Kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2011 bắt đầu có những tín hiệu lạc quan, thể hiện cả trong các chính sách điều hành của Chính phủ lẫn trên thị trường, như lạm phát và lãi suất có dấu hiệu giảm, vàng hạ nhiệt… Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn đó và đặc biệt là có những sự bất cập tồn tại từ năm này qua năm khác, gây ảnh hưởng đến sự phát triển tổng thể của nền kinh tế, điển hình là việc nguồn lực quốc gia bị phân tán do sự phân cấp không rõ ràng trong quy hoạch từ trung ương đến địa phương.
Tọa đàm của Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần tổ chức tại Press Café cuối tháng 9 vừa qua đi vào phân tích thực trạng này và đưa ra một số giải pháp bước đầu. Thành phần khách mời gồm ông Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright), ông Lương Văn Lý (Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, hiện là Trưởng bộ phận đầu tư của Công ty luật Việt Long Thăng), luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội, cùng ba chuyên gia kinh tế của báo DNSGCT – các ông Phan Chánh Dưỡng, Nguyễn Văn Sơn và Huỳnh Bửu Sơn.
Mấy năm gần đây, ông Phan Chánh Dưỡng có dịp đi hầu như khắp đất nước, gặp gỡ nhiều lãnh đạo các tỉnh thành và quan chức các bộ, ngành. Ông nhận xét rằng Ủy ban Kế hoạch nhà nước – bộ phận vô cùng quan trọng, đề ra chiến lược phát triển của cả quốc gia – từ khi chuyển thành Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà đặc biệt trong mấy năm gần đây, dường như chỉ còn là đơn vị tổng hợp các kế hoạch từ các tỉnh thành đưa lên mà thôi. Gốc Cà Mau, nên ông Dưỡng đi từ chuyện quê mình: “Bên cạnh Cụm Khí Điện đạm Cà Mau, các tỉnh lân cận tỉnh nào cũng có nhà máy nhiệt điện, từ Bạc Liêu đến Trà Vinh, Sóc Trăng… Nhà máy chạy bằng than, than được nhập khẩu từ Úc, Indonesia, nên tỉnh nào cũng muốn xây cảng biển, mà cảng phải đủ sức cho tàu lớn ra vào dễ dàng, tức là phải có cảng nước sâu”. Ông Dưỡng bức xúc: “Cớ gì mà tỉnh nào cũng cần xây một nhà máy điện? Điện chỉ cần truyền tải lên đường dây Bắc – Nam, đưa đến mọi nơi là xong. Làm như vậy là chẻ nát nền kinh tế”.
Từ 500 “pháo đài” đến những bản quy hoạch xã nông thôn mới
Dù chúng ta luôn nói rằng từ khi đổi mới, những cách nghĩ cách làm của thời bao cấp đã bị xóa sổ, thì trên thực tế rất nhiều chuyện “chỉ có ở thời bao cấp” vẫn đang diễn ra. Ông Huỳnh Bửu Sơn nói: “Thời bao cấp, chúng ta đưa ra tiêu chuẩn mỗi đơn vị quận huyện là một đơn vị kinh tế công nông nghiệp hoàn chỉnh, xây dựng từng đơn vị hành chính thành đơn vị kinh tế, với suy nghĩ rằng khi mỗi đơn vị ấy phát triển thì cả nền kinh tế cũng phát triển theo. Cả nước trở thành 500 “pháo đài” trong kinh tế. Thực tế đã cho thấy điều đó không thể thực hiện được, đầu tiên là vốn đâu để xây dựng được như thế, nhưng ý tưởng ấy đã làm nảy sinh bao nhiêu hệ lụy, điển hình là việc ngăn sông cấm chợ. Nơi nào cũng muốn bảo vệ sản phẩm vùng mình, tạo sự lệch lạc về giá, chẳng hạn giá khoai mì ở TP. Hồ Chí Minh gấp 5-6 lần giá bán ở Pleiku. Và nếu ở thời bao cấp, “đơn vị kinh tế” là các quận huyện thì ngày nay đã được nâng lên cấp tỉnh và vẫn theo tư duy là trong phạm vi hành chính ấy phải có tất cả. Tỉnh nào cũng đầu tư trồng mía làm nhà máy đường, nhà máy phân bón, xi măng…, bây giờ thì cảng biển, sân bay. Chúng ta sẽ trở lại một vấn đề cũ, đó là không tỉnh thành nào có đủ vốn và việc sử dụng vốn không thể đạt hiệu quả cao. Kết quả là chỉ số ICOR (đo lường số đơn vị vốn đầu tư mới để làm tăng thêm một đơn vị tăng trưởng GDP) của nước ta đã tăng vọt, từ 2,5 trong thời kỳ đầu đổi mới lên đến 7-8 như hiện nay”.
