Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của tiểu bang Utah (Hoa kỳ) lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan là vào năm 1969, khi ấy công trình nằm trong toà nhà George Thomas thuộc khuôn viên Đại học Utah. Qua nửa thế kỷ, bộ sưu tập của bảo tàng tăng lên đến hơn 1,6 triệu hiện vật.
Nhu cầu tăng diện tích trưng bày và phục vụ công tác nghiên cứu và học tập chuyên sâu về lịch sử văn hoá và tự nhiên phong phú của tiểu bang đòi hỏi bảo tàng phải chuyển đến không gian thích hợp hơn. Và khu đất 17 acre ( xấp xỉ 6,8 hectare) nằm ở chân đồi gần thành phố Salt Lake đã được chọn làm địa điểm mới.
Toạ lạc nơi đây, bảo tàng mới sẽ nằm dọc theo dải địa chất Lake Bonneville thuộc dãy lưu vực cổ đại vùng Great Basin, vùng Bắc Mỹ, với mảng thực vật đặc trưng và tiếp giáp với nhiều khu vực hoang dã thuộc bảo tồn quốc gia. Tuy vậy, trong diện tích này cũng có phần được phép tự do phát triển nên cũng đã từng tồn tại nhiều công trình nhân tạo, như những hạng mục phục vụ cho tuyến du lịch đi bộ dã ngoại nổi danh Bonneville Shoreline Trail.
Việc xây dựng bảo tàng ở nơi này không phải là hoàn toàn thuận lợi. Trong lúc phát triển uy tín một địa chỉ văn hoá và giáo dục, bảo tàng đồng thời phải đảm bảo những cam kết nhạy cảm thoả mãn cho cả vấn đề xã hội và môi trường.
Về nguyên tắc, hoà hợp với thiên nhiên và mô phỏng sinh học là yếu tố được đặt lên hàng đầu trong định hình các thiết kế mang tính bền vững. Các kiến trúc sư cảnh quan quyết định phát triển việc xây dựng bảo tàng trên nguyên tắc tạo ra nhiều tầng nhưng vẫn bảo đảm tính liền mạch và việc tiếp cận tự nhiên được triển khai ngay từ chân móng của các công trình xây dựng. Tính tiếp cận được tổ chức tuỳ qui mô thực địa khác nhau nhưng đều tập trung theo ba hướng: Kết nối, Thay đổi và Đa dạng.
Qua công tác điều tra thực địa nghiêm túc, có bốn ý chính được lập ra để hướng dẫn việc phát triển ý tưởng thiết kế:
- Nghệ thuật và khoa học phải kết hợp thông qua các ẩn dụ trừu tượng hoặc cách điệu những đặc điểm tự nhiên.
- Các công trình nhân tạo và cảnh quan thiên nhiên tồn tại bên nhau trong mối tương hỗ sâu sắc đồng thời nhấn mạnh sự khác biệt nội tại của từng bên.
- Màu sắc, hình khối, kết cấu bề mặt nhằm phô diễn thẩm mỹ và diễn giải ý tưởng thiết kế của các công trình cần được thể hiện cẩn trọng một cách tinh tế.
- Khuyến khích các thiết kế tích cực chuyển tải tính đa dạng tự nhiên để đưa ra nhiều cơ hội cho việc giáo dục về sức khoẻ môi trường và phát triển bền vững.
Trên nguyên tắc chung và những ý tưởng đã được cụ thể hoá ấy, các kiến trúc sư cảnh quan tiến hành xoá nhoà ranh giới giữa các khối xây dựng và thiên nhiên. Giải pháp là phát triển chuỗi mái hiên liền lạc các đường viền chân đồi hiện hữu tạo thành một đường chân trời xuyên suốt. Sự tích hợp này khiến cho địa hình tự nhiên đa dạng gắn kết vào các công trình một cách hài hoà. Khối công trình xây dựng cũng nhờ đó khéo léo hoà hợp với thảm thực vật và địa hình tự nhiên trong lúc vẫn đảm bảo những công năng sử dụng.
Tiếp theo, chúng ta cùng tham khảo thêm một số khía cạnh của tính bền vững trong thiết kế công trình này.
