Có những người luôn sợ hãi những cây cầu. Những người mắc bệnh Gephyrophobia (hội chứng sợ những cây cầu) thường cố tránh đi qua cầu, chấp nhận đi đường vòng để không phải đi ngang qua chúng. Tất nhiên, khá nhiều cây cầu cũng có thể là trải nghiệm khó khăn cho những người mắc chứng sợ độ cao. Tuy nhiên, với một số cây cầu, kinh hoàng dường như là phản ứng hợp lý duy nhất. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét 10 cây cầu sẽ khiến bất kỳ ai cũng chân run lẩy bẩy khi bước qua cầu.
Cầu Royal Gorge, bang Colorado
Cầu Royal Gorge, cây cầu cao nhất thế giới cho đến năm 2001, được xây dựng vào năm 1929 với giá 350.000 đô la. Cầu dài 384m bắc ngang qua hẻm núi Royal hùng vĩ của bang Colorado. Nước sông Arkansas cuồn cuộn chảy bên dưới với tiếng vang như sấm ở độ cao 291m, thỉnh thoảng lại có người lái những chiếc bè tung nước trắng xóa chiến đấu chống lại thiên nhiên.
Người ta chỉ mất 6 tháng để xây dựng cây cầu. Hai sợi dây cáp chính, mỗi sợi nặng 200 tấn, bao gồm 2.100 sợi cáp riêng lẻ được xoắn với nhau. 1.292 tấm ván gỗ được bắt bù-loong để tạo thành sàn của cây cầu. Vì không có khung thẳng đứng đỡ cho cây cầu, nó có xu hướng di chuyển theo chuyển động bước chân. Điều này có thể làm bạn bối rối khi băng qua cây cầu nối liền hẻm núi ở độ cao 291m, với một dòng sông cuồn cuộn chảy dưới chân bạn. Nếu không thích đi ngang qua cầu, bạn luôn có thể thử những chiếc giỏ khí cầu; nó sẽ đưa bạn sang phía bên kia mà không cần phải hoảng sợ.
Titlis Cliff Walk, Thụy Sĩ
Để băng qua Titlis Cliff Walk, trước tiên bạn cần phải leo lên núi Titlis; bạn sẽ thấy cây cầu đang chờ mình trên đỉnh núi. Sau đó, bạn phải đi bộ qua hang động của sông băng qua một đường hầm trong lòng núi để đến được nó.
Titlis Cliff Walk cao khoảng 3.000m so với mực nước biển và dài 100m nhưng chỉ rộng 1m. Nó nối liền 2 vách đá trên dãy núi Alps của Thụy Sĩ. Cây cầu bắc qua một vực sâu khoảng 500m. Bạn sẽ phải đi 150 bước để tiến về phía bên kia. Còn bên dưới là vực thẳm.
- Xem thêm: Cầu đường sắt, kỳ quan thế giới trên cao
Khi đã đến được phía bên kia, bạn có thể ngồi vào chiếc ghế nâng “Ice Flyer” lên đỉnh phía bên kia của sông băng. Chúng ta chỉ có thể tự hỏi tại sao không ai nghĩ rằng chỉ cần leo lên phía núi bên kia.
Cầu Marienbrucke, Đức
Marienbrucke (cầu Nữ hoàng Mary) ở Bavaria nằm trong khuôn viên của lâu đài Neuschwanstein. Lâu đài có tất cả mọi thứ mà một lâu đài nên có. Nằm trên đỉnh của một vách đá, có vẻ như nó sẽ bị chiếm giữ bởi một công chúa và một đôi rồng. Cây cầu không kém phần tuyệt vời so với lâu đài. Nó vượt qua 90m của con sông Pollat và mang đến tầm nhìn rực rỡ cho lâu đài.
Cầu được xây dựng chỉ nhằm mục đích ngắm cảnh. Maximillian II đã xây dựng những trạm dừng để ngắm cảnh xung quanh khu vực và để chiêm ngưỡng tòa lâu đài. Vào những năm 1840, ông đã ủy thác việc xây dựng cây cầu làm quà sinh nhật cho người phối ngẫu của mình. Marie, may mắn thay lại thích leo núi và vì thế không sợ độ cao.
Cầu Puente De Ojuela, Mexico
Ngay cả con đường dẫn đến Puente de Ojuela cũng khó đi qua, nhưng bản thân cây cầu mới thật sự kinh hoàng. Cây cầu dài khoảng 300m và lơ lửng ở độ cao gần 100m trên một khe núi. Cây cầu chỉ rộng 0,6m. Rất may, Puente de Ojuela hiện chỉ được sử dụng bởi người đi bộ, nhưng nó từng được sử dụng bởi những con lửa chở hàng trong quá khứ.
