Trời hơi mù. Tốc độ gió 4m/s. Độ cao tại điểm xuất phát: trên 600m so với mặt nước biển. Đánh giá sơ bộ: đạt 7/10 điểm để bay!
Chúng tôi đang ở điểm bay dù lượn Đồi Bù 833, Chương Mỹ, Hà Nội. Đó là chuyến du xuân đầu tiên năm con Cọp của tôi.
“Tí nữa chị cứ nhắm thẳng cây chuối kia và chạy nhé. Mọi chuyện còn lại em lo rồi” – lời dặn dò ngắn gọn, chắc nịch khiến người sợ độ cao như tôi thêm phần yên tâm. Phi công bay cùng tôi hôm nay là anh Đặng Văn Mỹ – phi công dù lượn với số giờ bay nhiều nhất tại Việt Nam. Sau chuyến bay ngày hôm nay, anh sẽ khảo sát điểm bay tại Tây Nguyên để chuẩn bị những chuyến bay cùng bạn bè.
Với Mỹ, được bay giống như được tự do là chính mình. Nó như một điều gì đó luôn thôi thúc bên trong anh. Anh yêu bầu trời, yêu những con gió. Yêu rồi, hiểu rồi… để bay.
Và chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thú vị trên không trung.
____
Những cánh dù trên cao như những cánh chim liệng trên bầu trời vậy. Một hình ảnh rất cuốn hút!
Đúng là rất đẹp. Và chúng tôi – những phi công dù lượn, cũng như những chú chim vậy, phải hiểu về bầu trời để bay. Nhìn lên bầu trời, ngắm nhìn những chú chim, đôi khi chúng ta sẽ thấy chúng không hề vỗ cánh nhưng vẫn bay rất cao, đó là bởi chúng đang tận dụng một loại gió, gọi là gió thermal (cột khí nóng). Những phi công dù lượn chúng tôi cũng vậy, sẽ có sự hiểu, nhạy cảm để nhận biết từng loại gió. Lợi dụng sức gió để đưa cánh dù bay cao, bay xa.
____
Vậy chúng ta đang ở độ cao bao nhiêu?
Khoảng 700m so với mặt nước biển.
____
Là người sợ độ cao nhưng bây giờ tôi đang lơ lửng trên bầu trời với độ cao bằng 2 lần toà nhà Keangnam, có lẽ bộ môn này không chống chỉ định với những người như tôi?
Với những người chỉ tham gia trải nghiệm, thì chỉ chống chỉ định với những người bị tiền đình, còn thì đều có thể tham gia. Bé nhà tôi bay năm ba tuổi và cu cậu rất thích. Chỉ có những người muốn trở thành phi công dù lượn mới cần thêm những yêu cầu khác. Logic, khả năng phân tích, tỉ mỉ, kiên nhẫn…
____
Điều gì là yếu tố tiên quyết cho một chuyến bay?
Gió. Ngoài yếu tố kỹ thuật của phi công dù lượn ra thì gió là yếu tố quyết định tới 99%. Là loại hình bay không dùng máy móc, không phải bay bằng động cơ, nên chất lượng chuyến bay phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và sự hiểu biết của người phi công về điều kiện vận hành của tự nhiên tại thời điểm bay.
____
Hiểu như thế nào?
Hiểu hơn người làm về thời tiết. Thường người làm về thời tiết họ chỉ xem vận hành chung chung trên diện rộng. Còn hiểu thời tiết của những phi công dù lượn là cái hiểu vi khí tượng. Tức là ở một khu vực rất nhỏ tại địa phương nơi bay rất rõ. Có thể nói không ai hiểu về gió tại địa phương đó bằng phi công dù lượn. Hôm nay gió này, giờ này gió này, giờ kia gió kia, khi nào đổi gió, khi nào gió mạnh/yếu nhất trong ngày; hôm nay trời khô hay không, tầm nhìn bao nhiêu?…
____
Để theo bộ môn này chắc rất mất thời gian?
Ý chị là về việc khảo sát hay về việc để thực hiện được một chuyến bay?
____
Có lẽ cả hai (cười)!
