Mỗi mùa mưa bão đến, nhà ở lại trở thành nỗi lo lắng, trăn trở của bà con miền Trung. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện để xây dựng những ngôi nhà to kiên cố có thể chống chịu mưa lớn, bão cấp độ mạnh. Bởi ai cũng biết, miền Trung đã khó khăn lại càng thêm gian khổ khi năm nào cũng phải hứng chịu nhiều thiên tai bão lũ nhất cả nước. Vì vậy, xây nhà chống bão trở thành nhu cầu thiết yếu…
Một số giải pháp xây nhà chống bão, lũ có thể áp dụng với nhiều khu vực, nhiều đối tượng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Thiết kế và xây dựng nhà ở vùng gió bão cần phải phân tích, tính toán cụ thể ảnh hưởng của gió bão tới thiết kế nhà theo đặc thù địa hình và khí hậu của vùng đó. Quan trọng nhất chính là phải có các giải pháp kỹ thuật phù hợp để đảm bảo giảm tác động của thiên tai gió bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Thiết kế nhà phòng, chống bão
Giải pháp kiến trúc: Nên chọn nơi khuất gió bão, tránh đối mặt với hướng gió chủ đạo, tránh nơi trống trải hướng ra biển, hồ lớn. Ở miền Trung nên tránh hướng Đông, hạn chế Đông Nam. Có thể tận dụng các địa hình có vật cản như gò đồi. Có thể trồng cây để cản bớt tác động trực tiếp của gió bão vào nhà nhưng hàng năm phải chú ý cắt tỉa bớt cành để tránh việc cây đổ vào nhà khi có mưa gió lớn.
Nên bố trí tạo thành cụm, các nhà bố trí so le nhau, tránh bố trí thẳng hàng dễ hình thành túi gió hay luồng gió xoáy. Nhà nên thiết kế dạng chữ nhật, có tỷ lệ chiều dài/chiều rộng không quá 2.5 lần. Tránh thiết kế nhà có dạng chữ U hay chữ T vì sẽ tạo thành túi gió.
Tường xây gạch cần phải được gia cường bằng giằng và cột bổ trụ hay neo vào các khung hay sàn chịu lực. Hạn chế trổ cửa sổ hay cửa có diện tích lớn. Cửa phải kín gió để tránh hiện tượng cửa bị bung khi bị gió giật. Tốt nhất là làm cửa sổ dạng khung đẩy theo phương đứng hoặc phương ngang. Khung cửa cần được liên kết chắc chắn với tường.
Giải pháp về kết cấu: Kết cấu chịu lực của ngôi nhà cần đơn giản, toàn bộ ngôi nhà tạo thành một tổng thể không gian kiến trúc có độ cứng tốt theo cả ba phương và có khả năng chống xoắn tốt cho ngôi nhà. Tất cả các bộ phận kết cấu của ngôi cần phải được neo giữ vào những điểm kiên cố có khả năng chống lại tác động của gió bão. Đặc biệt, phải bố trí hệ thống giằng và liên kết cứng tất cả các phần kết cấu lại với nhau để tạo nên một khối tổng thể giúp tăng khả năng chống trượt, chống xô đổ, chống xoắn cho căn nhà.
Giải pháp mặt bằng mái: Mái nhà nên để độ dốc hợp lý, thông thường từ khoảng 30 – 33 độ. Đối với mái nhẹ có độ dốc khoảng 5 – 10 độ sẽ rất dễ bị tốc, do đó cần hạn chế các thành phần nhô ra ngoài tường của mái khoảng 30 – 50cm. Nếu làm mái hiên thì nên làm hiên rời để nếu bị tốc sẽ ít ảnh hưởng tới mái chính của nhà (Hình 1).
Đối với những ngôi nhà thấp tầng (nhà cấp 4) giá rẻ, vật liệu dùng cho mái chủ yếu có kết cấu nhẹ, thường là ngói, tôn xi măng, mái lợp phibro hoặc các phên tre, nứa, lá… Những loại mái này dễ bị tốc khi có gió bão. Để hạn chế việc này, phải sử dụng biện pháp neo, giữ chúng chắc chắn vào hệ kết cấu mái.
Có thể thực hiện bằng cách buộc, neo, xây bờ nóc, bờ chảy, chèn vữa xi măng (Hình 2) hay đè giữ bằng các bao cát… Ngoài ra, để đảm bảo hệ thống mái không bị tốc thì các kết cấu khác của mái cũng phải liên kết chắn chắn và chặt chẽ với nhau tạo thành một khối chắc chắn.
Cuối cùng, vì kèo mái phải được níu chặt vào tường, cột chịu lực bằng thép phi 6 để truyền tải trọng gió xuống kết cấu móng nhà.