Là một chuyên gia về Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Văn Sơn hiểu rõ kinh tế vùng này, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quy hoạch. Ông nói: “Trước đây chúng ta quy hoạch kiểu quận huyện như anh Sơn nói, khiến cả nước có 500 pháo đài, hao tiền tốn của, là do học theo Liên Xô. Bây giờ nảy sinh những chuyện khác, tốn kém hơn nhiều. Cụ thể nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, mỗi xã đều phải lập đề án, trong đó có cả quy hoạch sử dụng đất! Rồi quy hoạch kinh tế, quy hoạch khu trung tâm xã tối thiểu phải 15-20 hécta. Riêng tiền bồi thường đất thôi ít nhất đã mất 40 tỉ đồng, lấy đâu ra tiền xây dựng xã nông thôn mới? Trong khoảng 1.300 xã ở Đồng bằng sông Cửu Long, có 40% trạm y tế xã không đạt chuẩn (tối thiểu 1.500m2), vậy nhưng xã nào cũng phải làm đề án xã nông thôn mới, giá thấp nhất cho một đề án như vậy là 150 triệu đồng, nhưng thực hiện xong thì chỉ để đó chứ chẳng làm gì”.
Những đề án quy hoạch cấp tỉnh. Quy hoạch chưa thực sự gắn với quyền lợi người dân. Vì sao tỉnh nào cũng muốn đầu tư?
Đề án “xã nông thôn mới” đã vậy, chuyện quy hoạch ở cấp tỉnh thành cũng nặng tính hình thức. Các vị khách mời cho biết họ từng được tham dự các buổi giới thiệu đề án quy hoạch cấp tỉnh, có lần phải chứng kiến cảnh “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, nghĩa là trang đầu bản quy hoạch ghi rõ tỉnh B nhưng các trang trong còn để lại tên của tỉnh T, rồi một tỉnh bị khóa chặt hoàn toàn trong đất liền nhưng lại có “kinh tế biển”. Đã có một sự sao chép! Ông Nguyễn Văn Sơn mô tả: “Một bản quy hoạch cấp tỉnh dày chừng 100 trang giấy thì phần về khí hậu, thời tiết, dân số chiếm vài chục trang, rồi bối cảnh thế giới, chủ trương nghị quyết từ trung ương đến địa phương cũng vài chục trang nữa. Phần đi vào thực tế không còn bao nhiêu cả”. Ông Huỳnh Bửu Sơn nói: “Rõ ràng đã có một sự khác biệt ngày càng lớn giữa những hoạt động kinh tế thật sự đang diễn ra với những bản quy hoạch kiểu này. Nhiều bản đề án quy hoạch rất xa rời thực tế, người ta làm chỉ để được rót ngân sách mà thôi. Đây là một sự lãng phí lớn cả về thời gian, tiền bạc lẫn nhân lực”.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Liên Hiệp Quốc định nghĩa quy hoạch là một văn bản thể hiện lòng ước muốn của nhân dân và chính quyền ở một vùng lãnh thổ, nhằm đạt một mục tiêu phát triển nào đó một cách khoa học. Chúng ta cũng đang làm theo định nghĩa đó, chỉ có điều đa phần là không thể hiện lòng ước muốn của nhân dân và cũng không mang nghĩa “một cách khoa học”. Luật sư Trương Trọng Nghĩa đưa một ví dụ cụ thể, đó là việc quy hoạch khu Bình Quới – Thanh Đa của TP. Hồ Chí Minh, cách đây hai mươi năm được quy hoạch thành một khu du lịch đô thị mới. Từ lúc có chủ trương, mọi hoạt động giao dịch đất đai trong khu vực bị ngưng lại, người dân không được thay đổi hiện trạng đất đai, nhà cửa, không được mua bán, xây cất, phân hộ phân lô, dù cho có nhu cầu chính đáng. Để thực hiện dự án, trước tiên phải đền bù giải tỏa, làm khu tái định cư để di dời dân, rồi mới kêu gọi các nhà đầu tư. Dự tính là vậy nhưng bao năm rồi mà vẫn bế tắc ngay từ khâu đầu tiên. Ông Nghĩa nói: “Vừa rồi chúng tôi đề nghị, nên gỡ bỏ quy hoạch đó đi, trừ một số công trình chính như con đường lớn chỗ này, công viên chỗ kia…, còn lại nên cho phép dân được quyền chuyển dịch đất đai. Thế nhưng chính quyền chỉ bỏ quyết định giao đất tái định cư thôi, chứ quy hoạch treo vẫn còn nguyên đó, lý do là vẫn chờ nhà đầu tư mới để thực hiện ý tưởng làm khu du lịch. Thời gian gần đây chính quyền cũng cho phép người dân xây dựng, nhưng nếu bị giải tỏa thì phần xây dựng mới ấy sẽ không được bồi thường”.
Có một thực tế là nhiều tỉnh thành rất thích những dự án lớn, quy hoạch khu đô thị lớn kiểu đó. Cũng như gần đây, nhiều tỉnh đua nhau làm nhà máy điện, xây cảng biển, sân bay. Về thực trạng này, ông Lương Văn Lý nhìn nhận từ khâu cấp phép: “Ở các nước, người ta quy định rõ quy hoạch nào thuộc quyền của trung ương, quy hoạch nào do địa phương phụ trách… Ví dụ sân bay quốc tế phải thuộc thẩm quyền quy hoạch của Chính phủ, cả nước cần có bao nhiêu sân bay quốc tế, bao nhiêu cảng biển quốc tế, bao nhiêu cây số quốc lộ, chạy qua tỉnh nào,… Nước ta cũng có quy định, văn bản đàng hoàng, nhưng thực tế lại khác! Các tỉnh nếu có yêu cầu xây cảng hay sân bay thì cứ đưa quy hoạch lên, từ từ sẽ được duyệt, năm này chưa duyệt thì năm sau, năm sau chưa duyệt thì năm sau nữa. Như Vũng Tàu dù chỉ cách TP. Hồ Chí Minh có 120km cũng xin làm sân bay quốc tế. Hay như có ông đại biểu Quốc hội từng phát biểu rất nghiêm túc rằng mỗi tỉnh nên có một thị trường chứng khoán. Với tư duy kiểu đó, thử hỏi nền kinh tế sẽ phân tán đến mức nào!”.
Dĩ nhiên, chuyện nhóm lợi ích, tư túi trong đầu tư công là một nguyên nhân, nhưng nếu bỏ qua chuyện có đầu tư thì mới có “ăn”, theo ông Lương Văn Lý, nguyên nhân quan trọng nhất khiến việc đầu tư công tràn lan là tỉnh nào cũng muốn đầu tư nhằm đạt được tỷ lệ tăng trưởng GDP theo kế hoạch! Tỷ lệ tăng GDP rất quan trọng, quyết định đến thành tích của cả tỉnh. Chính căn bệnh thành tích cộng với lợi ích kinh tế khiến cho căn bệnh đầu tư tràn lan chưa có thuốc chữa.
