Hầu như những ai yêu thích thú chơi này đều là những người “có tuổi” hoặc đã có đủ thời gian trải nghiệm về cuộc đời mới trân quý sự tĩnh lặng, an nhiên của đá. Điều này càng được xác tín với những ai có dịp thưởng lãm bộ sưu tập đá của ông Hàn Tấn Quang – chủ biên tạp chí Kiến thức Ngày nay – một tên tuổi quen thuộc trong làng báo Sài Gòn. Điều đặc biệt của bộ sưu tập này là hơn 200 viên đá được ông góp nhặt từ hơn 20 năm qua có cùng một chủ đề được ông gọi tên là “Thạch Thiền”. Lạ hơn khi biết ông chỉ là người có lòng hướng Phật chứ không phải là một phật tử thuần thành, nhưng từ khi bén duyên với đá, ông càng ngộ ra những triết lý vô ngôn uyên thâm ẩn chứa trong từng viên đá cuội. Với ông, đá là một thế giới tâm linh đầy màu sắc tuệ minh. Bởi thế, ông xem đá như một tôn giáo của riêng mình.
Nhà sưu tập Hàn Tấn Quang bên một tác phẩm “Thạch Thiền”
Duyên ngộ “thạch thiền”
Hơn hai mươi năm trước, công việc làm báo khiến ông luôn bận rộn, lắm lúc mệt mỏi, căng thẳng mà chẳng biết “xả” bằng cách nào cho hiệu quả. Trong một lần đến nhà người quen đang sửa chữa, xây dựng, trong sân có chất đống đá xanh để làm hòn giả sơn, ông tình cờ nhìn thấy một viên đá cao khoảng độ hơn gang tay có hình thù, hoa văn là lạ nên nhặt lấy. Mang về nhà xem, ông bỗng thấy hoa văn trong viên đá giống như một vị sư đang tham thiền, càng nhìn càng thấy độc đáo, thú vị nên ông gọi nó là “thạch thiền”. Dù chưa biết gì về thú chơi đá, tiêu chí nhận biết một viên đá đẹp, giá trị, thông số kỹ thuật về độ cứng… theo kiểu những nghệ nhân chơi đá lão luyện, nhưng ông thấy nhờ nó mà trong phút chốc ông nhận ra chính mình và những chân lý, giá trị trong cuộc sống như một cái duyên tri ngộ rất mầu nhiệm. Từ đó ông bắt đầu tìm tòi sưu tập đá. “Nhìn chân dung thiền sư trên đá tôi thấy nhẹ lòng. Nó soi rọi lại cuộc đời và chính mình mà trước đó vì nhiều lẽ mình quên đi hoặc không để tâm đến. Đối diện với đá, tôi thấy bình tâm hơn, gạt được mọi phiền não đa mang” – ông nhớ lại cảm xúc những ngày đầu khi đến với thú chơi “thạch thiền”.
Nhị đế
Mặc cho ai khen chê, ông vẫn trung thành với tiêu chí “Thiền” khi chọn đá nên đôi khi những viên đá rất bình thường, xoàng xĩnh nằm bên đường, không ai nhặt nhưng khi về với ông nó thành tác phẩm, có tên và đời sống khác với nhiều ý nghĩa. Ông tin vào chữ duyên nên không vội vàng, có khi cả năm không tìm được viên đá ưng ý nào, dù cũng lắm phen trèo đèo lội suối hoặc dăm bảy người giới thiệu đến nơi có đá. Rồi có khi một lần lại tìm được vài viên đá thiền khiến ông mát dạ. Ông chia sẻ về thú đam mê của mình: “Có người nghĩ rằng đá trần trụi, hình thù đơn điệu, không có gì đặc sắc, hấp dẫn để chơi cả. Thôi thì mỗi người mỗi ý. Riêng tôi thấy thú chơi này chỉ phù hợp với những người có tâm thiền. Chỉ khi tâm tĩnh lặng, đối diện với sự vô ngôn của đá, người ta mới cảm nhận được những ẩn ngữ kỳ diệu đến vô cùng trong từng viên đá được thiên nhiên ban tặng hình hài nhẵn thính, sần sùi, gồ ghề hay thô mộc”. Đó là một thế giới hỷ lạc, không sân si phiền não, không tranh danh đoạt lợi, không đố kỵ, tỵ hiềm mà để tâm hoan hỷ, an lạc. Nhưng có mấy ai giữ được tâm tĩnh lặng giữa cuộc đời vây bởi danh phận, áo cơm thường nhật, có phải vì vậy mà thú chơi này kén chọn kẻ tri âm chăng?
