Trước năm 1975 riêng ở quận Phú Nhuận của thành phố Sài Gòn, giới chủ tiệm thuốc bắc làm ăn phồn thịnh, số tiệm mở ra khá nhiều mà vẫn có khách…
Vào những năm Nhật Bản đánh chiếm Trung Quốc giữa thập niên 30 thế kỷ trước, có một gia đình gồm đông y sĩ La Đinh cùng vợ, con trai là La Hiên di cư từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đến Sài Gòn. Lúc đó, khu Chợ Lớn tuy có đông đúc người Hoa nhưng ông La Đinh quyết định tìm về Phú Nhuận để sinh sống, trên con đường chính của vùng này là Louis Berland (năm 1952 đổi thành Võ Di Nguy, nay là đường Phan Đình Phùng).
Vài năm sau, năm 1942, tại tư gia ở số nhà 293, sau đổi thành 261 đường Louis Berland, ông La Đinh mở một nhà thuốc bắc hành nghề sở trường của ông, cũng là nghề chính của nhiều người Hẹ (Khách Gia). Nhà thuốc lấy tên Thiên Lộc Đường (hiện nay là tiệm sơn Thạnh Phát Jotun). Nhãn hiệu của Thiên Lộc Đường là “nhạo rượu” in trên nhãn giấy và trên bảng hiệu.
Từ đó, thầy thuốc La Đinh mỗi ngày chuyên cần chẩn mạch, ra toa và hốt thuốc thang cho người bệnh mang về cất nước uống hoặc bán cho khách đến mua cao đơn hoàn tán chế biến sẵn về uống. Bấy giờ, tiệm mở ra rất đông khách dù cùng con đường đó có một nhà thuốc đông y rất nổi tiếng là nhà thuốc Ông Tiên đối diện xéo chợ Xã Tài.
Thời trước năm 1975, số nhà thuốc tây và phòng khám của giới bác sĩ không nhiều, bệnh nhân phần lớn là những người khá giả và giới trí thức, đa phần bị bệnh cấp tính. Còn giới đông y trị liệu theo phương pháp y học cổ truyền, trị các bệnh mãn tính, đông y sĩ bắt mạch chẩn bệnh tại chỗ, giá cả tương đối thích hợp cho giới bình dân thời đó.
Ở Thiên Lộc Đường, khách đến đông thường vào các buổi sáng, bệnh nhân ở Phú Nhuận hoặc từ các vùng chung quanh tụ về từ phía Bình Hòa, Tân Sơn Hòa, Tân Sơn Nhứt… Ông La Đinh phải mướn thêm vài người nữa phụ giúp cho việc buôn bán hằng ngày.
Anh La Nhuận Cường, con trai ông La Hiên và là cháu nội ông La Đinh sinh ra giữa thập niên 1950 ở bảo sanh viện Công Tôn Nữ Thị Hỷ sát bên trường Võ Tánh (nay là trường Trung Nhất) trên đường Võ Di Nguy. Tên anh do ông nội đặt, có chữ lót là “Nhuận” lấy từ “Phú Nhuận” quê hương mới của dòng họ La.
Lớn lên trong ngôi nhà cũng là tiệm thuốc bắc này, trí nhớ của anh vẫn còn đọng lại những hình ảnh bên trong tiệm với quầy gỗ dài, các tủ hộc bằng gỗ cũ kỹ, các dụng cụ chế biến thuốc, những cái cân… và mùi nguyên liệu nấu lên thoang thoảng trong suốt tuổi thơ. Anh nhớ đến năm 1960, ông nội của anh mở thêm khâu chế biến và sản xuất cao đơn hoàn tán với thành phẩm có in nhãn mác đầy đủ như Tiêu ban lộ, Thối nhiệt tán, Đầu thống tán, Phát lãnh hoàn, Thuốc nhỏ mắt v.v..
Thời ấy, dù trên báo chí đã có quảng cáo nhưng không thông dụng như sau này, nhà thuốc của ông nội anh phải tự quảng cáo thuốc, vừa đưa đi tiêu thụ khắp nơi vừa giới thiệu các sản phẩm của mình. Ba của anh lo việc này. Mỗi tháng vài lần, ông La Hiên dắt ra chiếc xe Vespa, buộc các gói thuốc vào xe và chở từng lô hàng đi khắp nơi để phân phối. Có khi ông phải đi khắp Nam kỳ lục tỉnh để bán cho những tiệm thuốc bắc các tỉnh thành miền Tây, miền Đông Nam bộ và vùng cao nguyên như Kontum, Pleiku… Mỗi chuyến đi phải mất nhiều ngày, hết hàng thì quay về lấy rồi lại tiếp tục đi qua vùng khác. Công việc khá vất vả.
Việc buôn bán kéo dài nhiều năm cho đến cuối thập niên 1960 ông La Đinh lâm bệnh, việc buôn bán không còn được như trước. Ông La Hiên do không có ý định nối nghiệp cha nên đổi sang kinh doanh một ngành nghề khác cho đến năm 1975. Từ đó, kết thúc sự tồn tại gần 30 năm của nhà thuốc bắc Thiên Lộc Đường.
