Không chỉ nổi tiếng là xứ sở của loài chuột túi kangaroo đáng yêu, Australia còn được biết đến với rất nhiều công trình mang hơi thở Âu châu, dù cách xa lục địa này tới 14.085km, thể hiện qua các phong cách như Gothic, Baroque, Cổ điển, Thuộc địa, đồng thời là những công trình bản địa rất riêng, lạ mắt, hiện đại thuộc chính quốc và châu Đại Dương. Khó có thể kể hết sự độc đáo của các kiến trúc cổ kim như vậy, chỉ xin đề cập tới một vài ví dụ tiêu biểu cho thấy vẻ đẹp đặc sắc và ấn tượng của nhà cửa Australia.
Đến thành phố Sydney, bang New South Wales – Australia, bạn sẽ ngỡ ngàng trước một tòa nhà rất to, có hình những cánh buồm lộng gió, hoặc những con sò bám dính bên bờ biển. Đó là Nhà hát Sydney Opera House, một thiết kế của công trình sư người Đan Mạch Jorn Utzon, khởi công từ năm 1958 và mở cửa vào năm 1973, sau 15 năm xây dựng. Với hình dạng đặc biệt như một đoàn thuyền vĩ đại, nó được xem là một kiến trúc gợi nhớ nhất thế kỷ XX và là một Di sản văn hóa của UNESCO vào năm 2007.
Về phong cách, tòa nhà được xây dựng theo trường phái biểu hiện (Expressonist) hiện đại, tức là có những gì hoa mỹ nhất, tinh túy nhất đều biểu lộ ra ngoài, song lại hiện đại, gọn gàng với một loạt cấu trúc hình vỏ sò bằng bê tông đúc sẵn trắng muốt, mỗi cái chứa một mặt cắt của một khối cầu bán kính 75,2m, hình thành một bộ mái đồ sộ và được nâng đỡ bởi 588 cột trụ đóng sâu xuống đáy vực 25m nên rất chắc chắn. Cao như một tòa nhà 22 tầng – 67m, bộ mái khổng lồ này còn được ghép từ 2.194 khối bê tông, nặng 32.910 tấn, trên mặt lát 1,056 triệu viên gạch Thụy Điển trắng bóng.
Vì vẻ đẹp tuyệt vời lấp lánh, dù sớm hay tối, lại mang ý nghĩa về một đoàn thuyền ra vào bến cảng cùng những sinh vật bé nhỏ của đại dương song nhiều và đoàn kết, vào ngày 28 tháng 6 năm 2007, Nhà hát Sydney Opera House đã được phong tặng danh hiệu Di sản thế giới, sánh ngang với những kỳ quan cổ đại như Kim tự tháp Ai Cập, Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc, Đền Taj Mahal Ấn Độ…
Chỉ có tên Q1, song công trình đang kể dưới đây là một tòa nhà cao nhất Queensland và thứ 7 thế giới, cao 323m, 80 tầng, gồm 527 căn hộ và có nghĩa là nhà số một của Queensland. Được thiết kế bởi công ty SDG& Buchan, Q1 phỏng theo ngọn đuốc của Thế Vận hội mùa hè Sydney năm 2000 cùng Nhà hát Sydney Opera House trên và được khánh thành vào năm 2005, làm một chung cư cao nhất hành tinh bấy giờ và vẫn cao nhất Nam Bán cầu hôm nay.
Công trình rất đẹp, trông như một bó đuốc cháy rừng rực, bắn những tia lửa bay quanh tháp song bằng nhôm, kính và thép trắng. Do cao hơn 320m, có mái ở độ cao 245m và tầng thượng tại 235m, cũng là một đài quan sát toàn cảnh thành phố nên nó cần 26 cột trụ, mỗi cột đường kính 2m, dài 40m, cắm sâu 4m vào nền đá để chịu được mọi trận gió giật.
Nhà triển lãm Hoàng gia cũng là một công trình đẹp khó tả, hơn thế còn giống như một cung điện nguy nga. Ra đời vào năm 1880 để tổ chức Hội chợ quốc tế Melbourne 1880-1881, cho tới nay công trình đã được tu bổ hai lần và là kiến trúc tiền phong của cả Australia được xét Di sản UNESCO. Cụ thể, nó nằm tại Melbourne, Victoria và có hình một cây thánh giá dài 150m, song có diện tích tới 26 hecta và được bao bọc bởi bốn tuyến phố.
Hơn thế, nó cũng mang 4 phong cách: Byzance, Romanesque, Lombardic và Phục hưng của Ý, cũng như có sự phối hợp của nhiều chất liệu gồm gỗ, gạch, ngói, sắt và đá slate. Mái vòm của công trình được lấy mẫu theo thánh đường Florence của Ý, trong khi các lầu chính chịu ảnh hưởng của lối Rundbogenstil cùng nhiều công trình tại Normandie, Caen và Paris của Pháp.
Đại điện ở đây có lẽ là điểm thu hút nhất vì từ xa người ta đã thấy nó sừng sững với một mái vòm cao 68m, rộng 18,3m được làm từ gang, khung gỗ, trát hai lần. Bên trong vẽ vô số bích họa và một dòng chữ: Victoria đón chào mọi quốc gia. Vào năm 1888, công trình được lắp thêm một cây cột đèn và trở thành một tòa nhà đầu tiên thắp sáng ban đêm.
