Với các cư dân của bộ lạc Mundari, con bò không chỉ là “đầu cơ nghiệp”, mà còn là toàn bộ cuộc sống. Từ sinh kế cho đến địa vị, tương lai, sự hấp dẫn của một người, tất cả đều phụ thuộc vào bò. Đàn ông Mundari yêu bò đến mức xem nước tiểu của chúng như dầu gội. Cứ mỗi lần con bò yêu quý của mình đi tè là lại đưa ngay đầu xuống dưới “vòi sen tự nhiên”. Toàn bộ lạc ăn ngủ với bò, bôi “kem chống nắng” tro phân bò. Họ quý chúng đến nỗi tậu hẳn súng trường để bảo vệ, luôn trong tư thế sẵn sàng liều mạng chiến đấu với quân trộm bò.
Mundari là một dân tộc thiểu số ở Nam Sudan, một quốc gia ở Bắc Phi.
Tất cả nhờ bò
Tại Nam Sudan, người Mundari tập trung ở thị trấn Terekeka, bang Equatoria, cách thủ đô Juba chừng 75km về phía Bắc. Họ sống dựa vào nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi gia súc. Đất chăn thả của Mundari kéo dài từ bờ Đông sông Nile Trắng đến phía Tây Equatoria. Nó có tổng diện tích vào khoảng 7.500km2.
Đa phần đất đai thuộc về người Mundari là thấp, bằng phẳng, nổi lên vài cụm đồi lớn. Vì lắm sông hồ chằng chịt, nó rất dễ bị ngập lụt vào mùa mưa. Phần lớn chất đất là đất sét, màu đào. Chúng thoát nước rất kém, nhưng lại cực kỳ màu mỡ, thuận lợi cho cây cỏ phát triển mạnh.
Từ xưa, người Mundari đã biết tận dụng những đồng cỏ thấp trên bờ sông Nile Trắng chăn nuôi gia súc. Động vật “cơ nghiệp” của họ là bò. Mặt trời vừa ló dạng, cả người và vật nuôi đều thức giấc. Các trai tráng Mundari nhanh chóng đánh răng bằng bàn chải tự làm (từ cành cây dại), sau đó đến gặp đàn bò yêu quý. Họ nhắm tìm “cô nàng” nào sắp “xả nước”, cúi đầu dưới “vòi sen sinh học”, sảng khoái tận hưởng cảm giác “thanh tẩy” đầu ngày. Người Mundari tin rằng nước tiểu của bò chính là “thuốc kháng sinh tự nhiên”, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Ngoài ra, vì liên tục gội đầu bằng nước tiểu, tóc của họ còn được phủ một lớp “tinh chất” màu cam. Nó khá là thời trang!
Tính đến hiện tại, có rất ít tài liệu về cuộc sống của người Mundari. Tuy nhiên chỉ cần nhìn sơ qua, bạn sẽ thấy bộ lạc này yêu bò đến mức nào. Với mỗi cư dân Mundari, con bò không chỉ đại diện cho sự giàu có, mà còn thể hiện địa vị. Một người càng sở hữu nhiều bò bao nhiêu, càng có tiếng nói và sức hấp dẫn với đối tượng khác giới hơn bấy nhiêu. Nhà có con gái mà nhiều bò thì chẳng bao giờ phải lo con gái bị ế. Không có của hồi môn nào giá trị hơn một con bò. Mọi cuộc hôn nhân đều lấy bò ra làm “tài sản đính ước”. Chú rể đem bò tới hỏi cô dâu, còn cô dâu thì được cha mẹ chia bò làm của hồi môn, dắt về nhà chồng.
Sau màn gội đầu nước tiểu bò chào buổi sáng là bữa sáng. Thanh thiếu niên Mundari không tốn công vắt sữa bò, mà ngậm hút, uống trực tiếp. Xong xuôi thì đánh trống, báo với người trong bộ lạc đã đến lúc lùa bò ra đồng. Người Mundari có 13 khu định cư chính là Terekeka, Gemaiza, Mangalla, Muni, Tombe, Tindalo, Tali, Rego, Tijor, Rijong, South Sudan, Koweri và Nyori. Mọi người coi bò là sản nghiệp, sẵn sàng bảo vệ bằng mọi giá.
Bên cạnh việc gội đầu bằng nước tiểu bò, các Mundari còn tận dụng phân bò làm chất đốt, lấy tro. Họ trộn tro phân bò với bột đất sét, bôi khắp mình mẩy của cả bản thân lẫn những con bò quý giá. Theo người Mundari, khói phân bò giúp đuổi côn trùng. Còn hỗn hợp “tro phân bò đất sét” thì có tác dụng khử trùng và chống nắng.
Cũng như mọi quốc gia ở châu Phi, Nam Sudan có nắng gắt. Mùa mưa ở khu vực phía Bắc chỉ kéo dài có 4 tháng (phía Nam thì lâu hơn, tối đa 6 tháng), còn lại là nắng nóng liên tục. Trừ 3 tháng đầu năm mát mẻ, nhiệt độ luôn là trên 30oC, có khi vượt qua 40oC. “Kem chống nắng tự nhiên” tro phân bò là cần thiết để người Mundari và đàn bò bảo vệ làn da khỏi cái nóng thiêu đốt (Còn việc nó có thật sự có tác dụng hay không thì chưa có nghiên cứu nào xác nhận).
