Chúng có thể làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng và thuận tiện hơn, nhưng những thiết bị như bóng đèn thông minh và trợ lý điều khiển bằng giọng nói cũng có thể được sử dụng để chống lại ai đó như một hình thức xâm hại trong gia đình?
Mặt trái của công nghệ IoT
Đối với hàng tỷ người trên thế giới, cuộc sống hiện nay đang mang một ý nghĩa mới nhờ vào IoT. Công nghệ cũng có nghĩa là nhiều người trong chúng ta đang dành nhiều thời gian hơn bao giờ hết với các tiện ích mà chúng ta đã chào đón vào nhà của mình – những thứ gọi là thiết bị thông minh có thể kết nối với Internet, được điều khiển bằng giọng nói hoặc qua ứng dụng trên smartphone. Từ các trợ lý ảo như Amazon, Alexa, Apple, Siri và Google Home, cho đến bóng đèn thông minh, ấm đun, máy quay an ninh và máy điều nhiệt – chúng được gọi chung là Internet Vạn vật (IoT).
Nhiều thiết bị gia dụng hiện nay được tích hợp cảm biến và khả năng kết nối với mạng không dây, cho phép thu thập dữ liệu về cách chúng ta sử dụng và giao tiếp với các thiết bị khác trong nhà. Năm 2017, ước tính có khoảng 27 tỷ thiết bị kết nối IoT và mạng này dự kiến sẽ tăng 12% mỗi năm để đạt hơn 125 tỷ thiết bị vào năm 2030. Hy vọng là các thiết bị thông minh có thể giúp tiết kiệm thời gian và công sức trong nhà bằng cách giúp chúng ta số hóa và tự động hóa cuộc sống.
Thật khó để không tận hưởng sự tiện lợi khi yêu cầu cập nhật tin tức thế giới, bật và tắt đèn bằng một lệnh đơn giản hoặc có một máy điều nhiệt có thể tự học khi sưởi ấm căn phòng dựa trên chuyển động hàng ngày của bạn. Chúng được thiết kế để làm cho cuộc sống của chúng ta thuận tiện hơn, tiết kiệm thời gian và giữ cho chúng ta an toàn. Lấy ví dụ bộ chuông cửa video kết nối Internet mà nhiều người hiện lắp đặt bên cạnh cửa trước căn nhà.
Thiết bị thông minh cho phép chủ nhà có thể nhìn thấy người khách bên ngoài nhà đang gọi cửa mà thậm chí chỉ nói chuyện với họ mà không cần phải mở cửa dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn nào đó. Nói cách khác, các thiết bị tự động trong nhà giúp giảm nguy cơ cho chủ nhà. Theo công ty thị trường công nghệ toàn cầu ABI Research, doanh số của các thiết bị thông minh được thiết lập để tăng tới 30% trong năm 2020.
Một ngôi nhà thông minh hơn có thể là một ngôi nhà an toàn hơn – nghiên cứu của ABI Research khẳng định. Nhưng có một số người sợ các thiết bị thông minh như thế này thực sự có thể gây rủi ro cho chính những người cùng sống bên trong đó – hay có thể nói là những công cụ tiện lợi này đang bị biến thành vũ khí xâm hại trong gia đình. Mặc dù có nhiều cách xâm hại và kiểm soát có thể hiển hiện trong các hộ gia đình, công nghệ đang mang đến cơ hội mới cho những kẻ xấu để kiểm soát, quấy rối và theo dõi nạn nhân của họ.
Đặc biệt là smartphone có thể cung cấp một cách theo dõi và giám sát hoạt động của một đối tác tình cảm hoặc một đứa trẻ mà không có sự đồng ý hoặc nhận thức của họ. Một nghiên cứu năm 2018 của nhóm nhà nghiên cứu Đại học tư nhân Cornell Tech ở New York thậm chí còn phát hiện ra rằng các nhà phát triển ứng dụng được thiết kế để theo dõi các thiết bị dường như hy vọng chúng sẽ được sử dụng theo cách này.
Khi 11 công ty phát triển các ứng dụng “an toàn cho trẻ em” hay “hãy tìm kiếm điện thoại của tôi” được đặt câu hỏi liệu các sản phẩm của họ có thể được sử dụng để “theo dõi điện thoại [đối tác của tôi] mà họ không hề biết”, thì 8 trong số đó trả lời rằng họ… có thể. Với số lượng thiết bị sử dụng trong gia đình ngày càng tăng có khả năng thu thập dữ liệu về chuyển động và hành vi hàng ngày của chúng ta, IoT có khả năng biến đổi cách thức lợi dụng công nghệ.