Trong một cuộc “đối thoại chính sách” do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức gần đây, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan khi nhận xét về tình trạng đầu tư phân tán này cũng có nhận xét tương tự. Ông Vũ Khoan nói rằng, ông đã đi rất nhiều nước, nhưng chưa thấy ở đâu lại tính toán và đưa ra chỉ tiêu GDP cấp tỉnh như ở nước ta. Ông Nguyễn Văn Sơn thì “lấy làm lạ” rằng cả nước tăng trưởng bình quân GDP hằng năm chỉ 7% mà tỉnh nào lập kế hoạch cũng ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP trên 12% cả. Muốn hình dung vì sao có các con số chỉ tiêu GDP, chúng ta hãy nghe ông Sơn: “Quy trình lập kế hoạch một số tỉnh là như thế này, người soạn thảo cho biết GDP năm ngoái chúng ta đạt 100 tỉ đồng, năm nay quyết định tăng 12%, tức là lên 112 tỉ đồng. Chỉ số ICOR cả nước là 7, tỉnh ta chỉ nên ở mức 6 thôi, vì chúng ta đầu tư ít hơn cả nước, vị chi chúng ta cần đầu tư 72 tỉ đồng. Vậy là xong các số liệu chỉ tiêu, rất đơn giản, không cần tính toán, luận chứng kinh tế gì cả”.
Mọi người đều cười, ông Lương Văn Lý bổ sung, rằng có thể cuộc họp “lên kế hoạch” ấy sẽ có bàn luận, thêm bớt. Chẳng hạn, một vị gợi ý là GDP năm ngoái tăng 12%, năm nay đúng ra phải hơn con số đó, nhưng tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay thì không nên, chúng ta giảm bớt một chút. Một anh có ý kiến nên là 11%, anh khác bàn lui, 11% chắc không nổi đâu, 10,5% là vừa… Cứ thế, cuối cùng sẽ chọn ra một con số, trình lên lãnh đạo, vị này nói không được, chừng đó tệ quá, phải tăng thêm 1% nữa…
Quy hoạch chồng chéo, vừa đá bóng vừa thổi còi. Chỗ hở từ phía nào?
Không cần giở sổ sách, những con số như đã được sắp xếp sẵn trong đầu ông Vũ Thành Tự Anh, ông nói: “Thống kê cho thấy Việt Nam hiện có trên 100 cảng biển, 22 sân bay trong đó có tám sân bay quốc tế. Hãy thử so sánh, Nhật với 5.500 tỉ đôla GDP chỉ có năm sân bay quốc tế; Mỹ với 14.500 tỉ đôla GDP cũng chỉ có khoảng ba chục cảng quốc tế lớn dù bờ biển của họ dài hơn nước mình nhiều. Về cơ sở hạ tầng công nghiệp, cả nước có 18 khu kinh tế ven biển, 267 khu công nghiệp, 918 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy lần lượt là 4%, 46% và 26%. Đấy là những số liệu để chúng ta hình dung được mức độ phân tán của nền kinh tế. Thực tế này đặt ra hai câu hỏi. Thứ nhất, liệu cơ cấu đầu tư như vậy có hợp lý không; thứ hai, tại sao lại xảy ra tình trạng như thế. Câu hỏi thứ nhất đã quá rõ rồi, không thể để tình trạng này tiếp diễn. Ở câu thứ hai, tôi thấy các anh đã đưa ra những ý rất quan trọng. Đầu tiên, đó là chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP đã trở thành thước đo đánh giá quá quan trọng với các tỉnh thành, nên bằng mọi giá họ phải đua