã xử lý nhiều trường hợp tàu cá và ngư dân cố tình xâm phạm vào phao tiêu bao quanh bảo vệ hiện trường con tàu đắm nhưng vẫn không ngăn chặn được những người săn tìm cổ vật.
Chiều 15-9, trước sự chứng kiến của đoàn công tác Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã tiếp nhận hơn 40 hiện vật gốm sứ bị bể và còn nguyên vẹn gồm bát, đĩa, chậu, lư hương men ngọc màu xanh, màu ôliu, men nâu da lươn… từ lực lượng Công an huyện Bình Sơn đã thu giữ của ngư dân lặn tìm trái phép.
Qua xem xét hiện vật, Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ủy viên Hội đồng thẩm định cổ vật, cho biết đây là con tàu cổ hết sức có giá trị, đặc biệt là một khối dính chùm gồm 11 chậu men nâu da lươn kèm theo một cục dính có nhiều vết cháy chứng tỏ con tàu cổ bị cháy trước khi chìm xuống biển.
Suốt tuần qua, lực lượng công an và bộ đội biên phòng Quảng Ngãi phải túc trực bảo vệ “kho cổ vật 500 năm”, vì mặc dù Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho phép Quảng Ngãi khai quật khẩn cấp cổ vật dưới con tàu chìm nhưng ngành văn hóa tỉnh này vẫn còn loay hoay lựa chọn đơn vị trục vớt.
Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cùng các chuyên gia Cục Di sản Văn hóa, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hồi cuối tuần qua đã giám định bước đầu những cổ vật do các cơ quan tịch thu từ ngư dân trục vớt trái phép.
Các chuyên gia cho rằng con tàu đắm có niên đại vào cuối thời Nguyên (Trung Quốc) ở thế kỷ XIV. Cổ vật trong con tàu này chủ yếu là đồ gốm sứ gia dụng như bát, chậu, chén, đĩa, lư hương, hộp… thuộc dòng men nâu và men ngọc xanh da táo, ôliu. Hiện trạng men của cổ vật gốm sứ còn tốt, chưa bị ảnh hưởng môi trường nước biển. Nét độc đáo của những cổ vật này là những loại đĩa dáng chậu có trang trí hoa lá giữa lòng, hoa cúc, hoa phong lan, hoa sen, hai người đấu vật… in nổi rất tinh xảo.
Chùa Trăm Gian đang được xây mới
Những người có trách nhiệm trong việc tu bổ ngôi chùa cổ Trăm Gian đã nhận kỷ luật nhẹ mặc dù vi phạm Luật Di sản văn hóa. Chùa Trăm Gian nổi tiếng bởi bề dày lịch sử, vẻ đẹp cổ kính và linh thiêng, được xây dựng từ khoảng thế kỷ XII, đời vua Lý Cao Tông và xếp hạng di tích quốc gia từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Ngày 15-9, UBND huyện Chương Mỹ đã có báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội về việc kiểm điểm, xử lý kỷ luật trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến vi phạm tại di tích chùa Trăm Gian.
Cụ thể, đối với tập thể UBND huyện Chương Mỹ nghiêm túc kiểm điểm sâu sắc đối với ông Vũ Văn Đông – phó chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực văn hóa xã hội. Trưởng phòng Văn hóa thông tin Hoàng Minh Hiến nhận mức kỷ luật là khiển trách; phó phòng Văn hóa thông tin Trịnh Văn Ban cũng nhận mức khiển trách. Một số cán bộ tại UBND xã Tiên Phương đều nhận mức cảnh cáo.
Đối với ni sư Thích Đàm Khoa trụ trì chùa, ngoài việc viết bản tường trình và kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, UBND huyện có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng của thành phố làm rõ sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Hồi tháng 8, sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng Hà Nội mới phát hiện nhiều hạng mục tại chùa Trăm Gian, di tích cấp quốc gia gần 1.000 năm tuổi, bị phá dỡ để xây mới. Khi Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và Cục Di sản Văn hóa xuống kiểm tra chùa Trăm Gian thì việc phá dỡ và xây mới một số hạng mục đã gần hoàn tất. Công trình nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp từ gác chuông lên tới sân tiền đường đã bị dỡ bỏ hoàn toàn và được xây dựng mới. Nhà Tổ đã được lợp mái, gác Khánh đã lắp dựng xong bộ khung gỗ, kiến trúc hai công trình trên được nhà chùa cho thi công không dựa trên thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Toàn bộ cấu kiện gỗ, ngói lợp và chân tảng cũ của nhà Tổ và gác Khánh bị chất đống phía sau chùa, không được bảo quản tốt. Bậc cấp lên sân tiền đường được thay mới bằng đá xanh. Các sai phạm này đã khiến cho chùa Trăm Gian mất hết nét cổ kính cần được bảo vệ.
Việc tu bổ làm sai lệch các di tích lịch sử do thiếu hiểu biết đã xảy ra khá phổ biến tại nước ta, ngay cả ở di tích văn hóa cấp quốc gia như chùa Yên Tử ở Quảng Ninh trước đây từng bị dư luận phê phán.
Gia Minh tổng hợp
Ảnh TTXVN