Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung không phải nhờ đến vai Táo Giao thông trong chương trình “Táo quân” mấy năm gần đây trên VTV nhân dịp tết khán giả cả nước mới biết đến và đặc biệt có ấn tượng với anh.Ngay từ khi mới xuất hiện trên sân khấu cách đây gần 30 năm, khuôn mặt thư sinh, đẹp trai với lối vào vai rất ngọt, đầy ấn tượng trong vở kịch “Romeo & Juliete” của anh đã chinh phục được nhiều tầng lớp khán giả. Rồi hàng loạt vai chính kịch sau đó như Trần Thủ Độ, Ésope, Ottello… đã khiến khán giả sân khấu biết đến một Chí Trung tài hoa, một Chí Trung cùng với Anh Tú, Lan Hương, Lê Khanh, Bích Ngọc, Ngọc Huyền… làm nên một thế hệ vàng của Nhà hát Tuổi Trẻ.
Không ít người thực sự bất ngờ khi nói chuyện với anh, bởi trái với bộ mặt ngây thơ vô (số) tội của Táo Giao thông, Chí Trung đầy trách nhiệm, đầy mê đắm với nghề, với đời. Ai tới Nhà hát Tuổi Trẻ gặp anh, người thường trực đều hỏi: “Biết chỗ chưa? Ở cuối nhà để xe kia kìa…”. Đoàn kịch II do anh làm giám đốc “tá túc” trong một căn phòng khoảng hơn 30 mét vuông. Giám đốc, nhân viên làm việc, tiếp khách ở đó; diễn viên tập luyện cũng ở đó. Đạo cụ, bàn ghế ngổn ngang… nhưng cả chủ lẫn khách chẳng thấy thế làm phiền.
____
Nghe nói anh vừa đưa quân đi diễn ở Trường Sa?
Nói chính xác là diễn cho lính ở Trường Sa về quân đoàn 4 ở Cam Ranh để nhận tàu mới. Chúng tôi diễn liền bốn đêm. Ngoài “Đời cười” còn có “Chiến sĩ cười” – tác giả là Đinh Tiến Dũng (Giáo sư Cù Trọng Xoay), cộng tác viên của chúng tôi. Anh ấy có đi Trường Sa và hứa là sẽ mang “Đời cười” vào phục vụ.
____
Trong số bốn đoàn kịch của Nhà hát Tuổi Trẻ, đoàn của anh có vẻ được “Vua biết mặt, chúa biết tên” nhiều nhất, thông qua tần suất hoạt động của đoàn?
Nói thế có vẻ to tát quá! Hiện nay, một mặt chúng tôi vẫn biểu diễn ở nhà hát, một mặt vẫn duy trì được đều đặn mỗi tuần hai tối sáng đèn ở Nhà văn hóa Học sinh Sinh viên (Hồ Thuyền Quang). Chúng tôi đang kết hợp với Thành đoàn Hà Nội biến nơi đây thành rạp Thanh Niên để vừa cố gắng tạo ra một tụ điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho thanh niên, vừa chia sẻ và tương hỗ với Nhà hát Tuổi Trẻ.
____
Công việc có được như ý muốn của các anh?
Đã hai năm nay rồi. Thời kỳ đầu khó khăn lắm. Biến một nơi mà rất ít người biết đến thành một tụ điểm văn hóa, tuần nào cũng đông người đến xem không phải là chuyện dễ. Nhiều người Hà Nội còn chưa bao giờ bước chân vào cái đảo ấy, mặc dù nó nằm giữa lòng Hà Nội, bên một con phố vào loại đẹp nhất thủ đô (phố Nguyễn Du – PV). Với sự bền bỉ của ban giám đốc bên ấy và đoàn kịch II, đến giờ có thể nói đã khởi sắc. Trong bối cảnh mà rất nhiều nhà hát có địa điểm và cơ sở hạ tầng rất tốt nhưng rất ít khi sáng đèn thì việc cứ hai tối cuối tuần rạp Thanh Niên lại đỏ đèn và chật cứng người xem thì chúng tôi cảm thấy tự hào. Ở rạp này, khán giả bao giờ cũng biết trước là họ sẽ được xem gì, diễn viên nào… đơn giản là vì họ tự bỏ tiền ra mua vé, họ thấy tự thân có nhu cầu được đến xem. Có hôm chỉ cần mở màn chậm hai phút là đã có người gọi cho tôi và giục diễn đi chứ, phải văn minh chứ anh…
____
Nghe có vẻ như các anh đã đi đúng hướng, đánh trúng thị hiếu người xem. Tuy nhiên, hài kịch hiện nay cũng có nhiều ý kiến khác nhau: Có người thấy đó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong thời buổi đời sống quá căng thẳng, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng hài kịch đã làm nghiệp dư hóa, thậm chí là tầm thường hóa hoạt động nghệ thuật. Ý kiến của anh như thế nào?
