Điều quan trọng là không ngừng hỏi. Sự tò mò có lý do tồn tại của riêng nó. Người ta không thể không kinh ngạc khi chiêm ngưỡng những bí ẩn của cái vĩnh cửu, của sự sống, của cấu trúc kỳ diệu của thực tại. Chỉ cần một người cố gắng hiểu một chút bí ẩn này mỗi ngày là đủ. Đừng bao giờ đánh mất sự tò mò thánh thiện.
Thật giống như một phép lạ, rằng hệ thống giảng dạy hiện đại vẫn chưa hoàn toàn giết chết óc tò mò thiêng liêng của nghiên cứu.
– Albert Einstein –
Học là quá trình tiếp nhận kiến thức và kỹ năng mới. Con người là một chủ thế cực kỳ tò mò và ham học hỏi. Từ khi được sinh ra, trẻ đã ham muốn được học. Nhưng với rất nhiều đứa trẻ, cái khao khát đó bắt đầu lu mờ dần khi chúng đi học ở trường. Chìa khóa để chuyển hóa nền giáo dục chính là việc giữ được sự tò mò, ham học trong mỗi đứa trẻ.
– Sir Ken Robinson –
[1]
Thời đại chúng ta đang sống là thời đại sáng tạo, cần một văn hóa sáng tạo và một nền giáo dục cũng sáng tạo. Để hiểu triết lý giáo dục của Ken Robinson cũng như của cả một phong trào đổi mới giáo dục đang hình thành, trước nhất chúng ta cần quay lại một chút Thung lũng Silicon, vùng phát triển có tính cách mạng và đã có một số hiệu ứng sâu sắc lên giáo dục. Vùng đất đó là biểu tượng của nền công nghệ và kinh tế sáng tạo, và tạo nên hiệu ứng sáng tạo bùng nổ như thời Phục Hưng.
Mỗi thời đại có nhu cầu giáo dục của nó. Từ cuối thế kỷ 20, Hoa Kỳ chứng kiến ngày càng nhiều đòi hỏi cải cách giáo dục, nhất là giáo dục tiểu trung học. Thời Trung cổ với giáo dục nền tảng là các môn giáo dục khai phóng, đào tạo những con người nhân văn và tự do. Thời Phục Hưng chuyển giáo dục sang nhu cầu phát triển con người thế tục, nhấn mạnh khoa học và nghệ thuật và một sự phát triển toàn diện; Leonardo da Vinci và Galilei là những tiêu biểu. Thời công nghiệp hóa thế kỷ 18-19, giáo dục mở cửa cho khoa học, kỹ thuật và thương mại. Giáo dục này kéo dài đến cuối thế kỷ 20.
Khi Thung lũng Silicon trở thành trung tâm công nghệ cao và tỏa sáng với đổi mới sáng tạo và tinh thần kinh doanh mới, nó đặt ra vấn đề giáo dục làm sao cho trẻ em, thanh niên, cần phải tiếp cận sớm hơn với đổi mới sáng tạo, chứ không nên để phí thời gian nhiều với cái học hệ thống. Giới trẻ Thung lũng Silicon đã chứng tỏ rằng, họ có thể khám phá những cái mà không cần học bốn năm đại học, hoặc cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ. Nói như thế không có nghĩa là những bậc học cao này hoàn toàn vô bổ. Các công ty công nghệ cao thuê đầy những người học cao. Nhưng những tấm gương của Bill Gates, Steve Jobs và Mark Zuckerberg cho thấy, những người trẻ có thể có những sáng tạo và bước vào thương trường sớm hơn người ta tưởng mà không qua đại học. Hay lấy thí dụ hai nhà công nghệ Hewlett và Packard. Họ chỉ học đến kỹ sư, rồi nghe lời khuyên của thầy họ là Fred Terman, bỏ ý định học lên thạc sĩ hay tiến sĩ để ra mở công ty trong môt ga-ra xe để khởi nghiệp, với số tiền ủng hộ ban đầu khoảng 500 đô la của thầy họ. Nó đánh dấu khúc quanh tinh thần của văn hóa khởi nghiệp. Những người trẻ kia cũng không chịu đi làm công cho nhiều công ty trong danh sách Fortune 500 đang đóng tại vùng San Francisco. Họ có một lý tưởng tự lập, sáng tạo và mạo hiểm, chấp nhận thử thách.
Vấn đề đặt ra là làm sao để hướng dẫn nhiều học sinh phát triển óc sáng tạo tự nhiên của chúng từ tuổi teen để trưởng thành sớm. Giáo dục nào đưa tuổi trẻ sớm đến sáng tạo? Đó là nội dung của nhiều nghiên cứu, quyển sách từ hơn thập niên qua.
Con người vốn sáng tạo bẩm sinh, hậu duệ của homo sapiens, để có thể tồn tại khôn ngoan mà không bị diệt chủng trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Giáo dục nào giúp con người phát huy được óc sáng tạo đó nhiều nhất, tự nhiên và sớm nhất, mà không để nó bị mai một bằng cái học đều đều “từ chương” có thể gây hại, tuy rằng lịch sử cho thấy, dù trong những thời đại cái học có tính kinh viện như thế kỷ 17, con người cũng có thể thoát ra khỏi sự kềm hãm để làm những khám phá có tính bứt phá, như Galilei, Kepler, Descartes và Newton. Ngay cái học cổ điển của thế kỷ 19 cuối cùng cũng sinh ra những thiên tài như Max Planck, Albert Einstein, Niels Bohr, Heisenberg và một “thiên hà” thiên tài khác trong khoa học tự nhiên.
