Audemars Piguet vừa trình làng sáu phiên bản mới của BST Code 11.59 với hai dòng Selfwinding và Selfwinding Chronograph trong bộ vỏ 41mm cùng chất liệu hoàn toàn mới chưa từng có.
Trong khi bốn thiết kế được khoác lên mình bộ vỏ bằng thép cho hai mặt trước và sau, thì hai mẫu còn lại kết hợp ceramic đen cho bộ vỏ, viền bezel, và phần tai đồng hồ. Ngoài điểm nhấn là chất liệu vỏ mới, thiết kế lần này còn có điểm nhấn thay đổi về công thái học, cải thiện tối ưu việc xem giờ với mặt số mới cùng họa tiết được chế tác đặc biệt dành riêng cho bộ sưu tập. Sự cải tiến lần này trên Code 11.59 một lần nữa chứng minh khả năng cân bằng giữa tiếp nhận những kỹ thuật tân tiến nhưng vẫn luôn giữ được những kỹ nghệ chế tác lâu đời của tổ tiên của Audemars Piguet.
“Sự xuất hiện của chất liệu thép trong bộ sưu tập Code 11.59 của Audemars Piguet là một trong những bước tiến tự nhiên hướng tới một tương lai lâu dài và thành công cho bộ sưu tập này.”
FRANÇOIS-HENRY BENNAHMIAS, CEO AUDEMARS PIGUET
Sự hòa nhập của chất liệu đương đại mới
Kể từ khi ra mắt vào năm 2019, bộ sưu tập Code 11.59 của Audemars Piguet chủ yếu được khoác lên mình bộ vỏ vàng trắng hoặc vàng hồng 18 cara. Vào năm 2021 và 2022, Audemars Piguet đã mang chất liệu ceramic đen hoặc xanh lam tích hợp vào lớp vỏ giữa trên một số mẫu nhất định, mang đến một diện mạo hiện đại hơn. Năm nay, chất liệu thép không gỉ xuất hiện lần đầu trong bộ sưu tập, với bốn trong số sáu mẫu được làm hoàn toàn từ thép không gỉ và hai mẫu còn lại là sự kết hợp của thép và ceramic đen với mặt số màu be, tạo nên nét đặc trưng và sự tương phản trang nhã.
Đã có mặt trong các bộ sưu tập khác, thép không phải là một chất liệu xa lạ, mặc dù có tính chất chất kém dẻo hơn vàng rất nhiều. Nhưng các nghệ nhân AP vẫn có thể sử dụng chuyên môn gia công và kỹ thuật hoàn thiện của mình để chế tác và sản xuất nên các bộ vỏ mới cho thiết kế Code 11.59 lần này.
Nổi bật với kiến trúc phức tạp bao gồm các vấu lật cách điệu, khung viền (bezel) siêu mỏng và phần giữa vỏ hình bát giác đặc trưng. Code 11.59 của Audemars Piguet sở hữu một trong những bộ vỏ phức tạp nhất từng được thương hiệu chế tác. Kết hợp công nghệ tiên tiến và kỹ nghệ truyền thống, quá trình công nghiệp hóa vỏ máy và hoàn thiện thủ công các thành phần của thiết kế đòi hỏi một công đoạn vô cùng gian nan, với các công cụ chuyên dụng kết hợp cùng kỹ nghệ bậc thầy của các nghệ nhân. Đó là sự kết hợp ăn ý từ các nhà thiết kế, kỹ sư và nghệ nhân đã giúp đẩy xa hơn nữa các giới hạn trong khả năng của họ để tạo ra các thành phần phức tạp với chất liệu bằng thép tưởng như đơn giản này. Để phù hợp với truyền thống của Audemars Piguet, các thành phần thép không gỉ xen kẽ giữa các bề mặt được đánh bóng và hoàn thiện bằng sa tanh, tạo nên lối chơi đùa với ánh sáng và mang lại sự tương phản thị giác vô cùng quyến rũ.
Thiết kế mặt số mới
Sáu bản thể 41 mm mở đầu cho một thiết kế mặt số hoàn toàn mới được dập nổi với họa tiết hoa văn đặc trưng. Họa tiết này được tạo thành từ các vòng tròn đồng tâm, tạo nên một cấu trúc vô cùng độc đáo, với các gợn sóng, thiết kế này có kết cấu chưa từng thấy trên mặt số khác của Code 11.59, hiệu ứng mặt số mang lại không chỉ là tính thẩm mỹ mà còn tăng cường tối đa mức độ hiển thị trên mặt số. Thành phẩm là sự kết hợp giữa Audemars Piguet cùng nghệ nhân điêu khắc guilloché Thụy Sĩ – Yann von Kaenel, họa tiết này chính là một trong những điểm nhấn nổi bật giúp cấu thành một thiết kế đặc trưng cho bộ sưu tập.
