Đàng sau hình ảnh lý tưởng của một gã cao bồi – gaucho, là chàng kỵ sĩ chăn những đàn gia súc khổng lồ. Bằng hữu duy nhất của họ là con ngựa, bầy chó săn và những cơn gió lộng cắt da của thảo nguyên! Phóng viên Geo đi theo chân họ trong suốt tháng trời và kể lại trong bài phóng sự sau đây…
Chỉ có sao trời làm chuẩn, họ im lặng phi ngựa trên cánh đồng cỏ vô tận của vùng Đất Lửa, cách thành phố Rio Grande của Argentina khoảng 60km. Ernesto Moreyra, 41 tuổi, thì thầm: Trời hơi nóng! Với hai tên gaucho – cao bồi – khác, họ thức dậy từ 2 giờ sáng. Trước khi phóng lên yên ngựa. Họ uống maté, một loại nước trà kích thích, và trang bị để đối phó với gió lốc, lạnh thấu xương.
Ngoài đôi giày bằng da bò, Moreyra mặc chiếc áo choàng bằng len đen, phủ lên chiếc áo blouson bằng da màu nâu. Trên đầu là chiếc nón béret xanh dương cổ truyền của người xứ Basque, Tây Ban Nha, di dân đến Argentina trong thế kỷ 19. Đêm hè phương Nam đôi khi vẫn có tuyết, trong khoảng từ tháng 12 đến tháng 3. Ernesto Moreyra là một trong 7 gaucho của nông trại Sara. Được thành lập vào năm 1898, đó là nông trại cổ và lớn nhất tại vùng Đất Lửa, Argentina, với 64.000ha đồng cỏ.
Trong tháng 1-2018, nhân viên làm việc tấp nập. Đó là giai đoạn náo nhiệt nhất trong năm. Trong vòng 4 tuần lễ, bọn gaucho phải lùa 66.000 con cừu sống rải rác cách đó đến 25km về cùng một nơi để xén lông. Đã hơn 1 thế kỷ qua, vùng Patagonie bát ngát, cỏ xanh rì, trải dài từ phía Tây dãy núi Andes, cạnh Thái Bình Dương đến tận phía Đông Đại Tây Dương, to gấp 2 lần nước Pháp là nơi chăn nuôi từ cuối thế 19. Dân số chỉ có 3,8 người/km2.
Nhu cầu len rất lớn của đế quốc Anh đã khiến cho thực dân Âu châu thiết lập nhiều nông trại với hàng chục ngàn ha đồng cỏ bao quanh. Ngày nay, vùng đất vốn đã từng cung cấp 3% sản lượng len thế giới, đã bị Trung Quốc và Australia soán ngôi. Dù khai thác khí đốt và dầu thô đang là hai trụ cột, nhưng chăn nuôi vẫn còn là nét đặc trưng của vùng đất cực Nam của thế giới. Trên đồng cỏ bao la này, dễ dàng gặp được những đàn gia súc lên đến hàng chục ngàn con.
Những nông trại lớn nhất có cả trường học
Hình ảnh đầu tiên là những chàng chăn bò (cao bồi) mặc quần rộng, túm ống, mang giày boot da, lưng đeo dao găm facón. Những tia nắng đầu tiên của hừng đông chiếu sáng lên cánh đồng cỏ đuôi chồn màu vàng, thì thầm trong gió mà loài cừu rất thích ăn. Để sưởi ấm, Ernesto Moreyra và hai bằng hữu cao bồi hút thuốc lá trong lúc chờ đợi bầu trời còn màu tím của bóng đêm trở nên sáng hẳn. Họ chỉnh lại yên ngựa và phóng đi trên đồng cỏ để lùa cừu.
Một cảnh tượng diễn đi diễn lại hàng ngàn lần. Tiếng ríu rít của loài chim sẻ phương Nam, có ức màu đỏ rực vụt tắt nhường chỗ cho tiếng huýt sáo và la hét của các gaucho để lùa đàn cừu. Họ phải nhờ đến đàn chó để xua những con cừu còn ngần ngại. Dần dần, cả bầy cừu đông nghẹt tạo thành một cơn sóng thủy triều. Trong một giờ, chúng được gom tụ lại. Ba người đàn ông và bầy chó săn vây quanh đàn cừu di chuyển dần về hướng nông trại, cách đó 3km.
Những nông trại lớn, tầm cỡ như Sara, tạo thành một thôn xóm tự túc với những mái nhà vách tường lợp tol màu đỏ hay xanh. Không xa đó là một ngôi biệt thự xinh đẹp, ở giữa một khu vườn cây và rau cải. Đó là ngôi nhà của chủ nhân. Trung tâm chỉ huy công việc hàng ngày với đầy đủ các loại tiện nghi. Quản đốc, nhân viên và cả gia đình cũng có nhà riêng. Kẻ độc thân ở chung trong một căn nhà với phòng riêng cho từng người. Những nông trại lớn nhất, có cả xưởng mộc và trường học. Một phòng dành cho đánh bạc và xem bóng đá. Dĩ nhiên, phải có nhà kho để xén lông với rào kín bao quanh. Tại đây, kể từ tháng 1 hàng năm, diễn ra công việc tất bật của nông trại Sara.
