Sau nửa thế kỷ, phần lớn những tên tuổi trong làng nhạc trẻ Sài Gòn đã mất nhưng các ca khúc thì vẫn còn được yêu thích, nhiều ca sĩ hôm nay vẫn chọn để biểu diễn và thu âm.
Kỳ 1:
Từ “kích động nhạc” đến nhạc trẻ
Sáng Chủ nhật 28-11-1965, sân Trường Lasan Taberd (nay là Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1) nhộn nhịp một cách khác thường. Những nam thanh tóc để dài, áo hoa quần ống loe, nữ tú mini jupe ngắn, học sinh của các trường Tây: J.J.Rousseau, Saint Paul, Marie Curie, Regina Pacis, Couvent Des Oiseaux lũ lượt kéo đến. Học sinh các trường Việt: Trưng Vương, Gia Long, Võ Trường Toản, Chu Văn An, Pétrus Ký với y phục đơn giản hơn cũng lố nhố trước cổng trường Taberd.
Những cư dân sống xung quanh thầm nghĩ: không biết các cô cậu choai choai này đến ngôi trường nổi tiếng nghiêm khắc thuộc dòng Lasan vào sáng Chủ nhật để làm gì? Câu trả lời là họ đến để dự Đại hội nhạc trẻ Sài Gòn đầu tiên. Tuy nhiên, để có được đại hội nhạc trẻ tổ chức công khai, biểu diễn ở ngôi trường danh tiếng có sự đồng thuận của các nhà giáo dục chuẩn mực dòng Lasan thì nhạc trẻ Sài Gòn đã phải trải qua một hành trình dài và gian nan.
Buổi đầu “kích động nhạc”
Đầu thập niên 1950 tại Hoa Kỳ, rock and roll – thể loại âm nhạc mới, rất sôi động đang phát triển mạnh mẽ. Bill Haley, Elvis Presley và Chubby Checker là những khuôn mặt tiêu biểu cho thể loại âm nhạc mới này. Những bản hit của họ đã chinh phục giới trẻ Hoa Kỳ và lan tỏa khắp thế giới. Những Rock Around the Clock của Bill Haley, Stuck on You, Jailhouse Rock của Elvis Presley, Let’s Twist Again của Chubby Checker đã làm giới trẻ nghiêng ngả quay cuồng theo các tiết điệu swing, twist…
Cuối thập niên 1950, Sài Gòn có nhiều người nước ngoài đến làm việc và du lịch. Hành trang du khách mang theo có cả các đĩa nhạc rock and roll, các tạp chí âm nhạc. Âm nhạc mới nhanh chóng được phổ biến và hòa nhập vào sinh hoạt âm nhạc Sài Gòn. Những chương trình đại nhạc hội tổ chức tại các rạp hát lớn Văn Hoa, Hưng Đạo, Quốc Thanh… trước đây chỉ phụ diễn vài ca khúc nước ngoài êm nhẹ nay có thêm những tiết mục sôi động của Túy Phượng – “nữ hoàng twist” với phần đệm rộn ràng của ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng. Và từ đó Sài Gòn xuất hiện danh từ “kích động nhạc” để chỉ thể loại nhạc mới du nhập.
Phong trào nhạc trẻ Sài Gòn
Đầu thập niên 1960, giới trẻ Sài Gòn có điều kiện thuận lợi tiếp cận và dần yêu thích dòng âm nhạc mới pop rock của Pháp, Anh, Mỹ. Những Who’s Sorry Now của Connie Francis, Move It của Cliff Richard, Apache của The Shadows, Tous les garçons et les filles của Françoise Hardy đã làm mê mẩn giới trẻ.
Nhưng phải đến năm 1964 khi tứ quái Beatles từ xứ sở sương mù sang Hoa Kỳ lưu diễn và tạo ra hiện tượng Beatlemania thì giới trẻ Sài Gòn mới lên cơn sốt. Những ca khúc She Loves You, I Want To Hold Your Hand… của The Beatles được giới trẻ Sài Gòn nghe đi nghe lại và ấp ủ giấc mơ.
Trong các trường trung học lớn dần xuất hiện câu lạc bộ bạn trẻ yêu thích thể loại nhạc mới: Pat Boone Fan Club, Elvis Presley Fan Club, Flashlight Club, Smiling Club… Mến mộ The Beatles, các ban nhạc trẻ Sài Gòn thường áp dụng mô hình của nhóm tứ quái biến thành công thức 4+ với: bass, rhythm guitar, lead guitar, trống và các ca sĩ, về sau rhythm guitar có khi được thay thế bằng organ (keyboard) giống với nhóm hard rock nổi tiếng Deep Purple.
The Black Caps là một trong những ban nhạc trẻ thành lập sớm nhất, trưởng ban là Ngọc Tùng, lead guitar. Một thời gian sau, The Blue Stars, ban nhạc toàn nữ cũng được thành lập, trưởng ban là Ngọc Lan, lead guitar. Đặc biệt, Ngọc Tùng và Ngọc Lan đều là con của vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Ngọc và Huyền Nga.
