Đẹp, thuần vẻ Á Đông trong tinh thần, nhưng đậm chất đương đại trong không gian kiến trúc. Ngôi nhà ngay cửa biển nơi làng chài Phúc Hải, Quảng Nam, là tổ ấm của chị Aldegonde Van Alsenoy (Bỉ) và anh Lodovico Ruggeri (Ý), cùng hai cô con gái có tên rất mênh mang là Trời và Biển.
Anh là thủy thủ với một đời yêu biển, từ Ý phiêu dạt đến Việt Nam sống gắn với Cù Lao Chàm, biển Cửa Đại. Chị là nhà thiết kế thời trang gắn bó với núi rừng, với đồng bào Cơ Tu tít miệt Đông Giang, Quảng Nam. Hai con người với đam mê rừng – biển ấy, hòa hợp làm một. Với sự “nhượng bộ” của chị vợ, anh được ưu tiên chọn đất an cư, hiển nhiên tố chất của một thủy thủ sẽ là quay về biển.
Miếng đất rộng hơn nghìn mét vuông, được đôi “uyên ương” Bỉ – Ý chung tay xây tổ ấm ở một vị trí cũng chẳng giống ai, ấy là ngay mép nước nơi cửa biển của làng chài Phúc Hải, cách phố cổ Hội An hơn 10 cây số.
Ngôi nhà đẹp lạ ở Phúc Hải
Aldegonde Van Alsenoy có tên tắt Ava, là chuyên gia thiết kế nội thất và thời trang, cũng là người sáng lập nên thương hiệu thời trang Avana với các cửa hiệu ở Hội An, Đà Nẵng. Quen nhau từ chuyến đi lên buôn làng Dhroong thuộc xã Sông Côn, huyện Đông Giang, Ava thân tình rủ rê tôi về ngôi nhà của vợ chồng chị nơi cửa biển Phúc Hải.
Làng chài Phúc Hải nhỏ bé, lọt giữa những khu nghỉ mát sang trọng, và không khó để tìm ra ngôi nhà kỳ lạ của Ava, dù chẳng cần địa chỉ. Trước khi đi, Ava dặn dò: “Cứ đến Phúc Hải, tìm đường ra cửa biển, thấy ngôi nhà nào lạ nhất ở đấy thì là nhà của mình, bằng không cứ hỏi dân làng nhà cô Tây ở đâu là người ta chỉ ngay”.
Đến Phúc Hải ngay ngày dân biển đi khơi, ngôi làng thanh vắng, đầy yên bình. Loanh quanh trong đường làng, hỏi thăm lối đến nhà Ava, một lão ngư nhiệt tình chỉ ngay: “Mi cứ đi, thẳng hướng ni ra cửa biển, thấy cái chỗ mô có ngôi nhà to thiệt to là nhà hắn nớ”. Quả thật, giữa những ngôi nhà mái ngói, nhỏ xinh quen gặp nơi dải đất miền Trung, nổi lên một không gian khác lạ. Ngôi nhà mái bằng, nhìn từ xa như hai khối hộp gá lên nhau, mặt tiền rộng đến 15m hướng ra khoảng sân cỏ rộng thênh thang, đón nắng gió nơi cửa biển ngay trước thềm nhà.
- Xem thêm: Đô thị đặc thù – Tiến biển bằng đô thị: Tâm thức biển của người Việt: một cái nhìn văn hóa – lịch sử
Nói về kiến trúc thú vị của ngôi nhà, chủ nhân Lodovico Ruggeri – quen gọi Lodo, ông xã của Ava chia sẻ: “Ban đầu tôi chọn mua lô đất ở đây, có nhiều lý do, trước hết là rẻ, sau là phong cảnh đẹp, rất Việt Nam, lại tiện cho công việc của tôi là làm dịch vụ du lịch lặn biển (Lodo là người đầu tiên đưa môn lặn biển vào Cù Lao Chàm – PV), đi lại bằng đường biển dễ dàng. Ban đầu ngôi nhà chưa thế này đâu, nhỏ nhỏ thôi, và vợ chồng tôi hay đón bạn bè nước ngoài. Nhà cũ không tiện nghi nên khi xây mới, gặp đúng dịp người bạn của hai vợ chồng là kiến trúc sư Pháp Fred Evrard ở cùng gia đình 2 tháng nghỉ dưỡng. Vậy là thiết kế ngôi nhà ra đời”.
Việc thi công đều sử dụng thợ bản địa, nguyên liệu bản địa. Ava thêm vào: “Ngôi nhà chúng tôi chẳng theo một khuôn mẫu có trước nào, thợ trong làng, rồi cả thợ Hội An cũng chưa từng làm nhà nào phong cách như thế nên rất vất vả, lại bất đồng ngôn ngữ. Biết bao lần làm sai, phải đập đi sửa lại. Cuối cùng ngôi nhà cũng hình thành, lấy phong cách nhiệt đới với mảng xanh của vườn, của rặng dừa làm điểm nhấn. Gia đình tôi và bạn bè ghé thăm đều thích hình ảnh ngôi nhà như ẩn mình vào khoảng thiên nhiên ấy”.
