Làm công tác ngoại giao ba mươi năm, có thể dịch trực tiếp các vấn đề chuyên môn sâu bằng hai thứ tiếng Anh – Pháp cùng một lúc. Rời bỏ các chức vụ ở các lĩnh vực công việc lý tưởng (phó giám đốc các sở Ngoại vụ, Kế hoạch – Đầu tư…) để làm doanh nhân, hiện làm Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn. Ông Lương Văn Lý nổi tiếng không chỉ vì dám bỏ về làm dân thường ở một thời điểm rất sớm, mà còn vì con người lịch lãm, có uy tín. Ông nhanh chóng tạo nên hình ảnh một doanh nhân thực sự, chẳng còn đâu dấu vết của chốn quan trường.
____
Thưa ông, vì sao trong lá thư của lãnh sự quán Vương quốc Bỉ vừa gửi nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, cố vấn đặc biệt về kinh tế của Thủ tướng Chính phủ để cảm ơn đoàn cấp cao Việt Nam sang Bỉ tháng 10 vừa qua, lại có cả “lời cảm ơn đặc biệt gửi đến ông Lương Văn Lý, một lần nữa, ông đã chứng minh và bảo vệ rất hùng hồn quyền lợi của đất nước mình”?
Tôi có mặt trong đoàn chuyên viên Việt Nam sang Bỉ vận động đầu tư vào Việt Nam. Đây là hoạt động chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Hoàng thái tử Philippe vào tháng 3 năm tới. Sẽ có nhiều doanh nhân đi cùng hoàng thái tử. Chúng tôi giới thiệu về Việt Nam.
____
Ông đã trình bày vấn đề gì mà tạo được lời khen “mặc dù không còn tại chức trong chính quyền, ông vẫn luôn đóng vai trò rất tích cực trong sự tôn vinh quốc gia mình”?
Tôi trình bày các vấn đề pháp luật Việt Nam, giải đáp các thắc mắc.
____
Họ thắc mắc có nhiều câu gay cấn không?
Họ có rất ít thông tin về Việt Nam. Thường hỏi hệ thống tư pháp theo mô hình nào, những nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh, luật Việt Nam khác phương Tây như thế nào, và những khó khăn thực tế, ký hợp đồng xong có tranh chấp thì giải quyết ra sao, quá trình lập pháp của Việt Nam…
____
Sự thành công trên diễn đàn quốc tế có phải do “dấu vết của nghề ngoại giao” đem lại cho ông không? Rời ngành ngoại giao, ông có tiếc nó như một vết thương tinh thần không?
Đúng là đã có lợi ích thu được từ những năm tháng đó: hiểu biết văn hóa phương Tây, cách ứng xử, văn hóa kinh doanh. Đó là những thứ giúp đỡ tôi nhiều nhất. Tiếc chăng chỉ là tình cảm, ba mươi năm đời mình còn gì. Không còn dịp thường xuyên với những người bạn thân thiết. Còn về chuyên môn, khi tôi sang Sở Kế hoạch – Đầu tư là một sự tiếp tục êm ả, bổ sung những mảng rất lớn về kiến thức và thực tế. Cho nên rời ngành ngoại giao, chỉ lưu luyến tình cảm chứ không là vết thương tinh thần.
____
Giờ đây, kể cả trong kinh doanh, ông cũng rút dần chức vụ quản lý, chỉ còn làm chuyên môn? Ông phụ trách việc gì trong Công ty Luật VLT?
Tổng giám đốc của tôi là luật sư Lê Quang Vy được giới nghệ sĩ biết nhiều vì giải quyết những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Tôi lo tập trung nhất về luật đầu tư, thương mại. Tôi cập nhật kiến thức, tìm cộng sự có kinh nghiệm, có khả năng tiếp thu mới và nhanh để đào tạo. Càng ngày tôi càng thấy có được cộng sự giỏi là hết sức quan trọng. Ở chỗ chúng tôi, ngoại ngữ phải giỏi, độc lập tác chiến được, vì khách hàng đa phần là người nước ngoài.
____
Ông có thấy công việc chỉ là công việc hay có sự thích thú, khi cả đời làm cán bộ nay làm kinh doanh? Nhất là sự phức tạp của luật lệ và giải quyết tranh chấp?
Tôi thấy công việc rất lý thú. Với tôi, đó là sự liên tục trong công việc, không có gì trái với khả năng cả. Ở Sở Kế hoạch – Đầu tư, tôi phụ trách mảng đầu tư nước ngoài. Khi làm ở công ty trước đây DNL, tôi làm tư vấn đầu tư, nay vẫn thế, có thêm mảng tranh chấp. Trước đây, tôi được đào tạo về luật ở Thụy Sĩ.
