Tại sao cái đẹp lại cứu rỗi được thế giới? Đến khi đại hồng thủy kéo đến, hay bầu trời sụp đổ, không lẽ đem Cái Đẹp ra là có thể ngăn được?
Dĩ nhiên câu chuyện không phải là nghĩa đen theo cách hiểu ngây thơ như vậy. Ở đây là hiểu rằng cái đẹp luôn đi liền với sự thánh thiện và chân lý. Chân – Thiện – Mỹ là tam giác gắn liền với nhau, tương sinh tương hỗ với nhau. Vì thế, nói đến cái đẹp là nói đến cả tính thiện (thiện lành) và tính chân (đúng đắn).
Tôi có một niềm tin hơi ngây thơ rằng những người yêu cái đẹp, biết thưởng thức và nâng niu cái đẹp sẽ rất thiện lành và sẽ luôn cố gắng làm điều đúng, đúng với các tâm và đúng với nhiệm vụ chuyên môn của mình.
Bằng trải nghiệm cá nhân còn hạn hẹp của mình, tôi xin kể ba câu chuyện về những người thuộc lĩnh vực gần gũi với tôi nhất: toán học.
1.
Tôi có anh bạn người Mông Cổ. Quen nhau qua mạng thôi vì chúng tôi đều là dân toán và cùng quan tâm đến toán phổ thông. Khi tôi xuất bản tạp chí online Epsilon, anh ấy quan tâm và đã hai lần gửi bài đăng trên đó. Tôi và anh cũng chia sẻ các tài liệu chuyên toán của Việt Nam và Mông Cổ.
Cách đây vài năm tôi thấy anh bắt đầu chơi nhiếp ảnh. Ban đầu cũng chưa mấy ấn tượng nhưng gần đây thì tay nghề anh lên thấy rõ. Ảnh đẹp và thật có hồn. Thiên nhiên qua ống kính của anh luôn lung linh, tuyệt đẹp và luôn được điểm tô bởi một bóng hồng đẹp hồn nhiên, kiêu sa, thánh thiện.
Để ý lại các bài viết của anh về học thuật (cái tài liệu dạy học, sách giáo khoa, các bài test), thấy nó đẹp cả về nội dung lẫn hình thức trình bày. Chợt giật mình, hình như cả về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn bạn cũng hơn ta rồi. Sách được trình bày đẹp và khoa học, các bài test rất hay về nội dung (trong đó những bài trắc nghiệm đúng là ra trắc nghiệm, không xấu xí như nhiều đề thi trắc nghiệm của ta). Cuốn booklet về các kỳ thi olympic của Mông Cổ được trình bày chỉn chu, cho thấy rõ hệ thống thi olympic của họ (có nhiều khối lớp chứ không chỉ mỗi lớp 12 như ta, và có cả các cuộc thi cho giáo viên tiểu học, THCS, THPT).
Nhìn lại, thấy ở kỳ IMO 2021 vừa qua, Mông Cổ xếp trên Việt Nam trên bảng xếp hạng không chính thức.
Ở Việt Nam, có mấy giáo viên toán có tay nghề chụp ảnh được như người bạn Mông Cổ của tôi?
2.
Tôi có một người anh. Anh chính là người cách đây hơn 20 năm đã dìu dắt tôi bước vào lĩnh vực toán chuyên tầm quốc gia, khi tôi còn là giáo viên trẻ của trường Phổ thông Năng khiếu. Anh đã dạy tôi cách làm việc chỉn chu và cẩn trọng, luôn chậm rãi chứ không ào ào, hấp tấp như tôi. Đặc biệt anh rất chú ý đến cái đẹp, cái tự nhiên trong cách phát biểu các bài toán. Một bài toán với anh như một bài thơ, phải có ý, có tứ, ngôn từ phải trau chuốt, chọn lọc.