Trong căn nhà rộng 1.500m2 bằng gỗ, tol kẽm và bê tông, 3.000 con cừu được nhốt vào chuồng chờ đợi đi qua tay của mấy chục người thợ xén lông. Họ bắt đầu công việc từ lúc 6 giờ 30’ sáng, và xuyên suốt 9 giờ trong một ngày. Domingo Aguilar, 37 tuổi thở dài nói sau 2 giờ 30’ làm việc liên tục, nhễ nhại mồ hôi: Đau lưng, nhức chân, chức tay, thật là vất vả! Bàn tay và cánh tay dính đầy mỡ cừu, đen thui vì bụi bặm, đầy vết sẹo, kết quả của 17 năm liên tục xén lông cừu, anh ta nói: Tôi chẳng có đi học, nên không có chọn lựa nào khác. Động tác của những người thợ nhanh nhẹn và chính xác. Mặc cho chiếc tông đơ run lên bần bật, con vật vẫn không hề bị thương tích. Chỉ cần 1 phút 30’’ là con cừu đã bị hớt trụi lông. Họ được trả lương theo từng con bị cạo sạch.
Ngoài số cừu bán cho lò mổ, chiếc áo lông trắng quý giá của nó cung cấp cho nông trại Sara đủ thu nhập để nuôi 40 công nhân sống thoải mái nhất so với các nơi khác: điện cung cấp suốt ngày đêm, lò sưởi, máy giặt cho từng căn hộ, kể cả Wifi và một trường học. Trong các vùng hẻo lánh ở Patagonie, bọn cao bồi vẫn sống trong nhà nền đất, không có bếp than và lò sưởi.
Chung quanh, cánh đồng cỏ mênh mông bất tận. Kia là một chòm cây bạch dương, có từ thời thực dân. Họ mang đến trong thế kỷ 19 để làm rào chắn gió, vốn có thể làm cho người ta nổi điên. Đậu trên cọc hàng rào kẽm gai, một con diều vằn, chân vàng, lông đen đang rình mò chú chuột bò ra khỏi hang. Thỉnh thoảng, nổi lên một đống đá, dùng để đánh dấu, gần giống như chiếc buồn điện thoại công cộng. Bởi đó là nơi có thể bắt được sóng, của một ănten nằm cách chừng vài km. Không cần phải đi xa đến 3 giờ mới liên lạc được với bên ngoài.
Có những người khác còn sống cô lập hơn nữa. Một buổi sáng trong tháng 9, dưới bầu trời trong xanh, Manuel Caicheo, 49 tuổi, đang cưỡi ngựa tuần tra thảo nguyên. Khuôn mặt anh ta rực sáng dưới ánh nắng mặt trời, lộ rõ những vết sẹo. Làm việc cho nông trại Coy Aike, rộng bằng 10 lần thành phố Paris, thuộc tỉnh Santa Cruz cách thủ phủ Rio Gallegos chừng 80km, anh ta sống một mình trong căn chòi. Trong túi áo, lúc nào cũng có một chiếc máy thu thanh mở suốt ngày.
Đó có thể là lời nhắn của ông chủ yêu cầu đi gom thu đàn cừu, hay một gã đồng bạn nhờ tìm con chó thất lạc trên thảo nguyên. Cũng có thể là một tin nhắn của gia đình thúc giục đi khám bệnh, hay nhắc nhở ngày sinh nhật của con. Manuel Caicheo thẹn thùng thú nhận: Chẳng bao giờ có tin nhắn cho tôi, nhưng tôi vẫn cứ nghe. Nó làm cho mình bớt cô đơn. Anh ta sống trong căn chòi rách nát cách nông trại 4km. Trên vách chỉ có một tấm lịch để biết ngày tháng trôi qua. Bạn của hắn chỉ là mấy con ngựa và bầy chó săn, nhất là sự im lặng và gió hú suốt đêm. Mỗi ngày, Manuel cai quản từ 3.500 đến 20.000 con cừu.
Lễ hội Jineteada
Mỗi tuần 1 lần, người của nông trại mang đến tiếp tế thịt, trà mate, đường, gạo, bột, rau cải… Chỉ đến thời kỳ xén lông và đánh dấu đàn cừu hắn mới gặp lại bạn bè. Đáng lẽ tôi sống ở thành phố với một người đàn bà. Nhưng tôi thích ở đây hơn. Nó rất yên tĩnh. Manuel thích làm việc không vội vã, để thời gian trôi đi và ngắm nhìn ánh sáng làm thay đổi cảnh quang từng giờ. Tôi nói chuyện với ngựa và chó. Tôi hạnh phúc. Dù có thật nhiều tiền, tôi cũng không thích đi du lịch.
