Dòng thời sự DNSGCT số 478

Tháng 1-2013 lấy ý kiến dân về sửa Hiến pháp 

Kỳ họp thứ tư của Quốc hội khai mạc vào ngày 22-10 và kéo dài một tháng với chương trình nghị sự dày đặc, trong đó sẽ dành hai ngày để thảo luận nội dung sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp mà nội dung tập trung vào các chương về chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp, kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Nội dung Nghị quyết sẽ xác định rõ về yêu cầu, nội dung, phạm vi, thời gian lấy ý kiến và việc tiếp nhận, thu thập ý kiến phản hồi của dân. Thời điểm lấy ý kiến nhân dân kéo dài khoảng ba tháng, bắt đầu từ tháng 1-2013 và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 3. Tiếp theo sẽ được hoàn chỉnh để trình ra kỳ họp Quốc hội sau đó. Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua Hiến pháp sửa đổi vào kỳ họp đầu tiên của năm 2014.

Một nét mới của kỳ họp lần này là Quốc hội sẽ nghe báo cáo về kết quả thực hiện lời hứa của các bộ trưởng tại các kỳ họp vừa qua.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sau khi đề án về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được Quốc hội thông qua, nếu bộ trưởng nào không thực hiện được lời hứa trước Quốc hội thì đương nhiên tín nhiệm thấp, qua năm kế tiếp nếu sau hai lần mà không đạt 50% phiếu tín nhiệm thì sẽ chuyển sang bỏ phiếu, xem như là biện pháp chế tài.

Cũng theo dự kiến, Quốc hội sẽ tập trung xem xét nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh việc quyết định các vấn đề về kinh tế – xã hội thì Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.

Đồng thời Quốc hội dự kiến mở rộng việc truyền hình, phát thanh trực tiếp một số phiên thảo luận về các dự án luật quan trọng, nhất là những dự án luật được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Bao gồm: luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi; luật Đất đai sửa đổi; dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; báo cáo của Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai.

Khi nào ngân hàng được nhập vàng?  

Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) lỗ 1.251 tỉ đồng từ kinh doanh vàng trong quý III-2012 khiến cho lợi nhuận trước thuế chín tháng đầu năm chỉ còn 1.187 tỉ đồng. Thông tin này được ông Trần Mộng Hùng, một trong những người sáng lập ACB, cho biết hồi tuần qua. Được biết, khoản lỗ nói trên xuất phát từ việc ACB thực hiện đóng trạng thái vàng âm, do phải mua vàng trong nước để bù đắp, mà giá vàng nội cao hơn vàng quốc tế từ 2-3 triệu đồng/lượng tùy thời điểm, dẫn đến tình trạng nói trên.

Khách hàng giao dịch ở Ngân hàng ACB

Cũng theo ông Hùng, hiện trạng thái âm vàng của ACB chỉ còn hơn 100.000 lượng và ngân hàng có khả năng tất toán trạng thái vàng trước ngày 25-11-2012 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, từ ảnh hưởng của việc ông Nguyễn Đức Kiên – người có liên quan đến ACB trước đây – bị bắt giữ và hiện tượng người dân rút vàng trước hạn dẫn đến lo ngại mất cân đối trạng thái, ông Trần Mộng Hùng cũng đưa ra khẳng định rằng thực tế ACB không mất cân đối trạng thái vàng. Ông Hùng giải thích: trước đây khi tham gia bình ổn giá vàng, ACB được phép mua vàng trên tài khoản ở nước ngoài; bán trong nước bao nhiêu, ngân hàng mua ở nước ngoài bấy nhiêu.

ACB đang xin phép Chính phủ cho nhập số vàng của ACB đã mua theo nghiệp vụ kinh doanh vàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Trong khi chờ đợi, ACB phải mua vàng trong nước để bù đắp dự trữ thanh khoản vàng đảm bảo nhu cầu sử dụng vốn bằng vàng của mình. Lực mua từ ACB cùng với một số ngân hàng khác là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng trong nước giữ mức chênh lệch cao so với giá thế giới trong đợt biến động vài tháng qua.

Theo cơ chế tham gia bình ổn và sự bảo hiểm giá bằng tài khoản vàng ở nước ngoài, nếu ACB được phép nhập khẩu, mức lỗ sẽ được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, theo VnEconomy, đến thời điểm này Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa chấp thuận đề nghị được nhập khẩu của ACB. Theo đó, mức lãi ở tài khoản vàng nước ngoài không thể bù đắp được chênh lệch giá 2-3 triệu đồng do phải mua vàng ở trong nước.

Còn với một số ngân hàng khác có khả năng không tất toán trạng thái vàng được đến ngày 25-11, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ gia hạn thêm một thời gian nhất định để tránh những ảnh hưởng bất lợi tới ổn định hệ thống.

Việt Nam có 30,8 triệu người sử dụng internet

Việt Nam hiện có đến 30,8 triệu người sử dụng internet. Đó là số liệu trong bản công bố cuộc khảo sát mới nhất của WeAreSocial, một tổ chức có trụ sở chính ở Anh nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu.

Hình ảnh khách tranh thủ làm việc không còn xa lạ ở các quán cà phê

Được biết WeAreSocial vừa tiến hành cuộc khảo sát vào tháng 10-2012 về tình hình phát triển internet, truyền thông xã hội, kỹ thuật số và điện thoại di động ở châu Á và đã chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên để công bố số liệu khảo sát chi tiết do đánh giá VN là “thị trường thú vị nhất châu Á”.

Tổ chức này nhận định với dân số hơn 90 triệu người và nền kinh tế tăng trưởng 5,4% trong quý III của năm nay của mình, Việt Nam là một cơ hội rất lớn cho các thương hiệu trên toàn thế giới.

Mạng xã hội, thiết bị kỹ thuật số và điện thoại di động của VN đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, với người sử dụng internet trong nước tăng 5% kể từ báo cáo khảo sát của WeAreSocial vào cuối năm 2011.

Theo WeAreSocial, tỷ lệ người Việt dùng internet trên tổng số dân là 34%, cao hơn mức trung bình của thế giới là 33%. Riêng năm 2012, Việt Nam có thêm 1,59 triệu người tham gia sử dụng internet.

Dưới đây là một số thống kê khác về tình hình sử dụng internet ở VN:

– 73% người dùng dưới 35 tuổi.

– 66% cư dân mạng truy cập web hằng ngày và dành trung bình 29 giờ vào mạng mỗi tháng.

– 88% vào mạng tại nhà và 36% tại quán cà phê.

– 81% truy cập qua desktop, 56% qua thiết bị di động và 47% qua laptop (nhiều người sử dụng đồng thời cả 2-3 loại thiết bị).

– 95% người dùng internet truy cập các trang tin tức.

– 90% xem video trực tuyến (tỷ lệ trung bình ở châu Á chỉ là 69%).

– 61% người dùng internet từng thực hiện mua sắm qua mạng.

– 86% người dùng internet Việt Nam từng ghé thăm các trang mạng xã hội.

– 8,5 triệu người dùng Facebook và đây là mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam với 28% cư dân mạng có tài khoản Facebook. Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thành viên nhanh nhất trên Facebook (146% trong vòng sáu tháng). Đa số thành viên dưới 34 tuổi và lượng thành viên nam cao hơn nữ.

– Số người dùng internet di động ở Việt Nam hiện là 19 triệu người.

Gia Minh tổng hợp

Exit mobile version