Rằm tháng Giêng hay lễ Thượng Nguyên, là ngày hội đầu năm đông vui của người Việt từ ngàn xưa. Người dân đi viếng đền chùa, cúng bái thánh thần và tổ tiên, vui chơi lần chót các trò chơi tập thể ở đình làng, thôn xóm.
Tùy thời tiết và truyền thống địa phương, đất Sài Gòn xưa cũng như nhiều tĩnh thành khác có thêm những tập tục riêng. Trong đó, với Sài Gòn vào thời Tổng trấn Lê Văn Duyệt, Rằm tháng Giêng lại là dịp thao diễn quân sự kỳ thú thể hiện tinh thần thượng võ và sức mạnh quốc phòng.
Gia Định – căn cứ giao thương và quân sự liên hoàn
Gia Định từ xưa là đất giao thương tấp nập có hàng chục ngôi chợ và một loạt xóm thợ thủ công trên bến dưới thuyền. Từ 1788, sau khi quân Tây Sơn rút khỏi, thủ phủ Gia Định trở lại thời kỳ thanh bình, khôi phục sinh hoạt trù phú. Tuy nhiên về mặt quân sự, thành phố và cả Nam Bộ vẫn luôn chú trọng phòng bị việc xâm phạm bờ cõi từ phía biển (nhà Tây Sơn và các nước Tây Dương) và phía Tây ( Xiêm La và Chân Lạp).
Cho nên nhà Nguyễn đã cho xây các đồn và pháo đài lớn ở cửa khẩu Cần Giờ và dọc hai ngã sông bảo vệ Sài Gòn. Riêng Thủy Xưởng ở giao lộ rạch Thị Nghè và sông Ngưu Chữ (đoạn sông Sài Gòn chạy qua vàm Bến Nghé) không những là xưởng sửa chữa và đóng tàu chiến mà còn là căn cứ quân đội, kết hợp thủy bộ nhịp nhàng.
Trên bán đảo Thủ Thiêm, nhà Nguyễn thiết lập Dinh Tuần Hải – một sở chỉ huy gồm toàn lính thiện chiến gốc người Hoa, từng là thảo khấu, còn gọi là quân Tàu Ô, đặc trách tuần tra đường vào từ cửa biển.
Trên đất liền, nhà Nguyễn cho xây dựng tòa thành Bát Quái rộng lớn, thiết kế theo lối thành lũy Vauban của châu Âu, kết hợp luận lý phương Đông. Tòa thành rất kiên cố, có vọng đài quan sát từ xa ở trung tâm. Thành có đến 8 cổng và 12 pháo đài mở ra nhiều hướng. Dọc tường thành là hào sâu nhập vào các con kênh, thuận tiện cho di chuyển quân lính. Bên trong thành, ngoài các công thự, nhà ở, bệnh viện, trường thi còn có nhiều kho bạc, vũ khí và đạn dược, lương thực và các trại lính.
Trong khi đó, về phía Tây, nhà Nguyễn đã sắp đặt một dãi đất trống mênh mông để làm đường tiến quân và giao chiến hướng về Trấn Tây (Campuchia). Dãi đất ấy ngày nay tương ứng với không gian từ khu vực Ngã tư Bảy Hiền và khu vực Phú Lâm đổ xuống Công trường Dân Chủ. Chính tại khu vực tiếp giáp công trường, phía đường Cách mạng tháng Tám và đường 3 tháng 2 hiện giờ, có tên gọi Mô Súng, khi xưa là nơi đặt trường bắn, các xưởng chế tạo vũ khí. Mặt khác là gò đất cao để chỉ huy và quan sát thao diễn bộ binh và tượng binh.
Từ Mô Súng trở đi đến khoảng vùng đất hiện giờ là nhà máy toa xe lửa Hòa Hưng, được gọi là Đồng Tập Trận. Nhà Nguyễn cũng đã lập nhiều đồn và pháo đài để canh giữ vùng đất quanh Chợ Lớn (huyện Tân Long) và con kênh Chợ Gạo – con đường huyết mạch giao thương với Gò Công, Mỹ Tho và đồng bằng sông Cửu Long. Trong khu vực đó, Đồn Cây Mai (hiện nằm trên đường Hồng Bàng) là một cao điểm quan trọng.
Cuộc thao diễn thủy bộ hùng hậu đầu Xuân
Lê Văn Duyệt, người gốc Tiền Giang, từng theo Nguyễn Ánh hưng phục cơ nghiệp nhà Nguyễn từ lúc còn trai trẻ. Vào năm 1812, ông là đại thần, được vua Gia Long giao làm Tổng trấn Gia Định, toàn quyền quản trị Nam Bộ với thủ phủ là Sài Gòn. Đến năm 1815, Ông Thượng – tên gọi kính trọng của người dân, được triệu ra Huế làm việc và nhận lãnh nhiệm vụ đi dẹp loạn ở nhiều địa phương thuộc miền Trung, miền Bắc.
