Trong đó môn nghệ thuật thứ bảy đóng vai trò rất lớn, chính vì vậy mà việc phát triển những tài năng trẻ cũng là việc phải làm.
Người ta còn nhớ đến giai đoạn mà những bộ phim trắng đen do nhà nước sản xuất, cho đến những bộ phim thương mại cũng bắt đầu chập chững hâm nóng thị trường, cùng cơn sốt đạo diễn Việt kiều về nước làm phim và hiện tại chính là thời của những con người trẻ với nhiều ý tưởng mới cùng một ngọn lửa đam mê và sáng tạo. Có thể thấy rõ qua các cuộc thi làm phim được diễn ra với cường độ liên tục trong vòng ba năm trở lại đây.
Mở đầu là cơn sốt của cuộc thi Làm phim 48 giờ tràn đến Việt Nam và thu hút khoảng 39 nhóm làm phim tham gia tranh giải. Theo nhà sản xuất của chương trình Ross Stewart cho biết: “Lần đầu tiên tổ chức, chất lượng các phim tham gia đã vượt quá dự đoán của tôi. Một số nhà làm phim độc lập của Việt Nam có cảm nhận thị giác rất tốt về bố cục, cũng như có năng khiếu độc đáo về cách kể chuyện thông qua những hình ảnh có tính biểu tượng”. Không chỉ dừng lại ở việc đánh giá về nội dung và tính chất của những tác phẩm tham dự, cuộc thi Làm phim 48 giờ còn đưa ra nhiều hạng mục dành cho diễn xuất, tạo ra một không khí và lực đẩy tầm cỡ.
Song song đó, nhiều cuộc thi làm phim lớn bắt đầu diễn ra một cách thường xuyên hơn, điển hình là “YxineFF (Yxine FilmFest) – Tiệc phim ngắn trực tuyến quốc tế” được tổ chức rầm rộ, với quy mô quốc tế và có sự tham gia tranh giải của các tác phẩm đến từ những nhà phim trẻ của Việt Nam. Không chỉ phục vụ cho việc tạo ra một sân chơi lành mạnh kiểu mới, YxineFF nói riêng và ngành điện ảnh nói chung còn cùng nhau tìm ra những tài năng trẻ, những con người sẽ tiếp nối con đường của nghệ thuật thứ bảy tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Hiện tại, cuộc thi “3, 2, 1 Action – Cuộc thi phim ngắn Việt 2013” cũng đang tạo được rất nhiều sự quan tâm, bởi phần thưởng vô cùng hấp dẫn lên đến một con số khổng lồ. Nhưng giải thưởng này không chỉ có giá trị vật chất mà còn là cơ hội để người chiến thắng được đào tạo bài bản từ Mỹ sẽ giúp đạo diễn xuất sắc nhất có được nền tảng vững chắc để sẵn sàng cho những dự án phim trong tương lai của mình.
Những cuộc thi làm phim còn nhắm đến nhiều đối tượng ở nhiều độ tuổi khác nhau. Nếu như những cuộc thi như YxineFF dành cho những người trẻ ở độ tuổi trưởng thành, thì cũng có những sân chơi khác đối tượng là khán giả thiếu nhi. Tuổi nhỏ nhưng nhiệt huyết không hề nhỏ, khi tham gia vào những đấu trường về phim ảnh, các em cũng không thua các anh chị về khả năng tiếp thu, học hỏi và sáng tạo. Từ bàn tay của các em, nhiều thước phim đẹp đã được tạo ra, mang nội dung trong sáng, thậm chí thể hiện được nhiều góc cạnh khác nhau của cuộc sống. Điển hình như cuộc thi “Cuộc thi làm phim dành cho trẻ em Việt Nam năm 2011” do Sở GD-ĐT TP.HCM và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức cho các em học sinh THCS và THPT, hay “Lớp học làm phim Toto” dành các bạn nhỏ từ 11-13 tuổi.
Qua một chặng đường phát triển, những cuộc thi làm phim không chỉ đơn thuần là “đấu trường” cho các nhà phim trẻ, mà còn hướng đến nhiều vấn đề mang tính xã hội hơn. Cùng điểm qua những cái tên như:
– “Cuộc thi làm phim ngắn điểm đến Việt Nam” nhằm mục đích quảng bá du lịch và nét đẹp văn hóa của Việt Nam.
– Cuộc thi làm phim ngắn “Be a Good One” – chủ đề “Con đường đến trường”: mục đích có nhiều những video, clip thể hiện lại nỗ lực vượt khó, khát khao cháy bỏng của các bạn trẻ trong xã hội có mong muốn được đến trường và thay đổi số phận của mình. Tôn vinh những tấm gương có tinh thần nhân ái giúp đỡ học sinh, sinh viên vượt qua cuộc sống khó khăn để thực hiện ước mơ cháy bỏng.
– “Cuộc thi làm phim ngắn, phim tài liệu về Ẩm thực đường phố Việt Nam” với mục tiêu tôn vinh vẻ đẹp ẩm thực Việt Nam đến từ nhiều vùng miền, đặc biệt là hàng rong.
– “Cuộc thi Education for Nature” – cùng thông điệp kêu gọi mọi người hưởng ứng việc nói “Không” với săn bắt động vật hoang dã.
Nhìn chung, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức về sự phát triển không ngừng của nền điện ảnh nước nhà. Việc khuấy động phong trào thi làm phim cũng là một cơ hội để cho những người trẻ Việt thử sức mình, làm phong phú thêm màu sắc và cách thức trên con đường hướng đến những tinh hoa của nghệ thuật thứ bảy.
Phúc Trần