Nhưng thời đại Thung lũng Silicon có những nét khác. Công nghệ của vùng này có những đặc thù riêng. Nền tảng của mọi thứ là chiếc bóng bán dẫn transistor được phát minh bởi ba nhà vật lý của Bell Labs. Họ đã sử dụng cơ học lượng tử là loại khoa học cao cấp. Nhưng một khi ra đời, nó làm một cuộc cách mạng tự nó. Transistor, thông qua tài năng biến hóa của “Tám kẻ phản bội” của Fairchild Semiconductor, nhanh chóng biến thành những mạch tích hợp IC, con chip ngày càng nhỏ bé theo định luật của Moore, đi vào tất cả các công cụ điện, điện tử dân dụng và quốc phòng vô cùng tiện lợi và có tác động mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, máy tính cá nhân đã ra đời. Rồi internet. Chúng trở thành hai công cụ của cuộc cách mạng ICT những thập niên cuối của thế kỷ 20. Chiếc máy tính có mục đích ban đầu là tăng cường sự thông minh của con người, như lý tưởng của cha đẻ tinh thần của nó là Doug Engelbart đề ra. Thật vậy, con người giờ đây với chiếc máy tính cá nhân smart hơn nhiều, lao động hiệu quả hơn và với tốc độ nhanh hơn nhiều. Một nền tảng, hệ hình mới của sự sáng tạo dựa trên đó ra đời. Chip và máy tính thu nhỏ đã làm một cuộc cách mạng trong kinh tế, cũng như giúp điều khiển các phi thuyền Apollo lên mặt trăng.
Óc sáng tạo của những người trẻ ở Thung lũng Silicon đã cho thấy: Có thể nền giáo dục hiện hành đã có “lỗ hổng”, không dẫn dắt học sinh sớm đến khám phá theo sở thích của chúng, mà ngược lại có thể làm mòn mỏi óc khám phá bằng những chương trình học quy mô và kéo dài, làm mất đi bản năng tò mò khám phá của chúng, do phải học quá nhiều để đáp ứng thi cử và số điểm, hơn là học để khám phá.
Ở vùng thung lũng, có nhiều trường thử nghiệm những lối giáo dục mới nhằm tạo điều kiện để những “doanh nhân tuổi teen” xuất hiện một cách tự nhiên. Tony Wagner, một chuyên gia giáo dục của Đại học Harvard, nhấn mạnh đến phương pháp giáo dục 3P: Play, Passion, và Purpose (Vui chơi, Đam mê, và Mục đích). “Vui chơi là học tập dựa trên khám phá để dẫn dắt những người trẻ tuổi tìm kiếm và theo đuổi một niềm đam mê, điều mà theo thời gian sẽ phát triển thành một ý thức sâu sắc hơn về mục đích.” Người ta có thể nhận dạng một loạt đặc trưng phổ quát như một DNA cần có để một người trở thành đổi mới sáng tạo. Tim Brown, tổng giám đốc công ty tư vấn thiết kế IDEO tại Palo Alto tin rằng những nhà đổi mới sáng tạo tốt nhất là “những người hình chữ T” (T-shaped), họ phải có chuyên môn sâu trong một lĩnh vực và quan tâm rộng rãi đến nhiều lĩnh vực khác, bởi những vấn đề hôm nay đều có tính chất liên ngành.
Chúng ta không quên rằng cuộc cách mạng đổi mới sáng tạo ở Thung lũng Silicon khó hình dung được nếu không có vai trò của Đại học Stanford như lò ấp trứng những công nghệ mới và tạo nguồn nhân lực để cung cấp cho thị trường khởi nghiệp. Cựu chủ tịch và đồng sáng lập Intel, Gordon Moore, từng phát biểu: “Đóng góp quan trọng nhất của Stanford cho Thung lũng Silicon là cung cấp kho tri thức mỗi năm với các sinh viên mới tốt nghiệp.” Stanford có hai trung tâm nghiên cứu quan trọng thời khởi thủy: Trung tâm Nghiên cứu Tăng cường Trí thông minh (Augmentation Research Center, ARC) do Doug Engelbart chủ trì và Trung tâm trí tuệ nhân tạo SAIL do nhà toán học John McCarthy chủ trì. Engelbart chính là người đã đưa ra hệ hình máy tính cá nhân ngày nay chúng ta có. Đại học Stanford không những nghiên cứu những công nghệ mới, mà còn nghiên cứu khoa học cơ bản, họ giành được rất nhiều giải Nobel. Herbert Boyer là người đã sử dụng công nghệ DNA tái tổ hợp để thành lập công ty công nghệ sinh học Genentech mà 30 năm sau, Roche đã mua lại nó với giá $46,8 tỷ. Stanford thực tế đã trở thành một trong những “pháo đài đổi mới sáng tạo” trong vùng vịnh San Francisco.
[2]
Các nhà giáo dục muốn thay đổi hiện trạng không nghĩ ngắn hạn, hay vì mục tiêu kinh tế thuần túy. Họ muốn có một nền giáo dục nhân bản, phục vụ từng con người để trưởng thành với những nhà khám phá theo cách riêng của họ. Một trong những nhà giáo dục đó là Sir Ken Robinson mà quyển sách Trường học sáng tạo là tác phẩm giáo dục quan trọng đúc kết kinh nghiệm giáo dục hơn 40 năm của ông. Ông đã trở thành nhân vật thế giới với buổi TED Talk 2006 California, chủ đề: Phải chăng trường học đang giết chết sự sáng tạo? Buổi nói chuyện đó như một sự đánh thức lớn. Đến nay có hơn 300 triệu lượt xem từ 150 quốc gia.