Năm 1820, Ông Thượng trở lại Sài Gòn, tiếp tục làm Tổng trấn Gia Định, cho đến khi mất vào năm 1832. Chỉ trong 20 năm điều hành, vị Tổng trấn oai vũ để lại nhiều dấu ấn sâu đậm thành công trong việc an dân, kiến thiết nước nhà về cả kinh tế và sinh hoạt văn hóa. Đặc biệt, để nâng cao tinh thần thượng võ và ý thức chống ngoại xâm, hàng năm Ông Thượng đều tổ chức duyệt binh và tập trận vào dịp Rằm tháng Giêng.
Theo ghi chép của Pétrus Trương Vĩnh Ký (1885), đây là sự kiện vừa để khoa trương lực lượng quân sự, vừa để xua đuổi ma quỷ. Nghi lễ khai diễn được miêu tả như sau: Đúng buổi sáng ngày Rằm hoặc trước đó một vài ngày, quan Tổng trấn, sau khi giữ chay tịnh, sẽ mặc phẩm phục đại trào vào Hành Cung (cung điện của vua Gia Long trước khi dời ra Huế, và là nơi đón vua khi vào thăm) để bái vọng vua. Sau đấy, các khẩu pháo sẽ nổ ba phát làm hiệu lịnh để quan Tổng trấn và đoàn quân bắt đầu rời thành Bát Quái.
Đoàn “tiền hộ hậu ủng” của quan Tổng trấn sẽ đi qua cổng Gia Đinh Môn (ngã tư Đồng Khởi – Lý Tự Trọng) hoặc Phan Yên Môn ( ngã ba Lý Tự Trọng – Lê Thánh Tôn) rồi rẽ phải tiến về phía Mô Súng (Công trường Dân Chủ). Tại đây, đã tề tựu đông đảo quân binh, cùng với các thớt voi và đại pháo. Quan Tổng trấn sẽ từ gò đất cao ra lệnh duyệt binh và đánh trận giả.
Lễ duyệt binh và thao diễn trên bộ kết thúc, quan Tổng trấn sẽ theo đường bộ (có lẽ là đường Nguyễn Đình Chiểu ngày nay) hoặc đường thủy (kênh Nhiêu Lộc –Thị Nghè) để ra Thủy Xưởng ( khu vực từ Ba Son thông ra Bến Bạch Đằng) để xem một trận thủy chiến giả.
Pétrus Ký ghi nhận người dân hưởng ứng cuộc thao diễn ngày Rằm tháng Giêng bằng cách đốt pháo hay gây tiếng động vang rần. Hẳn nhiên, không những người dân già trẻ bao gồm Việt, Hoa, Khmer, Chăm và các nhóm người thiểu số khác mà cả các khách thương buôn và sứ thần nước ngoài có mặt tại Sài Gòn thời điểm đó đều được chứng kiến sự kiện đầy hào khí oai hùng.
Chắc hẳn, mỗi lần Xuân về, cuộc thao diễn kỳ thú này đã làm người dân vững tin vào hơn về an ninh trật tự và phòng chống ngoại xâm. Đó cũng là hai yếu tố căn bản cho ước nguyện hàng năm là an vui và thịnh vượng!
***
Ôn cố tri tân, một tập tục xưa hay đẹp như thế hoàn toàn có thể tái tạo để không những tăng thêm phần độc đáo của lễ tết ở thành phố mà quan trọng hơn nữa là góp thêm ngọn lửa tri ân tiền nhân, uống nước nhớ nguồn, tiếp nối truyền thống mở mang và giữ gìn bờ cõi của dân tộc.
Tôi mơ ước, vào dịp Rằm tháng Giêng hàng năm sẽ được chứng kiến trên đại lộ Lê Duẩn, nền xưa của thành Gia Định, sẽ một cuộc diễu hành quân dân với các xe hoa đi về phía Ba Son (đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Hữu Cảnh) vòng đến khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo trên Bến Bạch Đằng.
Tại đây, người dân sau lễ dâng hương lên Đức Thánh Trần sẽ được xem một cuộc diễu hành trên sông của các tàu chiến và tàu khách, thể hiện khung cảnh giao thương và quốc phòng lớn mạnh của một thành phố trẻ trung, năng động hàng đầu cả nước. Du khách quốc tế và giới ngoại giao các nước sẽ cùng tham dự sự kiện này để học hỏi và chia sẻ niềm vui về lịch sử và văn hóa của đất phương Nam mến khách.
Sự kiện diễu hành thủy bộ Rằm Tháng Giêng có thể trở thành một lễ hội du lịch đầy sức hấp dẫn, góp phần làm giàu thêm nhiều mặt cho người dân và sinh hoạt thành phố. Mong lắm những sự kiện tương tự để đẩy nhanh tốc độ hồi phục an vui của Sài Gòn sau những ngày khốn khó vì Covid!
- Xem thêm: Ăn chay Rằm tháng Giêng