Khi thủ đô Iraq chìm trong lửa đạn chiến tranh, họa sĩ Qasim Sabti tìm tới một trong những nơi ông yêu mến nhất – Đại học Mỹ thuật Baghdad – chỉ mong còn cứu vớt được chút gì trong hàng ngàn cuốn sách và tư liệu mỹ thuật đã bị tiêu hủy.
Tháng 4-2003, quân đội Mỹ và đồng minh tiến vào Iraq và chiến sự mau chóng lan rộng tới Baghdad. Từ ban công ngôi nhà mình ở trung tâm Baghdad, Qasim Sabti chứng kiến ngọn lửa chiến tranh đang đốt cháy 6.000 cuốn sách mỹ thuật. Ông đã cố gắng cứu lấy những gì còn sót lại trong đống tro tàn của Đại học Mỹ thuật Baghdad, nơi ông theo học, thành tài và trở thành nhà giáo của trường, song song với công việc sáng tác. Qasim Sabti nhớ lại thời khắc đau đớn ấy: “Tôi cố cứu lấy một cuốn sách về tranh phong cảnh Nga. Tôi yêu thích cuốn sách ấy và luôn luôn xem cách mà các họa sĩ Nga vẽ tranh phong cảnh rồi dùng nó để dạy các sinh viên của mình. Khi nhìn thấy cuốn sách trong đống lửa, tôi tìm cách lấy nó ra; lửa bén tay và những trang sách rơi vào lửa, chỉ còn lại cái bìa sách trong tay tôi”.
Những cuốn sách bị thiêu hủy sạch là một đòn giáng mạnh vào ngôi trường. Thiết chế mỹ thuật này đã nỗ lực để gầy dựng kho tư liệu của mình sau những năm Iraq bị phương Tây cấm vận, trừng phạt dưới thời Saddam Hussein và chỉ được cấp một ngân quỹ thật nghèo nàn.
Thế nhưng với người họa sĩ 59 tuổi, hiện là Tổng thư ký Hội đồng văn hóaIraqthì những cuốn sách mỹ thuật bị thiêu hủy ấy lại trở thành một nguồn cảm hứng sáng tác của ông trong gần một thập niên qua. “Khi ngắm nhìn cái bìa sách tranh phong cảnh Nga ấy, tôi tìm thấy điều gì đó thật nghệ thuật – chính là cuộc sống bí ẩn của những trang sách đã bị thiêu cháy” – Sabti nói. Và ông dùng những mảnh vụn còn lại của những cuốn sách mỹ thuật để thực hiện một bức tranh trừu tượng với kỹ thuật dán giấy (collage) sở trường của ông.
Cũng bắt đầu từ ngày ấy, Qasim Sabti mời khách đến với gallery Hewar khiêm tốn của ông ở Baghdad để họ thưởng ngoạn các tác phẩm trừu tượng, ở đó họ có thể nhìn thật gần những mảnh vụn đã làm nên các tác phẩm, như mẩu giấy in sách có tem của người thủ thư hay những nét chữ Ả Rập ngoằn ngoèo được người đọc đánh dấu ở lề sách. Sau đó, họa sĩ bắt đầu phóng lớn những hình ảnh đó trên tấm toan.
Rồi các triển lãm tranh của Qasim Sabti với đề tài và cách thể hiện như trên được tổ chức tại Paris, New York, Tokyo và Kyoto kể từ năm 2003. Còn trên quê hương tan nát của mình, Qasim Sabti nỗ lực hơn bao giờ hết để có được một cuộc sống “nếu như nó còn tồn tại ở Iraq” như cách ông nói: “Còn rất ít họa sĩ trụ lại. Chúng tôi giống như thể những người Mohican cuối cùng vậy”.
Nhưng cũng từ gallery của Qasim Sabti, nhiều triển lãm hội họa và điêu khắc của các họa sĩ Iraq được tổ chức. Do chịu bom đạn thường xuyên nên gần như loại tranh trên gốm truyền thống của Iraq không còn tồn tại. Qasim Sabti đã tìm cách hồi sinh loại hình nghệ thuật này ở gallery của ông với sự góp sức của những người thầy của Đại học Mỹ Baghdad. Họ bắt đầu làm lại từ những mảnh gốm nhỏ nhặt nhạnh được. Qasim Sabti cho biết: “Đã gần mười năm không còn tranh gốm ởIraq. Hiện có lẽ chỉ còn khoảng năm nghệ sĩ làm tranh gốm trên cả nước; thời kỳ trước bạn có thể tìm thấy cỡ 500 người”.
Cả Baghdad nay chỉ có hai gallery tư nhân trong khi trước 2003 có hơn hai mươi phòng tranh. Đơn giản bởi các viên chức chính quyền, các gia đình trung lưu và khách nước ngoài đã đi hết, để lại thành phố này một dúm nhỏ những người có khả năng mua tác phẩm mỹ thuật hay ủng hộ hoạt động này. Đã thế, bom đạn và chết chóc vẫn không ngừng diễn ra.
Dù vậy, Qasim Sabti và những đồng nghiệp, người đồng chí hướng với ông vẫn còn một chút gì lạc quan. Chính phủ Iraq vừa hứa sẽ tài trợ cho 24 cuộc triển lãm tại gallery của Sabti để qua đó phát hiện những tài năng mỹ thuật. Và đây là lần đầu tiên có được sự hỗ trợ này từ chính quyền dù tất cả mới chỉ là những lời hứa hẹn.