Luận điểm của ông là, tất cả trẻ em đều rất tài năng. Và chúng ta đã lãng phí điều đó một cách không ý thức. Tính sáng tạo thể hiện rất đa dạng trong muôn hình vạn trạng, khi thì ở những nghề thủ công, khi thì hàn lâm, khi thì nghệ thuật. Giáo dục của chúng ta đang “kìm hãm một số năng lực quan trọng nhất mà giới trẻ hiện nay cần phải có trong thế giới ngày càng đòi hỏi khắt khe của thế kỷ 21 – năng lực của tư duy sáng tạo”, ông nói. “Hầu hết học sinh không bao giờ khám phá được toàn bộ khả năng và sở thích của mình”. Tất cả trẻ em đều bắt đầu bước vào học đường với trí tưởng tượng và trí óc phong phú, nhưng những tài sản tinh thần đó dần dần mai một trong rất nhiều học sinh. Cần có một sự thay đổi toàn diện và cơ bản.
Phong trào giáo dục chuẩn hóa cuối thế kỷ 20 ở Mỹ, như một giải pháp trước thách thức “Quốc gia lâm nguy” hay “Cơn sóng của sự tầm thường đang dâng lên”, có mục đích nâng cao “chuẩn mực học thuật”, tăng cường giáo dục STEM để phục vụ sự phát triển kinh tế, đối phó với thách thức toàn cầu hóa. Nhưng STEM không bao gồm tất cả những loại thông minh và năng khiếu khác của con người. Nếu bắt một người như Wolfgang Amadeus Mozart ngồi vào học STEM như ngày nay, chắc đó sẽ là một “tai họa”, mặc dù ông thừa thông minh. Chúng ta hãy nghe tâm sự ông trong một bức thư gửi cha ông năm 1777:
Con không thể viết một cách thi vị, bởi vì con không phải là nhà thơ. Con không thể tạo ra những cụm từ mỹ thuật tinh tế để tạo nên ánh sáng và bóng tối, bởi vì con không phải là họa sỹ; con cũng không thể diễn tả suy nghĩ và cảm xúc của con bằng cử chỉ hay dấu hiệu, bởi vì con không phải là vũ công; nhưng con có thể làm những điều đó bằng âm điệu, vì con là một nhạc sĩ.
Cũng không có nền giáo dục chuẩn hóa nào có thể tạo ra một Charles Darwin. Trong quyển The Element (2009), Ken Robinson cho rằng, giáo dục phải tạo điều kiện để con người tìm đúng “Nguyên bản” (The Element, hay “Bản gốc”) của nó, cái nó yêu thích và đam mê, là chính nó, thì con người mới phát huy hết sáng tạo có thể lấp lánh như một vì sao. Đi trật ra ngoài, tài năng của đứa trẻ sẽ bị mai một. Ông kể ra rất nhiều thí dụ minh họa. Đây là “hạt giống” của tư tưởng nhân bản theo đó ông phát triển lý thuyết cải cách giáo dục của ông.
Thực tế, mặc dù mục tiêu của phong trào chuẩn hóa thường là nâng cao khả năng tuyển dụng, nhưng vì chỉ nhằm tăng cường các tiêu chuẩn học thuật, quên đi những lãnh vực rộng lớn khác của sáng tạo, cho nên khoảng cách giữa nhu cầu của những nền kinh tế phát triển và những gì trường đang dạy vẫn lớn ra. Yong Zhao, chủ tịch và giám đốc của tổ chức Institute for Global and Online Education (Viện giáo dục trực tuyến toàn cầu) của Đại học Oregon, tính toán rằng trong khoảng 28 năm, từ 1977 đến 2005, mỗi năm có khoảng một triệu công việc biến mất khỏi những công ty tại Mỹ. Cũng trong khoảng thời gian đó, các công ty mới đã tạo ra hơn 3 triệu công việc mới mỗi năm. Phần lớn những công việc mới này đòi hỏi những kỹ năng khác hẳn với những công việc đã biến mất – và cũng ít ai dự đoán được những kỹ năng mới ấy sẽ là gì.
Sức khỏe nền kinh tế tùy thuộc vào các entrepreneur, nhà kinh doanh đổi mới sáng tạo. Nhưng một khảo sát năm 2008 của IBM cho thấy, nhóm sinh viên tốt nghiệp loại giỏi rất thiếu hai tính chất được giới lãnh đạo doanh nghiệp trên 80 quốc gia xem ưu tiên hàng đầu là khả năng thích ứng để thay đổi và khả năng tạo ra những ý tưởng mới. Giáo dục chuẩn hóa có thể không những không phát triển mà còn có thể đánh mất tính sáng tạo và đổi mới. Kể cả chương trình Race to the Top – Cuộc chạy đua lên đỉnh cao – của Tổng thống Barack Obama, cũng bị dư luận giáo dục đánh giá là “Cuộc chạy đua đến Sự tầm thường” vì nó đánh giá năng lực của giáo viên qua số điểm của học sinh qua các bài kiểm tra chuẩn hóa. Nó bỏ qua tính sáng tạo, khám phá độc lập mà khoa học đòi hỏi.
