Bỗng dưng muốn khóc…

Vẫn biết tham gia vào thị trường chứng khoán là phải chấp nhận làm bạn đồng hành với hai chữ “rủi ro”, nhưng hẳn nhà đầu tư cũng không tránh khỏi rưng rưng và… thót tim mỗi khi đón nhận tin xấu, tin “khai tử”, từ công ty chứng khoán hay từ doanh nghiệp niêm yết. Dường như sau nhiều nỗ lực từ phía cơ quan quản lý, giới đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân vẫn còn phải chịu nhiều thiệt thòi do sự tù mù, chậm trễ trong công bố thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Lãi suất hạ, GDP tăng, nhưng những thông tin tích cực này trở nên “mơ hồ” trước những gì mà các doanh nghiệp niêm yết đang bày ra trước mắt nhà đầu tư. Những thông tin tốt đến từ doanh nghiệp hầu hết đã được công bố từ tháng 7 và cũng đã giúp thị trường khởi sắc. Cuối tháng 7 và bước sang tháng 8, không nằm ngoài dự đoán, thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh đã ngả sang “màu xám” với các mảng màu: lỗ triền miên, doanh thu giảm, thậm chí không có doanh thu… Không chỉ có thế, nhà đầu tư còn không ít lần phải ngã ngửa vì bất ngờ bởi nghịch đảo của các con số hay những quyết định mang tính chất sống còn đối với vòng đời của doanh nghiệp. Đơn cử, trong quý I-2012, nhà đầu tư vẫn tưởng SBS lãi lớn vì tự doanh nhưng không ngờ công ty chứng khoán này lại lỗ lớn. Khi thị trường tăng, SBS bán hàng tự doanh, lãi lớn từ giá, nhưng khi trả nợ thì lãi vay ngân hàng quá lớn, đẩy doanh nghiệp này vào chỗ lỗ lớn, thậm chí đến bờ vực phá sản.

Thật khó cho nhà đầu tư khi thông tin đến từ doanh nghiệp luôn chậm còn diễn biến thể hiện trên bảng điện tử không ít lần đã đưa đến kết cục trái chiều. Chỉ ít ngày trước khi công bố kết quả kinh doanh quý II, cổ phiếu PSG đã có bốn phiên tăng trần liên tục từ 17 đến 20-7. Kết quả kinh doanh ra sao? Doanh nghiệp này kinh doanh lỗ triền miên, âm hơn 32 tỉ đồng trong quý II-2012 và sáu tháng đầu năm lỗ ròng 64 tỉ đồng. Trong phiên giao dịch ngày 19-7, PVX trở thành hiện tượng khi khớp lệnh tới hơn 11,5 triệu đơn vị, giá tăng kịch trần lên 9.800 đồng/cổ phiếu. Nhưng cũng chỉ vài ngày sau đó, kết quả kinh doanh quý II của công ty mẹ được công bố với mức lỗ lên đến gần 300 tỉ đồng.

Những ngày đầu tháng 8, thị trường thêm phần ngột ngạt vì sự “ra đi” của Cáp Sài Gòn (CSG) và Công ty chứng khoán SME. Ngày 1-8, Hội đồng quản trị của Cáp Sài Gòn bất ngờ ra quyết định giải thể công ty với tỷ lệ tán thành lên đến 100%. Sau bảy năm hoạt động không thành công, CSG đã đứng trước ngưỡng cửa khai tử. Đây là diễn biến tất yếu với các doanh nghiệp yếu kém. Vấn đề khiến các nhà đầu tư bức xúc hơn cả đó là sự nhập nhằng, thiếu minh bạch của thông tin về doanh nghiệp. Ngày 2-8, cơ quan công an đã khởi tố và bắt tạm giam ông Phan Huy Chí – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SME – để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ông Chí, ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị SME cũng bị bắt. Báo cáo tài chính mà SME công bố gần nhất là… quý III-2011. Theo báo cáo tài chính quý III-2011, SME lỗ 6 tỉ đồng và lỗ lũy kế gần 23 tỉ đồng. Việc SME không công bố báo cáo tài chính đầy đủ cùng với việc công ty chứng khoán này gần như ngừng hoạt động khiến có những phỏng đoán cho rằng, còn nhiều chủ nợ vẫn chưa đòi được tiền từ SME, bởi báo cáo tài chính quý III-2011 cho thấy công ty này vẫn nợ gần 600 tỉ đồng.

Sự phỏng đoán cũng đang theo một chiều hướng lo ngại đối với cổ phiếu bất động sản nói chung. Thị trường bất động sản vẫn đóng băng, doanh thu có thể nói là cực kỳ thấp, trong khi nợ ngân hàng lớn, lãi vay thì cứ “lãi mẹ đẻ lãi con”. Ở quý II, khá nhiều doanh nghiệp bất động sản báo mức lãi “xinh xinh” nhưng không ai dám tin rằng nhóm này đã thoát khỏi cơn bĩ cực. Và chừng nào còn khó khăn thì bất động sản còn là “cục đá tảng” đe dọa sức khỏe của các ngân hàng. Lại là “đoán”, nhiều người cho rằng trong tháng 8 này sẽ xuất hiện những thông tin mới theo hướng hỗ trợ thị trường. Bởi không lý gì mà trong tháng 7 vừa qua, những đánh giá “xanh rờn” về sự phục hồi của thị trường chứng khoán vào cuối quý III lại được nhất loạt đưa ra bởi các chuyên gia, nhà quản lý có uy tín.

Phiên giao dịch đầu tuần ngày 6-8, diễn biến giao dịch lình xình ban đầu đã nhanh chóng thay đổi với thông tin khá tích cực về việc Ủy ban Chứng khoán có khả năng rút ngắn giao dịch xuống T+2 và T+1 trong thời gian tới. VN-Index vươn lên 423,16 điểm với khối lượng giao dịch 44,56 triệu cổ phiếu, giá trị gần 661,7 tỉ đồng. Diễn biến này có được phải nhắc đến sự tăng giá ngoạn mục của VNM. Dòng cổ phiếu dầu khí cũng có phiên khả quan sau khi có bộ chỉ PVN-Index. Diễn biến phiên giao dịch này là đáng mừng nhưng ai hành động đúng, phe mua vào hay phe tranh thủ xả hàng giá tốt, là câu hỏi còn bỏ ngỏ…

Song Hà

Exit mobile version