Để khắc lên mặt số, Yann von Kaenel đã đảm nhận công việc cực kỳ phức tạp và tỉ mỉ là tạo ra những vân dập cơ bản, được khắc bằng tay. Các đường vân có dạng gợn sóng chuyển động đánh từ trung tâm hướng ra ngoài, được nhấn nhá bằng các lỗ vân siêu nhỏ tạo nên hiệu ứng chơi đùa với ánh sáng. Với hàng vạn các tiểu tiết, kết quả có được là một mặt số với hiệu ứng đầy đặn và vô cùng phong phú. Mang hiệu ứng thiết kế này lên mặt số cũng là cách mà AP muốn thể hiện sự kính trọng cũng như tôn vinh kỹ nghệ của người nghệ nhân cực kì tài năng này.
Để tô điểm thêm cho hiệu ứng hoa văn, mặt số sau đó được phủ màu bằng phương pháp PVD (Lắng đọng hơi vật lý) cho tông màu xanh lam hoặc xanh lục, và quy trình mạ điện dành cho tông màu be. Những kỹ thuật này có ưu điểm là giúp bảo quản và gia tăng hiệu ứng tạo chiều sâu cho các vân dập, khiến cho hiệu ứng chơi đùa với ánh sáng càng được tối đa hóa. Các kỹ thuật này cũng đồng thời tạo ra các sắc thái khác nhau của màu, ngay cả khi dải màu là đồng nhất, thì kỹ thuật này vẫn tạo nên hiệu ứng khói lan cho mặt số, như trường hợp của các mẫu màu lục và lam.
Tính thẩm mỹ đặc trưng và sự cải tiến về công thái học
Những mẫu Code 11.59 lần này không chỉ hình thành thiết kế đặc trưng cho bộ sưu tập mà còn tối ưu hóa khả năng hiển thị trên mặt số và tăng cường sự thoải mái cho người đeo. Đầu tiên là các cọc số đã được thay đổi từ các chữ số ả rập sang chi tiết vạch. Được thiết kế bằng chất liệu vàng trắng 18 cara, các vạch chỉ giờ và kim được làm phẳng, mài nhẵn và đánh bóng, tạo ra sự tương phản trực quan với tông màu sẫm của mặt số. Để dễ đọc hơn, các vạch chỉ giờ và kim đã được phủ một lớp Super LumiNova để có thể nhìn được trong điều kiện thiếu sáng.
Được bao quanh bởi chi tiết viền siêu mỏng bên ngoài, do đó viền bên trong cũng cần được cải tiến. Các nhà thiết kế của Audemars Piguet đã giảm độ dốc của góc của viền trong để hạn chế tối đa sự chênh lệch về chiều cao của phần viền và mặt số. Viền trong cũng được mở rộng diện tích tạo thành một góc xiên mượt mà hơn giúp tối ưu tác động trực quan. Trong bộ sưu tập Code 11.59 của Audemars Piguet, nếu các mẫu trước đây đều có các vạch đánh dấu mỗi 5 phút, thì ở phiên bản mới này sẽ được bổ sung thang đo giây chi tiết hơn, củng cố độ chính xác và gia tăng thẩm mỹ đương đại của đồng hồ. Thuật in của các chữ số cũng đã được điều chỉnh.
Những thay đổi cuối cùng thuộc về nút crown và khóa. Nút crown được vát tròn hơn với các vạch lõm được khắc nông hơn nhưng vẫn rõ ràng và sắc nét khi so sánh với các thiết kế tiền nhiệm. Các chi tiết này đều được làm bằng thép không gỉ với hai mẫu màu be có nắp được chế tác từ ceramic đen. Khóa của vòng đeo tay, dù là khóa chốt hay khóa gập, đều được thay đổi chữ ký từ “Audemars Piguet” thành “AP”.
Sự phát triển về thiết kế này sẽ được mở rộng cho các mẫu bằng chất liệu vàng và với các tính năng phức tạp trong những năm tới.