Cây cầu ban đầu được xây dựng vào năm 1898 và được sử dụng để chuyển vàng bạc khai thác từ các mỏ địa phương và vận chuyển nhu yếu phẩm. Cây cầu đu đưa khi bạn đi trên nó và mặc dù nó có tay vịn, khoảng trống giữa các tấm ván khá rộng, nghĩa là bạn có thể nhìn rõ hẻm núi bên dưới nếu đủ can đảm để nhìn xuống. Giao thông cũng di chuyển theo cả hai chiều trên cầu; vì vậy, bạn có thể thấy mình bị chen lấn khi đi trên cầu.
Nếu đủ can đảm để đi qua cây cầu (được thiết kế bởi chính những người đã thiết kế cầu Brooklyn), bạn sẽ có thể ghé thăm bảo tàng thị trấn ma và một trong những mỏ bị bỏ hoang.
Cầu treo Ghasa, Nepal
Cầu treo Ghasa có lẽ nên được gọi là cầu đu đưa Ghasa. Do độ cao và khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi gió lớn, cây cầu bị lắc lư, bập bênh khi người dân địa phương, du khách hay gia súc đi qua.
Cây cầu trông mỏng manh, nhưng vẫn được cho là khá cứng cáp. Nó vẫn được sử dụng để vận chuyển gia súc, mặc dù những con thú đôi khi được che mắt để ngăn chúng hoảng loạn khi băng qua cầu. Và bạn có thể hiểu lý do tại sao. Giá như chúng ta cũng có thể che mắt mọi người.
- Xem thêm: 5 kiểu cầu độc đáo ấn tượng
Cây cầu được cho là đã xây dựng để giảm bớt tắc nghẽn trên các cây cầu khác và được sử dụng hàng ngày bởi người dân địa phương đưa gia súc của họ qua nó, điều này làm cho ý tưởng về ùn tắc giao thông trở nên đáng quan tâm.
Cầu Iya Kazurabashi, Nhật Bản
Một trong những cây cầu trông khác thường hơn, cây cầu Iya Kazurabashi nằm ở thung lũng Iya, giữa những ngọn núi và suối nước nóng, Nhật Bản. Cây cầu dài 45m và nằm ở độ cao 14m trên sông Iyagawa. Nó được xây dựng từ một loại cây tên là Hardy Kiwi, mặc dù tương đối chắc chắn, nhưng không thực sự phù hợp để xây dựng cây cầu vì nó không bền và dễ bị mục nát. Không phải là loại vật liệu có chất lượng tốt để xây cầu.
Tuy nhiên, Hardy Kiwi đã được sử dụng. Người ta nói rằng đây là việc làm có chủ ý để cây cầu có thể bị cắt ra nhanh chóng trong trường hợp có quân xâm lược, do đó ngăn chặn được quân đội xâm lược vượt qua hẻm núi.
Cây cầu được xây dựng lại 3 năm một lần, và dây leo được buộc vào những cây tuyết tùng cao ở hai bên hẻm núi. Ngày nay, vì lý do sức khỏe và an toàn, dây leo dùng để che giấu các dây cáp thép bên trong chúng. Tuy nhiên, những khoảng trống rộng giữa các bậc của cây cầu, cho chúng ta tầm nhìn thẳng đứng của dòng sông bên dưới, và sự rung chuyển tự nhiên khi đi dọc theo nó vẫn đủ để khiến hầu hết du khách sợ hãi.
Cầu Q’eswachaka, Peru
Cầu Q’eswachaka, nằm trên đường Great Inca qua dãy núi Andes, là ví dụ tốt nhất của loại cầu treo Inca còn sót lại. Những cây cầu có tầm quan trọng sống còn trong việc kết nối và củng cố đế chế Inca, và chúng tiếp tục được sử dụng như một phần thông thường của hệ thống đường bộ trong nhiều thế kỷ sau đó.
Một lần nữa, trong thời gian xung đột, những cây cầu đã bị triệt phá để bảo vệ cư dân khỏi những kẻ xâm nhập. Khi người Tây Ban Nha xâm chiếm, nhiều cây cầu đã bị đốt cháy. Cầu của người Inca được tạo ra bằng cách bện các sợi dây leo tự nhiên để làm sàn, tay vịn và các mối liên kết dọc giữa sàn và tay vịn để bảo vệ. Các cột đá neo các dây thừng ở hai bên cầu. Băng qua cầu không phải là một trải nghiệm suôn sẻ, và việc xây dựng lỏng lẻo của công trình cho phép người đi bộ có thể nhìn rõ con sông bên dưới.