PISA 2012 là một cú sốc cho Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp và nhiều nước phát triển khác. Bảy nước đứng đầu hạng PISA 2012 đều thuộc về châu Á, trong đó có Trung Quốc, Singapore, Đài Loan. Việt Nam đứng hàng thứ 17, trong khi Hoa Kỳ thứ 36! Nó sẽ thúc đẩy phong trào nâng cao chuẩn hóa mạnh mẽ ở Mỹ và trên thế giới. Nhưng thật sự kết quả PISA chưa nói lên tính quyết định “hơn thua” của các quốc gia trong sáng tạo. Tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo được hỗ trợ bằng nhiều nhân tố, một số trong đó hoàn toàn nằm ngoài những lãnh vực kiểm tra kỹ năng. Cựu bộ trưởng giáo dục Singapore Shanmugaratnam, từng tuyên bố với tác giả Fareed Zakaria, rằng “Cả hai chúng ta đều có chế độ (trọng đãi) nhân tài. Quý vị có chế độ nhân tài tài năng (talent meritocracy), phía chúng tôi là chế độ nhân tài thi cử (exam meritocracy). Có một số tính chất của trí tuệ mà chúng ta không thể kiểm tra tốt được, như tính sáng tạo, óc tò mò, đầu óc phiêu lưu, tham vọng. Trên hết, nước Mỹ có một nền văn hóa học thách thức tri thức quy ước, kể cả khi nó bao hàm việc thách thức quyền lực. Đây là những lãnh vực mà Singapore phải học hỏi từ Mỹ.” ([10])
Môt số lời bình cho quyển sách:
Hãy quên đi những lời bàn tán về các lực lượng kinh tế và công nghệ đột phá trong giáo dục. Ken Robinson và Lou Aronica đã mô tả một cách sinh động những bứt phá cần thiết nếu chúng ta muốn có nền giáo dục chất lượng trong thời đại của chúng ta.
– Howard Gardner, Tác giả của Five Minds for the Future
Trường học Sáng tạo cung cấp cho chúng ta một tầm nhìn tuyệt vời và hấp dẫn về đích đến của giáo dục… Đừng bỏ lỡ cuốn sách quan trọng này!
– Tony Wagner, Phòng Thí nghiệm Đổi mới Sáng tạo, Đại học Harvard
Trường học Sáng tạo chính là một cẩm nang cho những ai thực sự muốn thay đổi giáo dục. Ken Robinson và Lou Aronica đã chia sẻ những quan sát, phân tích sắc sảo và cung cấp nhiều giải pháp giá trị, dù bạn là giáo viên, nhà quản lý hay phụ huynh học sinh. Cuốn sách đã cho tôi rất nhiều cảm hứng từ ngày đầu khởi nghiệp và động lực mỗi khi tôi cần một nguồn năng lượng tích cực để bước tiếp trên con đường của mình.
– Đào Thu Hiền, Tổng Giám đốc, Tổ chức Giáo dục Golden Path Academics Việt Nam (GPA)
Cuốn sách này là tác phẩm quan trọng đúc kết kinh nghiệm giáo dục hơn 40 năm của Ken Robinson. Qua đây, ông muốn nói rằng giáo dục cần giống như chăm sóc một khu vườn có nhiều loại cây, cần phải có đủ điều kiện tốt cho mọi loại cây, và cho miếng đất tốt, để chúng phát triển. Đây chính là nền giáo dục sáng tạo, nhân bản, và phù hợp với thế hệ trẻ và tương lai của đất nước.
– TS. Nguyễn Xuân Xanh, Tác giả của Einstein, Đại học
Trong một bài phát biểu chính của Ken Robinson tại sự kiện Vail Symposium’s EDUCATE! năm 2016, ông nêu ra một số điểm chính của nền giáo dục mới như sau:
- Nếu bạn không chuẩn bị để sai, bạn sẽ không bao giờ nghĩ ra bất cứ thứ gì nguyên bản (độc đáo của chính bạn).
- Thực tế, trước những thách thức mà chúng ta phải đối mặt, giáo dục không cần phải cải cách – nó cần phải được chuyển đổi. Chìa khóa của sự chuyển đổi này không phải là tiêu chuẩn hóa giáo dục, mà là cá nhân hóa nó, đưa học sinh vào một môi trường mà chúng muốn học và nơi chúng có thể tự nhiên khám phá ra niềm đam mê thực sự của mình.
- Sáng tạo cũng quan trọng như khả năng đọc viết (literacy).
- Nguồn nhân lực cũng giống như tài nguyên thiên nhiên; chúng thường bị chôn sâu. Bạn phải đi tìm chúng, chúng không chỉ nằm lộ thiên. Bạn phải tạo ra hoàn cảnh để chúng thể hiện mình.
- Trí tưởng tượng là nguồn gốc của mọi hình thức thành tựu của con người. Và đó là một điều mà tôi tin rằng chúng ta đang gây nguy hiểm một cách có hệ thống trong cách chúng ta giáo dục con cái và chính chúng ta.
- Chúng ta phải đi từ mô hình giáo dục về cơ bản là mô hình công nghiệp, một mô hình sản xuất, dựa trên sự tuyến tính và đông đảo con người tuân theo lề thói.Chúng ta phải chuyển sang một mô hình dựa nhiều hơn vào các nguyên tắc của nông nghiệp.Chúng ta phải nhận thức rằng sự hưng thịnh của con người không phải là một quá trình máy móc – mà đó là một quá trình hữu cơ.Và bạn không thể dự đoán kết quả của sự phát triển của con người.Tất cả những gì bạn có thể làm, giống như một người nông dân, là tạo ra những điều kiện để chúng bắt đầu sinh sôi.