nhau đầu tư, bất kể chất lượng tăng trưởng. Tiếp theo là khâu quy hoạch, khi trên thực tế Thủ tướng đã ban hành hàng chục văn bản chiến lược, hàng trăm quy hoạch (gồm quy hoạch của 63 tỉnh thành và các bộ ngành), rồi vô tận các kế hoạch, đề án, chương trình. Điều đáng nói là những bản quy hoạch này chẳng liên quan gì với nhau, đôi khi còn phủ định lẫn nhau, khiến tất cả trở thành một mớ hỗn độn. Ví dụ, lĩnh vực đất đai có mấy ngành cùng xen vào, giao thông, xây dựng, tài nguyên – môi trường, kế hoạch – đầu tư… Họ cùng làm quy hoạch và không ai chịu ai cả. Đó là sự phân mảnh, chia cắt về thể chế, làm cho những quyết định từ quan trọng nhất ở cấp trung ương đến cấp địa phương của chúng ta bị chia nhỏ ra thành từng mảnh, nền kinh tế vì thế cũng bị phân mảnh theo. Chưa kể quy hoạch và thực hiện quy hoạch tạo mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng tồn tại và phát triển. Rất nhiều trường hợp đầu tư ở địa phương “chạy” lên trung ương thông qua quy hoạch. Ở Việt Nam chưa có một sự tách bạch giữa một bên là hành pháp chính trị và bên kia là hành chính công vụ. Nghĩa là chúng ta cho phép vừa đá bóng vừa thổi còi, chẳng hạn ngành y tế vừa quản lý dược phẩm vừa cấp phép luôn ai được nhập hay sản xuất dược phẩm. Tham nhũng tồn tại ở tất cả các bộ ngành, vì tôi quy hoạch cho anh, đương nhiên anh phải chạy đến tôi xin được cấp phép”.
Những tồn tại đó do đâu, từ phía trung ương hay địa phương? Ông Tự Anh nói tiếp: “Thống kê cho thấy 50% đầu tư công ở trung ương, 50% ở địa phương. Gần đây khi nói về sự phân tán đầu tư, rất nhiều người nói lỗi ở địa phương, do được phân cấp quyền hành quá rộng rãi nên các tỉnh phá vỡ quy hoạch. Nhưng qua quá trình nghiên cứu ở nhiều địa phương tôi nhận thấy sự thật không hẳn thế. Trung ương phải chịu trách nhiệm chính, vì cấp này có chức năng và công cụ để đảm bảo quy hoạch không bị vỡ, thế mà cứ mỗi lần có quy hoạch mới thì lại thêm nhiều dự án đầu tư bổ sung, như đồng ý cho xây thêm cảng biển, sân bay chẳng hạn. Vấn đề là kỷ cương về mặt quy hoạch, tài khóa của chúng ta quá lỏng lẻo, chính điều này dẫn đến mọi vấn đề liên quan – thâm hụt ngân sách, phân tán đầu tư, nguồn lực”.
Ông Lương Văn Lý rất đồng tình với quan điểm này, ông giải thích thêm, dù địa phương có lợi ích khi xin đầu tư một công trình nào đó, nhưng trung ương là người cầm trịch, nếu thấy không đúng thì phải cương quyết gạt bỏ, đồng thời phân tích cho đơn vị đó hiểu rằng làm như vậy là không được. Nếu nói rằng chính những lợi ích kinh tế kích thích lòng tham của những người nắm quyền thì nước nào cũng có tình trạng này. Vấn đề là ở những nước khác, người ta dùng cơ chế luật pháp rõ ràng để khống chế hoặc hạn chế không cho lòng tham ấy thể hiện.
