Giờ nhớ về ông, tôi chợt nghĩ, có lẽ việc dời nhà đã tách ông ra khỏi nơi chốn quen thuộc, nơi chất chứa bao kỷ niệm, nơi đã gắn bó với ông hơn 30 năm từ khi mới di cư vào Nam. Khung cảnh thay đổi làm ông chông chênh. Người nghệ sĩ mất đi niềm vui sáng tạo, cây sậy thôi suy tưởng.
Giữa năm ngoái, 2020. Một sáng, người bạn gọi điện nói sẽ đến đón mời tôi đi ăn sáng, cà phê. Trên đường đi, bạn bảo cần ghé qua một tiệm trên đường Lê Lai, quận 1 để khắc con dấu cho công ty mới thành lập. Giữa đại dịch COVID-19, nhiều người gặp cảnh khó khăn nhưng với vài người khác lại là cơ hội.
Tôi hỏi: “Sao bạn không đến những cơ sở thuộc công an làm cho an toàn?”. Bạn đáp: “Đâu cần vậy. Tư nhân có đăng ký cũng được hoạt động dịch vụ khắc dấu mà”. Câu chuyện làm tôi nhớ đến ông Lãm, bác hàng xóm làm nghề khắc dấu cách đây hơn 50 năm.
Gia đình ông Lãm từ khi di cư vào Nam năm 1954 đã chọn con hẻm nhỏ trong khu vực quận 3 Sài Gòn để định cư. Đến đầu thập niên 1960, sau khi ở vài nơi, gia đình tôi cũng dọn về con hẻm này, cách nhà ông Lãm sáu căn. Hàng xóm là những gia đình người Nam, hai ba đời đã cư ngụ tại đây. Còn lại, gia đình ông Lãm, gia đình tôi là người Bắc di cư và hai gia đình gốc Hoa là những người mới đến sau. May mắn, chúng tôi có được những người hàng xóm thân thiện. Họ chưa bao giờ cư xử phân biệt vùng miền, gốc gác. Nhưng lúc bé, đôi lần anh em tôi cũng phải nổi khùng vì những đứa bạn cùng xóm trêu chọc: “Bắc kỳ con ăn rau muống!”.
Gia đình ông Lãm, gia đình tôi có nhiều điểm tương đồng nên quen nhau rất nhanh. Tính đến đầu thập niên 1970, bố tôi có mười người con; ông Lãm có tám người, trai gái đủ cả. Con cái đều cho học hành đến nơi đến chốn.
Ông Lãm dáng người ốm, hơi thấp nhưng bắp tay khá rắn chắc, có lẽ do ông quen lao động. Hàng xóm để tránh gọi thẳng tên ông Lãm nên gọi là “ông khắc dấu”. Trong trí óc non nớt của đứa trẻ 9 tuổi hồi ấy, tôi không hiểu nhiều về công việc của người khắc dấu. Tôi chỉ thấy ông thường ngồi làm những hòn non bộ và uốn cây cảnh.
Những trưa không ngủ, không đọc truyện, tôi đến trước nhà ông, nhìn qua hàng rào lưới sắt quan sát ông làm việc. Như có thỏa thuận ngầm, ông cho tôi đứng xem, không bị đuổi đi như những đứa trẻ khác và tôi không được hỏi han gì để ông tập trung làm việc. Chiếc bay con con trong tay ông như biết múa. Ông dùng bay thêm một chút xi măng vào chỗ này rồi dùng nó cạo bớt đi ở vài chỗ khác.
Những hòn đá tổ ong to, nhỏ được ông gắn kết lại tạo nên khung cảnh sơn thủy. Có suối nước chảy róc rách dưới chân cầu. Bên bờ suối vắng gắn tượng nhỏ xíu hình ông Lã Vọng ngồi câu cá. Chỗ kia có người tiều phu gánh củi, chỗ nọ chú mục đồng ngồi thổi sáo trên lưng trâu. Phía trên núi cao, nơi hang sâu có ngôi cổ tự trầm mặc. Những cây cảnh nhỏ chỉ cao vài phân, ông đã trồng trước ở bên ngoài, giờ được gắn lên sườn dốc thoai thoải tạo nên khu rừng bí ẩn. Những tảng đá được phủ thêm những mảng rêu xanh mỏng, tôi tưởng tất cả như đã có từ ngàn xưa.