Tây về xứ Quảng
Ngồi trong không gian nội thất của ngôi nhà đẹp, Ava và Lodo cho biết khi thiết lập không gian này, cả hai vợ chồng quyết định chọn nơi đây làm quê hương thứ hai để xây dựng cuộc sống. Những yếu tố Á Đông trong tinh thần, Tây Âu trong phong cách được thể hiện rõ trên các chi tiết trang trí. Ngôi nhà sử dụng những đường nét cơ bản của hình học là ngang bằng, sổ thẳng, tạo sự giản đơn. Các chất liệu xây dựng cũng để mộc, với vách đá, trần bê tông để nguyên màu, trang trí trên đó bằng những đường rãnh được Ava cho biết từ vân chiếu cói. Khi nhà đổ bê tông, phần chiếu cói địa phương sản xuất được lót dưới, khi tháo ra tạo hiệu ứng trang trí thật lạ mắt.
Thường ngày, phần việc của Ava và Lodo chẳng ăn nhập gì nhau. Lodo là thủy thủ, cuộc sống gắn với biển. Cá tính người thủy thủ cũng hiện hữu trong không gian nội thất ngôi nhà, với những cửa sổ lấy sáng ở phòng riêng hai vợ chồng, được thiết kế hình tròn, gợi về những cửa lấy sáng trên các con tàu biển. Ava là một nhà nghiên cứu vải dệt, chị gắn với công việc sáng tạo, giúp người dân tộc Cơ Tu ở buôn làng Dhroong, thuộc xã Sông Côn, huyện Đông Giang trong thiết kế, dệt ra các khuôn mẫu lấy cảm hứng từ hoa văn người Cơ Tu, sau đó đem phối các hoa văn truyền thống ấy vào các trang phục hiện đại ở thương hiệu thời trang Avana.
Hai tình yêu với buôn làng, biển cả ấy đúc kết thành gia đình nhỏ xinh của Lodo và Ava. Hai cô con gái ra đời, được anh chị đặt tên thân thương cho cô chị cả là Biển (Ocean) và đứa em là Trời (Sky). Cách dạy con của hai vợ chồng Tây này cũng rất… Việt. Ấy là cho hai con đi “hẹc” (thổ âm Quảng ngữ của “học” mà Lodo rành rọt) trường làng, chơi với lũ trẻ làng. Hai cô gái xinh của Ava – Lodo nay đã thành thiếu nữ, nói tiếng Quảng nhuyễn như người bản xứ.
Ava lý giải cho sự lựa chọn làng quê và trường lớp bản địa: “Trẻ con cần có tuổi thơ, và tôi thấy chỉ có ở những làng quê xa chốn thị thành, tuổi thơ của con trẻ mới phong phú và đa sắc màu nhất. Hai con tôi tự đến trường, tự về nhà cùng lũ trẻ làng. Ngày nghỉ cả hai loanh quanh chơi đùa khắp ngõ ngách cùng chúng bạn ở làng. Nhà tôi có sân rộng, có nhiều trò chơi nên trẻ con làng hay trèo tường vào chơi cùng hai đứa nhỏ. Chúng tôi sống ở đây, là tận hưởng không khí thanh bình nơi làng quê Việt; còn hai con sẽ có được nhiều kỷ niệm, cảm xúc, và một tuổi thơ thú vị”.
Ở trong gia đình, Ava tất bật với công việc, với thiết kế, với sự phối hợp cùng người Cơ Tu bản địa, lo chuyện kinh doanh. Lodo lại điềm đạm, thảnh thơi để chăm lo nội trợ. Anh bảo: “Tôi là dân Ý, cậu biết đấy dân Ý rất khoái nấu ăn. Nên khi thiết kế ngôi nhà, tôi muốn có một gian bếp thật hoành tráng để tôi nấu nướng cho gia đình, bạn bè”.
Trình độ “Quảng ngữ” của Lodo thật tốt, anh nghe hiểu và thậm chí có lúc kiêm luôn phiên dịch tiếng Việt cho tôi khi trò chuyện cùng người bản địa. Ở làng chài Phúc Hải, hình ảnh hai cô bé Tây tóc vàng, mắt xanh, đeo khăn quàng đỏ, đu bám xe đạp cùng lũ trẻ làng đã không còn xa lạ. Cô Tây cưỡi xe máy phăng phăng, ông Tây ở trần quần đùi lang thang trong đường làng hay chơi đùa với lũ trẻ con nơi sân nhà đã thân thuộc trong mắt ngư dân Phúc Hải từ gần hai chục năm qua.
- Xem thêm: Đô thị đặc thù – Tiến biển bằng đô thị: Phát triển đô thị biển nhìn từ bài toán chi phí và lợi ích
Bên cạnh cuộc sống gia đình, Lodo rất quan tâm đến việc làng, cả những chuyện thời sự, gắn với doanh nghiệp Hải Bàn – hãng lữ hành đưa khách lặn biển Cù Lao Chàm do Lodo đảm trách. Anh bảo, làm du lịch, bảo vệ môi trường, không dùng túi nylon, cũng tốt, nhưng còn tùy lúc. Tôi thắc mắc cái “tùy lúc” của Lodo bởi không hiểu nó là gì? Điệu bộ giả vờ ngó trước ngó sau, mặt nửa nghiêm trọng, nửa hài hước, Lodo ghé tai, bảo: “Hôm tôi có khách lặn biển bị va chân vào cạnh đá, vết thương khá nặng, chảy máu nhiều. Tôi cần tìm một túi nylon để đựng nước đá chườm vết thương giúp khách cầm máu và chống sưng tấy, phù nề. Thật xui xẻo khi đến đâu cũng nhận cái lắc đầu kèm câu: Xin lỗi, ở đây không dùng bao nylon. Cậu thấy đấy, sự vật bao giờ cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực…”.