Cộng đồng địa phương làm mới cây cầu mỗi năm, thu hoạch cỏ và bện thành dây thừng. Các cư dân của mỗi bên của cây cầu sau đó làm việc với nhau để kéo các sợi dây qua. Họ không phá hủy cây cầu cũ cho đến khi cây cầu mới được xây dựng song song với nó. Mỗi cộng đồng bắt đầu làm việc ở đầu cầu của họ và gặp nhau ở giữa cây cầu. Toàn bộ cây cầu có thể được xây dựng lại trong ba ngày, sau đó các cộng đồng tập trung lại để ăn mừng.
Cầu Kuandinsky, Nga
Cầu Kuandinsky trải dài 570m, bắc qua sông Vitim ở Siberia. Ban đầu, nó là một cây cầu đường sắt; đây là một cây cầu cho xe chạy không chính thức. Nó chỉ rộng hơn 2m và không có lan can hay biện pháp phòng ngừa an toàn dưới bất kỳ hình thức nào để ngăn ô tô lao xuống vùng nước đóng băng bên dưới. Nó bị rỉ sét và những thanh ngang bằng gỗ đã mục nát trong điều kiện khắc nghiệt. Không có sửa chữa lớn được thực hiện trên cây cầu, vì công ty đường sắt xây dựng nhưng chưa từng sử dụng nó, và không ai khác sẽ chịu trách nhiệm về nó.
Người dân địa phương, có lẽ bị cái lạnh thường xuyên làm cho rối trí, bắt đầu sử dụng cây cầu như một lối tắt qua sông. Những chiếc xe hạng nặng có khả năng phá vỡ tà vẹt, và các lỗ được phủ bằng bất kỳ tấm ván dự phòng hoặc những mẫu gỗ nào có thể được tìm thấy nằm xung quanh. Điều này có nghĩa là họ phải ra khỏi xe và sửa chữa đường trên cầu. Và, chỉ để thêm vào, gỗ lót cầu được biết đến là cực kỳ trơn khi ướt. Dường như, các bác tài sẽ có nhiều điều để bàn tán trên chặng đường dài.
Cầu Hongyagu, Trung Quốc
Đôi khi, các nhà thiết kế cầu dường như là người thích những trò rắc rối, kinh dị. Hãy xem các nhà thiết kế của cầu Hongyagu, Hà Bắc, được khánh thành vào cuối năm 2017. Họ đã xây dựng một cây cầu dài 488m trên một vách núi thẳng đứng cao 220m, đủ sức làm căng thẳng thần kinh cho hầu hết mọi người. Các nhà thiết kế còn quyết định lót thêm một sàn kính để người dùng có một cái nhìn tuyệt vời về thung lũng bên dưới và tin rằng không có gì giữ họ lại. Và như thể là chưa đủ, họ quyết định làm cho cây cầu lắc lư, chao đảo.
Các tấm kính dày 4cm, điều này dường như không an toàn khi nó nằm giữa bạn và cái chết. Cây cầu có khả năng chứa 2.000 người, nhưng chỉ có 600 người được phép đi bộ trên đó cùng lúc. Du khách phải “bọc giày” lại để bảo vệ kính khỏi trầy xước hoặc vỡ (Đây rõ ràng là một điều cần thiết với những cây cầu kính. Ai có thể biết được điều gì sẽ xảy ra?).
Những người phụ trách đã bố trí nhân viên tại các điểm dọc theo cầu để hỗ trợ những người cảm thấy sợ hãi. Tuy nhiên, nó có thể tồi tệ hơn. Những người tạo ra cây cầu treo lát kính này đã thiết kế nó với các hiệu ứng âm thanh bổ sung. Khi bạn đi từng bước dọc theo cây cầu, có vẻ như kính bị nứt dưới chân bạn. Điều này hoàn toàn không có thực.
Cầu treo Hussaini, Pakistan
Cầu treo Hussaini ở Pakistan hầu như không xứng đáng với thuật ngữ “cầu”. Cây cầu hiện tại là phiên bản mới, được cải tiến; phiên bản đầu tiên (thậm chí đáng sợ hơn) đã bị phá hủy bởi thời tiết. Cây cầu được làm bằng dây thừng và ván. Có một cơn gió băng giá liên tục thổi đến, làm cho cây cầu lắc lư dữ dội. Ít nhất 10 người đã chết trong khi qua cầu, theo người dân địa phương.
Nếu bị ngã, bạn sẽ rơi xuống dòng sông bên dưới. Nhiều khách du lịch đến cây cầu, thường bước hai bước lên nó, chụp vài tấm ảnh, rồi vội vã quay lại. Đối với người dân địa phương, nó cũng không phải là dễ dàng. Họ vẫn thường xuyên sử dụng nó, thậm chí mang theo những gói lớn trên lưng khi họ đi ngang qua.