Điểm cuối cùng được gọi là “giáo dục hữu cơ” (organic education). Giáo dục giống như chăm sóc một vườn cây có nhiều loại cây, cần phải có đủ điều kiện tốt cho mọi loại cây, và cho miếng đất tốt, để chúng phát triển.
Ken Robinson chủ trương giáo dục cần có những tính chất khai phóng sau đây:
Về văn hóa, Giáo dục cần giúp học sinh hiểu và tôn trọng nền văn hóa của chúng lẫn sự đa dạng của các văn hoá khác.
Về xã hội: Giáo dục cần giúp người trẻ trở thành những công dân tích cực chủ động và giàu lòng trắc ẩn.
Về cá nhân: Giáo dục cần giúp người trẻ hiểu về thế giới nội tâm cũng như thế giới xung quanh chúng.
Tám năng lực giáo dục cần tạo ra cho học sinh bắt đầu bằng chữ C được Robinson đưa ra như sau: Curiosity (Tính tò mò), Creativity (Tính sáng tạo), Criticism (Phản biện), Communication (Giao tiếp), Collaboration (Hợp tác), Compassion (Thấu cảm), Composure (Điềm tĩnh) và Citizenship (Trách nhiệm công dân).
Ngày nay, giáo dục khai phóng trở thành nguyên tố quan trọng trong giáo dục, làm cho con người nhân bản hơn, kết nối, có lòng trắc ẩn, tư duy phản biện, hiểu biết rộng, dồi dào óc tưởng tượng hơn, và giữ được tư thế độc lập trước biến động thời đại để sẵn sàng thích nghi và tiếp tục sáng tạo. Lối giáo dục này đã có từ thời Hy Lạp, được phát triển thời Trung cổ tại các đại học mới hình thành, và được các học giả lớn thế kỷ 19 như Wilhelm von Humboldt và John Henry Newman phát triển tiếp. Giáo dục STEM tự nó không tạo ra những điều đó. Walter Isaacson, nhà viết tiểu sử nổi tiếng, phân biệt giữa smart, khôn ngoan và ingenious, sáng tạo, khi cho rằng Bill Gates là “siêu-khôn ngoan”, nhưng Steve Jobs “siêu-sáng tạo”. Jobs biết kết hợp công nghệ với nhân văn một cách tinh thế. “Tôi luôn luôn nghĩ tôi là một con người nhân văn, nhưng tôi thích điện tử”, Jobs nói. “Sáng tạo là kết nối các sự vật với nhau”. Vivek Wadhwa, một doanh nhân công nghệ thành đạt của Thung lũng Silicon, và trở thành một nhà nghiên cứu hàn lâm, bằng những nghiên cứu của mình kết luận rằng các môn học khai phóng cũng không kém phần quan trọng như các môn kỹ thuật tại các công ty công nghệ.
CUỘC SỐNG KHÔNG PHẢI TUYẾN TÍNH
Theo một số nghĩa, văn hóa là một thuật ngữ hữu cơ gợi ý các quá trình tăng trưởng và phát triển. Nền văn hóa của con người không ngừng phát triển thông qua tư tưởng, cảm xúc và hành động của những người sống trong đó. Giống như quá trình của cuộc sống mỗi cá nhân, các quá trình rộng lớn hơn của sự phát triển văn hóa không phải là tuyến tính; chúng cũng không dễ dự đoán. Chúng năng động, hữu cơ và phức tạp. Các quá trình thay đổi văn hóa thường khó hiểu khi nhìn lại, và không thể lập kế hoạch trước. (Robinson, Out of Minds, 208-209)
Một trong những nguy cơ lớn của giáo dục chuẩn quá chính là ý tưởng rằng nó áp dụng một chuẩn chung cho tất cả mọi thứ và cuộc sống là một đường thẳng. Thực tế là có quá nhiều con đường khác nhau để một người đạt được cuộc sống đủ đầy, viên mãn. Phần lớn cuộc sống của chúng ta không tuân theo một tiến trình chuẩn. Mỗi người có những khúc cua bất ngờ, bỗng dưng tìm thấy đam mê mới, hoặc nắm được những cơ hội bất ngờ. Do đó, trường học cần ý thức được điều này để tránh bó hẹp tương lai của học sinh bằng việc áp đặt rằng những thứ chúng ta từng được dạy chắc chắn vững phù hợp với đám trẻ. Bạn có thể ngầm cho rằng một số môn học sẽ hữu ích hơn để học sinh có lợi thế khi tìm kiếm việc làm, nhưng với tốc độ thay đổi của thế giới, có ai dám chắc về điều đó? Điều tốt nhất bạn có thể làm là giúp con trẻ phát triển những năng lực chung mà chúng ta đã bàn trong chương 6, đồng thời giúp chúng tìm ra những khả năng và những thứ chúng say mê, yêu thích. Chúng sẽ tự kiến tạo và tự sống cuộc đời của mình, cũng như bạn vậy. Hãy cứ quan tâm và cố gắng trong mức có thể, nhưng bạn không làm thay chúng được. (Robinson, Trường học sáng tạo, 238)
Châu Âu đặc trưng cho một sự phát triển không tuyến tính như thế trong lịch sử, cũng như Thung lũng Silicon.
