Phùng Việt Thắng – Giám đốc Quốc gia Việt Nam, phụ trách Khối Kinh doanh, Marketing, và Truyền thông tại Tập đoàn Intel – là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ với nhiều năm kinh nghiệm. Trong bài viết này, ông Thắng chia sẻ quan điểm sâu sắc về tình hình phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những phân tích chi tiết về cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước khi áp dụng công nghệ tiên tiến này.
Trong bối cảnh các tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới không ngừng nỗ lực hiện thực hóa những kỳ vọng về trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ này từ một “trào lưu” đã trở thành chủ đề quan trọng trong các cuộc thảo luận cấp cao của Chính phủ thông qua các diễn đàn khác nhau. Theo Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu gia nhập vào nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước hàng đầu thế giới về lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.
Theo Báo cáo Chỉ số Sẵn sàng Ứng dụng AI của Chính phủ được Oxford Insights xây dựng và công bố vào năm 2023, Việt Nam xếp thứ 59 trên tổng số 193 quốc gia và xếp thứ 9 trong khu vực Đông Á, với điểm số vượt mức trung bình 51,41 của khu vực. Bảng xếp hạng này đánh giá mức độ sẵn sàng của các quốc gia trên toàn thế giới trong việc khai thác AI để cung cấp dịch vụ công cho người dân một cách hiệu quả, bao gồm 39 chỉ số đo lường năng lực kỹ thuật số, khả năng công nghệ và hạ tầng dữ liệu. So với năm 2022, Việt Nam tăng 19 bậc trong bảng xếp hạng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước cũng dần nhận thấy rằng việc triển khai và áp dụng AI không phải là một nhiệm vụ “một sớm một chiều”. Mặc dù trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu đưa AI vào các hoạt động quản trị và điều hành để chuẩn bị cho một tương lai với AI đóng vai trò trọng tâm, đặc biệt trong lĩnh vực như sản xuất, ngân hàng, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và thương mại điện tử. Một khảo sát về Mức độ Sẵn sàng về AI (được công bố vào 11/2023) chỉ ra rằng chỉ có khoảng 27% tổ chức tại Việt Nam triển khai AI một cách nghiêm túc và toàn diện. Sự chênh lệch đáng kể về số lượng giữa tổ chức có ứng dụng AI với tổ chức ứng dụng AI một cách nghiêm túc và nhuần nhuyễn cho thấy những thách thức khi triển khai công nghệ này.
Trong đó, hai lý do nổi bật để lý giải phải kể đến là: doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cân bằng chi phí và lập chiến lược khai thác công nghệ AI hiệu quả, bên cạnh đó là những thách thức vĩ mô liên quan đến các quy định và nguồn nhân lực chuyên môn.
____
Thách thức cho doanh nghiệp: cần xem AI là phương tiện để đạt được mục tiêu thay vì coi AI là mục tiêu
Tại Việt Nam, một trong những thách thức lớn nhất khi triển khai AI là “hiệu quả kinh doanh không rõ ràng hoặc thấp hơn mong đợi”. Từ năm ngoái, hàng loạt các doanh nghiệp đã cạnh tranh nhau trong việc áp dụng AI vì sợ bỏ lỡ công nghệ này, nhưng lại thiếu tầm nhìn và kế hoạch rõ ràng.