Thường thì một điểm bay có thể mất vài tháng cũng có khi vài năm để hiểu hết. Bởi vì gió địa phương không có một thông tin nào để kiểm tra được. Chỉ có thể theo dõi bằng thực tế hàng ngày. Theo dõi theo mùa, theo ngày với việc bắt đầu bằng hướng gió chủ đạo, rồi từ đó xem khi gió chủ đạo nó tới địa phương, tới điểm bay đó kết hợp với địa hình ở đó mà nó thay đổi ra sao.
Còn để thực hiện được một chuyến bay cần kiên nhẫn. Bất cứ ai chơi sâu về bộ môn này đề sẽ thấy phi công dù lượn là những người có khả năng chờ đợi rất tốt. Thường những người chơi mới lại là những người nóng ruột. Nếu không chờ đợi thời điểm thích hợp mà nôn nóng thực hiện chuyến bay thì thường sẽ xảy ra sự cố. Nhẹ nhàng là cất cánh hỏng và hạ cánh vào vực hay vào cây, hoặc gây xây xát.
____
Vậy người chơi bộ môn dù lượn này đều là người “biết chờ đợi”?
Thật ra hồi đầu mới chơi, tôi cũng là người… húng lắm, dễ nôn nóng. Thường thì người mới bao giờ cũng vậy. Nhưng dần dần sau mỗi chuyến bay, và những sự cố gặp phải do sự nôn nóng mà mình đã học được tính kiên nhẫn.
Bộ môn này cần sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn để chờ đợi thời điểm thích hợp thực hiện chuyến bay. Có khi mất cả ngày chờ đợi rồi lại vác dù về vì không thể thực hiện được. Bởi yếu tố tự nhiên là thứ luôn bất biến, thay đổi mà chúng ta chỉ có thể dự báo chứ không thể chắc chắn về nó. Nên với tôi, đây cũng là một trong những yếu tố thú vị của bay dù lượn. Nó luôn luôn mới mẻ. Không có chuyến bay nào giống chuyến bay nào do ta luôn phải phân tích tình hình thực tế của điều kiện tự nhiên trong chính chuyến bay.
Bay dù lượn, có thể điểm cất cánh giống nhau, nhưng điểm hạ cánh, và đặc biệt là cung đường và thời gian không bao giờ là cố định. Nếu anh bảo hôm nay bay lúc hai giờ, tôi không chắc chắn với anh điều đó được. Tôi chỉ có thể xem thời điểm nào có thể bay được thì sẽ bay.
____
Sự mới mẻ của mỗi chuyến bay, nghe rất thú vị. Nhưng có những sự cố nào gặp phải mà khiến anh hối tiếc chưa?
Thật may là chưa. Trong bay dù lượn không cho phép phạm sai lầm. Dù chuyên dùng bay cho tốc độ 60-70km/h, dù bình thường cũng khoảng 30-35km/h. Và bạn thử tưởng tượng, đây là bộ môn hạ cánh bằng chân với tốc độ như vậy mà gặp sai lầm thì hậu quả khôn lường.
Và nếu không thể xử lý sự cố thì ưu tiên hạ cánh. Trước khi bay thường phi công sẽ kiểm tra địa hình có những lưu ý gì và vận dụng tất cả sự hiểu biết, kinh nghiệm của mình để phân tích điều kiện tự nhiên. Nếu người phi công phân tích sai thì chuyến bay sẽ thất bại. Thất bại của sự phân tích này sẽ gặp phải những sự cố trong quá trình bay, hoặc sẽ phải hạ cánh sớm hơn dự định.
Tất nhiên, có thể sửa chữa sai. Khi anh phân tích sai, dự đoán sai, thì anh cần phân tích và dự đoán lại. Đổi kế hoạch là chuyện bình thường trong bay dù lượn. Thậm chí, có những trường hợp phải hạ cánh bằng mọi giá. Lúc này anh chỉ có thể tính toán làm sao để hạ cánh an toàn nhất có thể. Và chính nhờ sự phân tích, logic của phi công mà chuyến bay sẽ phạm ít sai lầm.
Thêm một điều nữa là, càng cao thì càng an toàn, nghĩa là anh có thêm thời gian để xử lý sự cố (nếu có).
