Giới công nghệ tài chính (fintech) vừa có một đối thủ nặng ký mới sau khi Chime, công ty khởi nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng thông qua điện thoại di động, nhận được 485 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn mới nhất. Con số này giúp công ty được định giá ở mức 14,5 tỉ đô la, qua đó trở thành công ty khởi nghiệp fintech của Mỹ có giá trị cao nhất với đối tượng phục vụ là người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ.
Công thức chiến thắng của Chime là nhằm vào đối tượng khách hàng có thể bất mãn về các mức phí của ngân hàng truyền thống. Trong số này, phân khúc người tiêu dùng thuộc thế hệ thiên niên kỷ (chào đời trong giai đoạn 1981-1996) và có thu nhập 30.000-75.000 đô la/năm được chú trọng. Nhờ vậy, công ty này đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng – chỉ mất bốn năm để có 1 triệu khách hàng trước khi đạt cột mốc bốn triệu khách hàng vào tháng 5-2019.
Ngân hàng không chi nhánh
Được thành lập năm 2013 và đặt trụ sở ở thành phố San Francisco, Chime hiện là công ty lớn nhất của thế hệ ngân hàng không chi nhánh tại Mỹ. Giá trị của công ty này đã tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 12-2019 và tăng gần 900% so với thời điểm 18 tháng trước.
Không như ngân hàng truyền thống, Chime không có chi nhánh, không thu phí hàng tháng hoặc phí thấu chi và cung cấp tài khoản ngân hàng di động miễn phí. Chủ tài khoản được cấp thẻ ghi nợ Visa, tiếp cận một hệ thống ngân hàng trực tuyến thông qua trang chime.com hoặc ứng dụng di động và gần 40.000 máy rút tiền tự động (ATM). Công ty kiếm tiền thông qua việc thu phí quẹt thẻ từ thương nhân.
Hoạt động của các ngân hàng số như Chime thường dựa vào một mạng lưới nhà cung cấp fintech và định chế được hậu thuẫn bởi Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC). Vi thế, những công ty này sẽ phải chứng tỏ rằng hệ thống của họ đủ mạnh để xử lý nhu cầu khách hàng. Một thách thức khác của Chime là phải chứng minh được họ có thể duy trì tốc độ tăng trưởng và hướng đến lợi nhuận.
Cạnh tranh gay gắt
Chime thuộc số những công ty công nghệ có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới. Ông Chris Britt, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Chime, cho biết số lượng giao dịch và doanh thu của công ty đã tăng hơn 3 lần trong năm nay.
“Không ai muốn đến chi nhánh ngân hàng, không ai muốn chạm vào tiền mặt nữa và mọi người đang ngày càng thoải mái hơn khi sống cuộc sống thông qua điện thoại. Chúng tôi có một trang web nhưng không được sử dụng nhiều. Chúng tôi là một ứng dụng di động và đó là cách chúng tôi cung cấp dịch vụ” – ông Britt giải thích.
Ông này cho biết thêm công ty đang bổ sung hàng trăm ngàn tài khoản mỗi tháng nhưng từ chối cho biết tổng số người sử dụng dịch vụ. Thay vào đó, theo ông Britt, Chime sẽ sẵn sàng cho kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong vòng 12 tháng tới nhưng vẫn chưa ấn định thời điểm chính xác cho động thái này.
Sau khi kết thúc vòng gọi vốn mới nhất, Chime được cho là sẽ có gần 1 tỉ đô la tiền mặt. Điều này giúp công ty có không ít nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng và tiến hành thâu tóm những công ty cần thiết. Ngoài ra, tài chính dồi dào được kỳ vọng giúp Chime cạnh tranh tốt hơn trong thị trường ngày càng khốc liệt.
Bên cạnh những đối thủ trong nước như Varo, Current…, Chime dự kiến còn đối mặt sức ép từ những đại gia công nghệ như Google, Uber đang có ý tham gia cung cấp dịch vụ tài chính và sự xâm nhập của những ngân hàng số nước ngoài đang hoạt động thành công, như Monzo (Anh), N26 (Đức)…
Công ty khởi nghiệp fintech tiêu dùng bị Chime soán ngôi về giá trị tại Mỹ là Robinhood, chuyên cung cấp cho người tiêu dùng dịch vụ giao dịch chứng khoán miễn phí thông qua ứng dụng. Công ty này được định giá 11,7 tỉ đô la sau vòng gọi vốn mới nhất trị giá 660 triệu đô la vào tháng rồi giữa lúc có thông tin về kế hoạch IPO của họ trong những tháng tới. Những khoản tiền khủng này cho thấy ngay cả khi giới đầu tư trừng phạt cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ đã thành danh, họ vẫn sẵn sàng vung tiền cho các công ty fintech đang có kế hoạch IPO.