Tháp Eureka lại là kiến trúc cao nhất Melbourne và có vẻ hoàn toàn mới lạ, chưa từng gặp. Tọa lạc ở Southbank – Melbourne, nó cao tới 297,3m và là một tòa nhà chọc trời từng cao nhất thế giới và hiện nay là chung cư cao thứ 15. Công trình được đặt tên theo một cuộc nổi loạn trong Đợt đổ xô đi tìm vàng diễn ra ở Victoria vào năm 1854, và điều ấy được minh chứng qua thiết kế với phần mũ bằng vàng biểu thị cho cuộc đào vàng và một sọc đỏ chỉ máu đã đổ ra trong cuộc nổi dậy.
Những mặt kính màu xanh lơ bao phủ công trình là màu xanh của lá cờ này. Tại chân của tòa tháp còn có một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt giả lập tổ ong với một ong chúa màu vàng lãnh đạo muôn con ong thợ hùng dũng. Về đại thể, đây là một tòa nhà chung cư cao 91 tầng và một hầm ngầm, chứa 556 căn hộ, nặng 200.000 tấn, làm từ 110.000 tấn bê tông, 5.000 tấn thép, 52.000m2 cửa kính, 3.680 bậc thang cùng 13 chiếc thang máy tốc độ 9 m/giây. Từ tầng 82 tới tầng 87 gọi là đỉnh điểm Summit, mỗi tầng chỉ có một căn hộ, trị giá khoảng 7 triệu đô la/căn; tầng 88 là một khoan quan sát, tầng 89 là nhà hàng, tầng 90 là ban công và 91 bom nước.
Tòa nhà số 120 phố Collins cũng là một công trình cao kều và còn theo phong thái hậu hiện đại, Art Deco được lấy cảm hứng từ hai công trình lừng danh New York Mỹ: tòa nhà Chrysler và Empire State.
Cao 265m, trên quận thương mại đông đúc nhất Melbourne, nó đã xuất hiện từ năm 1991, gồm 50 tầng công sở, 4 tầng trồng cây. Công trình đã từng là tòa nhà cao nhất nước trong 14 năm, rồi nhường cho Q1, kế tới là cao nhất Melbourne cho tới khi có Tháp Eureka và hiện là kiến trúc cao thứ sáu nước này.
Do mới chỉ góp mặt vào năm 2014 nên Tháp Infinity là một trong các công trình hiện đại nhất đương thời, cũng là nhà chọc trời cao nhất Brisbane với 262m, 81 tầng và 549 căn hộ chung cư nằm uy nghi chính giữa thành phố.
Tòa tháp rất ấn tượng bởi độ cao, song cái hấp dẫn nhất ở nó lại là cách thiết kế một mặt có những đường kẻ ngang là các tầng nhà, mặt kia là những đường kẻ thẳng – hình trang trí trông như những giọt nước mưa hoặc một dòng điện, tia sáng rơi từ trên trời rơi xuống! Một điểm nữa là sự phản chiếu từ kính do có tới 20.800m2 kính được dùng làm tường và cửa sổ.
Thế nhưng công trình thu hút được mọi sự quan tâm của du khách khi đến Australia lại là Tòa nhà Quốc hội hay Nghị viên ở thủ đô Canberra, mà vào ngày khánh thành 9 tháng 5 năm 1988 được chính Nữ hoàng Elizabeth II cắt băng khánh thành. Rộng tới 250.000m2, tòa nhà có đến 4.700 gian phòng. Những phòng của Hạ viện được trang trí màu xanh lá cây trong khi của Thượng viên là màu đỏ hồng.
Không như nhiều công trình nhà nước khác, Nhà Quốc hội Australia được thiết kế để tiếp đón, cho phép mọi người vào thăm nhiều nhất, và nổi bật với phần sân trước Forecourt và đại hành lang Verandah biểu thị những khởi nguồn cổ đại mà nhờ đó Australia vươn lên, và được một nghệ sĩ thổ dân Aboriginal là Michael Nelson Jagamara thiết kế với một bức tranh khảm 196m2 làm từ đá hồng, miêu tả cảnh sắc con người xứ sở. Kế đó là gian sảnh đá Marble Foyer gồm 48 cây cột bằng đá hoa cương màu hồng và xanh, cũng gợi nhớ tới thiên nhiên Australia hùng vĩ, đồng thời là hai màu của hai viện.
Lối đi lên của nó, hai đầu là hai cầu thang bộ được làm từ nhiều loại đá có hoa văn độc đáo, chẳng hạn như đá vôi Granitello Nero chứa đầy những hóa thạch sinh vật biển như san hô, bọt biển, huệ biển đã có niên đại 345 triệu năm. Tại các gian hay điện khác, động thực vật cũng được khắc họa và trưng bày phong phú, trong đó có loài đại thử kangaroo và đại điểu emu.
Quảng trường Federation – Melbourne là nơi hội tụ của muôn nhà cửa cũng như điểm hẹn riêng tư, tự do của nhiều người. Là trung tâm văn hóa, nghệ thuật và sự kiện cộng đồng, quảng trường này trải dài tới 3,2ha với rất nhiều tòa nhà phong cách deconstructivist, gồm nhiều góc cạnh, hình học lô xô, trên bề mặt ốp lát gốm sứm, sơn phủ sặc sỡ. Đa số kiến trúc thường bằng bê tông cốt thép, quây kính, song trang trí bên ngoài bằng khá nhiều chất liệu khác nhau như kẽm, đồng, thủy tinh, sa thạch, nhựa…
Đặc biệt, quảng trường còn có một mê cung ngầm, bố trí những bức tường rỗ mặt kiểu tổ ong với hình dạng lượn sóng zích zắc, cao 3m, dài 1,2km, bao lấy một khu vực 1.600m2. Nằm dưới quảng trường, nó được dùng chủ yếu vào hè nhằm hạ nhiệt độ cho nơi này khi gió sông Yarra được hút và phả vào đây, chảy đi muôn nơi, điều hòa không khí.