____
Vậy một chuyến bay như thế nào được cho là thành công?
Trong dù lượn, chúng tôi hay gọi đó là một chuyến bay đẹp.
Một chuyến bay đẹp là một chuyến bay ít phạm sai lầm. Điều này đồng nghĩa với việc những phi công đưa ra những quyết định đúng trong quá trình bay. Ví dụ anh dự định cất cánh từ điểm A tới điểm B rồi lại quay lại hạ cánh tại điểm A. Tại thời điểm anh cất cánh mọi điều kiện đều tốt, nhưng chỉ sau đó, trong quá trình bay điều kiện gió thay đổi, bắt buộc anh phải phân tích tình hình và xử lý để đạt được mục tiêu bay.
Nếu người kỹ thuật thấp hơn, có thể họ chỉ xử lý được là bay từ điểm A tới điểm B, thậm chí không tới điểm B. Nhưng người có kỹ thuật cao hơn, họ sẽ biết cách nương theo gió, họ thấy điều kiện chưa hợp lý để bay thẳng tới điểm B thì họ sẽ bay vòng, chờ cơ hội, họ sẽ mất thời gian hơn, quãng đường dài hơn nhưng họ đạt tới mục tiêu. Nên sớm chưa chắc là tốt mà quan trọng là thời điểm và duy trì nó.
Vì vậy, ngoài yếu tốt điều kiện tự nhiên ra thì kỹ thuật của phi công rất quan trọng. Mọi yếu tố về gió như ngược gió, xuôi gió, sang trái hay sang phải để lấy gió… thì người phi công đều phải tính. Và luôn có nhiều kế hoạch trong chuyến bay.
____
Trong bay dù lượn, anh sợ nhất điều gì?
Giông! Giông phát triển rất nhanh. Nó chỉ đến trong vòng 5 phút. Nhiều khi đang bay với điều kiện rất đẹp, nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại đã xuất hiện một đám mây to lên và hút về đám mây ấy với sức gió giật như bão. Và với tình huống này thì trong dù lượn luôn ưu tiên hạ cánh. Bằng mọi giá người phi công phải cho hạ cánh vào đâu cũng được. Nếu anh không ưu tiên tiếp đất, thì rất dễ bị hút vào giông.
____
Được biết anh là người có số giờ bay nhiều nhất Việt Nam tính tới thời điểm này?
Tôi không phải là người chơi dù sớm nhất, nhưng tôi say mê bộ môn này và hiện tôi có khoảng một ngàn giờ bay.
____
Chuyến bay dài nhất anh từng bay?
Trước khi trả lời chị, tôi phải nói điều này. Trong dù lượn, chuyến bay dài nhất là quãng đường tính theo đường chim bay từ điểm cất cánh tới điểm hạ cánh. Bởi vì nếu anh bay từ điểm A tới điểm B là 10km nhưng anh cứ vòng vòng quanh đó lên tới vài chục kilomet cũng không được tính.
Còn về chuyến bay xa nhất của tôi có lẽ là chuyến bay ở nước ngoài cách đây hai, ba năm với quãng đường khoảng 170km. Hồi ấy tôi mới chơi dù lượn được khoảng 3 năm. Còn ở Việt Nam, tôi đã thực hiện chặng bay với khoảng hơn 100km.
____
Có khi nào xuất hiện trong anh ý nghĩ tới một ngày mình không còn muốn bay nữa?
Tôi chỉ nghĩ tới việc nâng cao kỹ thuật bay cho bản thân. Tôi luôn sẵn sàng được bay khi có cơ hội, được bay trên bầu trời, được đạt những mục tiêu và được bay với những kỹ thuật ngày càng cao hơn.
____
Mục tiêu sắp tới của anh là gì?
Nếu điều kiện cho phép, năm nay tôi sẽ sang Thái Lan và đặt mục tiêu sẽ bay quãng đường khoảng hơn 250km.
____
Đã bay nhiều, bay dài vậy theo cảm nhận của anh đất nước mình nhìn từ trên cao như thế nào?
Chỉ hai từ thôi: tuyệt đẹp!