Chuông cửa video và máy ảnh được kết nối Internet cho phép theo dõi xem ai đó đang làm gì từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Các cảm biến trên cửa nhà có thể tiết lộ khi ai đó rời khỏi nhà, trong khi việc sử dụng đèn với bóng đèn thông minh có thể cho thấy sự chuyển động của chúng ta giữa các phòng. Các ổ khóa kết nối Internet có thể hạn chế sự di chuyển vào một số phòng nhất định hoặc thậm chí ngăn ai đó rời khỏi căn nhà của họ.
Trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói có thể cung cấp bảng phân tích chi tiết các câu hỏi đã được hỏi và lịch sử tìm kiếm, dữ liệu cá nhân và từ đó có thể dễ dàng đưa các mối quan hệ vào xung đột. Các hệ thống này cũng có xu hướng yêu cầu một tài khoản quản trị, từ đó cung cấp cho một người trong gia đình một cách (được bảo vệ bằng mật khẩu) để kiểm soát hệ thống. Đặt tất cả các khía cạnh này với nhau có vẻ như nhà thông minh được vô tình xây dựng để cho phép một người kiểm soát và theo dõi cuộc sống của người khác.
Leonie Tanczer nhận xét: “Không có một nhà phát triển IoT nào ở Thung lũng Silicon xây dựng hệ thống suy xét về việc lạm dụng công nghệ. Họ đã xây dựng chúng trên một quy ước rằng bất cứ ai sống chung một không gian đều bằng lòng với việc dữ liệu [của họ] được thu thập”. Leonie Tanczer là giảng viên và điều tra viên chính của dự án “Giới tính và IoT” Đại học College London (UCL), nơi đã xem xét cách các thiết bị thông minh trong nhà của chúng ta có thể bị biến thành công cụ xâm hại trong gia đình.
Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng như vậy. Năm 2018, một trong những vụ kiện đầu tiên liên quan đến đến việc lạm dụng IoT đã dẫn đến án tù 11 tháng. Ross Cairns bị kết tội nghe lén người vợ của mình thông qua micro trên máy tính bảng treo tường được sử dụng để điều khiển hệ thống sưởi và đèn chiếu sáng trong nhà của họ. Sự việc bắt đầu khi Cairns nghi ngờ sự chung thủy của người vợ. Tình hình nhanh chóng leo thang. Cairns đẩy vợ trước mặt hai đứa con của họ, nhổ nước bọt vào kính chắn gió của xe và lăng mạ cô.
Đây là trường hợp đáng tiếc trong số nhiều trường hợp lạm dụng công nghệ trong gia đình. Lạm dụng công nghệ không bắt đầu và kết thúc với việc theo dõi vị trí. Khi công nghệ nhà thông minh trong nhà ở chỉ được kiểm soát bởi một người, nó có thể tước quyền kiểm soát từ những người khác sống ở đó. Sự giám sát có thể dễ dàng phát triển thành sự rình rập tích cực, và những gì đã từng vô hình trở thành một cảm giác hữu hình của mối đe dọa hoặc một cuộc đối đầu thể xác. Những khoảnh khắc nóng giận không kiểm soát có thể leo thang thành bạo lực.
Trên khắp thế giới, khoảng một phần ba phụ nữ đã trải qua một số hình thức xâm hại thể chất hoặc tình dục từ bạn tình thân thiết của họ. Những hành động như vậy dễ để lại di chứng là chứng trầm cảm, hành vi phá thai, trọng lượng sơ sinh thấp hơn ở trẻ em và nguy cơ nhiễm HIV cao hơn. Trong một số trường hợp, lạm dụng sự xâm hại leo thang đến giết người. Khoảng 38% tất cả phụ nữ bị sát hại trên toàn cầu bị giết dưới tay của đối tác tình cảm hiện tại hoặc trước đó.
Giống như virus, bạo lực trong gia đình cũng “lây lan” qua tiếp xúc gần gũi. Một nghiên cứu từ Lebanon được công bố vào năm 2017, chẳng hạn, phát hiện ra rằng những đứa trẻ chứng kiến bạo lực trong gia đình của chúng có khả năng trở thành thủ phạm của bạo lực đối tác thân mật khi trưởng thành gấp 3 lần.