[3]
TRÍ THÔNG MINH
Để hiểu Trường học sáng tạo có lẽ nên xem thêm một quyển sách trước đó của Robinson có tên Out of Our Minds: The Power of Being Creative (Từ Tâm Trí: Sức mạnh của sự sáng tạo)[17], ở đó tác giả lý giải sự mất mát và nghèo nàn hơn của quan niệm về trí thông minh khi lịch sử trải qua nhiều thời kỳ. Vào thời Trung cổ, người ta tin rằng tâm trí (mind) con người có những tính chất khác nhau nằm ở những phần khác nhau của bộ não, gồm trí nhớ, trí tưởng tượng và suy luận logic. Cho nên giáo dục thời đó bao gồm, thông qua bảy môn khai phóng, văn phạm, hùng biện, logic, toán học, hình học, và âm nhạc, thơ ca. Nhưng đến thời Khai sáng, tính khoa học-suy luận logic vượt lên chiếm ưu thế. Đó là thế kỷ của lý tính, mà đại diện là những nhà triết học duy lý bao gồm, Locke, Hume, Descartes. Điều này dễ hiểu, bởi cuộc cách mạng khoa học thế kỷ 17 được thực hiện bởi Galilei, Kepler và Newton đã đem lại ánh sáng soi rọi sự tối tăm và xua tan những đám mây mê tín trước đó. Tiếp theo cuộc cách mạng khoa học là cuộc cách mạng công nghiệp, càng nâng cao giá trị của khoa học-kỹ thuật trong xã hội. Giáo dục dần dần cũng không còn kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật. Khai sáng vì thế đã gây ra phản ứng ngược lại là phong trào lãng mạn, cuối thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19, đại diện bởi những nhà thơ, nhạc sĩ và nghệ sĩ, bao gồm Beethoven, Schiller, Wordsworth, Coleridge, Byron và Goethe. Ngược với các nhà duy lý, các nhà lãng mạn tập trung lên trải nghiệm con người và bản chất của tồn tại.
Những cuộc cách mạng khoa học, công nghiệp, và những thành tựu vượt bật, những đóng góp to lớn của chúng vào sự phồn vinh của xã hội, và sự chuyển hướng tương ứng trong văn hóa đã định hình thế giới quan hiện tại của chúng ta. Sức mạnh của tư duy logic-khoa học đã trở thành phương thức tư duy được chấp nhận phổ quát, ưu việt, và phía nghệ thuật ngược lại bị thiệt thòi.
Nhưng thế nào là sáng tạo? Con người có khả năng sáng tạo từ đâu? Thực tế nghiên cứu khoa học cho thấy, não bộ con người gồm có hai bán cầu, trong đó bán cầu trái chịu trách nhiệm cho các suy nghĩ logic-khoa học, lý tính, và bán cầu phải cho trực giác, trí tưởng tượng, vẻ đẹp, cảm xúc. Cả hai có thể hoạt động độc lập nhau nếu chúng bị tách ra. Nhưng giữa chúng có một “bó dây thần kinh” kết nối chúng, trong y học được gọi là corpus callosum (“Thể chai”). Chính các dây thần kinh này điều phối nhau để cho ra những sáng tạo không phải là hư cấu, mà có giá trị về mặt lý tính. Ken Robinson trích dẫn câu nói xuất sắc của nhà thiên văn học Mỹ Carl Sagan (1934–1996) mô tả đúng điều này:
Sagan nói, “không có cách nào để biết được rằng các mô hình (patterns) thoát thai từ bán cầu não phải là thật hay là tưởng tượng mà không để chúng chịu sự giám sát của bán cầu não trái.” Mặt khác, “tư duy phản biện đơn thuần mà không có những hiểu biết trực quan và sáng tạo, không có sự tìm kiếm các mô hình mới là nghèo nàn và thất bại. Để giải quyết những vấn đề phức tạp trong hoàn cảnh thay đổi đòi hỏi sự hoạt động của cả hai bán cầu đại não. Hình mẫu cho tương lai nằm trong sự kết nối bởi thể chai (corpus callosum).” (Trang 120, Chương V, bản tiếng Anh)
Max Planck cũng minh họa thêm điều này khi nói rằng các nhà khoa học sáng tạo “phải có một óc tưởng tượng trực quan sinh động, bởi vì những ý tưởng mới không được sinh ra bằng phép diễn dịch mà bằng một óc tưởng tượng sáng tạo có tính nghệ thuật.” ([15], 29)
Như vậy, óc sáng tạo là bẩm sinh cho mọi người, tùy theo con người do hoàn cảnh sống hay giáo dục sử dụng nhiều hay ít. Các nhà hoạt động nghệ thuật sử dụng bán cầu não phải nhiều hơn, trong khi hoạt động khoa học sử dụng bán cầu não trái nhiều hơn. Tuy nhiên, nó cần sự hỗ trợ của bán cầu phải để hỗ trợ cho ra sáng tạo nếu muốn sáng tạo có giá trị. Cho nên, giáo dục cũng phải chăm sóc phần phát triển của bán cầu phải, cần có mối quan hệ với nghệ thuật, và cần giáo dục khai phóng để nâng cao trí tưởng tượng.
Tài năng sáng tạo cần một số kiến thức và kỹ thuật nhất định trong lãnh vực họ để phát triển, cho nên cần giáo dục phổ thông. Nhưng sự đào tạo không khéo cũng có thể tạo ra phản ứng ngược, bóp nghẹt sáng tạo của học sinh. Lúc đó, học sinh, sinh viên có thể phải rút rút lui về tự-học như Einstein và Darwin. Tự học là nét chung của những tài năng sáng tạo để họ có thêm chiều rộng và sâu cần thiết trước những khuynh hướng làm hẹp lại trong giáo dục chính thống. Sách vở là nguồn quan trọng hàng đầu dành cho những người trẻ tự lập muốn phát triển con đường của mình. Thứ hai người thầy cũng hết sức quan trọng, nếu truyền được cảm hứng cho học sinh.