Có lẽ cũng không là quá khi nói rằng: Mấy năm gần đây, hài kịch đã là loại hình nghệ thuật có đóng góp đáng kể cho việc khán giả đến với sân khấu, đặc biệt là sân khấu phía Bắc. Tôi không nhất trí với đánh giá rằng hiện nay, nhiều tiểu phẩm hài “nhố nhăng”, chiều theo thị hiếu một cách “rẻ tiền” hoặc thiếu thẩm mỹ… Tôi cũng không thể đồng ý với những nhận xét rằng hài miền Bắc thâm thúy và có chất lượng hơn hài miền Nam (giống như mấy anh chị nhà báo vẫn nghĩ vậy và hỏi ý kiến tôi). Vấn đề ở đây là công chúng, khán giả đón nhận như thế nào. Nếu coi hài là một loại sản phẩm văn hóa thì chúng ta cũng phải biết chấp nhận sản phẩm ấy sẽ đa dạng và phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau. Hãy nhìn vào thực tế đời sống sân khấu ở chúng ta hiện nay sẽ thấy hài đứng ở vị trí nào. Vì sao nó lại lôi kéo được khán giả đến với các tụ điểm văn hóa, các sân khấu lớn, nhỏ? Đặc biệt là ở phía Nam. Hơn nữa, trong nghệ thuật, quá trình đào thải diễn ra rất nhanh chóng và ai cũng có thể nhìn thấy được. Trong tình hình ấy, nếu đánh giá một cách phiến diện và tổng quát rằng, hài kịch ở ta “đang có vấn đề” cần chấn chỉnh lại… thì liệu có coi thường khán giả quá không?
____
Tiêu chí mà đoàn kịch II hướng tới là gì?
Với tình hình sân khấu như bây giờ, tôi không đặt mục tiêu gì lớn lao. Tiêu chí đầu tiên là tồn tại. Cũng như đi chinh phục một cô gái thì anh hãy làm những gì để tồn tại trong mắt cô ấy đã. Thay vì những ước muốn lớn lao là em hãy sinh cho anh một đàn con, chúng mình sẽ sống hạnh phúc bên nhau … thì hãy đưa em đến một chỗ nào đó thơ mộng, mời em ly nước… với khả năng chi trả của mình, tôn trọng em… Thế là tốt lắm rồi. Nhưng trong tồn tại cũng có nhiều nghĩa lắm: Tồn tại ở góc độ quỵ lụy khán giả; tồn tại ở góc độ ve vuốt, chạy theo ý muốn “rẻ tiền” ở một bộ phận khán giả… Chúng tôi có định hướng rõ ràng. Đối với hài kịch, có những vở hài dài, có những tiểu phẩm ngắn. Có những đêm diễn ca nhạc, hài kịch. Chúng tôi thay đổi món liên tục cho người xem. Lúc nào cũng có tới khoảng 16 chương trình để đảm bảo trong hai tháng diễn liên tục, không có đêm nào trùng đêm nào.
Lẽ ra đối với nhà hát tầm cỡ thì phải cống hiến cho khán giả những tác phẩm hay để đời cung cấp thẩm mỹ, nhân sinh quan cho thanh niên, hướng họ vào những lý tưởng của cuộc sống… Những mỹ từ đó, ngày xưa hay được nói đến. Tôi tự thấy bản thân là người thực dụng nên chỉ dám đặt cho mình những mốc phát triển rất nhỏ bé: Xây dựng được một đội ngũ lành nghề để qua đó giữ được khát vọng và niềm tin của diễn viên. Để khi nào người dân vượt qua được khó khăn, vượt qua được chính họ để thay vì đến nhà hàng, ngồi nhà xem tivi thì đến sinh hoạt ở một cộng đồng chung. Cộng hưởng ở trong khán phòng nhà hát rất quan trọng, nó làm cho con người dễ gần nhau hơn, dễ cảm thông hơn. Tiêu chí nữa là làm thế nào để mang đến sự giải trí cho khán giả, tất nhiên phải cân nhắc rất kỹ để làm sao tiết mục có cười đấy, nhưng vẫn phải có thông điệp dù nhỏ, dù lớn… Nhưng tuyệt đối không chọc cười ở… tầm thấp. Trên cơ thể mỗi người, từ đỉnh đầu đến gót chân có rất nhiều huyệt để gây cười. Nhưng Nhà hát Tuổi Trẻ và đoàn kịch II bao giờ cũng chọn chọc cười… từ ngực trở lên.