Trần nhà có kết cấu chắc chắn, liên kết chắc chắn với tường trong và tường ngoài của nhà có thể tăng phần lớn khả năng chống xô đổ của tường khi có gió bão. Nếu có thể nên làm gác lửng cho ngôi nhà, sẽ gia tăng khả năng chịu lực gió của nhà cũng như giúp gia chủ tăng thêm chỗ trú ẩn khi cần. Với những vùng vừa bão vừa lụt thì giải pháp này lại càng khả thi (Hình 3). Chú ý bố trí các cửa thoát hiểm trên trần và mái nhà để phòng các sự cố khi có gió bão xảy ra (Hình 3b).
Với những gia đình không có điều kiện kinh tế, kết cấu mái được làm bằng khung gỗ hoặc tre, ở đầu hồi và tại những góc nhà cần bố trí những thanh chống chéo hình tam giác hoặc chữ X. Với kết cấu chịu lực là tường gạch thì bố trí các trụ và giằng bằng bê tông cốt thép liên kết với nhau. Trụ đứng sẽ bố trí ở góc tường và ngăn nhỏ các bức tường rộng. Giằng nên bố trí ở các cao trình mặt móng, hay các mép trên cửa sổ, cửa đi. Giằng sẽ phải khép kín chu vi tường bao nhà và nối tất cả các bức tường trong nhà lại với nhau.
Lưu ý là mỗi ngôi nhà chống bão nên chọn một phòng hay một khu vực để làm lõi cứng cho toàn nhà. Lõi cứng này có thể là tường gạch, xây bằng vữa, xi măng, cát… Các tường này nên có chiều dày ít nhất là 22cm. Nếu có làm gác lửng thì cũng nên làm ở khu vực này. Đây sẽ là nơi kiên cố để neo giữ những bộ phận và kết cấu nhà khác, cũng là nơi trú ẩn an toàn, cất giữ tài sản, lương thực cần thiết khi có bão lớn. Với những ngôi nhà truyền thống, khu vực này được kết hợp làm phòng thờ.
- Xem thêm: Vùng đất chữa lành
Ngoài ra, khi xây nhà chống bão, cần chú ý kết cấu móng phải chịu đủ lực. Mưa bão thường có gió mạnh đi kèm với ngập lụt, vì thế kết cấu móng còn phải đảm bảo chịu cả lực hướng ngang, vật liệu không bị hỏng khi bị ngập lụt, chịu lực tốt trong tình trạng ngập nước. Móng nhà chống bão thường xây bằng gạch, đá hoặc bê tông cốt thép. Tại các chân cột bố trí móng neo bằng thép để neo các chân cột.
Bên cạnh đó cần chú ý thêm một số các vấn đề như tường gạch vượt mái phải đặt dầm đỉnh tường bằng dầm bê tông cốt thép, neo xuống dưới đế theo các khoảng đều nhau. Các loại nhà tường khung gỗ tre, vách tre nứa dù có lớp trát hay không thì cũng chỉ coi là phương án nhà tạm. Những ngôi nhà này cần thực hiện giải pháp chống đỡ trước cơn bão…
Những mẫu nhà chống lụt
Nhà chống lũ lụt (hay nhà chống ngập) là những mô hình được thiết kế và xây dựng để thích ứng với mưa lũ, làm giảm bớt những tác động tiêu cực từ thiên tai đến đời sống người dân. Nhà chống lũ hiện nay có ba loại chính, đó là: nhà kê nền, nhà phao và nhà có gác.
Nhà kê nền: gồm nhà kê nền thấp và nhà kê nền cao. Trong đó, nhà kê nền thấp có sàn nhà được kê lên hệ cột cách mặt đất với khoảng cách tối thiểu là 500mm. Độ cao này đủ để đảm bảo bùn hoặc nước lũ và các vật cuốn theo có thể chảy qua khoảng trống dưới sàn, không gây tác hại đáng kể đến hệ kết cấu khung nhà.
Với nhà kê nền cao thì nền nhà được nâng lên trên mực nước lụt, cao khoảng 3m. Khi không có lũ, người dân có thể dựng vách, liếp che tầng 1 để sinh hoạt hoặc sử dụng cho gia súc. Khi có lũ, tầng 2 được sử dụng là nơi sinh hoạt và tránh lũ của người dân.
Nhà phao gồm hai mô hình là nhà phao biệt lập và nhà phao gắn liền nhà xây. Phao được sử dụng là các thùng phuy, bê tông nhẹ hay kết cấu phao nhẹ bằng bê tông nhẹ bọt khí.
Nhà phao biệt lập: Nhà phao làm tách rời nhà đang ở (Hình 5).