Một số người thích sống cô tịch như thế đôi khi cũng tham gia các lễ hội. Ở cách Rio Gallegos 4 giờ đường, thị trấn El Chalten, dưới chân núi Fitz Roy, hàng năm vào tháng 10 đều tổ chức lễ hội jineteada – đấu sức với ngựa hoang. Bịt mắt, ngồi trên lưng ngựa hoang, tay nắm chặt dây cương, gã đàn ông ăn mặt đẹp đẽ với áo sơ mi carô màu đỏ mang giày da ngựa màu kem, thi đấu “nội lực” với con vật đang lồng lộn cố hất mình xuống. Trên khán đài, một nhạc sĩ cầm đàn guitar hát những bản nhạc ca tụng kỵ sĩ. Chung quanh đấu trường, người ta gom tụ theo từng gia đình, ăn thịt cừu nướng, uống rượu, ồn ào vui vẻ. Người kỵ sĩ phải bám được trên lưng con ngựa tối thiểu 12 giây mới được xem là thắng cuộc. Sau đó, anh ta được một người bạn phi ngựa đến cứu, lôi ra khỏi lưng con ngựa hoang. Rodrigo Hernandez, 31 tuổi, rất quen thuộc với lễ hội này. Con trai một chủ nông trại ở Cerro Castillo, nằm trên đường đi về hướng Torres del Paine của xứ Chilê, anh ta đã thắng giải jineteada nhiều lần.
Thời kỳ vàng son của nông trại đã qua lâu rồi. Sản xuất cừu tại Patagonie lên đỉnh điểm vào năm 1952, với 21 triệu con cừu. Ngày nay, chỉ còn ít hơn 2 lần. Chứng cớ là nhiều nơi bị bỏ hoang, như San Gregorio, thuộc vùng Đất Lửa của Chilê và Luz Divina tại Argentina. Người ta nói lạc đà hoang đã ăn hết cỏ trên các cánh đồng. Cũng do chồn, báo, và chó săn tấn công vào cừu. Chính vì thế, nhiều nông trại đã thay thế cừu bằng bò cái, ít bị tàn sát hơn.
Tại Argentina trong 2 năm qua, dù mưa và tuyết rơi nhiều hơn, nông dân vẫn lo sợ hạn hán quay trở lại, sau 10 năm làm cho cả vùng khô khốc và đầy bụi bặm. Khắp nơi, các nông trại đều thiếu người làm. Với mức lương hấp dẫn hơn, công nghiệp khai thác dầu hỏa tại eo biển Magellan và vùng chung quanh thu hút phần lớn sức lao động. Tại tỉnh Chubut của Argentina, giàu nhất với nghề nuôi cừu, trong vòng 10 năm, từ 5 triệu con rơi xuống chỉ còn 4 triệu. Tệ hại hơn, tại tỉnh Santa Cruz ở ngay dưới phía Nam, cách nay 40 năm, có 1.100 nông trại. Ngày nay, 400 nông trại đã phải đóng cửa.
Những người ở gần khu du lịch El Chalten và El Calafate chuyển sang nghề đón khách. Bày trò cưỡi ngựa và jineteada, họ tạo ra một sắc thái đặc trưng của vùng nông thôn. Trái ngược lại ở La Guillermina, thuộc vùng Tucu Tucu, dưới chân dãy núi Andes. Tại đây, trong một trại gia súc mà vách đã có từ thời thực dân, công nhân đang lăng xăng với đàn cừu. Một con người làm cho thiên hạ bái phục. Không chỉ có thể khống chế con vật chỉ trong vài giây, mà đó còn là một phụ nữ. Patricia Mac Lean, 53 tuổi, làm cho bọn đàn ông kinh ngạc. Bà quản lý 28.000 con cừu tại 4 nông trại. Khi cha tôi qua đời, tôi mới có 28 tuổi và phải thay thế công việc của ông. Thoạt đầu, công nhân không chịu nghe lời một người là phụ nữ. Khi nhìn thấy tôi cũng làm việc như họ, người ta mới quen dần.
Cách đó 120km về hướng Nam, gần Tres Lagos, Mariela Marquez 34 tuổi, cũng phá lệ. Con gái một gaucho, cô lớn lên trên yên ngựa. Cùng với chồng cũng là dân chăn cừu, họ làm thuê cho nông trại, trước khi mua lại một nông trại bỏ hoang ở Los Cerros, cách nay 7 năm. Thoạt tiên, chỉ có 30 con bò cái, bây giờ là 200. Tôi cần đi ra ngoài và làm việc như đàn ông, như đào giếng hay làm hàng rào. Tôi không bao giờ cho phép mình bị giam chân trong nhà bếp. Sống ở Los Cerros nghĩa là phải sưởi ấm và đốt lò bằng củi, chỉ mở máy phát điện vào ban đêm để tiết kiệm xăng. Đó là trước kia. Nhưng cái tĩnh lặng ở đây, chẳng nơi nào có được, nó làm cho chúng tôi hạnh phúc. Chúng tôi hãnh diện dạy con cái mình làm việc. 4 đứa con trai và gái của chị tuổi từ 5 đến 17, đều biết cưỡi ngựa, và chen chúc với đàn bò không hề sợ hãi. Ít nhất nơi đây, khôi phục lại chăn nuôi là chắc chắn.