Với nội dung chân thực và minh họa giản dị, trước năm 1975, ở miền Nam, các sách học đầu đời đã nuôi dưỡng những tình cảm yêu người, yêu nước, kể cả tình yêu thiên nhiên và loài vật cho trẻ nhỏ…
“Lâu rồi, không còn nhớ hết nhưng tôi vẫn không quên sách tập đọc lớp Tư”. Ở tuổi 78, thầy Võ Văn Điểm, nguyên giáo sư triết và công dân giáo dục (1) ở Đà Lạt và Cần Thơ trước tháng 4.1975, nay định cư ở Mỹ, còn giữ ấn tượng: “Tôi nhớ nhất là hình ảnh và bài đọc khi ra đường gặp phông – tên nước công cộng. Nếu thấy vòi nước đang chảy mà không có ai dùng thì phải mau mau khóa lại. Bởi vì đó là của công, thầy tôi giảng như thế!”.
Gần đây, có dịp tiếp xúc với các nhà giáo cao niên và xem nhiều sách giáo khoa xưa, người viết may mắn không chỉ được trở về thế giới học hành của thế kỷ trước. “Ôn cố tri tân”, người viết nhận ra nhiều điều thú vị khi tìm hiểu chuyện người xưa học và làm sách giáo khoa như thế nào. Thật sự, nó nào phải là câu chuyện “hoài cổ” mỗi lần năm học đến và Ngày Nhà giáo đến. Đó còn là câu chuyện “đối chứng” rất gần gũi để tìm giải pháp sửa đổi tình hình sách giáo khoa nhiễu nhương hiện tại.
Sách vỡ lòng – những bài học luân lý trong trẻo
Thầy Huỳnh Văn Ngôn, 84 tuổi, bồi hồi cầm trên tay những quyển giáo khoa xưa trong căn phòng đầy ắp sách của một nhà sưu tập. Quyển tập đọc Việt Văn độc bản in năm 1951, quyển Đánh vần mau 1966 và rồi các sách dạy Việt ngữ, Quốc sử, Khoa học thường thức cho các lớp tiểu học… Tất cả đều là những người bạn thân thiết với thầy Ngôn từ thuở nhỏ đi học vất vả ở vùng quê cho đến lúc trở thành sinh viên ở chốn thị thành.
Thầy từng làm tổng giám thị Trường Sư phạm Sài Gòn – ngôi trường đào tạo giáo viên tiểu học cho cả miền Nam (2) nên rất thông thuộc chuyện sách vở và giảng dạy trong học đường. Theo thầy, chương trình giáo dục và chương trình huấn luyện giáo viên đều chú trọng dạy các điều hay, lẽ phải ngay từ những lớp vỡ lòng. Sách giáo khoa của Bộ hay các sách do nhà giáo viết, đều sử dụng những câu chuyện trong trẻo, dễ hiểu, dễ nhớ.
Cùng chung dòng hồi ức này, thầy Lê Văn A, 72 tuổi, nguyên sinh viên tốt nghiệp khóa cuối cùng của Đại học Sư phạm Sài Gòn, nhắc đến nhiều bài tập đọc lấy từ truyện cổ Nhị thập tứ hiếu, từ Ngụ ngôn của La Fontaine và cả những câu ca dao, vần thơ lục bát nói lên phong tục, đạo đức cổ truyền của người Việt.
Thầy A còn nhớ qua sách Quốc sử tiểu học, trẻ em biết từ rất sớm gương Hai Bà Trưng, Bà Triệu, các anh hùng Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Quang Trung… Với nội dung chân thực và minh họa giản dị, các sách học đầu đời đã nuôi dưỡng những tình cảm yêu người, yêu nước, kể cả tình yêu thiên nhiên và loài vật cho trẻ nhỏ.
Trong khi đó, thầy Võ Văn Điểm nhận xét các sách dạy chữ, dạy văn ở tiểu học thường xoay quanh các đề tài hiếu thảo với cha mẹ, kính trên nhường dưới, giúp đỡ người gặp nạn, ăn ở vệ sinh, tôn trọng luật lệ. Những nội dung ấy được tiếp nối trong chương trình giảng dạy và sách giáo khoa môn công dân giáo dục ở bậc trung học, với mức độ khái quát và sâu sắc hơn.
Thầy Lê Văn A, từng làm giáo sư trung học ở Long An, sau 1975 vẫn dạy học và làm hiệu trưởng nhiều trường công lập, cho rằng bước sang thời đại cách mạng 4.0 – dĩ nhiên chương trình dạy đạo đức cho học sinh ngày nay phải có thêm nhiều nội dung mới. Chẳng hạn, cần dạy cho trẻ em từ sớm ý thức bảo vệ môi trường, tôn trọng tác quyền, sử dụng công nghệ cao vì mục tiêu lành mạnh… Tuy nhiên, theo thầy A, những vấn đề căn bản của đạo đức con người – thời xưa gọi là luân lý, vẫn là những đề tài vĩnh cửu, cần truyền đạt một cách cụ thể và hấp dẫn ở tất cả các bậc học.