____
Trong môi trường kinh doanh và luật lệ phức tạp hiện nay, ông gặp phải chuyện gì khó khăn nhất?
Có nhiều việc phải phối hợp các luật sư. Phức tạp nhất là khi gặp tranh chấp hợp đồng dân sự. Lý do thì nhiều, nhưng hay gặp là doanh nghiệp Việt Nam khi ký hợp đồng không để ý chi tiết. Nóng lòng thực hiện, bỏ qua chi tiết, chỉ đồng ý đại thể. Lúc làm, chạm trán các thực tế kinh doanh, không nằm trong điều khoản nào, phát sinh tranh chấp, khi ấy rất khó giải quyết. Phải vận dụng những thứ ngoài hợp đồng, các luật khác bổ sung hoặc nêu những yếu tố quyền lợi kinh tế hai bên thỏa thuận được, mất rất nhiều công sức.
____
Đang là lãnh đạo ở những cơ quan quyền lực, bây giờ về làm doanh nhân, ông thấy có còn quyền lực không?
Làm trong lĩnh vực tư nhân khó nói tới quyền lực. Uy tín của tôi được xây dựng những năm qua về chuyên môn, sự nghiêm túc và đáng tin cậy. Cái đó gọi là tài sản, không là quyền lực. Làm tư nhân thì không có kiểu đem đặc quyền công chức ra làm quyền lực. Pháp luật diễn biến chậm, bất cập. Lẽ ra doanh nghiệp chỉ cần thực hiện nghiêm luật pháp thì có khi lại lệ thuộc vào sự buồn vui, vào trình độ, thậm chí là thiện chí của các vị công chức. Một ông bà chuyên viên bình thường của quận huyện, các ngành, thậm chí cả ngành văn hóa thông tin cũng có thể làm khó dễ doanh nghiệp.
Uy tín của tôi được xây dựng những năm qua về chuyên môn, sự nghiêm túc và đáng tin cậy. Cái đó gọi là tài sản, không là quyền lực. Làm tư nhân thì không có kiểu đem đặc quyền công chức ra làm quyền lực.
____
Tình hình khó khăn chung của nền kinh tế đã tạo ra nhiều “cái chết” như bất động sản, chứng khoán và sự lạm phát, sút giảm đầu tư, nợ đến hạn phải trả, giá vàng giá đô… Các doanh nghiệp lao đao. Công ty ông bươn chải thế nào?
Không ai thoát khỏi tình hình chung, chúng tôi cũng thế. Thách thức của công việc thì thời nào cũng có. Thời khó khăn phải có sáng kiến mới, sản phẩm mới, khai thác thị trường mới. Đã làm dịch vụ phải sẵn sàng lực lượng, tài năng, hậu cần để đối phó. Trong thực tế như các báo đưa “ngân hàng lãi to, công ty lỗ nặng”, mỗi công ty phải tìm ra thế mạnh của mình. Trong khó khăn cũng vẫn có dư địa, có “ốc đảo” trên sa mạc, phải tìm ra ốc đảo ấy. Các công ty dịch vụ khác các đơn vị sản xuất, đầu tư thông thường vì không quá phụ thuộc vào vốn nhiều hay ít, mà nằm ở kinh nghiệm, chất xám, mối quan hệ. Không phải quá phụ thuộc vào vay ngân hàng, huy động vốn. Kinh tế khó khăn, các nhà đầu tư càng cần ba yếu tố đó của công ty dịch vụ, vì chúng sẽ giúp họ gỡ bớt khó khăn. Thí dụ, các yêu cầu nóng nảy sinh trong khó khăn như mua bán, sáp nhập doanh nghiệp… rất cần các chuyên viên tài chính, thuế, kiểm toán, luật sư… Vì vậy, các công ty tư vấn ổn định hơn, không quá lao đao như lĩnh vực sản xuất.
____
Nhưng các công ty tư vấn cũng có mật độ tập trung cao nhất ở hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cạnh tranh chắc là gay gắt?
Đúng vậy. Mức độ cạnh tranh là lớn nhất. Bốn anh nước ngoài khổng lồ về tư vấn tài chính, kiểm toán, luật… – những tên tuổi lớn: Price Waterhouse Coopers, KPMG, Ernst & Young, Deloitte, đó là chưa kể những công ty lớn của Việt Nam… Ngoài ra là những thách thức về công việc. Nhu cầu phát triển của kinh doanh tăng cao đẻ ra nhiều thứ như huy động vốn ở đâu, môi trường pháp luật, quản lý, tìm kiếm thị trường.