Cộng hưởng ở trong khán phòng nhà hát rất quan trọng, nó làm cho con người dễ gần nhau hơn, dễ cảm thông hơn.
____
Đằng sau tiếng cười, bao giờ cũng là những ý phê phán – đó là bản chất của hài. Anh có sợ đụng chạm đến các huyệt hay nói cách khác là vùng nhạy cảm của xã hội?
Không có cái lớn lao ấy đâu. Ngày xưa anh Lưu Quang Vũ và một số người nữa cũng có viết hài kịch nêu lên một số vấn đề xã hội thực tế lúc bấy giờ: Ông giám đốc nọ, lãnh đạo kia tha hóa, tham nhũng… Nhưng bây giờ những huyệt mạch, những bức xúc xã hội cao đâu còn. Xã hội ta bây giờ đơn giản, chỉ cần ăn no, mặc đẹp, thanh thản và được giải trí, được tôn trọng ngoài đường. Những ông giám đốc bây giờ không còn là đối tượng phê phán nữa bởi vì họ thực sự đáng thương (tôi cũng là một thứ giám đốc con đây, nên tôi thấu hiểu): Ăn không ngon, ngủ không yên. Sáng mở mắt ra đã phải nghĩ đến ít thì vài chục, nhiều thì vài trăm triệu đồng để trả lương cho công nhân. Đối tượng hiện nay nhằm phê phán chính là góc khuất của mỗi con người: Dục vọng, cách hành xử, văn hóa… Và đặc biệt là văn hóa giữa các giai tầng… Ngay chuyện văn hóa giao thông đấy thôi, khối chuyện để nói.
Những ông giám đốc bây giờ không còn là đối tượng phê phán nữa bởi vì họ thực sự đáng thương (tôi cũng là một thứ giám đốc con đây, nên tôi thấu hiểu): Ăn không ngon, ngủ không yên. Sáng mở mắt ra đã phải nghĩ đến ít thì vài chục, nhiều thì vài trăm triệu đồng để trả lương cho công nhân.
____
Anh lý giải thế nào về tình trạng thờ ơ của khán giả Hà Nội nói riêng và phía Bắc nói chung đối với sân khấu?
Sự thờ ơ này không phải chỉ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật đâu. Tôi theo dõi, và rút ra được suy nghĩ thế này: Bản tính của người phương Bắc bao giờ cũng có gì đó hơi lạnh lẽo, bao giờ cũng là đầu não và lãnh đạo của đất nước, sự thận trọng bao giờ cũng có thừa… Điều đó có ảnh hưởng tới không chỉ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật mà còn ảnh hưởng đến cả tư duy kinh tế, hoạt động thể thao… Trong mọi lĩnh vực, miền Nam bao giờ cũng đi tiên phong và sôi động hơn miền Bắc. Mình nói riêng về văn học nghệ thuật, khán giả miền Bắc bị ảnh hưởng tư duy như thế, một phần nữa là do cơ chế ở miền Bắc ngày xưa. Đi xem bằng ngân sách, bằng vé do các cơ quan đoàn thể mua cho, chưa thấy là mình phải có nhu cầu hưởng thụ… Nhiều người đến nay hễ gặp tôi là phải nói bằng được cái câu: “Này, bao giờ có vở mới, đưa (anh/chị/em) mấy vé đi xem nhé!”. Đó là thói quen cố hữu và không văn minh, có thể phải một thời gian dài nữa mới thay đổi khi tự thân mỗi người cảm thấy có nhu cầu phải đến nhà hát.
____
Đó là từ phía khán giả. Còn từ phía những người làm nghề hoặc cơ chế của Nhà nước?
