Vào thời điểm cuối năm, có một thông tin không vui cho ngành du lịch của chúng ta và cũng là nỗi nhức nhối cho những nhà quản lý môi trường.
Tạp chí chuyên về du dịch Fodor’s Travel có trụ sở tại California vừa xếp Vịnh Hạ Long, một thắng cảnh hấp dẫn của Việt Nam vào danh sách “ No next” (tức không nên đi) khi giới thiệu các địa điểm tham quan du lịch cho năm 2024. Tất nhiên khi Vịnh Hạ Long bị ra ngoài tầm ngắm của tạp chí này thì cũng đồng nghĩa với một lượng du khách nước ngoài tìm đến nhiều thắng cảnh hấp dẫn hơn trong khu vực. Không ít người cho rằng nhan sắc quyến rũ của một Hạ Long rất có thể chóng tàn phai mà thủ phạm không ai khác hơn là chính con người đang xem nhẹ quà tặng đáng quý của trời đất.
Đừng nên nghĩ đây là những khuyến cáo đầy ác ý. Người ta đang thương hại chúng ta đấy. Bởi với bề dày hoạt động hơn 80 năm, Fodor’s Travel là cẩm nang du lịch nổi tiếng của Mỹ, là người bạn đồng hành của cả tỷ người yêu thích du lịch trên thế giới và cũng là nơi mà hơn 8.000 điểm đến chờ đợi đánh giá của tạp chí này vào các khuyến cáo hàng năm. Chính tạp chí này đã từng ca ngợi hết lời khi Hạ Long được UNESCO bình chọn là một trong 10 di sản thiên nhiên và Việt Nam là một trong 25 điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới. Gần đây qua tạp chí này, TP.HCM được đưa vào danh sách một trong sáu nơi đáng đến du lịch ở châu Á.
Cho nên có thể nói cách nhìn của Fodor’s Travel về vịnh Hạ Long không hề thiên lệch đối với một thiên đàng du lịch đang dần xuống cấp và cũng là lời khuyên đầy trách nhiệm rằng trong năm 2024 du khách nên cân nhắc khi chọn đi du lịch đến đây.
Tại sao lại có khuyến cáo thẳng thắn như vậy?
Chẳng qua là vì hàng tấn rác thải đang làm xấu mặt Hạ Long mà các cơ quan quản lý đã tỏ ra bất lực.
Tạp chí này nhận định công tác quản lý các hoạt động tàu thuyền du lịch tại Vịnh Hạ Long cùng với cộng đồng người dân ngày càng tăng, đang góp phần tạo ra rác thải và dầu diezel trên mặt nước biển, đồng thời các nỗ lực hạn chế ô nhiễm đã tỏ ra thiếu hiệu quả mà theo người dân địa phương là chỉ được thực thi nửa vời. Với các chuyến du ngoạn trên Vịnh, du khách thường xuyên nhìn thấy các chai nhựa, chất xốp và dầu nhờn loang lổ trên mặt nước do hoạt động của tàu thuyền du lịch, đồng thời là khối rác thải từ các khu dân cư và cộng đồng đánh cá gần 20 héc-ta dọc các bãi biển. Số liệu chưa đầy đủ cho thấy, 10.000 mét khối rác bủa vây mặt vịnh được vớt hàng ngày nhưng không hết. Đã có hai công ty với sáu tàu và tám mươi lao động thường xuyên vớt rác với hàng tấn rác thải và chai nhựa được thu gom. Đây là một cố gắng lớn của địa phương nhưng tình hình vẫn chưa có gì khả quan dù đã có biết bao nhiêu khuyến cáo, vô số văn bản được ban hành.
Tạp chí này nói thêm rằng tình trạng du lịch quá tải gây ô nhiễm biển và gây áp lực lên hệ sinh thái trong những năm qua. Cụ thể như số du khách đến năm 2022 là hơn 7 triệu lượt người, dự kiến đạt 8,5 triệu vào năm 2023, trong số đó khoảng 1,4 triệu khách nước ngoài. Nhưng với tình hình ô nhiễm môi trường như hiện nay liệu số lượng này có khả thi không, nhất là khi những con số này chưa được xác nhận, đó là chưa kể thống kê của các cơ quan trong địa phương có nhiều sai số.
Vịnh Hạ Long với 1.600 hòn đảo trong đó nhiều núi đá vôi được UNESCO công nhận là di sản tự nhiên thế giới lần thứ nhất vào năm 1994 và lần thứ hai vào năm 2000 vì nơi đây lưu trữ những dấu tích quan trọng của quá trình hình thành vận động và phát triển của địa hình vỏ trái đất trong khu vực. Tuy nhiên việc khai thác du lịch ở khu vực này bị lạm dụng quá mức đã đầy thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam trở thành nơi bị chỉ trích than phiền và đã có những cảnh báo về nguy cơ sụp đổ một số đảo và những núi đá trong khu vực.
Mấy năm trước đây, Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế từng khuyến cáo giảm lượng du khách trên Vịnh Hạ Long cho phù hợp với khả năng chuyên chở du lịch nhất là sau một số vụ tai nạn chết người.
Vịnh Hạ Long còn bị khuyến cáo là hoạt động du lịch đã huỷ hoại các rạn san hô với mức độ đáng lo ngại.
Tình hình rác thải trên vịnh Hạ Long đã đến mức báo động và cần có giải pháp tích cực vì lợi ích chung, không riêng gì địa phương. Hiệu quả nên nhìn dưới góc độ toàn cục dù tốn kém. Trên thế giới có nhiều tổ chức phi chính phủ chuyên đảm trách việc thu gom rác thải trên biển như Ocean Cleanup hay Mítui O.S.K. Lines. Chính công ty vừa nói của Nhật Bản đã triển khai một dự án sử dụng tàu chuyên dụng để thu gom rác thải ở các vùng biển. Hồi năm ngoái họ đã liên lạc với chính phủ Việt Nam đề nghị hợp tác và dường như chưa thấy có kết quả cụ thể nào!