____
Luật đầu tư mới năm 2005 có giúp gỡ khó cho công việc nhiều không, thưa ông?
Có. Luật mới này nhằm mục đích xóa sự phân biệt giữa đầu tư trong nước và nước ngoài, nhưng trên thực tế, sự phân biệt vẫn còn. Vẫn có hai hệ thống đối xử khác nhau. Thậm chí có khía cạnh còn thụt lùi trên thực tế. Người Việt ở nước ngoài về đăng ký doanh nghiệp nay mất quyền lựa chọn, nếu đăng ký, họ đương nhiên phải là doanh nghiệp nước ngoài. Thí dụ trong nước đang hoạt động gặp khó khăn tài chính, phải sáp nhập, nhà đầu tư nước ngoài mua 30% vốn, thì xếp là doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài? Lúng túng. Có lúc nói dưới 50% vốn là doanh nghiệp Viêt Nam, có lúc lại nói bao nhiêu phần trăm không cần biết, hễ cứ có yếu tố nước ngoài là coi như doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, chuyện thủ tục xưa hay bị kêu là đáng sợ vẫn chưa giảm nhiều. Vẫn phải hỏi ý kiến hết bộ này đến bộ khác. Luật quy định mười lăm ngày phải trả lời, nhưng thực tế người ta không bao giờ đúng hạn. Điều khoản ít được tôn trọng nhất, là thời hạn. Hồ sơ nộp Sở Kế hoạch – Đầu tư mà họ phải đi hỏi các cơ quan khác quá nhiều thì không còn nằm trong tầm tay của sở này nữa. Câu hỏi mà các nhà đầu tư quan tâm “tốn bao nhiêu thời gian” không bao giờ trả lời được.
____
Làm tư vấn đầu tư, ông thấy doanh nghiệp nước ngoài than gì ngoài “bài ca muôn thuở là thủ tục hành chính”?
Họ than phiền thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực quản lý. Loại trưởng phòng, giám đốc người Việt cho các công ty lớn nước ngoài rất khan hiếm. Họ phải mướn người nước ngoài hoặc Việt kiều có kinh nghiệm, chi phí rất cao. Sau khi Intel vào, họ than không tìm đủ nhân viên kỹ thuật cao. Chúng ta mới chỉ chú ý đào tạo công nhân lành nghề, mà cũng chưa nhiều. Một vị thứ trưởng tổng kết rất đúng về ba “nút cổ chai” của phát triển ở nước ta: nhân lực, hạ tầng cơ sở, bộ máy quan liêu hành chính. Theo tôi cần thêm vào cả về pháp lý nữa. Hiện nay vẫn còn nhiều phức tạp, thay đổi liên tục. Mỗi lần thay đổi như một lần trở dạ. Vất vả, thiệt hại kinh khủng.
____
Là doanh nhân, ông nhận định về tình hình khó khăn kinh tế hiện nay thế nào?
Tôi không là chuyên gia nghiên cứu, nhưng theo tôi, kinh tế Việt Nam với độ mở lớn như hiện nay, phụ thuộc lớn vào ngoại thương, thu nhập từ đầu tư nước ngoài, vào vốn vay ODA thì đương nhiên chúng ta phải chịu ảnh hưởng của kinh tế thế giới. Họ sổ mũi thì ta phải nhức đầu. Thứ hai, tất nhiên là có sự yếu kém của vận hành kinh tế nội tại. Các căn bệnh thì nêu quá nhiều rồi. Nhưng quan trọng, theo tôi, là chính sách đầu tư của Nhà nước phải xem lại.
____
Thế còn nguyên nhân lợi ích nhóm chi phối cả các chính sách mà nay đã được nhắc đến nhiều?
Lợi ích cá nhân cũng là khía cạnh của vấn đề. Cũng có hiện tượng trục lợi. Cái tôi thấy rõ nhất là bệnh thành tích, nóng vội phát triển, cố đạt GDP cao và cho đó là con số chứng tỏ Chính phủ đã điều hành tốt, không tính chất lượng và bền vững.
____
Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì?
Theo tôi, thứ nhất, phải xem lại chính sách đầu tư; thứ hai, cải tổ doanh nghiệp nhà nước; thứ ba, giải quyết các tiêu cực trong bộ máy nhà nước. Những chuyện này ai cũng thấy rồi, vấn đề là làm thực sự hiệu quả.