Sự phê phán giáo dục, rằng nó có thể “giết chết tính độc đáo hơn là phát triển nó” đã được gióng lên đầu thế kỷ 20 bởi một nhà hóa học Giải Nobel Wilhelm Oswald trong quyển sách Những người vĩ đại. ([16]) Một trăm năm trước.
[4]
Đến đây, tôi xin “bắt cầu” qua Albert Einstein một chút bởi một điều: Nhà bác học vĩ đại này, sống cách chúng ta một thế kỷ, có một quan niệm giáo dục xét ra đã đi trước những đòi hỏi của nền giáo dục mới. Ông là người chủ trương óc tò mò thánh thiện là cái quan trọng để hiểu biết thế giới, và cần phải được giữ gìn để tiếp tục sáng tạo. Ông nói: Tôi không thông minh mà chỉ tò mò một cách đam mê; đừng bao giờ đánh mất óc tò mò thánh thiện; và điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi. Ông là tác giả của ý tưởng truyền cảm hứng mà ai cũng thích: trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Nhưng xin đừng hiểu lầm, trí tưởng tượng này cũng phải đi kèm với kiến thức, để khỏi trở thành tưởng tượng hão huyền. Năng lực tưởng tượng tăng theo tri thức, nhưng kiến thức cũng có thể giết chết hay kềm hãm trí tưởng tượng, tùy theo loại kiến thức và cách tiếp thu. Trong thời đại kinh tế thông minh, trí tưởng tượng đóng vai trò rất quan trọng. Các nhà đổi mới sáng tạo ở Thung lũng Silicon đã nói nhiều. Các nhà kinh tế cũng nói. Lằn ranh giới tương lai giữa các quốc gia sẽ là trí tưởng tượng phát triển nhiều hay ít. (Thomas Friedman và Michael Mandelbaum) ([10])
Dưới đây là vài phát biểu về quan niệm giáo dục của Einstein:
Kiến thức là chết, trong khi trường học là người phục vụ cho cuộc sống. Trường học nên làm cho những phẩm chất và năng lực, những thứ có có giá trị cho sự phát triển của cộng đồng, nảy nở trong những cá nhân trẻ tuổi. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là tính cách cá nhân nên bị đánh mất đi, để cá nhân trở thành một công cụ không ý chí của cộng đồng, như con ong, con kiến. Bởi vì, một cộng đồng của những con người được tiêu chuẩn hóa không có đặc tính cá nhân và mục tiêu riêng của nó sẽ là một cộng đồng nghèo nàn không có những năng lực phát triển. Ngược lại, mục đích phải là đào tạo những cá nhân biết tự hành động và tư duy độc lập, nhưng lại nhìn thấy nhiệm vụ cao cả nhất của cuộc đời trong sự phục vụ cộng đồng. (Về giáo dục)
Rõ ràng ông chống lại “tiêu chuẩn hóa” mà Ken Robinson vừa phê phán nhằm tạo ra những con người đồng dạng thiếu tính cá nhân và mục tiêu riêng của mình. Khi được hỏi tại sao ông khám phá thuyết tương đối (hẹp), Einstein giải thích:
Nếu tự hỏi từ đâu tôi đã thiết lập nên lý thuyết tương đối, thì câu trả lời dường như nằm ở điều sau đây: người lớn bình thường hầu như không suy nghĩ về những vấn đề thời gian và không gian. Anh ta nghĩ rằng mình đã làm điều đó từ nhỏ rồi. Tôi ngược lại phát triển chậm về mặt trí tuệ đến nỗi tôi bắt đầu ngạc nhiên về không gian và thời gian khi tôi đã lớn rồi. Một cách tự nhiên, tôi đã thâm nhập vào toàn bộ vấn đề sâu hơn những đứa trẻ có năng khiếu phát triển bình thường khác.”
Rõ ràng, người lớn đã đánh mất óc tò mò thánh thiện trong quá trình lớn lên với cuộc sống thế tục và giáo dục. Người ta có thể giết chết óc tò mò, sáng tạo, tư duy độc lập, bằng nhiều cách, chẳng hạn như bằng lối giáo dục nhồi nhét, từ chương, tạo áp lực, cưỡng bách, hay quá nhấn mạnh lên chế độ cạnh tranh.
