Xưa người ta vẫn cho là vậy, gả con gái đi rồi coi như… mất con, về “bên ấy” rồi nhiều cô còn về nhà bòn mót cái này cái khác… Các bà mẹ thỉnh thoảng lại than thở “cháu bà nội, tội bà ngoại”, các cô sinh con, quẳng cho ông bà ngoại là yên tâm nhất, có đi du lịch hay công tác dài ngày cũng không lo lắng.
Bây giờ, con gái là con của mình. Gả con rồi, đem về mấy hồi! Ông bà này không ưng bụng thằng rể, tuy không thấy điểm nào dở nhưng cảm giác không an tâm khi “trao trứng cho ác”. Ra sức cản nhưng con gái không nghe, cuối cùng ông bà theo quy luật chung thời hiện đại “con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy”. Sui gia hai bên cũng biết điều, vui vẻ. Nói chung, tuy không thích nhưng vì thương con nên đành nhắm mắt đưa chân.
Thời gian đầu thấy đôi trẻ ríu rít, tâm đầu ý hợp hai ông bà cũng mừng. Tuy có vài lợn cợn vì thái độ của chàng rể, nhưng bỏ qua được. Một năm sau, ông bà có cháu ngoại. Tin không vui bay về, con gái sinh còn nằm trong tháng mà thằng rể đã “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”. Lòng như lửa đốt, ông bà tức tốc bay vào thành phố. Nghĩ, thương con đứt ruột. Sinh con, nuôi con lớn, thức đêm hôm, bón từng muỗng cháo, dỗ từng ly sữa. Con học lớp 1, ngày nào mẹ cũng ngồi với con đến khuya giải quyết từ việc cầm tay con tập gạch sổ cho đến cắt dán từng món thủ công; lên lớp lớn hơn, tra dò đáp số từng bài toán, từng câu trắc nghiệm, đưa đón học thêm, bồi dưỡng mùa thi. Con thi đậu, nhà vui như tết. Con học xa, không kể tiền gửi hằng tháng, còn chi phí ra vô thăm con, nấu món ngon gửi cho con. Bây giờ, cái thằng ấy, ngay từ đầu đã không ưng bụng rồi…
Giải quyết chuyện đôi trẻ không dễ. Nhưng ông kiên quyết lắm, không ở được thì chia tay. Đời bao nhiêu đâu mà để con gái khổ sở. Rồi còn việc làm, công danh sự nghiệp, gia đình không vui thì làm sao công việc thuận lợi? Cuối cùng ông bà mang được con gái và cháu ngoại về nhà, kèm theo tờ giấy ly hôn. Thở phào, động viên con vượt qua nỗi đau, dần sẽ nguôi ngoai. Buồn nhưng yên tâm. Nghĩ, may mà thằng rể cũng… tốt, chứ không như chuyện ông bạn đồng nghiệp tâm sự bữa ngồi cà phê. Tay con rể kia biết bên ngoại quý cháu, ly hôn nhưng làm áp lực bắt đứa bé hai tuổi đem về bên nội. Ông bà ngoại vội vã bắt xe đò vào thành phố. Gặp gỡ bên sui gia, con rể phân tích thiệt hơn. Phải mất thời gian khá lâu mới giải quyết êm để đưa con gái và cháu ngoại về nhà.
Nhiều ông có kinh nghiệm trong chuyện này cho rằng, cách giải quyết của đàn ông thấu tình đạt lý hơn cách giải quyết của phụ nữ. Họ bình tĩnh xử lý tình huống, đoán trước sự việc sẽ xảy ra. Nhờ giữ được tâm lý ổn định nên mọi chuyện thuận lợi. Tất nhiên, để tạo cân bằng cho con gái là không dễ, nhưng liều thuốc thời gian luôn hiệu nghiệm. Giờ đây, mỗi ngày ngắm cháu ngoại bi bô, con gái có công việc làm ổn định, ngày càng đẹp ra (vẻ tiều tụy giai đoạn mâu thuẫn với chồng đã biến mất), tuy có chút buồn nhưng ông bà biết chấp nhận. Đã qua rồi cái thời (xưa ấy) vợ chồng phải chịu đựng lẫn nhau, khổ sở lắm. Có cô còn tuyên bố, thà ở vậy chứ không lấy một người chồng để phải chịu đựng như mẹ…
Ông bà không nói ra nhưng trong lòng nghĩ, việc gì cũng có giá của nó. “Gái có công, chồng chẳng phụ” tuy là quan niệm xưa cũ nhưng đợi đến khi chồng nghĩ lại thì hết đời! Biết là buồn đó, nhưng của đau, con xót. Con gái là con của mình chứ không phải con người ta. Rồi, ông bà lại nghĩ, chỉ biết cầu nguyện cho gia đình có phước. Không có phước thì đành chịu. Ông chợt giật mình, còn gái nhờ đức cha. Biết không phải chân lý tuyệt đối nhưng suy cho cùng, sống tốt để làm gương cho con cũng là một trong những mục đích của cuộc đời!