Phổ độ
Nói về bộ sưu tập đá của mình, ông xem nó như những đứa con nên dù chúng khác nhau, có người thích, người không nhưng ông đều yêu chúng như nhau. Mỗi viên đá là một kỷ niệm nhắc nhớ ông về hành trình “tìm lại chính mình” nên mỗi ngày, dù bận rộn ông cũng dành thời gian để nhìn ngắm chúng, chiêm nghiệm về cuộc đời. Ông bày tỏ: “Tôi tìm đá và đá cũng tìm tôi như một duyên kỳ ngộ giữa con người và thiên nhiên. Không biết tự bao giờ trong tôi đã hình thành một ấn tượng đẹp về các tác phẩm “Thạch Thiền”, những hình tượng tạo nên hạt mầm hạnh phúc cho đời sống bằng sự giản dị và tinh tế”. Ngắm đá để khâm phục mẹ thiên nhiên đã ban tặng con người một người thầy dù ngàn năm im tiếng, nhưng suốt hành trình trôi lăn, chìm nổi, đá đã làm nên hình hài như một biểu tượng chứa đựng tất thảy những thế sự thăng trầm của mọi kiếp nhân sinh. Đá không còn là đá vô tri nữa khi được chủ nhân khai minh thành thông điệp của thiền nhưVô minh tiềm ẩn, Thiền sư, Thiền tâm, Vô ngã, Hành thiền, Bản lai diện mục, Tĩnh tọa, Chánh niệm… với hình ảnh của những vị Bồ Tát, Tổ sư Đạt Ma, Quan Thế Âm hay một áng mây, dáng núi, bóng người…
Am mây
Và duyên ngộ tri âm
Là người chơi đá thầm lặng, hơn 20 năm qua chỉ một số ít bạn bè thi thoảng được ông mời đến nhà thưởng ngoạn “Thạch Thiền”. Trong số những người ấy có Hòa thượng Thích Đồng Bổn, thượng tọa trụ trì chùa Xá Lợi. Năm nay, nhân dịp đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2014 (Phật lịch 2558), Hòa thượng Thích Đồng Bổn đã mời ông triển lãm, trưng bày bộ sưu tập “Thạch Thiền” tại chùa Xá Lợi (từ ngày 6 đến 13-5) để phật tử có dịp thưởng lãm một công trình công phu, nhiều ý nghĩa, đồng thời ấn hành quyển sách giới thiệu về “Thạch Thiền” đến bạn bè thân hữu và những người mộ điệu. Đưa “Thạch Thiền” đến với công chúng là cách ông bày tỏ mong muốn góp một cái nhìn để cân bằng lại những xô bồ, ồn ào của cuộc sống, hướng đến sự tĩnh lặng cũng như vẻ thuần khiết của nội tâm.
Long nữ
Ông kể, qua triển lãm, có những tình cảm của những tri âm xa gần làm ông ấm lòng, cảm thấy được chia sẻ nhiều lắm. Quan điểm của ông khi chơi đá là chú trọng đến cái tình, cái kỳ diệu của tạo hóa là chính, vì làm bạn với đá là tìm đến cái thiên tánh tự nhiên của đất trời. Ông tin rằng cuộc đời này vẫn còn rất đẹp, vẫn còn nhiều người luôn tin tưởng và hướng về các giá trị Chân Thiện Mỹ. Có người ở Hà Hội biết thông tin triển lãm qua báo chí đã vội bay vào để xem cho được, họ còn mời ông mang ra Hà Nội triển lãm để mọi người ngoài ấy có dịp thưởng lãm. Khách tri âm là thế.
Thạch thất
Từ lâu, có người tìm đến ông với ý định mua bán, chưa bàn đến việc giá cả, ông đã nhẹ nhàng từ chối. Ông cho biết, sau này nếu vì hoàn cảnh hay việc bất khả kháng nào đó không giữ được bộ sưu tập đá của mình thì hoặc là ông sẽ chuyển nhượng toàn bộ, hoặc hiến tặng cho tổ chức, đơn vị nào có đủ tâm ý tiếp nhận chứ ông không muốn nhìn những tri âm trôi lạc về nhiều nơi. Đó là chuyện về sau, chứ hiện tại ông còn đam mê và nặng nợ với “Thạch Thiền” nhiều lắm.