Để đi đúng hướng, các tổ chức cần xác định rõ thách thức mà doanh nghiệp cần giải quyết hoặc kết quả kinh doanh mà họ muốn đạt được thông qua việc ứng dụng AI như là một công nghệ vượt trội, thay vì chỉ chạy theo xu hướng. Hướng đi hiệu quả nhất đôi khi không nằm ở việc sở hữu một mô hình GenAI thế hệ mới, mà là việc đưa AI vào phân tích hoặc dự đoán bằng dữ liệu để tăng tốc quá trình kinh doanh và cung cấp thông tin có mức độ tin cậy cao hơn cho nhân viên có liên quan. Doanh nghiệp cần hiểu rằng AI không phải là mục tiêu để hướng đến. AI thực chất là công nghệ mang đến những phương pháp và công cụ giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Một thách thức lớn khác liên quan đến AI có thể kể đến là “chi phí sở hữu quá cao”. Từ năm 2023, nhu cầu sở hữu bộ vi xử lý đồ họa (GPU) để vận hành AI đã tăng đột biến, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, kéo theo chi phí đầu tư tăng cao. Tuy nhiên, chúng ta không nhất thiết phải cần đến GPU để xử lý mọi ứng dụng AI. Thay vào đó, có rất nhiều chip có năng lực tính toán AI khác nhau được dùng cho nhiều trường hợp ứng dụng AI như bộ vi xử lý trung tâm (CPU), mạch tích hợp cỡ lớn (FPGA) hoặc mạch tích hợp chuyên dụng (ASIC).
Thực tế, nhiều ứng dụng AI phổ biến có thể được xử lý hiệu quả bởi CPU mà không cần thêm GPU. Những loại CPU này cũng có thể được sử dụng cho các tác vụ khác cùng một lúc như kết nối và lưu trữ, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và năng lượng tiêu thụ.
Một khía cạnh không kém phần quan trọng là nơi lưu trữ dữ liệu. Theo Nghị định 53/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, doanh nghiệp đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu cục bộ trên máy chủ ở Việt Nam. Tuy nhiên, ước tính đến năm 2025, 75% dữ liệu được tạo ra sẽ không được lưu trữ trên trung tâm dữ liệu hoặc trên đám mây cục bộ; mà nằm tại các thiết bị vùng biên (như thiết bị tại nhà máy hoặc bệnh viện…). Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải quản lý việc lưu trữ dữ liệu ở các nơi phù hợp nhất: có thể trên đám mây, máy tính cá nhân hoặc tại vùng biên (edge) nhằm xử lý các yêu cầu khác nhau trong việc suy luận và huấn luyện mô hình trong bối cảnh AI không ngừng phát triển và mở rộng. Ngoài ra, khi có ngày càng nhiều ứng dụng AI được chuyển sang vùng biên, nhu cầu sở hữu AI PC sẽ càng gia tăng nhằm tận dụng khả năng xử lý đã được cải tiến của những thiết bị này cho công tác phân tích dữ liệu và ra quyết định theo thời gian thực.
Với thực tế trên, các doanh nghiệp sẽ cần một nền tảng công nghệ linh hoạt với khả năng mở rộng. Một môi trường điện toán phức hợp và hệ sinh thái mở cho phép doanh nghiệp làm việc với bất kỳ nhà cung cấp nào để lựa chọn được công cụ phần cứng và phần mềm phù hợp cho nhu cầu công việc. Đây sẽ là chìa khóa để vừa giảm chi phí vừa đạt được độ tin cậy cao, hiệu năng và bảo mật tốt hơn.
____
Thách thức mặt vĩ mô: Quy định Chính phủ và lực lượng chuyên môn về AI
Không chỉ các doanh nghiệp chú trọng thúc đẩy việc ứng dụng dụng và đổi mới AI, Việt Nam cũng dựa vào nhu cầu của cả nền kinh tế để thúc đẩy AI phát triển.
Từ góc độ quản lý nhà nước, Việt Nam luôn chủ động trong việc phát triển các chính sách và khuyến khích đầu tư vào AI. Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 cho phép Việt Nam thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực then chốt như an ninh, quốc phòng, dịch vụ công, quản lý tài nguyên và môi trường. Đến năm 2025, chiến lược này của Chính phủ sẽ yêu cầu thành lập hai trung tâm AI cấp quốc gia, mười cơ sở nghiên cứu và đào tạo, và AI sẽ được “ứng dụng rộng rãi trong trong hành chính công, dịch vụ trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, nhân lực bộ máy, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân”. Bên cạnh hỗ trợ từ Chính phủ, tại Hội nghị Thượng đỉnh Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 (VVS), 33 quỹ đầu tư đã cam kết rót 815 triệu USD vào các dự án khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 nhằm phát triển năng lực cạnh tranh AI của quốc gia.
