Khi thấy Manchester United (M.U) mua sắm rầm rộ trong mùa chuyển nhượng vừa rồi, hẳn nhiều người phải nhăn mặt. Tuy nhiên, những người am hiểu lại cho rằng đó là điều tất yếu của bóng đá. Ai nhăn mặt thì hoặc là không có nguồn lực để mua, hoặc muốn mua nhưng sợ vi phạm luật công bằng tài chính (như Manchester City), hoặc đang sở hữu một đội hình toàn sao và đang đà chiến thắng nên không muốn thay đổi mà thôi. Ấy vậy nhưng khi đang sở hữu một đội hình toàn sao và không có nhu cầu mua sắm rầm rộ, người ta rất dễ bực mình với một CLB khác đang lâm vào tình thế phải vơ vét ngôi sao nhằm làm mới đội hình.
Cách đây năm năm, khi còn tại vị và đang sở hữu một đội hình chiến thắng, HLV tiền nhiệm của M.U khi ấy, ngài Alex Ferguson cũng từng như thế khi thấy “gã hàng xóm ồn ào” (từ mà ngài Ferguson dùng để chỉ Manchester City) đổ tiền tấn sắm sao. Ông còn dè bỉu rằng mua sắm như vậy là ngớ ngẩn, trả lương cao ngất ngưởng là điên rồ và khẳng định M.U sẽ không bao giờ bỏ ra cả núi tiền để mua những ngôi sao đã khẳng định được tài năng mà chỉ đầu tư vào các cầu thủ sẽ gắn bó với CLB lâu dài, những người sẽ hình thành nên cá tính của CLB…
Có lẽ thời điểm này, HLV Luis Van Gaal của M.U mới hiểu tâm trạng của ông Mancini dẫn dắt Manchester City khi bị ông Ferguson dè bỉu năm nào. Và đúng là khi đang thành công và sở hữu một đội hình toàn sao, người ta rất dễ quên rằng CLB mình cũng phải mua sắm rất nhiều mới có được đội hình như thế. M.U chính là đội phá kỷ lục chuyển nhượng của bóng đá Anh nhiều nhất và dưới thời Ferguson, CLB này phá kỷ lục chuyển nhượng nhiều hơn tất cả các HLV khác của đội bóng này cộng lại! Ngài Ferguson từng tung ra sân đội hình đắt giá nhất nước Anh vào cuối thập niên 1980. Trong thất bại 1-5 của M.U trước Manchester City năm 1989, tổng giá trị đội hình Manchester City chưa bằng một mình Paul Ince bên phía M.U. Khi ấy, họ là đội bóng tiêu tiền khủng khiếp nhất nước Anh.
Bây giờ, nếu được hỏi, có lẽ ngài Ferguson sẽ nói, không đội bóng lớn nào thiếu được những ngôi sao đã thành danh. Ngay như Barcelona nổi tiếng với lò đào tạo trẻ hàng đầu thế giới vẫn phải đem về những ngôi sao như Suarez hay Rakitic, năm trước đó đã mua ngôi sao sáng nhất Brazil là Neymar. Và một tài năng trẻ tự đào tạo, dù có tiềm năng, cũng chưa thể một sớm một chiều được liệt vào hàng sao. Như trong trận Barcelona – Athletic Bilbao cuối tuần qua, khi chứng kiến tài năng trẻ Munir bỏ lỡ hết cơ hội này đến cơ hội khác do Messi tạo ra, HLV Luis Enrique phải tung Neymar vào sân thay Munir và chỉ trong sáu phút, anh này đã chuyển hóa hai đường chuyền của Messi thành hai bàn thắng. Giá trị của các ngôi sao thành danh là ở chỗ đó.
Trở lại với M.U. Các ngôi sao mới đến với CLB này trong những ngày cuối của mùa chuyển nhượng phải đối mặt với rất nhiều sức ép. Nhưng Di Maria hay Falcao đều là những ngôi sao hàng đầu thế giới, còn Herrera, Blind và Rojo cũng đã khẳng định được tên tuổi. Và trong lần đầu tiên được chơi cùng nhau, những ngôi sao ấy ngay lập tức lên tiếng. Họ cùng tỏa sáng trong chiến thắng đầu tiên của M.U (4-0 trước QPR), trong đó Di Maria được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất. Xem họ thi đấu, ít ai nghĩ rằng những con người này mới chỉ tập chung với nhau theo đơn vị tính là ngày. Chưa thể phối hợp nhuần nhuyễn như thế hệ 1992 của David Beckham, nhưng những ngôi sao ấy đang làm tốt nhiệm vụ của mình. Một đội bóng lớn không thể thiếu các ngôi sao thành danh. Khi Di Maria rời sân, khán giả sân Old Trafford đã vỗ tay khen ngợi anh. Niềm tin vào đội bóng đã quay trở lại. Cái giá của những ngôi sao như Di Maria không chỉ nằm ở giá chuyển nhượng 59,7 triệu bảng, mà còn nằm ở đẳng cấp, danh tiếng mà một tập thể các ngôi sao sẽ tạo ra, gây cảm giác e dè cho đối thủ khi phải đối đầu với họ và tạo niềm tin cho các cổ động viên. Mà những thứ đó là vô giá.
- Địch Vân