- Nước mưa được dẫn vào bể ngầm có sức chứa 10 000 gallon ( # 45,5 m3) đủ tưới cho toàn bộ khuôn viên. Điều này giúp giảm bớt lượng mưa đổ vào đường thoát nước của thành phố gây ngập lụt. Phần nền bãi đậu xe được lát bê tông thấm. Và nước mưa theo các hệ thống dẫn vào các bể chứa.
- Bảo tàng được lắp đặt mảng thu năng lượng mặt trời lớn nhất tiểu bang. Các mặt đường sử dụng bê tông nhẹ và các công trình che phủ bằng mái xanh làm giảm hấp thu nhiệt, cải thiện chất lượng không khí và môi trường xung quanh. Hệ thống chiếu sáng tuân thủ quy tắc dark-sky giúp hạn chế tác động ô nhiễm ánh sáng đến môi trường sống nhạy cảm của khu vực.
- Nguồn vật liệu địa phương được sử dụng xuyên suốt quá trình thi công các hạng mục nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon và đẩy mạnh yếu tố bản địa. Những mảng tường móng thi công theo cách dùng khung lưới thép bọc các khối sa thạch đỏ địa phương lấy từ quá trình đào xới; qua đó màu sắc và hình thức hoà quyện vào các địa hình địa chất dãy núi Wasatch trong vùng. Các giống thực vật bị đào xới trong quá trình xây dựng được gây trồng lại cùng với các giống bổ sung từ các khu lân cận nhằm đảm bảo khôi phục tính đa dạng sinh học.
Những nỗ lực trên đã giúp cho công trình bảo tàng này nhận được Chứng nhận Vàng LEED ( Leadership in Energy and Environmental Design – Thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường) của U.S. Green Building Council.
Là một trung tâm lưu giữ kiến thức khoa học, bảo tàng vai trò cầu nối giữa cộng đồng khoa học và công chúng. Trên cơ sở nhận thức ấy, thông qua thiết kế của mình, các kiến trúc sư cảnh quan biến việc chuyển giao kiến thức theo một cách hiệu quả bằng những trải nghiệm tự nhiên có sức thu hút cao. Mỗi phòng trưng bày thực sự là một lớp học ngoài trời cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.
Đứng trong nội thất, xuyên qua lớp cửa kính rộng, khách tham quan có thể thu vào tầm mắt toàn bộ cảnh núi non hùng vĩ, các mảng đá đại diện cho các thời kỳ địa chất nằm rải rác quanh khu vực. Sau khi đã tìm hiểu về nét văn hoá đa dạng của những sắc dân bản địa tại các không gian trong nhà, khách tham quan tiếp cận ngay với thiên nhiên ở các khu vực tự nhiên liền kề và tham gia những cơ hội khám phá tự nhiên dọc hệ thống đường mòn được thiết kế lại một cách sáng tạo.
Thiết kế cảnh quan của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của tiểu bang Utah mới đây đã vinh dự nhận được Giải thưởng Xuất sắc 2021 (Award of Exellence) hạng mục Thiết kế chuyên nghiệp của Hiệp hội Kiến trúc sư Cảnh quan Hoa kỳ ASLA.
Thành công của các kiến trúc sư là đã khéo léo bố trí công trình bảo tàng và những chương trình phụ của nó vào vùng cảnh quan hiện hữu với rất ít xáo trộn. Điều này đòi hỏi một nền tảng kiến thức sâu sắc về sinh thái địa phương và xuất phát từ mong muốn khu biệt môi trường xây dựng với tự nhiên một cách nghệ thuật, khoa học để tôn lên nét đẹp riêng biệt vùng Utah.
- Xem thêm: Sống giữa thiên nhiên
Đánh giá cho thấy 90% diện tích đào bới trong quá trình xây dựng đã được khôi phục lại trạng thái tự nhiên. Các khoảng trồng mới giống gỗ sồi Gambel bản địa được đan kết vào các mảng rừng gỗ sồi tự nhiên tạo nên một giao diện sinh thái thân thiện và bền vững.
Thiết kế: Design Workshop, Inc.
www.designworkshop.com
Ảnh: Jeff Goldberg/ Esto
Tư liệu của ASLA – The American Society of Landscape Architects