Sách giáo khoa không phải là “pháp lệnh”
Thời xưa sách giáo khoa là cần thiết nhưng không phải là phương tiện duy nhất, nội dung duy nhất trong việc giảng dạy. Thầy Ngôn, thầy Điểm và thầy A đều nhấn mạnh, chỉ có chương trình giáo dục do Bộ Giáo dục ban hành mới là quy định, là khung pháp lý để nhà giáo khi giảng dạy phải theo sát và theo đúng! Chương trình từng môn cho từng lớp do Bộ soạn thảo chỉ bao gồm vài trang, quy định ngắn gọn về mục đích, số giờ học hàng tuần và các “đầu bài”, đề tài giảng dạy.
Căn cứ vào hướng dẫn trên, các nhà giáo đều phải có bài soạn riêng của mình khi lên lớp. Các bài soạn được cập nhật thường xuyên từ nhiều nguồn sách vở và không phải qua xét duyệt của ai cả. Các thầy cô lâu năm, nhiều kinh nghiệm có thể giảng bài không cần nhìn vào bài soạn.
Theo thầy Ngôn, hiệu trưởng và thanh tra học đường chỉ dự giờ dạy để kiểm tra chất lượng soạn bài và cách thức giảng bài khi nhà giáo cần được xét “lên ngạch”(3). Ở lớp học, các thầy cô giáo căn dặn học trò có thể tìm hiểu thêm các sách giáo khoa khác nhưng không bắt buộc phải theo sách của ai. Chỉ riêng bậc tiểu học, học sinh mới phải sử dụng sách giáo khoa do Bộ Giáo dục làm và cung cấp miễn phí. Nhưng học sinh và phụ huynh vẫn có thể sử dụng nhiều sách bên ngoài để bổ trợ, nhất là các sách ôn thi vào đệ thất (lớp 6).
Các thầy cho biết ngày ấy không có quy định sách giáo khoa là “pháp lệnh”. Không có việc cả nước phải học đúng từng ly từng tí chữ nghĩa trong sách giáo khoa, thậm chí học đúng một bài cùng một giờ như trong nhà trường sau tháng 4.1975. Các thầy cô cũng không bắt học sinh phải theo “văn mẫu”, “bài mẫu”, “học tủ” hay ra đề cương ôn thi chi tiết.
Với môn công dân, thầy Điểm từng tổ chức giờ học ngoài trời, cho học sinh thuyết trình và thảo luận đề tài do thầy nêu. Sau đó, thầy mới tổng kết và đọc cho học sinh ghi những điều cần tóm lược. Bản thân thầy Ngôn, ngoài công việc tại Trường Sư phạm, thầy còn giảng dạy môn sử địa ở các trường trung học bên ngoài. Các bài soạn của thầy đều được nhà trường cho in ronéo, phát cho học sinh như một loại sách giáo khoa riêng của trường.
Thời của các thầy, nhà giáo được đào tạo để chủ động giảng dạy đúng với triết lý giáo dục của miền Nam lúc ấy là “nhân bản, dân tộc và khai phóng”. Trong nhà trường không có chuyện “bình bầu, thi đua” để nhà giáo bận tâm. Theo các thầy, nhà nước và xã hội đặt sự tin cậy cao nơi nhà giáo, bởi trước nhất người được tuyển vào trường sư phạm phải là người học giỏi, phải qua sàng lọc nhiều mặt.
Kế đến, các giáo sinh được huấn luyện đầy đủ về cả kiến thức chuyên môn, cũng như phương pháp sư phạm và phương pháp quản trị học đường. Hơn nữa, khi làm việc, nhà giáo được trả lương đủ để nuôi sống bản thân và gia đình. Ngần ấy yếu tố là điều kiện cho nhà giáo vừa làm việc sáng tạo, vừa tuân theo lương tâm chức nghiệp.
Sách giáo khoa được làm kỹ lưỡng từ nhiều nguồn
Các sách giáo khoa ngày ấy đều được làm dựa trên chương trình của Bộ Giáo dục và có sự xét duyệt của Bộ. Thầy Hồ Liên Biện, 82 tuổi, nguyên chủ sự Phòng Tu thư, sau là Phó giám đốc Trung tâm Học liệu của Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa, cho biết tại Bộ có Hội đồng Thẩm định Sách giáo khoa.
Hội đồng này có các chuyên viên trong và ngoài Bộ. Chính thầy Biện khi làm sách giáo khoa Anh văn cũng phải qua hội đồng thẩm định. Các sách giáo khoa của Bộ hay tư nhân khi xuất bản đều ghi rõ sách được viết theo đúng chương trình của Bộ. Nhiều sách còn đăng nguyên văn chương trình của Bộ cho từng lớp, từng môn ngay các trang đầu để học sinh và phụ huynh biết rõ. Hầu hết người làm sách giáo khoa tư nhân đều là các nhà giáo từng trải, nhiều người là giảng sư đại học vẫn viết sách giáo khoa cho học sinh phổ thông.
