Dòng thời sự

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XIII khai mạc vào ngày 21-5, sẽ kéo dài trong 32 ngày (đến ngày 21-6), trong đó có 25 ngày làm việc chính thức. Kỳ họp này đánh dấu một số đổi mới trong cách thức tổ chức, tiến hành, bước đầu thực hiện một số nội dung theo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội mà cụ thể nhất là trong các khâu xây dựng pháp luật. Việc kết nối giữa các giai đoạn từ xây dựng dự thảo, dự án với cơ quan thẩm tra đã được tiến hành chặt chẽ hơn. Các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra dự án luật đã mở nhiều hội thảo dưới hình thức trực tuyến để thu hút ý kiến đóng góp của đông đảo cử tri, nhất là các chuyên gia trên mọi lĩnh vực kinh tế xã hội…

Nội dung chính của kỳ họp là bàn về công tác lập pháp. Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật (trong đó có Luật Biển ViệtNam), bảy nghị quyết và cho ý kiến về sáu dự án luật. Quốc hội cũng xem xét, thảo luận các báo cáo đánh giá bổ sung tình hình kinh tế xã hội – ngân sách năm 2011 và những tháng đầu năm 2012; giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nghiên cứu và đặc biệt là cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế do Chính phủ đệ trình.

Tại kỳ họp này, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình ra Quốc hội đề nghị xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của bà Đặng Thị Hoàng Yến.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phiên khai mạc kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII

Ảnh TTXVN

Nhóm nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu, Phòng Thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong thuộc ĐH Bách khoa TP.HCM, dưới sự chỉ đạo của Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, cho biết việc sử dụng xăng không đảm bảo chất lượng (pha ethanol, methanol không theo quy chuẩn) là một trong những nguy cơ cao gây cháy xe gắn máy.

Tại cuộc họp báo công bố kết quả nghiên cứu xác định các nguyên nhân gây cháy xe gắn máy tại TP.HCM ngày 17-5, trên kết quả nghiên cứu thực nghiệm và nghiên cứu phân tích số liệu từ việc tiếp cận các vụ cháy, từ các cơ quan chức năng về các vụ cháy trong khu vực TP.HCM, nhóm nghiên cứu đã kết luận nguy cơ hình thành các nguyên nhân gây cháy xe gắn máy gần đây nhất xuất phát từ các yếu tố: sử dụng nhiên liệu kém chất lượng như xăng có chỉ số RON thấp (RON 83), xăng pha methanol, ethanol chất lượng thấp và không đúng kỹ thuật sẽ gây ra sự rò rỉ nhiên liệu thông qua hiện tượng phá hủy hệ thống ống dẫn hoặc do áp suất hơi cao hoặc do bất cẩn chủ quan của người sử dụng, nguồn xăng rò rỉ này sẽ tiếp xúc với nguồn nhiệt đủ nóng sinh ra từ hoạt động của động cơ, hoặc ma sát hệ thống hãm…

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cho biết đây là những kết quả ban đầu, chưa phải là nghiên cứu toàn diện vì thời gian nghiên cứu ngắn, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để trả lời. Việc đưa ra nghi vấn về sử dụng xăng pha methanol, ethanol là có cơ sở bởi năm 2011 qua kiểm tra 154 mẫu xăng, Sở đã phát hiện 35 mẫu có pha methanol. Nếu pha 15% methanol vào xăng A83, xăng đó sẽ trở thành xăng A92. Việc nhập khẩu methanol đã tăng đột biến thời gian qua, dù chưa thể khẳng định số này được dùng hoàn toàn vào pha trộn xăng nhưng cũng không loại trừ một lượng lớn đã được sử dụng để biến xăng A83 thành A92.

Sắp tới, nhóm nghiên cứu này sẽ tìm kiếm nguyên nhân cháy xe ôtô. Cuối cùng sẽ là cơ sở cho việc hoàn thiện tiêu chuẩn nhiên liệu an toàn và hiệu quả tại Việt Nam.

 

Một vụ cháy xe máy tại TP. Hồ Chí Minh

Sáng 16-5, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị – một đề án mới, rất quan trọng và cũng rất khó, Việt Nam chưa có tiền lệ – đã họp cho ý kiến vào dự thảo đề cương và kế hoạch của đề án để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào tháng 12-2012.

Sau 25 năm đổi mới, cùng với đà tăng trưởng kinh tế – xã hội, quá trình đô thị hóa đã diễn ra nhanh chóng, tạo sự khác biệt về kinh tế, văn hóa, xã hội, lối sống giữa đô thị và nông thôn. Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đang đặt ra yêu cầu làm rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó xác định tổ chức bộ máy, chức năng, thẩm quyền phù hợp với chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của mỗi cấp chính quyền. Trong bối cảnh Hiến pháp 1992 đang được nghiên cứu sửa đổi, việc xây dựng và thực hiện Đề án là cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong Hiến pháp về chính quyền địa phương và các quy định của Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân sửa đổi. Mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị nhằm xây dựng bộ máy chính quyền địa phương trong sạch, có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước hiện đại hóa để quản lý hiệu lực và hiệu quả công việc của chính quyền, hướng tới mục tiêu tổng thể cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

 

Từ nay, các địa phương phải căn cứ vào quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch được phê duyệt, công khai cho người dân biết khi thu hồi đất

Ảnh T.T

Những vụ việc thu hồi đất đai thời gian qua đã gây ra khiếu kiện kéo dài, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, trong những vụ việc ấy, cách xử lý của mỗi địa phương mỗi khác càng gây nên sự bất bình. Ngày 17-5, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 179-TB/VPCP, thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị toàn quốc về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó, đối với 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cùng các cấp chính quyền phải tập trung chỉ đạo sâu sát, giải quyết từng vụ việc cụ thể; phải lập hồ sơ đầy đủ thông tin, trên cơ sở đó lập hội đồng tư vấn để thẩm định. Nếu giải quyết sai, phải nhận thiếu sót, giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật; nếu không sai thì kết luận, thông báo công khai để mọi người dân biết. Những trường hợp đời sống khó khăn thì có chính sách hỗ trợ cụ thể; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và cập nhật, nối mạng để các cơ quan chức năng Trung ương có thông tin đầy đủ, trả lời nhất quán.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải thực hiện chặt chẽ, phải căn cứ quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch được phê duyệt, công khai cho người dân biết khi thu hồi đất. Đặc biệt, việc thu hồi đất để xây dựng các khu kinh tế, khu đô thị thương mại phải chặt chẽ, rõ ràng, công khai, minh bạch từ bước quy hoạch đến phê duyệt, quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, bố trí tái định cư; phải được thẩm định, bảo đảm đúng chính sách, pháp luật, sát thực tế và phải tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của đa số người dân.

Khi lên phương án bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, bố trí tái định cư phải mời Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân tham gia ý kiến, kiên trì vận động người dân chấp hành. Trường hợp bắt buộc phải cưỡng chế thu hồi cần có phương án chặt chẽ, đúng pháp luật; tuyệt đối không sử dụng vũ khí, không sử dụng lực lượng quân đội tham gia cưỡng chế. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chức năng phải khẩn trương nghiên cứu để sửa đổi hoặc kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi những bất cập trong Luật và Nghị định về đất đai để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân có đất bị thu hồi, nhà đầu tư và Nhà nước, hoàn thiện quy định về cưỡng chế thu hồi đất.

Ly Lam tổng hợp

Exit mobile version