Chuyện kể rằng vào cuối thế kỷ IX trước Công nguyên, thành phố cổ đại kỳ vĩ và xinh đẹp mang tên Teppe Hasanlu nằm ở phía Tây Bắc Iran bất ngờ bị tấn công. Quân xâm lược điên cuồng tràn lên cướp bóc và bắt giết. Biết không thể thoát thân, 3 binh sĩ cuối cùng chạy vào đền thờ thần, cố bảo vệ các vật thiêng. Tòa thành sụp đổ, chôn vùi họ vĩnh viễn. 3000 năm sau, hậu thế mới phát hiện sự việc. Những gì 3 người lính này lấy cả tính mạng ra gìn giữ vẫn vẹn nguyên, trở thành cổ vật văn hóa-lịch sử quan trọng nhất.
Thành cổ kỳ vĩ
Teppe Hasanlu là di tích thuộc tỉnh Tây Azerbaijan, Iran. Nó được khai quật từ năm 1936-1974, nổi tiếng là thành phố cổ lớn nhất Thung lũng sông Gadar.
Vùng đất tọa lạc của Teppe Hasanlu là đồng bằng Solduz. Chính giữa Solduz có một gò đất lớn, cao hơn mặt bằng xung quanh tầm 25m. Trên gò đất này, người xưa xây dựng khu định cư. Theo phân tích khảo cổ, những công trình đầu tiên của Teppe Hasanlu có thể được hoàn thành từ khoảng năm 1600-1450 TCN, tức là khoảng giữa Thời kỳ Đồ đồng. Phải đến Thời kỳ Đồ sắt (1250 TCN), Teppe Hasanlu mới bước vào giai đoạn phát triển cực thịnh. Các công trình quân-dân sự, đền thờ tới tấp mọc lên, giãn đường kính tòa thành ra 200m. Nếu tính cả đất đai canh tác nội thành, Teppe Hasanlu đạt chiều rộng 600m.
Hệ thống kiến trúc của Teppe Hasanlu được chia thành 2 vòng, vòng trong và vòng ngoài. Vòng trong chiếm lĩnh vị trí trung tâm, bao gồm các công trình đồ sộ, kho bạc và đền thờ. Vòng ngoài là nhà ở kích thước nhỏ, kho vũ khí, chuồng ngựa… Vật liệu xây dựng là gạch, được đóng bằng bùn và nung qua lửa. Theo các nhà nghiên cứu, Teppe Hasanlu có lẽ đã lợp mái bằng lau sậy và lát nền bằng gỗ. Các cư dân cổ đại của nó cũng thành công dựng những tòa tháp cao, nhiều tầng.
Đường sá trong Teppe Hasanlu được trải đá sạch sẽ. Tập hợp các cổ vật phát hiện tại đây cho thấy, đời sống vật chất của người dân rất sung túc. Họ có những đồ vật bằng đồng và sắt được chế tạo tinh xảo. Đồ gốm của Teppe Hasanlu thì đa dạng, bao gồm từ kiểu đơn điệu đến có sơn màu và vẽ trang trí phức tạp.
Cuộc tàn sát kinh hoàng
Vào khoảng năm 800 TCN, cuộc sống bình yên trong Teppe Hasanlu bị phá vỡ. Quân xâm lược xuất hiện, điên cuồng cướp bóc, bắt giết người và đốt nhà. Trong 3 thập kỷ khai quật, 1950-1980, các nhà khảo cổ phát hiện dưới lớp tro tàn của tòa thành này là 246 thi thể. Nhiều bộ hài cốt bị chặt đứt đầu, tay hoặc chân. Một số bộ hài cốt khác bị cắt làm đôi.
Ngoài các bộ xương không toàn vẹn nằm tứ tung, các nhà khảo cổ còn phát hiện những hố chôn tập thể. Phần lớn nạn nhân trong đó là phụ nữ lớn tuổi và trẻ em còn quá nhỏ. Họ bị đánh vào đầu, chấn thương nghiêm trọng và tử vong. Nhà khảo cổ Michael Danti của Mỹ suy đoán những người này đã bị hành quyết tập thể. Ở thời đại này, chiến tranh đi kèm nô dịch. Các tù binh là chiến lợi phẩm, bị biến thành nô lệ. Kẻ xâm lược chỉ cần những tù binh trẻ, khỏe. Chúng sát hại những người già, yếu và “diệt cỏ tận gốc” bằng cách không tha trẻ con.