Anh Cường sang Úc định cư năm 1978, gia đình ba má cùng em gái của anh cũng sang Úc đoàn tụ năm 1985. Sống ở xứ người, ba anh, ông La Hiên nay đã 91 tuổi thỉnh thoảng vẫn nhớ thời ông cùng cha luôn bận rộn chế biến thuốc và đi bỏ mối, giới thiệu sản phẩm ở các tỉnh xa xôi. Theo ông La Hiên, trước năm 1975 riêng ở Phú Nhuận, giới chủ tiệm thuốc bắc làm ăn phồn thịnh, số tiệm mở ra khá nhiều mà vẫn có khách. Ông nhẩm ra, từ phía đầu cầu Kiệu đi xuống đường Võ Di Nguy có những tiệm sau:
Nhà thuốc Tế An Hòa của đông y sĩ La Kỳ Liêu, đối diện chợ Phú Nhuận. Gia đình này giờ định cư ở Hoa Kỳ.
Nhà thuốc Hưng Trung của đông y sĩ La Pháp Văn. Tiệm này có châm cứu cho khách, cũng nằm đối diện chợ Phú Nhuận. Gia đình này hiện định cư tại Los Angeles, Hoa Kỳ.
Nhà thuốc Quảng Sanh Hòa của đông y sĩ Huỳnh Quyền, ở cách tiệm nước mía đầu chợ Phú Nhuận chỉ vài căn. Gia đình này định cư ở Đài Loan sau năm 1978. Cùng dãy phố này còn có nhà thuốc Sơn Đông.
Nhà thuốc Vạn Xuân Đường của chủ nhân họ Đặng, cách đền Phú Hữu (đã phá bỏ, nay là nhà sách Fahasa Phú Nhuận) một tiệm vàng và đối diện rạp hát Văn Cầm (nay là trụ sở Vietinbank).
Nhà thuốc Vạn Hòa Đường của đông y sĩ họ Lý, kế bên tiệm bazar và tiệm may âu phục Thành Hưng, đối diện tiệm chụp hình Viễn Đông.
Nhà thuốc Thiên Lộc Đường của đông y sĩ La Đinh hiệu “nhạo rượu”, số 261 Võ Di Nguy, nằm giữa tiệm bánh Phi Phượng và tiệm uốn tóc Việt Tân. Gia đình định cư tại Melbourne – Úc từ năm 1985.
Nhà thuốc Nam Lạng của người Bắc, đối diện tiệm sắt Vĩnh An và cùng dãy phố với tiệm giày Mạnh Cung.
Nhà thuốc Vạn Hồi Xuân, hiệu “hai con gà” của ông chủ họ La, số 275 đường Võ Di Nguy, kế tiệm nước Quảng Huê Viên đầu đường Nguyễn Minh Chiếu.
Nhà thuốc Vạn Đức Đường, đối diện Trường Chu Mạnh Trinh.
Nhà thuốc Á Đông của đông y sĩ Quách Viễn Diệu, nằm ngay góc Võ Di Nguy và đường Võ Tánh. Gia đình này định cư tại Philadelphia, Hoa Kỳ.
Nhà thuốc Bảo An Đường của đông y sĩ Huỳnh Văn Lục, số 510 Võ Di Nguy, đối diện Đại học Minh Đức (nay là trường Mầm non số 9) gần cổng xe lửa số 10. Gia đình này hiện định cư tại Chicago, Hoa Kỳ.
Ngoài con đường Võ Di Nguy với nhiều tiệm thuốc, các con đường khác ở Phú Nhuận cũng có rải rác những tiệm thuốc bắc:
Đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là đường Nguyễn Trọng Tuyển) có:
Nhà thuốc Vĩnh An Đường, nhãn hiệu “hai con ngỗng” của đông y sĩ Trần Vinh, số 9 Nguyễn Minh Chiếu. Gia đình này định cư tại San Francisco, Hoa Kỳ từ sau năm 1979.
Nhà thuốc Ích Thọ Đường của đông y sĩ họ La, nằm kế tiệm chạp phô Huê Xương, đối diện tiệm phở Phúc Ký. Gia đình này hiện định cư tại thành phố Quebec, Canada.
Nhà thuốc Đại Trung Hòa của đông y sĩ La Thời Thư gần cổng xe lửa số 8.
Đường Nguyễn Huỳnh Đức (nay là đường Huỳnh Văn Bánh) có nhà thuốc Vạn An Hòa của đông y sĩ La Khánh, hiệu “bảy cô tiên”, cách khoảng hai căn nhà từ quán hủ tíu mì Cây Keo chú Bửng ở đầu đường Duy Tân (xóm Mã Đỏ).
Đường Chi Lăng (nay là đường Phan Đăng Lưu) có: Nhà thuốc La Nhị An, ở số 182 Phan Đăng Lưu, nay vẫn còn. Nhà thuốc Phước Tinh Đường của đông y sĩ họ Lương. Tiệm nằm gần khúc cua đường Chi Lăng đi Chợ Bà Chiểu, cùng dãy với Trường tiểu học Cao Bá Quát bây giờ.
Hầu hết các đông y sĩ kể trên đều là người Hẹ đến từ Quảng Đông. Từ sau năm 1970, các vị đông y sĩ và chủ các tiệm thuốc bắc ở Phú Nhuận có tổ chức hội Giao lưu Tương tế họp mặt ăn uống với nhau hàng tháng tại nhà hàng ở khu Chợ Lớn cho đến năm 1975 thì không còn nữa.
________
(*) Bài viết theo tài liệu của anh La Nhuận Cường. Ảnh tư liệu của gia đình ông La Hiên (Úc).
- Xem thêm: Tiệm Đại Nam và kiểu tóc rốp