Mặc dù Chỉ số Sẵn sàng Ứng dụng AI của Chính phủ Việt Nam cao hơn mức trung bình của Đông Á là 51,41, nhưng cũng như các quốc gia khác, chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu trong việc khai thác giá trị công nghệ AI. Khi chính phủ các nước trên thế giới vẫn chưa tìm ra những quy định tối ưu nhất về AI, thì việc cân bằng giữa bảo vệ lợi ích xã hội mà không kìm hãm sự đổi mới là một nhiệm vụ thách thức. Quan trọng hơn hết, chúng ta phải ứng dụng một phương pháp tiếp cận AI linh hoạt dựa trên các nguyên tắc đạo đức cơ bản như minh bạch, có trách nhiệm và công bằng. Để hiện thực hóa điều này, chúng ta có thể tạo ra một cơ chế thử nghiệm AI cho phép các tổ chức và doanh nghiệp có thể thử nghiệm trong môi trường được kiểm soát trước khi công nghệ này được đưa ra sử dụng ở quy mô rộng.
Từ góc độ kinh tế xã hội, dân số lớn và thế hệ trẻ đồng đảo mang lại cho Việt Nam lợi thế trong việc xây dựng nguồn nhân lực tinh nhuệ sử dụng AI . Tuy vậy, vẫn cần thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế để giúp Việt Nam thực sự đạt được vị thế cạnh tranh. Theo định hướng của Chính Phủ được quy định trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo, để triển khai các kỹ năng cơ bản về ứng dụng AI và khoa học dữ liệu (KHDL) góp phần thúc đẩy đổi mới cho giới trẻ, Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn và trung hạn về AI cho sinh viên ở các ngành nghề khác nhau cũng như các loại nguồn nhân lực có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ đầu tư xây dựng các trung tâm trọng điểm nghiên cứu đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao về AI và KHDL tại các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu. Một lĩnh vực khác cũng cần xem xét là mở rộng hiểu biết cho lực lượng lao động phi kỹ thuật về AI. Với sự tăng trưởng của xu hướng low-code/no-code (một phương pháp phát triển ứng dụng nhanh mà không yêu cầu hiểu biết chuyên sâu về mã lập trình) trong việc phát triển các công cụ và trợ lý AI, khả năng nắm bắt và tận dụng AI của lực lượng này cũng đóng vai trò mấu chốt để thúc đẩy sự phát triển của AI tại Việt Nam.
____
Vươn tầm thành một quốc gia hàng đầu về AI
Với nhiều lợi thế nổi bật, Việt Nam đang ở thời điểm vàng để gia nhập vào xu hướng phát triển AI mạnh mẽ trong những năm tới. Bằng cách khai thác AI để cải thiện chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình và nâng cao trải nghiệm khách hàng, Việt Nam có thể tạo ra một cuộc cách mạng chưa từng có về cách thức hoàn thành công việc. Sự phát triển không ngừng của công nghệ AI mang đến cho Việt Nam cơ hội lớn để nâng cao sức cạnh tranh toàn diện.
Tuy nhiên, sự bùng nổ AI cũng sẽ kéo theo nhiều thách thức. Khi các mô hình AI liên tục được cải tiến, phương pháp tiếp cận AI cần được thích nghi và thay đổi. Vì vậy, các hạ tầng về công nghệ, các quy định trong quản lý nhà nước và xã hội được xây dựng và phát triển trong thời điểm hiện tại cần phải linh hoạt và có thể mở rộng.
Trong bối cảnh những năm tới sẽ là thời kỳ lý tưởng cho các quốc gia xây dựng nền tảng AI, Việt Nam cần nâng cao hiểu biết của cộng đồng về AI, đảm bảo AI được triển khai an toàn mà không gặp nhiều trở ngại từ các quy định, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ mở và đa dạng. Bằng cách này, Việt Nam có thể hiện thực hóa kỳ vọng lớn lao từ công nghệ AI và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này.