“Đây là một cuộc chiến diệt tộc khiếp đảm”, Danti khẳng định. Trước thất bại không thể tránh, có 3 chiến binh Teppe Hasanlu đã chọn gạt bỏ trách nhiệm chiến đấu, lao vào đền thờ. Họ vội vàng vơ các bảo vật quan trọng nhất của tòa thành, giấu trong người. Nhưng chính lúc họ trèo lên cầu thang để chạy ra ngoài, tòa nhà đột nhiên sụp đổ. Cả 3 binh sĩ lẫn các bảo vật đều bị chôn vùi dưới biển gạch vỡ.
Không rõ danh tính
Năm 1958, các nhà khai quật đào trúng vị trí 3 chiến binh Teppe Hasanlu ôm báu vật nằm chết. Họ được trang bị chùy gai cùng mũ sắt có mào và miếng bảo vệ tai. Trong số các cổ vật rải gần 3 người này, có một chiếc bát được đúc bằng vàng. Vừa mới lên khỏi mặt đất, nó đã lừng danh là “phát hiện vĩ đại nhất của thập kỷ”. Dù đã bị đè bẹp dúm, các hình khắc trên chiếc bát vẫn rõ từng đường nét và đẹp tráng lệ. Cả thế giới phát sốt vì Bát vàng Thành Hasanlu. Các học giả đua nhau vào cuộc, nỗ lực giải mã.
Về mặt hình thức, Bát vàng Thành Hasanlu mang hình trụ tròn, cao 21cm và đường kính miệng cũng là 21cm. Nó có niên đại từ 3200 năm trở lên. Các hình ảnh được khắc quanh bề mặt chiếc bát vàng này rất phong phú, bao gồm từ công cụ đến động vật, con người. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, chúng miêu tả thế giới thần thoại trong tâm linh dân thành Teppe Hasanlu. Giới khảo cổ đồng thuận rằng Bát vàng Thành Hasanlu là một kiệt tác thủ công, phản ánh văn hóa và sự giàu có của người Hasanlu. Tuy nhiên, người Hasanlu là ai thì chưa rõ.
Cho đến tận bây giờ, Iran vẫn chưa phát hiện bất cứ manh mối nào về nguồn gốc của các cư dân từng sống trong thành Teppe Hasanlu, ví dụ như chữ viết, cổ vật văn hóa đặc thù… Các tư liệu lịch sử của Iran cổ xưa cũng không có trang nào ghi chép về họ.
“Không có bằng chứng văn bản cho biết gốc gác hay danh tính của người dân thành Teppe Hasanlu”, sử gia nghệ thuật Irene J. Winter (Mỹ) lên tiếng. “Ngay cả cái tên Teppe Hasanlu cũng là do người đời sau đặt. Chúng ta chưa biết tên thật của nó TCN, không biết số lượng dân cư, ngôn ngữ hay sắc tộc của họ. Chúng ta thậm chí còn không biết kẻ đã xâm lược và xóa sổ những người này là ai”.
Trở lại 3 thập niên khai quật Teppe Hasanlu, thế giới từng rơi nước mắt bởi một phát hiện cảm động: Đôi uyên ương Hasanlu. Đó là 2 bộ hài cốt, một nam, một nữ, được tìm thấy nằm chung một mộ với tư thế ôm nhau. Người nam chỉ khoảng 19-22 tuổi, có bệnh tật lâu năm hoặc thương thế cũ chưa lành. Người nữ khoảng 30-35 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh. Nơi họ nằm rất chật hẹp, không có gì ngoài một phiến đá gối đầu. Cả 2 người cũng chết vì ngạt thở chứ không phải bị tấn công vật lý.
Suốt nửa cuối thế kỷ XX, ở Iran vẫn lan truyền câu chuyện cảm động về 3 người lính của Teppe Hasanlu thà chết bảo vệ chiếc bát vàng văn hóa. Danti bày tỏ sự nghi ngờ, đặt giả thuyết họ có khả năng là những kẻ xâm lược xui xẻo bị nhà đổ đè chết trong lúc đang vơ vét. Ông rất mong các nhà khoa học sẽ vào cuộc, phân tích ADN và xác nhận gốc gác những bộ xương. Chỉ khi rõ ràng họ là ai và kẻ thảm sát họ đến từ đâu, chúng ta mới có bức tranh hoàn chỉnh về thành phố cổ đại này.