Chỉ trong thời gian ngắn đã có gần ba mươi ban nhạc được thành lập: The Daltons, The Rockin’ Star, The Teddy Bears, Les Cavalier, The Hard Stones, The Vendetta, The Sunshines, Les Faucons Noirs, The Fourty Six…
Các kênh văn hóa truyền thông cũng bị cuốn theo trào lưu âm nhạc mới. Tờ Kịch ảnh của ông Quốc Phong đã dành hai cột báo cho mục Trang Teenager’s và giao cho Trường Kỳ (lúc đó mới 17 tuổi) phụ trách. Đài Phát thanh Quân đội Sài Gòn hàng tuần có phát chương trình Nhạc ngoại quốc và Nhạc ngoại quốc theo yêu cầu do biên tập viên Mỹ Linh và Đào Duy thực hiện. Năm 1964, hãng Alpha Films thực hiện phóng sự Saigon by night gây được sự chú ý của khán giả. Nhà sách ngoại văn Xuân Thu trên đường Tự Do bày bán các tạp chí âm nhạc Hit Parader, Billboard… của Anh, Mỹ, được nhiều bạn trẻ tìm đến sưu tầm.
Đại hội nhạc trẻ đầu tiên
Ký giả Trường Kỳ tự thuật trong bút ký Một thời nhạc trẻ: “Năm 1965, trước sự đi lên mạnh mẽ của nhạc trẻ, tôi đề nghị ông Quốc Phong, chủ nhiệm báo Kịch ảnh phải làm một cái gì để mọi người biết rõ hơn về nhạc trẻ, đừng dựa trên danh từ “kích động nhạc” để tưởng tượng ra đủ mọi thứ xấu xa và đồi trụy gán ghép cho nó… Tôi được giao nhiệm vụ mời các ban nhạc đến tham dự hội nghị do báo Kịch ảnh tổ chức để thảo luận tìm hướng đi cho nhạc trẻ…
Sau hơn hai tiếng đồng hồ bàn bạc sôi nổi, 20 bạn đại diện các ban nhạc đã thống nhất: đề nghị dùng tên “nhạc trẻ” để thay thế cho “kích động nhạc” của tôi được tất cả chấp nhận; định nghĩa: “nhạc trẻ” là loại nhạc thích hợp với những tâm hồn trẻ… Nhạc trẻ cũng không nhất thiết phải là loại nhạc giựt gân…”.
Sau thành công tại hội nghị bàn tròn, ký giả Trường Kỳ nghĩ cần phải làm tiếp cái gì đó để khẳng định vị trí của nhạc trẻ. Cuối cùng ông nghĩ đến hướng đi táo bạo là tổ chức đại hội nhạc trẻ, địa điểm là Trường Lasan Taberd, nơi ông đang học năm cuối. Sau gần một tháng bàn thảo, vì mục đích gây quỹ và với tư tưởng cấp tiến, ban giám đốc trường chấp thuận cho tổ chức đại hội nhạc trẻ tại thính đường của nhà trường. Buổi biểu diễn dài khoảng ba tiếng với hơn mười ban nhạc tham gia. Sư huynh Vial và ban giám đốc đều hài lòng khi các ban nhạc chơi rất ổn, khán giả hò reo chừng mực.
Thành công của đại hội đã gây tiếng vang lớn trong giới nhạc trẻ và được nhiều người yêu nhạc ủng hộ. Do vậy, ban giám đốc Trường Lasan Taberd tiếp tục chấp thuận cho tổ chức các đại hội kế tiếp 1966, 1967, 1968 với mục đích cứu trợ lũ lụt miền Trung, gây quỹ giúp nạn nhân bị hỏa hoạn, cứu trợ các nạn nhân chiến cuộc.
Sau đó, đại hội nhạc trẻ còn được tổ chức tại sân vận động Hoa Lư năm 1971 và tại Thảo Cầm viên Sài Gòn năm 1974. Đây là hai kỳ đại hội lớn nhất với mấy chục ban nhạc tham gia, hàng chục ngàn khán giả tham dự. Anh Thành năm nay 65 tuổi nhớ lại: “Năm 1974, tôi đang học lớp 12 Trường Hưng Đạo, quận 1. Sắp đến kỳ thi tú tài, hỏng là vào quân trường ngay. Nhưng thôi kệ, bạn bè rủ nhau đi xem để sau này không hối tiếc. Buổi ấy chúng tôi có một ngày thật vui, đứng reo hò với mọi người, mệt ngồi xuống bãi cỏ gặm bánh mì, uống nước ngọt. Buổi nghe nhạc thật đã! Và quả thật sau dịp đó, lần họp mặt sau vắng đi mấy người”.
Phong trào nhạc trẻ Sài Gòn gắn liền với tên tuổi Trường Kỳ – Jo Marcel – Tùng Giang – Nam Lộc, có vai trò khác nhau trong các hoạt động nhưng tất cả đều đóng góp tích cực cho sự phát triển của làng nhạc trẻ.
***
Đến cuối thập niên 1960, phong trào nhạc trẻ đã phát triển mạnh. Xuất hiện thêm nhiều ban nhạc, nhóm hát mới: The Spotlights, The Les Vampires, CBC, The Strawberry Four, The Cat’s Trio, The Three Apples… có khả năng biểu diễn rất điêu luyện. Họ bắt đầu chuyển sang hướng chuyên nghiệp, thường xuyên chơi nhạc tại các clubs nước ngoài, cạnh tranh với các ban nhạc của Philippines, Hồng Kông… Tuy nhiên phải sang đến đầu thập niên 1970, nhạc trẻ Sài Gòn mới có một bước ngoặt, bước tiến mới, khẳng định vị trí của mình trong làng tân nhạc…
——
Kỳ 2: Từ Việt hóa nhạc trẻ nước ngoài đến ca khúc rock Việt