Thầy Ngôn và thầy Biện cho rằng chính kỷ cương của Bộ Giáo dục và hơn nữa, lòng tự trọng cùng ý chí học hỏi của nhà giáo quyết định chất lượng sách giáo khoa. TS. Trần Hữu Quang, con trai của giáo sư Trần Hữu Quảng, tác giả nhiều bộ sách giáo khoa sử địa Việt Nam và thế giới từ lớp 6 đến lớp 12, có cùng nhận định trên. Ông cho biết thân phụ mình miệt mài làm sách giáo khoa ngay từ lúc đi dạy trung học.
Cụ Trần Hữu Quảng, năm nay nếu còn sống đã hơn 100 tuổi, thường xuyên tham khảo các sách báo, luận văn nghiên cứu trong và ngoài nước để cải tiến sách. Ông còn hợp tác với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (bút danh là Đình Đạo) để làm nhiều dạng sách giáo khoa địa lý.
Theo TS. Quang, mức sống của gia đình ông khi xưa thuộc vào loại trung lưu, hoàn toàn tùy thuộc vào lương nhà giáo và nhuận bút làm sách giáo khoa của cụ thân sinh.
Quả thật, xem lại các sách giáo khoa ở miền Nam trước tháng 4.1975, có thể thấy đó là một thị trường “trăm hoa đua nở”. Rất nhiều nhà xuất bản, nhà giáo – từng người một hoặc từng nhóm tham gia làm sách giáo khoa từ tiểu học đến đại học. Có thể kể tên tuổi các nhà xuất bản chuyên làm sách học thời ấy là Sống Mới, Trí Đăng, Tao Đàn, Nguyễn Khuyến, Sử Địa…
Cùng hợp tác, cùng cạnh tranh, đa dạng và phong phú – đó cũng là yếu tố để nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Mặt khác, một yếu tố quan trọng, Bộ Giáo dục, cho dù có Trung tâm Học liệu, vẫn không “độc quyền” làm sách giáo khoa! Bộ Giáo dục không bắt học sinh và phụ huynh chỉ được dùng sách của Bộ. Ngược lại, Bộ Giáo dục thông qua Trung tâm Học liệu, chuyên đi đầu làm sách đẹp, sách hay, sách quý cho cả học sinh và thầy cô giáo sử dụng.
Ngày nay không ít người vẫn còn giữ trân trọng các bộ sách Việt Nam Sử lược, Nho giáo của Trần Trọng Kim, các sách Việt Nam văn học sử yếu và Quốc văn trích diễn của Dương Quảng Hàm, do Trung tâm Học liệu xuất bản bằng giấy in chất lượng tốt và trình bày thẩm mỹ.
Thầy Huỳnh Văn Ngôn cho biết các nhà giáo hiểu rõ ảnh hưởng của sách vở đến với con trẻ. Mặt khác, nhà giáo biết mình phải hành xử khoa học, phải bảo vệ thanh danh của người làm giáo dục. Cho nên khi soạn bài cũng như làm sách giáo khoa, nhà giáo luôn cẩn trọng, cân nhắc câu chữ, xem lại từng trang bản thảo, từng trang in. Nếu sau khi in, các tác giả sách phát hiện lỗi, lập tức phải in kèm tờ đính chính. Sách giáo khoa in xong, các tác giả thường gởi tặng các báo để nhờ đọc và quảng bá. Báo chí trở thành một phương tiện không thể thiếu để biết các ý kiến phản hồi của người dân về sách giáo khoa.
***
Nghe các thầy “dốc bầu tâm sự” chuyện sách giáo khoa xưa và khi được cầm trên tay những quyển sách in bóng thời gian của một thế giới học hành đã biến mất, chúng tôi càng thêm ngậm ngùi. Rất tiếc những kinh nghiệm hay đẹp – không chỉ trong sách giáo khoa mà cả một nền giáo dục kết hợp tinh hoa dân tộc và quốc tế, sau ngày đất nước thống nhất đã không được kế thừa đầy đủ. Thậm chí, nhiều kinh nghiệm và nhiều con người làm giáo dục, tạo nên vốn quý đó, bị gạt ra bên ngoài, phiêu bạt ngang trái qua nhiều chân trời khác.
Để phục hưng và hiện đại hóa giáo dục Việt Nam trong thế kỷ XXI, xin đừng phân biệt tri thức của vùng miền! Đừng quên học hỏi những di sản gần gũi đã có từ thời Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của làm sách học từ cuối thế kỷ XIX, từ thời Trần Trọng Kim làm Giáo khoa thư, từ 21 năm miền Nam từng có một nền giáo dục hoàn chỉnh từ triết lý đến hệ thống sư phạm và sách vở học đường.
– Ảnh Phúc Tiến – Lê Nguyễn