Quy mô lạm dụng công nghệ phần lớn là không rõ
Tại Anh, nơi đặt trụ sở tổ chức từ thiện phụ nữ Refuge, báo cáo 920 trường hợp lạm dụng liên quan đến công nghệ chỉ từ tháng 1 đến tháng 8-2019. Ở Mỹ, các tổ chức từ thiện báo cáo tình trạng máy điều nhiệt thông minh và loa thông minh trong gia đình được các đối tác sử dụng để chống lại nhau. Ví dụ như nhiệt độ phòng đột nhiên tăng lên, âm nhạc phát ra từ loa vào giữa đêm hay mật mã cửa trước thay đổi mỗi ngày mà không cần giải thích.
Theo các chuyên gia bảo mật mạng Kaspersky, nhiều người đã phát hiện ra “stalkerware” – phần mềm được thiết kế để giám sát tin nhắn trên smartphone (hoặc máy tính) ghi lại hoạt động trên màn hình, theo dõi vị trí và cho phép truy cập vào camera – tăng 35% trong 8 tháng đầu năm 2019 so với năm trước, với 37.532 sự cố được tìm thấy trên smartphone, máy tính bảng và laptop của mọi người. Tất nhiên, nhiều người khác có thể hoàn toàn không biết rằng các ứng dụng như vậy đã được cài đặt trên thiết bị của họ.
Trong một thế giới của băng thông rộng siêu tốc và các lệnh thoại tức thời, nạn nhân của lạm dụng liên quan đến IoT có rất ít đường dây trợ giúp hoặc các nhóm hỗ trợ. Refuge là tổ chức từ thiện duy nhất ở Anh có nhóm phụ trách đề tài lạm dụng công nghệ dành riêng cho vấn đề đang gia tăng này. Tuy nhiên thay vì cung cấp sự hỗ trợ, đường dây trợ giúp thậm chí có thể làm trầm trọng thêm sự lạm dụng. Ví dụ, một đề xuất chung cho bất kỳ ai nghi ngờ rằng họ đang bị theo dõi có thể là thay đổi mật khẩu trên thiết bị của họ.
Nhưng khi một đối tác nhận ra rằng thông tin bảo mật đã bị thay đổi, người này có thể bắt đầu nghi ngờ và có biện pháp đối đầu với sự thay đổi đột ngột này trong ngôi nhà thông minh. Tương tự, không thay đổi mật khẩu hoặc ngắt kết nối khỏi tất cả các tài khoản trước đó sau khi rời khỏi mối quan hệ lạm dụng cũng nguy hiểm không kém. Nó có thể cho phép thủ phạm gây ảnh hưởng đến cuộc sống của đối tác từ xa – có lẽ để tìm hiểu nơi họ sống hoặc người mà họ có thể đang hẹn hò.
Jason Nurse, một nhà khoa học máy tính tại Đại học Kent ở Anh, cho biết: “Công nghệ đang thay đổi, xã hội đang cố gắng bắt kịp và thích nghi”. Nếu một người trong gia đình là người quản trị tài khoản của các vật dụng thông minh hàng ngày như hệ thống sưởi ấm, ấm đun nước và máy giặt, thì chúng có thể được sử dụng làm công cụ cưỡng chế và kiểm soát. Người tiêu dùng cần nhận thức rõ hơn về những gì họ đang mang vào nhà khi họ mua các thiết bị hoạt động như một phần của IoT.
Irina Brass, giảng viên về đổi mới và chính sách công tại UCL, bình luận: “Trước đó, bạn có một thiết bị cụ thể hoặc tối đa là hai thiết bị: máy tính và điện thoại của bạn sẽ được kết nối với Internet. Nhưng bây giờ, ngày càng có nhiều thiết bị trong môi trường gia đình của bạn … khía cạnh kết nối của nó khá vô hình [và] người tiêu dùng không biết kết nối này mang lại những gì”. Hiện tại, các thiết bị thông minh thực sự vẫn còn tương đối… “ngu ngốc”. Brass cho rằng tính năng cốt lõi của chúng chỉ là khả năng không dây và kết nối với các thiết bị khác trong nhà. Nhãn hiệu “thông minh” là cách dùng thuật ngữ sai. Nhưng điều đó có khả năng thay đổi. Khi các hệ thống IoT sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhiều hơn và trở nên tự động hơn, tất cả chúng ta cần phải tự tìm hiểu xem chúng có thể được sử dụng “đúng” hay “sai”.