Tông màu đơn sắc sang trọng và thanh lịch
Sáu mẫu Code 11.59 mới của Audemars Piguet mang ba sắc thái vượt thời gian, củng cố tính thẩm mỹ trang nhã và sự đặc trưng cho bộ sưu tập. Mỗi tông màu của mặt số được dung hợp với một dây đeo bằng cao su tương ứng được lót trong bằng da bê
Màu “Bleu Nuit, Nuage 50” biểu tượng của bộ sưu tập Royal Oak nay đã xuất hiện trên hai mẫu Code 11.59 mới của Audemars Piguet. Với mẫu Hour, minute, second and date màu xanh đậm, sắc xanh được cân bằng bởi khung viền bên trong màu xám dung hòa với tông màu của chất liệu thép nhưng cũng tạo nên sự tương phản với các vạch chỉ giờ và kim màu vàng trắng. Mẫu Selfwinding Chronograph phối hợp hài hòa đan xen hai tông màu xanh lam và xám giữa các khung của mặt số phụ ở vị trí 3 và 9 giờ, còn với mặt sub dial nhỏ ở vị trí 6 giờ thì được phủ màu xám hoàn toàn tạo nên một tổng thể mặt số thanh lịch và dễ đọc hơn. Hai thiết kế còn lại được khoác lên mình màu xanh lá bí ẩn, hơi nghiêng về sắc kaki, với phần viền bên trong có cùng tông màu. Chỉ có vòng đo chronograph bên trong được mạ rhodium mới được phối màu tương phản, phá vỡ tính đơn sắc tạo nên tổng thể thẩm mỹ mới cho đồng hồ.
Cuối cùng, hai mẫu có sắc thái khác biết rõ rệt nhất là hai mẫu với tông màu be. Sắc thái này được thêm vào bộ ba giúp tạo chiều sâu hơn cho dải màu của bộ sưu tập, mặt số của cả hai mẫu được làm mờ và chuyển sắc dần sang đen từ trung tâm ra đến phần bìa ngoài. Mẫu Selfwinding Chronograph tuân theo logic tương tự như hai mẫu xanh dương và xanh lục, bộ sub dial màu be ở vị trí 3 và 9 giờ, được bao quanh bởi vành ngoài màu đen, phối hài hòa với bộ đếm giây nhỏ ở vị trí 6 giờ, được phủ hoàn toàn bằng sắc đen tương ứng. Đặc điểm phối màu được lặp lại ở mẫu Chronograph này còn được nhấn nhá bằng chất liệu sứ đen nằm ở nút crown và phần vỏ giữa của thiết kế.
Các vòng đo giờ của các mẫu Selfwinding Chronograph cũng được phủ cát nhẹ, tạo tương tác hài hòa với hiệu ứng gợn sóng của mặt số.
Hai bộ chuyển động thế hệ mới, thiết kế búa dao động được chế tác riêng
Hai bộ chuyển động (calibre) thế hệ mới và chi tiết búa dao động (oscillating weight) được thiết kế riêng chính là kết quả của sự kết hợp giữa kỹ thuật tân tiến và tri thức lâu đời của ngành chế tác đồng hồ cao cấp. Đó chính là calibre 4302 với bộ máy hiển thị giờ phút giây cùng calibre 4401 với bộ chronograph được tích hợp từ cột bánh răng chronograph cơ bản cùng chức năng flyback tiên tiến. Cả hai bộ máy đều được trang bị một cơ chế đã được cấp bằng sáng tạo mang lại sự ổn định và chính xác khi điều chỉnh đồng hồ. Với đường kính rộng 32 mm, những bộ máy chuyển động này cũng cung cấp tính năng đo thời gian được tối ưu hóa.
Calibre 4401 được trang bị một bộ truyền bánh răng thẳng đứng giúp kim không bị nhảy khi đồng hồ bấm giờ được kích hoạt hoặc dừng. Cơ chế tái kích hoạt này đã được cấp bằng sáng chế giúp đảm bảo rằng mỗi bộ kim đếm đều trở về vị trí ban đầu khi thao tác “reset”. Ở phần sau mặt đồng hồ có thể nhìn qua lớp kính sapphire là vô số các chi tiết trang trí tinh xảo trên cả hai bộ máy, bên cạnh đó là phần búa dao động được gia công mở bằng vàng hồng 22 carat hoàn toàn mới dành riêng cho bộ sưu tập.
Sáu mẫu Code 11.59 mới Selfwinding và Selfwinding Chronograph của Audemars Piguet, là kết hợp giữa thay đổi cần thiết trong thiết kế, và sự tinh tế đổi mới của kỹ thuật hiện đại. Tất cả các phiên bản sẽ có mặt tại các cửa hàng Audemars Piguet và một số nhà bán lẻ chọn lọc trên toàn thế giới từ tháng 4 năm 2023.
“CODE 11.59 mới ra mắt đánh dấu một sự phát triển cho bộ sưu tập này của Audemars Piguet, đặc biệt là với sự xuất hiện của chất liệu thép. Nhưng với thiết kế mặt số mới, do chúng tôi đặc biệt phát triển riêng, đã giúp hình thành một phong cách hoàn toàn đặc trưng.”
Sofia Candeias
Product Director Audemars Piguet
“Born in Le Brassus, raised around the world.”