Nhà nước thì chả có cơ chế nào gây cản trở cả, nhưng cũng không có gì để khuyến khích hay tạo điều kiện cho các nghệ sĩ. Chúng tôi vẫn được ăn lương công chức, mặc dù đồng lương thực sự là không đủ sống. Ví dụ như tôi, đã gần 35 năm trong nghề, vừa rồi mới “leo” lên được mức hơn 5 triệu đồng/tháng. Diễn viên trẻ hiện nay ở đoàn, sau ba, bốn năm trầy vi tróc vảy thực tập thì mới được ký hợp đồng ngắn hạn với mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng. Nhiều em ở các tỉnh về thực sự là rất khó khăn. Với cơ chế như thế thì khó mà hoạt động được. Vậy thì anh phải tự tìm lấy đường… Tôi rất tự hào là chúng tôi vẫn đang sống, tôi tự hào là 45 con người ở đây vẫn được nuôi dưỡng lòng yêu nghề, đảm bảo tối thiểu cuộc sống cho họ để hằng ngày họ đến đoàn và say sưa tập luyện cho các buổi diễn cuối tuần.
Tôi thấy cách làm ở TP. Hồ Chí Minh rất hay. Họ xây dựng những tụ điểm văn hóa thu hút các loại đối tượng đến vui chơi, giải trí. Nhưng ở Hà Nội thì nhiều đơn vị cho rằng làm như thế thì nghiệp dư hóa mình đi, mất thương hiệu… và muốn cái gì cũng phải “hoành tráng”. Quan niệm của tôi: “Ta thà làm tiểu phẩm ngắn mà hay còn hơn một tác phẩm tồi” (tôi mượn câu nói của Nguyễn Trung Trực). Thực ra có những tác phẩm chỉ xứng đáng như một sản phẩm văn hóa nên gọi là sản phẩm cho tiện. Tác phẩm phải đúng nghĩa, phải gồm cả khán giả. Anh cứ dựng vở rồi hả hê với nhau ở trên sân khấu, không có người xem thì không thể gọi là tác phẩm được. Tác phẩm phải nằm trong công chúng, khán giả, phải là sự tương hỗ, tương đồng và mang lại điều gì cho khán giả. Một cuốn sách mà không có người đọc cũng chỉ có thể gọi là cuốn sách theo đúng nghĩa đen của nó, chứ không thể gọi là tác phẩm được. Một tiểu phẩm hay mà người xem cảm thấy sung sướng, cảm thông, vui vẻ chẳng lẽ không hơn một tác phẩm mang những thông điệp vô cùng vĩ mô và không phù hợp với suy nghĩ đương đại sao? Hơn nữa, những tác phẩm ấy tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của Nhà nước.
Một tiểu phẩm hay mà người xem cảm thấy sung sướng, cảm thông, vui vẻ chẳng lẽ không hơn một tác phẩm mang những thông điệp vô cùng vĩ mô và không phù hợp với suy nghĩ đương đại sao?
____
Ý anh muốn nói đến các tác phẩm hàn lâm, kinh điển? Anh nghĩ sao về dự án phục dựng 100 tác phẩm kinh điển mà Bộ VHTTDL đang làm?
Tôi là một trong những người đầu tiên thực hiện dự án ấy. Chúng tôi cũng đã dựng được bảy vở, có vở dùng tiền Nhà nước, có vở doanh nghiệp tài trợ. Nhưng nói thật, chẳng có doanh nghiệp nào theo đâu, họ chỉ cho một tí gọi là… Đến giờ thì có thể nói dự án chỉ là sự kết nối những câu chuyện của những người thực ra chưa hiểu rõ thế nào là kinh điển và cứ nghĩ mình hay dùng chữ đó thì bản thân cũng trở thành người “kinh điển”…
____
Vậy, dự án đó đi đến đâu rồi?