Những việc có thể làm ngay. Phát triển kinh tế địa phương trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế từng vùng
Các vị khách mời đều thống nhất rằng quy hoạch vẫn rất quan trọng đối với mọi nền kinh tế, nhưng không phải theo cách mà nhiều địa phương ở nước ta đang làm. Chính kiểu quy hoạch duy ý chí, có nơi còn bị lợi dụng để mưu cầu lợi ích cá nhân là nguyên do khiến nền kinh tế bị trì trệ. Theo ông Vũ Thành Tự Anh, để nhận ra điều này không khó, nhưng không nhiều người muốn thay đổi cơ chế đó vì khi thay đổi thì lợi ích của họ sẽ bị mất đi. Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, việc chúng ta để cho lương công chức quá thấp trong một thời gian dài chính là một nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng tham nhũng, phá vỡ quy hoạch, phân tán nguồn lực kinh tế diễn ra. Suốt mấy chục năm qua, hầu như không ai sống được bằng lương nhà nước cả, nên người ta phải sống bằng nguồn khác. Chính nguồn khác này làm méo mó mọi thứ. Singapore đã giải quyết rất tốt điều này từ thời Thủ tướng Lý Quang Diệu, khi lương của công chức bằng hoặc cao hơn so với khu vực tư nhân.
Tất nhiên, để thay đổi gốc rễ vấn đề là chuyện quá khó, nhưng vẫn có những biện pháp trước mắt có thể giúp hạn chế phần nào tiêu cực xảy ra. Ông Lương Văn Lý đề nghị những người tham gia công tác quy hoạch hoặc tham mưu cho lãnh đạo phải thực sự có năng lực về quy hoạch. Cần cương quyết dẹp bỏ kiểu ngồi họp rồi tự đưa ra con số, thêm thêm bớt bớt mà không dựa vào bất kỳ cơ sở khoa học nào. Người lãnh đạo có thể không đủ chuyên môn để đưa ra những con số, nhưng các chuyên viên cấp dưới cực giỏi sẽ thuyết minh được vì sao năm ngoái GDP tăng 12% mà năm nay thì không thể được. Chúng ta không thiếu chuyên gia giỏi, có điều họ chưa được sử dụng đúng. Bước tiếp theo, cần phân cấp cụ thể vấn đề nào mang tính chất chiến lược bảo đảm cho sự phát triển lâu dài của đất nước thì phải thuộc thẩm quyền của trung ương. Đứng về mặt luật pháp, tổ chức chính quyền, phải có cơ chế thật chặt chẽ để khi ai đó muốn thay đổi quy hoạch phải gặp nhiều khó khăn, phải thông qua một hội đồng phản biện, nghiêm túc. Ông Nguyễn Văn Sơn đồng tình và cho rằng bên cạnh việc định lại cơ chế, phân quyền giữa trung ương và địa phương, nên có sự phân chia quyền lợi cụ thể, quyền phải đi kèm lợi. Song song đó, hệ thống luật pháp và thực thi pháp luật phải thật sự nghiêm minh. Nếu bắt đầu làm được từng bước đi nhỏ ngay từ bây giờ, chúng ta có quyền hy vọng vào những bước đi lớn hơn.
Một vấn đề cũng quan trọng không kém, theo ông Phan Chánh Dưỡng, đó là tiêu chuẩn đánh giá sự tăng trưởng kinh tế phải đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Không nên lấy con số tăng trưởng GDP của địa phương (thật ra đó là con số không chính xác), càng không thể lấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp, thương mại dịch vụ càng cao để đánh giá sự phát triển của địa phương. Đừng nghĩ nông nghiệp gắn liền với kém phát triển. Chạy theo thành tích kiểu đó sẽ đưa đất nước đến một sự phát triển dị dạng. Mỗi tỉnh có một tiềm năng khác nhau, do đó nhiệm vụ phát triển kinh tế cũng khác nhau. Nên có một bộ tiêu chuẩn đánh giá đúng cho từng địa phương, từng thời kỳ. Phát triển kinh tế của địa phương phải trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế từng vùng là lời giải cho phát triển kinh tế nước ta hiện nay.