Toán thi học sinh giỏi mà không có ý tứ gì cả thì vứt, anh nói. Anh có tài (và luôn để tâm) thổi hồn cho các bài toán đề xuất từ các nguồn, làm cho nó hay hơn, lung linh hơn. Có lần tôi gửi đề đề xuất và được chọn. Sau khi thi xong anh nhắn “Anh đã thử nhưng không thể, chú phát biểu hay quá rồi, sửa lại thành dở”. Thật là người tri kỷ.
- Xem thêm: Cái đẹp…
Gần đây anh về hưu. Anh nói với tôi: “Dũng ạ, anh thấy trên mạng có nhiều thứ vớ vẩn quá, các bạn giáo viên đôi khi quá tự tin, cứ chém lấy được. Anh phải đi dọn vườn, chú cùng giúp anh nhé”. Thế là anh đi vào các diễn đàn nghiêm túc. Anh đi trước đấm, tôi đi sau xoa. Anh chấp nhận đóng vai ác, tôi đóng vai hiền. Nhưng cả hai cùng có chung mục đích là giúp anh chị em giáo viên tiến bộ. Lúc đầu anh chị em không hiểu có phản ứng. Nhưng sau hiểu rồi thì rất yêu quý anh.
Anh bộc trực nhưng rất cẩn trọng và khoa học, và cái tâm thì rất rất tốt, cách anh vỗ mặt chỉ là cách để làm đối phương tỉnh người ra thôi, không có ý triệt hạ. Đặc biệt kiến thức chuyên môn của anh rất vững và anh không bao giờ nói ẩu, nhiều việc chưa rõ là anh sẽ tham khảo với tôi chứ không phán theo cảm tính. Tôi yêu quý anh lắm dù anh đúng là “dị nhân”.
Hôm rồi anh post lên faccebook bản cover bài Đôi bờ của Aglaia Shilovskaya. Một clip đẹp toàn diện cả về nhạc, lời hát, câu chuyện, bản phối, giọng ca, dàn nhạc, khán giả và ca sĩ.
Người tinh tế như anh, hiển nhiên sẽ làm được bao việc tốt.
3.
Tôi có một người thầy đáng kính. Ông không dạy tôi trực tiếp một buổi nào nhưng bằng cách sống của chính mình, ông đã dạy tôi rất nhiều về cách sống, cách làm việc, cách cống hiến.
Trang facebook của ông lúc nào cũng tràn đầy năng lượng tích cực. Lúc thì là những phong cảnh đẹp, lúc thì là những món ăn ngon, khi thì là những bài hát. Nhưng nhiều nhất và nổi bật nhất là những bài viết ông khoe học trò, khoe ảnh của họ, khoe bài báo của họ, khoe các buổi bảo vệ của họ. Với ông, đào tạo ra những học trò giỏi chuyên môn, biết yêu âm nhạc, nghệ thuật, biết thưởng thức cái đẹp luôn là tâm nguyện lớn nhất.
Năm 2019, nhân dịp 20.11, tôi có cùng Zing dựng loạt chân dung các thầy giáo có nhiều đóng góp cho đất nước. Khi tôi đặt vấn đề với thầy, thầy nói “Để vài năm nữa hãy viết. Có được không. Mình thấy mình phải cố gắng hơn”. Rồi thầy bổ sung “Nếu mình có thể cho các bạn trẻ điều gì, thì đó chính là tinh thần “vô úy thí” (thí sự không sợ hãi) của đạo Phật”.
Mới đây, ông post lên facebook bức vẽ của vợ mình. Bức vẽ được sự trầm trồ khen ngợi của rất nhiều người, dù chị hình như cũng chỉ mới bắt đầu học vẽ gần đây, khi bắt đầu nghỉ hưu. Chị cũng là nhà khoa học, ngành Khí tượng, nơi mà những phương trình vi phân của chồng mình được ứng dụng rộng rãi. Thật là một cặp đôi hoàn hảo.
Nói thêm, thầy hiện đang là kỷ lục gia về số học trò là tiến sĩ. Và trong số đó, có thể có chị là hoa hậu của các nhà toán học nữ.