Trong một lần được về nhà nghỉ phép, buổi chiều sau khi cơm nước xong, bố tôi đi dạo quanh khu phố, một thói quen của ông. Tôi vội xỏ dép theo ông. Vài bước là ra tới đầu hẻm. Trước mặt là đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) nhìn chếch sang trái, bên kia đường là hãng kem Yến Sơn. Tôi còn nhớ vị béo ngậy của cây kem Eskimo, kem sữa phủ lớp chocolate mỏng do hãng này làm. Sang trái vài căn nữa là phòng trà Baccara sang trọng, mấy anh gác cổng cầm dù đón khách mặc áo đeo ngù vai giống như chú lính chì trong truyện cổ tích của Andersen.
Kế bên phòng trà, ngay góc ngã tư Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám) là rạp Nam Quang chuyên chiếu phim võ hiệp Hồng Kông. Là rạp bình dân nên phim thường chiếu muộn hơn những rạp lớn một hai tuần, nhưng bù lại mỗi lần khán giả được xem hai phim. Chéo góc với rạp Nam Quang là chợ Đũi, ngôi chợ nhỏ được đặt theo tên họ đạo Chợ Đũi đã có lâu đời ở Sài Gòn. Chợ bình dân nên buổi tối chợ Đũi vẫn có hàng bán tạp hóa và vài quán nhậu bình dân mở cửa.
Chúng tôi đi dọc đường Trần Quý Cáp đến ngã tư rẽ trái vào đường Lê Văn Duyệt, ngay góc là tiệm Thái Hưng chuyên bán tivi hiệu National của Nhật Bản (giờ đổi tên thành Panasonic) bên ngoài dựng phao hình cậu bé Astro Boy (truyện tranh Nhật) đi ủng đỏ, cao như người thật. Đi tiếp vài căn là hiệu may Phạm Hiếu chuyên may veston, chủ hiệu là người Bắc di cư. Tiếp đến là tiệm thuốc bắc Kiện An, mỗi khi đi ngang qua, tôi luôn có cảm giác vị ngọt thanh thanh trong cổ họng, thơm mùi cam thảo. Đi thêm vài căn nữa có hẻm nhỏ, quẹo trái đi thẳng vào sẽ cắt ngang con hẻm nhà tôi. Chúng tôi đi dạo một vòng khu phố theo chu vi hình chữ nhật.
Gần đến nhà, bố tôi dừng lại trước nhà ông Lãm, gọi cửa xin gặp. Ông Lãm bước vội ra mời bố tôi vào nói chuyện. Nhờ đi theo bố, đây là lần đầu tiên tôi vào nhà ông Lãm. Khi người lớn nói chuyện, tôi nhìn quanh căn phòng. Nhà ông Lãm cũng có tủ sách lớn giống nhà tôi. Con cái đông, sách học nhiều. Gần cửa sổ kê cái bàn nhỏ, đèn bàn đang sáng, những chiếc dùi, đục, vụn gỗ vương vãi trên mặt bàn. Đây chắc là bàn làm việc của ông Lãm. Hai người lớn nói chuyện vui vẻ một lúc rồi bố tôi xin phép ra về.
- Xem thêm: ‘Nhất Dương Chỉ, Nhị Thiên Đường…’
Chiều hôm sau, Trung con ông Lãm, hơn tôi một tuổi, đến gặp bố tôi nói: “Thưa bác, bố cháu mời bác sang nhà chơi”. Tôi lại theo bố sang nhà ông Lãm. Đến nơi, ông Lãm đã đợi ngay cửa mời bố tôi vào. Vừa ngồi vào bàn, ông Lãm đưa cho bố tôi xem con dấu nhỏ bằng gỗ. Bố tôi đóng thử con dấu lên giấy. Ông xem hình nét mặt vui hẳn lên.
Khi về, tôi hỏi: “Bố khắc con dấu này để làm gì?” Ông đáp: “Dùng để đóng vào trang đầu những quyển sách của bố”. Con dấu của bố tôi khắc chữ Thiên Anh viết theo lối cách điệu. Từ Thiên dòng trên, từ Anh dòng dưới, chữ T cao bao bọc các chữ khác như cánh tay người cha che chở cho đàn con, tất cả nằm gọn trong khung viền hình vuông 3 x 3cm.