____
Trong tình hình hiện nay, Mỹ trì trệ, châu âu nợ công, châu Á lạm phát, ông có tin vào dự đoán lạc quan của một số nhà nghiên cứu kinh tế thế giới nói chỉ ba năm nữa, thế giới sẽ phục hồi, thoát khỏi khủng hoảng hiện nay?
Mọi tiên đoán hai hay ba năm chỉ là cảm tính, chưa rõ tính khoa học. Trong nước thì phải nhìn thấy Nhà nước giải quyết những vấn đề trên như thế nào. Người dân muốn thấy Chính phủ đang đi theo chiều hướng giải quyết những vấn đề. Những dấu hiệu phải xuất hiện cùng lắm là sáu tháng nữa, không thể kéo dài.
____
Cũng có những người sốt ruột muốn thay đổi, như hiện tượng Bộ trưởng Đinh La Thăng gây nhiều tranh luận ngược chiều, ông nghĩ gì về chuyện đó?
Các biện pháp cụ thể tôi chưa bàn đúng sai, nhưng tôi hoan nghênh tạo ra sự chuyển động trong sự trì trệ chung phổ biến hiện nay.
____
Trở lại với nhận định kinh tế thế giới, nhiều người tin rằng thế nào cũng hồi phục vì công thức tiến bộ nhất của loài người có đến hôm nay vẫn là dân chủ và tự do kinh doanh. Nhờ vào công thức này mà dù gặp khủng hoảng, các nền kinh tế bao giờ cũng phục hồi huy hoàng hơn trước. Ông có nghĩ thế không?
Đây không phải cuộc khủng hoảng đầu tiên, từ 1939 đến nay đã nhiều rồi, mỗi lần có đặc thù riêng. Lần này có vẻ gay gắt hơn, vì thấy rõ rằng chính tự do chủ nghĩa của chủ nghĩa tư bản dẫn đến khủng hoảng. Thuyết tự do này mạnh nhất thời Tổng thống Mỹ Reagan, Thủ tướng Anh Thatcher. Làm sao tự do tối đa, doanh nghiệp lãi to thì kinh tế phát triển. Dẫn đến giới tài chính ngân hàng thao túng quá, không thể kiểm soát được nữa. Một số nhà tư tưởng tin rằng nó sẽ điều chỉnh và tốt đẹp hơn. Tạo ra của cải thì không mô hình nào tốt hơn, nhưng khiếm khuyết muôn đời như một thứ “tội tổ tông” là phân phối bất công.
____
Còn trong đời sống xã hội hiện nay, ông quan tâm đến những vấn đề nào?
Có lẽ nhiều người đang quan tâm cho việc giáo dục, học hành của con cái, cố gắng để cho con đi học nước ngoài, phải nhờ nước ngoài đào tạo. Đó thật là điều đáng tiếc, nhưng do giáo dục trong nước nói hoài, chờ hoài không thấy kết quả, chỉ thấy ngày càng thấy rối rắm hơn. Lứa tuổi đi du học ngày càng sớm hơn, đầu cấp trung học phổ thông là đi rồi. Mà đi học ở bất cứ nước nào cũng thấy hơn trong nước cả. Thật đáng tiếc. Niềm tin vào giáo dục yếu quá.
____
Trước đây có lần ông phân tích sự lố lăng của nhà giàu mới là do văn hóa chưa theo kịp sự giàu có vật chất, và ông cho rằng họ sẽ tự điều chỉnh. Nay phải chăng đã có sự tiến bộ?
Không biết đã có ai khảo sát chưa, vì điều chỉnh văn hóa phải đòi hỏi lâu. Những kệch cỡm vẫn còn, nhưng gần đây, sự lố lăng kệch cỡm đã “chuyển” sang giới giải trí, biểu diễn, bị dư luận chú ý phê phán nhiều hơn. Tôi thấy phản kháng của xã hội cũng rất mạnh, nhất là trên báo chí.
____
Ông có theo dõi các chương trình giải trí gọi là có thu hút khán giả kiểu “Cặp đôi hoàn hảo”, “Vietnam’s next top model”…?
Tôi hoàn toàn không biết đó là cái gì. Nhưng có lần tôi đọc bài phỏng vấn một diễn viên, cô khoe cả những chuyện không tế nhị về cá nhân. Trong bữa cơm chiêu đãi ở nước ngoài, gặp vị nữ cục trưởng đi dự liên hoan phim Việt Nam, tôi có than phiền là cô diễn viên trả lời báo chí thế không ngửi được thì vị này thản nhiên nói rằng “thôi, anh chỉ xem thôi, đừng ngửi…”.