Mô hình áp dụng cho khu vực có mức lũ cao với biên độ dao động lớn từ 4-14m và ngâm lâu từ 3 – 10 ngày và không có dòng chảy xiết. Loại này thường hay sử dụng khi bị ngập lụt, tránh trú tạm thời cho người hoặc gia súc. Kết cấu đơn giản. giá thành rẻ, các thùng phuy được liên kết với sàn nhà và phần bao che để tránh mưa. nổi lên, hạ xuống theo mức nước lũ. Kết cấu nhà được neo giữ bởi giây neo xuống nền hoặc cây cối ở gần (Hình 6a).
Mô hình nhà phao gắn liền nhà xây là một gian nhà phao trên gác ngôi nhà xây (Hình 7). Gian nhà này có cơ cấu nổi vượt trên mức nước ngập với mức nổi tối đa trên 10m so với sàn tầng trệt. Mô hình có khung nhà phao trượt đều trên 4 cọc thép ở 4 góc, đồng thời còn là điểm neo chân cho khung nhà. Có thể áp dụng cho vùng có bão lớn, nước chỗ chảy xiết.
Nhà phao biệt lập và nhà phao gắn với nhà xây chỉ phát huy tác dụng trong thời gian bão lụt. Khi hết bão lũ các bộ phận ngôi nhà không sử dụng. Dưới đây tác giả đề xuất một loại nhà phao bằng xi măng lưới thép (XMLT) lắp ghép.
Nhà gồm hai phần: Phần phao và phần nhà bao che (Hình 8a). Phần phao bằng vật liệu XMLT, được ghép bởi nhiều bể (Hình 8b).
Từng hộ gia đình có thể tự thi công bằng phương pháp trát tay. Tổng chiều dầy là 2,5cm. Mỗi bể chỉ nặng khoảng 300kg, vì vậy rất dễ di dời, vận chuyển bằng thủ công. Ở 4 góc bể để sẵn các lỗ ⏀16 để bắt bu lông ghép các bể tạo thành phao. Khi lắp bu lông cần có đệm cao su 80x80x4 và vòng đệm thép cùng kích thước với tấm cao su. Đáy phao có thể ghép chặt lại bằng đai sắt hoặc dây. Kết cấu này cho phép tạo các phao có kích thước khác nhau tùy theo nhu cầu diện tích sử dụng của mỗi gia đình.
Loại mô hình này hoàn toàn linh hoạt, các bể có thể sử dụng đựng nước vào mùa khô để ăn uống hoặc tưới cây, điều này rất cần thiết cho các vùng hay bị khô hạn. Mùa lũ các bể được ghép lại thành phao nổi để làm nhà nổi trú ẩn cho người và gia súc. Chính các bể lại là nơi chứa đồ đạc hoặc tránh bão khi cần thiết.
Phần bao che được làm rất đơn giản, Các cột làm bằng thép L50x4 bắt chặt với bể bằng bu lông. Mái và tường xung quanh sử dụng thép L40x4 liên kết bu lông, dễ tháo lắp. Để tránh biến hình, các thanh thép liên kết thành hình chữ V hoặc chữ X. Vật liệu phủ bao che có thể dung tôn mỏng(tôn mạ kẽm cố định vào khung thép bởi đinh vít dài 3.5cm), hoặc phên nứa, cỏ tranh hoặc bạt. Với kết cấu đơn giản này người dân hoàn toàn có thể tự làm, phù hợp với đại đa số thu nhập của dân lao động miền Trung. Với mô hình này các doanh nghiệp xây dựng các bể có thể sản xuất hàng loạt bằng các công nghệ mới như công nghệ phun, rung…
Chú ý trước khi lắp ghép các bể cần được kê cao khỏi mặt đất để khi có lũ về nhà sẽ tự động nổi lên không bị lực hút dưới đáy bể. Để giữ được ngôi nhà tại vị trí cố định, có thể sử dụng các cây, cột điện… để neo giữ hoặc chôn 4 cột định vị ở 4 góc. Góc bể gắn bộ phần gối trượt bánh xe, có 3 bánh xe ôm vào mỗi cột (Chi tiết G hình 10) để ngôi nhà nổi cân bằng ổn định.
Nhờ các cấu kiện chế tạo trước, việc lắp ráp rất nhanh nên loại nhà có phao bằng XMLT lắp ghép còn có thể sử dụng làm nhà trú ẩn khẩn cấp.
_____
Tài liệu tham khảo:
1.Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật xây dựng nhà phòng chống bão lụt cơ bản.Trung Tâm Nghiên Cứu và Hợp Tác Quốc Tế (CECI)
2.Chương Trình Giảm Nhẹ Thảm Họa Thiên Tai Tại Các Thành Phố Nhỏ Châu Á ( PROMISE)- Tâm Nghiên Cứu và Hợp Tác Quốc Tế (CECI)
3.TCN -114-2006 Công trình thủy lợi, cầu máng vỏ mỏng XMLT, Hướng dẫn tính toán thiết kế.