Chẳng đi đến đâu và sẽ chẳng bao giờ đi đến đâu cả vì nó sẽ không có khán giả. Dựng cho ai, để làm gì? Hỏi nó có hay không hay? Hay chứ, không thể không hay được. Như Nhà búp bê của Nhà hát Tuổi Trẻ dựng chẳng hạn, rồi Macbeth, Lôi Vũ… đều rất hay, đều rất kinh điển, nhưng tôi thấy nó chẳng có tác dụng gì, xét về mặt thông điệp đối với cuộc sống đương đại. Ví dụ Nhà búp bê có thông điệp là giải phóng phụ nữ. Nhưng thực tế, phụ nữ bây giờ có như thời đó đâu. Đàn ông chúng tôi khổ nhiều chứ, lương về vợ thu hết, cho ăn gì được ăn nấy, cho mặc gì được mặc nấy. Vợ mình hẳn hoi mà muốn yêu phải gạ gẫm bằng chết, nếu phải hôm “nó” kêu mệt… Do vậy cũng không thể mang cái thông điệp ấy vào cuộc sống hiện nay được. Làm cái gì cũng phải có thông điệp.
Tôi không phủ nhận giá trị của các tác phẩm ấy, nhưng vấn đề là thời điểm. Nó phải đúng lúc, đúng chỗ. Như một nhà hiền triết ấy, trong đầu ông ta có toàn lời hay ý đẹp và nói ra cái gì cũng đúng cả. Nhưng không thể đứng giữa ngã tư đường phố mà truyền dạy lời hay ý đẹp ấy được. Ông ấy phải vào thánh đường để nói cho những con chiên nghe. Nhưng ông cảnh sát giao thông thì phải đứng giữa ngã tư để điều khiển xe cộ, chứ không thể vào thánh đường mà vung gậy chỉ đường được. Do vậy, tôi nghĩ dự án sẽ là đúng đắn khi chúng ta có những nhà hát chuyên nghiệp và có một nhóm đối tượng quan tâm đến xem một cách tự nguyện. Nhóm này có thể chẳng bao giờ đi xem hài kịch. Cũng như khán giả hài kịch cũng ít nghĩ hoặc không nghĩ đến việc đi xem những tác phẩm kinh điển đó… Chúng ta phải tôn trọng ý thích của khán giả, đừng bắt họ cùng ăn một món, cùng thích một kiểu thời trang… Chúng ta quen một lối tư duy bắt ai cũng phải giống ai: Vừa phải thích chính kịch, hài kịch, tuồng, chèo, cải lương… vừa phải đi học chính trị cao cấp, vừa biết đi các quán bar, sàn nhảy… Quên rằng mỗi người có một ý thích khác nhau và ý thích đó phải được tôn trọng.
____
Quan điểm của anh về xã hội hóa trong hoạt động nghệ thuật?
Cách đây đã lâu, người ta cứ hô hào phải xã hội hóa. Nhưng xã hội hóa thế nào thì không ai có định nghĩa cụ thể cả. Người thì bảo xã hội hóa là dựa vào các doanh nghiệp để hoạt động nghệ thuật. Người lại bảo xã hội hóa là một hình thức tư nhân hóa. Nhưng tôi thì nghĩ nôm na rằng xã hội hóa là phát huy được hết tất cả mọi nguồn lực để gắn kết lại, phát triển lên. Trong thời điểm này, dựa vào cả nhà nước, dựa vào cả doanh nghiệp và sức mạnh nội lực của đội ngũ diễn viên say mê với nghề. Nội lực là chính, phải làm những tác phẩm, tiểu phẩm, chương trình phù hợp với khán giả, với mình thì mới là xã hội hóa. Đừng làm các tác phẩm nửa vời, không tốt cho ai cả, chỉ “béo” mấy ông đạo diễn, mấy ông trưởng đoàn được giải ngân từ Nhà nước…
____
Làm thế nào anh luôn có ý tưởng mới để các chương trình không bị trùng lặp, nhàm chán, thu hút người xem đến với sân khấu?
Tôi dựa vào lớp trẻ, học hỏi lớp trẻ, cập nhật thông tin qua tất cả các nguồn có thể. Điều đáng lo ngại nhất của tôi hiện nay là dường như đôi khi chúng tôi đang “đi dưới” khán giả bởi bây giờ rất nhiều khán giả có tri thức. Vở diễn của mình mà đưa ra những thông điệp giáo dục ngớ ngẩn, không phù hợp với thời cuộc thì rất nguy hiểm.
____
Được biết, anh còn có thú vui sưu tầm đồ cổ. Vậy cái gì là điểm chung giữa một người hoài cổ với một người chuyên đi “chọc cười” thiên hạ?
Đó là niềm đam mê. Đam mê tìm hiểu văn hóa của cha ông để lại. Đam mê góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt lên bằng tiếng cười.
____
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!