____
Thế còn các tranh luận về xã hội, văn chương, sách vở?
Có tranh luận tôi chú ý về ngôn ngữ của giới trẻ, có báo lên án hơi nặng nề. Những hiện tượng ấy thời nào cũng có. Sài Gòn xưa Phạm Duy viết những tiếng lóng vỉa hè như “bỏ đi tám”, hoặc có lúc nói “sức mấy” cha mẹ không đồng ý. Sau này nó chẳng là cái gì. Phải nghiên cứu xem vì sao nó có, có thay thế bằng cái gì chỉn chu hơn không. Tôi thấy từ sau 1975 đến nay, việc tuyên truyền quảng bá tinh hoa tiếng Việt ngày càng giảm. Ngày xưa cụ Phạm Văn Đồng quan tâm, khuyến cáo các cơ quan nhà nước. Bây giờ nhiều khi dùng tiếng nước ngoài dễ hơn tiếng Việt. Nhiều khái niệm mới trong khoa học, công nghệ, không có từ tiếng Việt tương ứng.
____
Những bức xúc về mặt xã hội của ông?
Những chuẩn mực đạo đức ngày càng mờ nhạt, ranh giới đúng sai rất khó phân biệt. Chuẩn mới bây giờ là thực dụng, hiệu quả đo bằng tiền. Giá trị cơ bản nhất của cuộc sống con người là gia đình thì bị xói mòn. Chuyện đó không một sớm một chiều được sinh ra, mà là cái giá phải trả cho những gì mình đã làm. Khủng hoảng thế giới là xúc tác làm vấn đề hiện rõ lên mà thôi. Đổ cho thế giới, nghe buồn cười.
Những chuẩn mực đạo đức ngày càng mờ nhạt, ranh giới đúng sai rất khó phân biệt. Chuẩn mới bây giờ là thực dụng, hiệu quả đo bằng tiền. Giá trị cơ bản nhất của cuộc sống con người là gia đình thì bị xói mòn.
____
Nhưng ông vẫn thường mỉm cười thông cảm hơn là lên án gay gắt các thói tật của giới doanh nhân giàu có, xa hoa? Vậy ông nhận xét thế nào về doanh nhân Sài Gòn nói riêng, doanh nhân Việt Nam nói chung?
Tôi thông cảm là vì đa số doanh nhân không như vậy. Doanh nhân nói chung đều làm ăn vất vả, đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Làm doanh nghiệp trong điều kiện Việt Nam khó khăn hơn các nước nhiều. Nếu có biểu hiện gì thì cũng thiểu số, không đáng trách mà kệch cỡm buồn cười thôi. Suy cho cùng thì cảnh ấy đã từng có từ thời Vũ Trọng Phụng rồi mà.
____
Ông là người không bị stress, nhiều ngoại ngữ, tư duy hiện đại nhưng lại không đọc báo mạng? Ông có thấy báo in bây giờ “đáng chán” không?
Không stress là khả năng tự nhiên của tôi, không giải thích được. Tôi để lại sở cũ bốn chữ: hết sức bình tĩnh. Bối rối, nổi nóng đương nhiên ai cũng có, nhưng nên ngắn thôi. Tôi thích đọc báo giấy, cổ điển, một lối mòn chăng. Báo in đúng là có chùng xuống, không có nhiều chính kiến sâu sắc như trước đây. Nay chỉ đưa sự kiện thì báo nào cũng giống nhau. Nói vơ đũa thì tội cho nhiều người, nhưng báo chí không thể muốn được công nhận giá trị bởi sự chính thống, hơn là được dư luận xã hội công nhận. Bởi báo chí phải sống trong lòng người đọc.
____
Trong cuộc sống hiện đại, phải hài hòa nhiều mặt, doanh nhân như ông nghỉ ngơi như thế nào?
Khái niệm nghỉ ngơi giờ cũng khác. Khó lắm. Cuộc sống phong phú hơn, thách thức trí tuệ hơn. Cho đó là niềm vui thì vui hơn. Nói là về hưu nghỉ, thế quái nào được. Trừ phi cắt đứt mọi thứ, không tivi, không điện thoại, không nói chuyện với con cháu. Còn phải suy nghĩ thì sao nghỉ ngơi được…
____
Xin cảm ơn ông có những giây phút tản mạn, trải lòng nhiều khía cạnh của đời sống.