Bạt mạng vì bò
Mỗi con bò đối với người Mundari đều là của cải. “Bò là tài sản quan trọng nhất trong đời sống của họ”, nhiếp ảnh gia Tariq Zaidi (người đã gặp gỡ và chụp ảnh đời sống thường nhật của bộ lạc Mundari) cho hay. “Vì thế, họ sẵn sàng bảo vệ chúng bằng mọi giá”.
Tìm hiểu tình hình Nam Sudan, bạn sẽ thấy đất nước này chỉ vừa mới kết thúc cuộc Nội chiến II (1983-2005) chưa lâu và hiện tại vẫn đang trong căng thẳng. Thỏa thuận hòa bình mỏng manh như sợi chỉ. Ước tính kể từ tháng 12-2013 đến nay, ít nhất cũng có 50.000 người thiệt mạng vì xung đột. Bên cạnh đó là 2,2 triệu người phải di dời và nhiều khu vực ngấp nghé bờ nạn đói.
Sống trong đất nước nội chiến, bộ lạc Mundari yêu bò cũng không thoát khỏi bị ảnh hưởng. Nó buộc họ phải cẩn trọng, ngày càng thoái lui và vào sâu trong hoang dã, cách xa khu đông người lắm hiểm nguy. “Cuộc chiến đang diễn ra ở Nam Sudan đã đẩy bật Mundari khỏi thế giới bên ngoài”, Zaidi kể. Không còn người Mundari nào dám mạo hiểm vào thị trấn. Thay vào đó, họ trốn trong các bụi rậm, ăn ngủ luôn cùng đàn bò.
Sau cuộc Nội chiến II, hàng ngàn đàn ông Nam Sudan buộc phải bỏ làng mạc cũng lần lượt trở về. Để tiếp tục cuộc sống, họ cần có “người đầu ấp tay gối”. Tuy nhiên, tay trắng thì khó lòng mà lấy được vợ. Mặc dù không cuồng bò như người Mundari, nhưng phần lớn đàn ông Nam Sudan đều biết rõ một con bò giá trị đến chừng nào. Văn hóa cưới hỏi Nam Sudan rất trọng phần thách cưới. Để hỏi cô dâu, chú rể tương lai phải đem gia súc làm sính lễ. Ngoại trừ công dụng lấy sữa, thịt, gia súc còn được người Nam Sudan xem như một kiểu tiền tệ. Nó đại diện cho sự thịnh vượng cũng như tương lai của một người. Thêm vào đó, việc cưới hỏi ở đây vẫn còn lạc hậu, theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Không ít thiếu nữ, trẻ em gái bị cha mẹ gả bán, đổi lấy gia súc. “Túng quá làm càn”, một số người gạt bỏ lương tâm, tự tôn, làm “quân trộm cắp”.
Trong Nam Sudan, bò là loại vật nuôi giá trị nhất. Một con bò đực to khỏe, trưởng thành có thể bán được 500 USD (tương đương 11,6 triệu VNĐ). Với những kẻ “mắt la mày lém”, đó quả thực là “cây tiền biết đi” dễ dắt. Trung bình mỗi năm, có khoảng 350.000 con bò bị trộm. Để bảo vệ sản nghiệp, người chăn nuôi buộc lòng phải bỏ tiền ra mua súng trường. Cuộc chiến giữa người chăn và kẻ trộm bò bắt đầu. Ước tính hàng năm, có hơn 2.500 kẻ trộm bò tử vong vì trúng đạn.
Coi bò như người thân
“Mọi con bò đều được người Mundari coi trọng như một thành viên trong gia đình”, Zaidi tiếp tục. “Chúng ngủ cùng với chủ, được chủ chăm chút từng li từng tí”. Ngoại trừ bôi tro chống nắng cho bò, họ còn dọn dẹp nơi bò ngủ cực kỳ sạch sẽ, chuẩn bị nền đất khô ráo, mềm mại dễ nằm.
Đám bò cũng ý thức được sự quan tâm chu đáo ấy. Chúng luôn nhớ chính xác vị trí nghỉ ngơi của mình. Mỗi lần ăn no từ đồng cỏ trở về, con nào lại “vào giường” con nấy, ngoan ngoãn như những chú chó cưng. Người Mundari đặc biệt quý loại bò lông trắng, sừng dài và cong. Họ gọi chúng là “vua gia súc”. Những con bò trắng có cặp sừng dài nhất (có thể tới 2,4m) còn được đeo tua rua, nhìn hết sức vương giả.
Mỗi người đàn ông Mundari đều có một con bò yêu thích nhất. Nó không chỉ là vật nuôi mà còn là bạn, thậm chí là “hiện thân” của chủ, phản ánh giá trị và bản tính của người chăm.
Ngoài chăn bò, người Mundari còn trồng cao lương lấy hạt nấu cơm, săn bắt cá bằng lưới và giáo. Các nam thiếu niên khi đến tuổi trưởng thành sẽ trải qua nghi lễ khắc sẹo. Người lớn trong bộ lạc dùng vật nhọn châm hình chữ V trên trán (3-6 chữ V song song) các em. Sau một thời gian, vết thương sẽ tróc vảy, để lại ký hiệu bằng sẹo thật rõ nét. Đây là tục lệ chung của các dân tộc bản địa Nam Sudan. Người ta nhìn vào hình dạng và số lượng vết khắc sẹo trên mặt để phân biệt các bộ lạc.