Ngày 6/5/2025, Bain & Company, phối hợp cùng GenZero, Google, Standard Chartered và Temasek, vừa công bố ấn bản thứ 6 của báo cáo “Nền Kinh tế Xanh Đông Nam Á”. Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận mang tính hệ thống trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, đồng thời giải quyết hiệu quả các thách thức về phát thải và an ninh năng lượng tại khu vực Đông Nam Á (ĐNA) và châu Á – Thái Bình Dương (APAC).
Theo báo cáo, nếu được triển khai đồng bộ, cách tiếp cận này có thể đóng góp thêm 120 tỷ USD vào GDP của nhóm SEA-6 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), tạo ra khoảng 900.000 việc làm và thu hẹp 50% khoảng cách phát thải vào năm 2030.
Trong đó, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng với tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 43% – thuộc hàng cao nhất khu vực. Đặc biệt, dòng vốn đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực xanh tại Việt Nam đạt 161 triệu USD trong năm 2024, chiếm khoảng 2% tổng đầu tư của SEA-6.
Ba giải pháp hệ thống trọng tâm
Báo cáo xác định ba trụ cột chính cần được ưu tiên phát triển ở cấp hệ thống: kinh tế sinh học bền vững, nâng cấp lưới điện và xây dựng hệ sinh thái xe điện (EV).
Trong đó, kinh tế sinh học – chiếm tới 30% lượng việc làm trong khu vực – đang đối mặt với các rào cản như phát thải cao từ nông nghiệp, mất rừng, và chuỗi cung ứng yếu. Báo cáo khuyến nghị cần cải cách quyền sử dụng đất, nâng cao năng suất từ tài nguyên sẵn có và đẩy mạnh hợp tác với APAC để tăng cường chuyển giao công nghệ, đầu tư vào nhiên liệu sinh học thế hệ mới và các giải pháp dựa vào tự nhiên.
Về năng lượng, hệ thống lưới điện tại ĐNA cần được hiện đại hóa để tích hợp năng lượng tái tạo và kết nối xuyên biên giới. Các “Cụm Công nghiệp Xanh” (Green Industrial Clusters) được đề xuất như một giải pháp khả thi để thu hút vốn tư nhân, đặc biệt là vào lĩnh vực truyền tải, lưu trữ và phân phối điện xanh. Nếu triển khai hiệu quả, chi phí ròng để khử carbon lưới điện có thể giảm 11% vào năm 2050.
Hệ sinh thái xe điện cũng là trọng tâm trong lộ trình giảm phát thải, khi giao thông đường bộ hiện chiếm tỷ lệ phát thải cao tại khu vực. Báo cáo nhấn mạnh việc cần một chiến lược kép để đồng thời thúc đẩy nhu cầu sử dụng và mở rộng năng lực sản xuất nội địa EV. Các “hành lang xanh” sẽ đóng vai trò đột phá trong việc điện hóa đội xe thương mại, cùng với đó là phát triển chuỗi cung ứng pin, trạm sạc và đầu tư vào hạ tầng sản xuất bền vững.
Ba giải pháp hỗ trợ
Bên cạnh ba trụ cột trên, báo cáo cũng đề xuất ba giải pháp hỗ trợ: phát triển tài chính khí hậu, mở rộng thị trường carbon và khai thác trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực phát thải cao.
Tổng đầu tư xanh tại SEA-6 năm 2024 đạt 8 tỷ USD – tăng 43% so với năm trước. Dẫn đầu vẫn là lĩnh vực năng lượng mặt trời và xử lý chất thải. Tuy nhiên, khu vực vẫn còn thiếu hụt hơn 50 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu chuyển dịch xanh. Báo cáo nhấn mạnh cần tăng tốc phát triển các mô hình tài chính kết hợp (blended finance), chuẩn hóa quy trình đầu tư và tạo cơ chế thu hút vốn tư nhân.
Thị trường carbon tại ĐNA đang có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn cần gia tăng nguồn cung tín chỉ chất lượng cao, thúc đẩy đăng ký và giao dịch minh bạch, đồng thời chuẩn hóa theo các bộ tiêu chuẩn toàn cầu như ICVCM hay CORSIA.
AI – trong khi là nguyên nhân tạo thêm nhu cầu trung tâm dữ liệu (góp 2% phát thải SEA-6) – cũng có tiềm năng giúp cắt giảm 3–5% phát thải trong nông nghiệp, năng lượng và vận tải nếu được đầu tư và ứng dụng hợp lý. Google khẳng định cam kết sử dụng năng lượng xanh 24/7 tại các trung tâm dữ liệu, đồng thời thúc đẩy các giải pháp AI giúp tối ưu lưới điện và giảm phát thải toàn chuỗi cung ứng.
Việt Nam- Vai trò nổi bật trong cuộc đua xanh của khu vực
Với hàng loạt chính sách lớn như Quy hoạch điện VIII, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang thể hiện vai trò lãnh đạo trong khu vực. Hạ tầng sạc xe điện đang mở rộng với 3.000 trạm sạc, cùng hệ thống báo cáo khí thải bắt buộc cho các ngành trọng điểm. Sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân cũng đang góp phần đẩy nhanh quá trình xanh hóa nền kinh tế.
“Giảm phát thải không còn là gánh nặng, mà là chiến lược tăng trưởng hiệu quả và bền vững cho Đông Nam Á”, báo cáo nhấn mạnh.