Điều quan trọng đối với Einstein là giáo dục phải tạo ra một nhân cách hài hòa, không phải một chuyên gia, có năng lực tư duy độc lập, phán đoán và lao động, chứ không phải dạy quá nhiều kiến thức chuyên biệt:
Trường học luôn hướng tới mục tiêu rằng một người trẻ tuổi rời nhà trường như một nhân cách hài hòa, chứ không phải là một chuyên gia. Điều này theo tôi, và trong một nghĩa nào, đó cũng đúng đối với trường chuyên môn mà những người tốt nghiệp sẽ đi vào những nghề rất cụ thể. Sự phát triển khả năng tổng quát cho tư duy độc lập, phán đoán và lao động phải luôn được đặt lên hàng đầu, chứ không phải việc tiếp thu kiến thức chuyên biệt. Nếu một người nắm vững những kiến thức cơ bản của ngành chuyên môn của anh ta và học được cách tư duy và làm việc độc lập, anh ta chắc chắn sẽ tìm được con đường của mình và hơn thế nữa sẽ có thể thích nghi với những tiến bộ và biến động một cách tốt hơn so với người được đào tạo chủ yếu nhằm vào việc tiếp thu kiến thức chi tiết. (Einstein, Về giáo dục. Trong Những năm sau của tôi)
Einstein được biết là “chậm phát triển” từ thuở bé khiến cho bố mẹ đâm ra lo lắng. Nhưng về sau ông nói, tôi không suy nghĩ bằng chữ nghĩa, mà bằng hình ảnh, cho nên việc diễn đạt bằng ngôn ngữ đã phát triển chậm hơn. Tư duy bằng hình ảnh là một yếu tố ưu việt trong giáo dục, bằng visualization mà Ken Robinson cũng chủ trương. Lối giáo dục này Einstein đã được hưởng tại một trường trung học ở Thụy Sĩ, có nguồn gốc từ nhà cải cách giáo dục Thụy Sĩ thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, Johann Heinrich Pestalozzi. Ông cho rằng giáo dục tư duy bằng hình ảnh (Anschauung) là ưu việt hơn giáo dục bằng chữ nghĩa rất nhiều. Mozart thực tế sáng tác nhạc cũng bằng hình ảnh tổng thể của một bản giao hưởng rồi sau đó mới điền chi tiết vảo. Einstein ở tuổi 16 đã làm thí nghiệm ý tưởng chạy đuổi theo ánh sáng. Đó là tư tưởng hạt giống của thuyết tương đối hẹp sẽ ra đời chín năm sau. Einstein không phải là người duy nhất tư duy bằng hình ảnh, Michael Faraday, Charles Darwin, hay Richard Feynman cũng tư duy như thế,[18] nhưng có lẽ là người tư duy bằng hình ảnh nhiều nhất. Ông đã tạo ra khái niệm thí nghiệm ý tưởng – gedankenexperiment trở thành một khái niệm nổi tiếng trên thế giới.
Còn nhiệm vụ của người thầy? Einstein nói Nghệ thuật quan trọng nhất của người thầy là đánh thức niềm vui ở sáng tạo và nhận thức. Người thầy cũng phải là một “nghệ sĩ” sáng tạo có đủ thời gian và tự do để thiết kế những giờ học của mình tốt nhất cho học sinh. Tất cả đều phải xuất phát từ tình yêu và niềm vui. Phương Tây có khoa học, học thuật và nghệ thuật vì có tình yêu đích thực cho những giá trị đó. Ông khuyên thanh niên: “Đừng bao giờ xem việc học của các bạn là một bổn phận, mà là cơ hội đáng ganh tị để học hỏi vẻ đẹp khai phóng trong lãnh vực trí tuệ – vì niềm vui cá nhân của bạn và vì lợi ích của cộng đồng mà công việc sau này của bạn sẽ thuộc về.” (Xem thêm [7])
[5]
Tôi xin khép lại lời dẫn nhập đã dài tại đây, hy vọng đã phát họa được phần nào bối cảnh cuộc chuyển đổi giáo dục sắp tới. Các ý tưởng của họ, được trình Ken Robinson bày rộng rãi trong quyển sách, nghe qua như những “đức tin dị giáo”, khác với ý tưởng giáo dục chính thống hiện hành. Nhưng lịch sử một lần đã chứng mình, những ý tưởng dị giáo lại trở thành dòng chảy chính. Hiện nay, những ý tưởng giáo dục sáng tạo đang trong giai đoạn hình thành bên ngoài dòng chảy chính của giáo dục chuẩn hóa, với rất nhiều loại trường sáng tạo mọc lên, và tất cả hoạt động rất hữu hiệu và thuyết phục. Hiện nay Hoa Kỳ là nơi phát triển mạnh mẽ nhất, bên cạnh Anh, Scotland, cũng như ở một số các quốc gia khác như Trung Quốc, Canada, Trung Đông, Argentina. “Tất cả chân lý đều trải qua ba giai đoạn: Thứ nhất, nó bị chế giễu. Thứ hai, nó bị phản đối dữ dội. Thứ ba, nó được chấp nhận là điều hiển nhiên ”, như nhà triết học Đức Arthur Schopenhauer viết. Sáng tạo là động lực chính của xã hội mới, của nền kinh tế thế kỷ 21. Mà sáng tạo là đặc điểm của cá nhân. Cho nên giáo dục cần tạo cho cá nhân không gian thích hợp để phát triển tài năng bẩm sinh.
Quyển sách Trường học sáng tạo của Ken Robinson chắc chắn sẽ đem lại cho bạn đọc, nhà giáo dục, các bậc phụ huynh, nhà làm chính sách những cái nhìn mới về giáo dục tương lai và gợi ý về những giải pháp thực hiện. Loại giáo dục mới này chạm đến lợi ích sống còn của quốc gia, cá nhân cũng như của từng gia đình. Năng lực sáng tạo của con người giờ đây đã vượt qua giá trị của đất đai, lao động và tư bản để trở thành nguồn lực quan trọng nhất của kinh tế. Sự phát triển giáo dục sáng tạo sắp tới có lẽ giống như sự ra đời của mô hình đại học nghiên cứu tập trung của Humboldt 200 năm trước. Đại học là nơi nghiên cứu và khám phá cái mới chứ không chỉ truyền bá cái cũ. Nhưng trong khi những người bước vào đó phải trải qua các “trường bác học” (gymnasium), thì ở đây những nhà sáng tạo có thể tham gia vào quá trình khám phá từ tuổi teen trở lên.
Chúng ta cần mở cửa đón nhận những làn gió mới của một nền giáo dục sáng tạo hơn, nhân bản hơn, hữu ích hơn, và phù hợp với những con người trẻ, với tương lai của đất nước.
Xin nồng nhiệt giới thiệu.