Ngắm nét chữ to đẹp từ con dấu của bố tôi in trên giấy, tôi chợt nhớ chuyện cách đó vài hôm. Tôi nhờ Trung khắc hình lên cục gôm cho tôi, đổi lại tôi tặng Trung phong kẹo singum. Ngày đó, chúng tôi dùng gôm hiệu Rabbit. Gôm màu trắng, hình chữ nhật mỏng (15x20x6mm). Lúc làm, Trung thoa lớp dầu lửa mỏng lên mặt gôm. Đợi hơi khô, ấn mạnh cục gôm vào hình vẽ tôi đã chọn, vết mực sẽ in hình ngược lên cục gôm. Dựa vào đó, Trung dùng bút tre gắn lưỡi lam cắt xéo nhọn đầu khắc bỏ hết những khoảng trắng. Một lúc sau là hoàn thành, tôi có thể đóng hình Sĩ Phú (truyện tranh Bỉ, Spirou et Fantasio) lên giấy nháp để ngắm bất kỳ lúc nào. Khi nào chán lại dùng làm gôm tẩy, rồi xin anh cho cục gôm khác khắc hình Lữ Hân (truyện tranh Bỉ, Johan et Pirlouit). Hồi ấy, bạn bè chúng tôi đều có khắc cho mình con dấu hình riêng theo sở thích.
Sau năm 1975, tình hình kinh tế, xã hội thay đổi. Nhiều người phải thay đổi công việc nhưng ông Lãm vẫn tiếp tục làm công việc cũ. Ông vẫn xây non bộ, tỉa cây cảnh, khách vẫn tìm đến mua sản phẩm của ông. Tôi lớn dần, thời gian học nhiều nên ít xem ông làm việc nữa.
Khoảng đầu thập niên 1980, một buổi nọ, tôi thấy nhà ông Lãm chộn rộn hẳn. Người bê chậu cây, hai ba người khuân non bộ, đi ra đi vào nhiều lần. Tôi nghĩ chắc ông gặp mối mua hàng lớn. Hỏi ra, Hội hoa Tao Đàn do thành phố tổ chức mời ông tham gia triển lãm non bộ, cây cảnh. Mấy tuần sau, cả xóm trầm trồ nhìn ông Lãm áo sơ mi trắng đeo cà vạt khác hẳn ngày thường. Đi bên cạnh, Trung hãnh diện ôm bằng khen do ban tổ chức Hội hoa trao tặng. Đến lúc này, hàng xóm mới biết ông Lãm chân chất, ít nói là một nghệ sĩ được nhiều người biết đến.
Sau đó vài năm, cả xóm lại bất ngờ khi thấy hai công an đến đưa ông đi. Chiều đó họp tổ, ông tổ trưởng thông báo: ông Lãm có liên quan đến việc làm con dấu giả nên công an mời ông lên làm việc. Công an sau khi điều tra cho biết: ông Lãm thương bạn, dạy người này nghề khắc dấu, người này khắc dấu giả đi lừa đảo. Ông Lãm ngay tình, thật thà, không liên quan vụ việc.
- Xem thêm: Di sản của ‘ông Khai Trí’
Sau lần đó, ông Lãm gần như không ra ngoài. Thời gian sau, gia đình ông chuyển sang căn nhà mới cách nhà cũ một khu phố. Căn nhà cũ để hai con trai ở, những non bộ và cây cảnh vơi dần rồi mất hẳn.
Rồi một ngày, có người báo tin ông Lãm mới mất. Cả xóm bàn tán xôn xao. Có người nói mới thấy ông đây giờ mất rồi. Có người bảo do hồi trẻ ông làm việc nhiều nên mất sớm. Người khác lại bảo, sau lần bị rủi ro, ông phiền muộn, u uất lâu ngày rồi mất. Dù vậy, mọi người đều cảm thương, đến thắp hương tiễn biệt ông.
Về phần tôi, tôi luôn quý trọng ông Lãm. Ông là người đàn ông chân chính, người chồng, người cha hết lòng vì gia đình. Người luôn tận tâm với công việc. Người nghệ sĩ tài hoa. Giờ nhớ về ông, tôi chợt nghĩ, có lẽ việc dời nhà đã tách ông ra khỏi nơi chốn quen thuộc, nơi chất chứa bao kỷ niệm, nơi đã gắn bó với ông hơn 30 năm từ khi mới di cư vào Nam. Khung cảnh thay đổi làm ông chông chênh. Ngôi nhà rộng rãi trong khu phố náo nhiệt, con cái dùng làm nơi buôn bán, người ra vào nhiều, không còn sự tĩnh lặng để ông ngắm những non bộ trầm mặc. Gia đình muốn ông được nghỉ ngơi, ngừng làm việc. Ông dần cảm thấy cô đơn trống rỗng. Người nghệ sĩ mất đi niềm vui sáng tạo, cây sậy thôi suy tưởng. Chỉ một cơn gió thoảng, làn hơi lạnh bất chợt cũng đủ làm chiếc lá rơi rụng về cội.