Công ty NTT Data (Nhật Bản) đã phát triển kỹ thuật sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) phân tích hình ảnh từ vệ tinh và dữ liệu bản đồ trái đất để đánh giá thảm họa thiên nhiên trong thời gian ngắn.
Dự kiến công ty NTT Data sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ mới này cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và điện lực trong năm 2020.
Hệ thống mới của NTT Data sẽ sử dụng ba vệ tinh của một công ty liên kết đến từ Mỹ để chụp các hình ảnh với độ phân giải cao, kể cả trường hợp thời tiết xấu và có nhiều mây.
NTT Data sẽ sử dụng AI để so sánh các hình ảnh vệ tinh thu được sau khi thảm họa thiên nhiên xảy ra và dữ liệu 3D bản đồ trái đất để từ đó xác định được các điểm xảy ra hiện tượng sạt lở, ngập nước… Hệ thống này của NTT Data có thể nắm bắt được chi tiết tình trạng thảm họa xảy ra trên diện rộng.
Các công ty xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng Nhật Bản thường phải tìm hiểu tình hình khu vực xảy ra thảm họa trước khi cử nhân viên đến hiện trường tiến hành hoạt động tái thiết, trong đó, nhiều trường hợp không thể triển khai hoạt động do đường đi bị sạt lở.
Các công ty này thường ký hợp đồng cung cấp hình ảnh với các công ty sở hữu vệ tinh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết, thời gian để xác định chi tiết tình trạng khu vực thảm họa phải mất tới một tháng.
Hệ thống mới do NTT Data phát triển có thể nhanh chóng nắm bắt được tình trạng khu vực thảm họa, từ đó các công ty có thể sớm cử nhân viên đến hiện trường, đồng thời giảm được nguy cơ tai nạn bất ngờ xảy ra.
NTT Data đã bắt đầu triển khai hệ thống mới này tại NTT East Nhật Bản kể từ giữa tháng 10/2020 và dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ cho các công ty khác kể từ cuối năm 2020.
Để khắc phục hậu quả của thảm họa thiên nhiên, Chính phủ Nhật Bản cũng nỗ lực để triển khai các dự án sử dụng hình ảnh từ vệ tinh. Năm 2017, Chính phủ Nhật Bản đã hợp tác với Cơ quan nghiên cứu phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và ký kết hiệp định về việc cung cấp hình ảnh vệ tinh do JAXA quản lý.
Chính phủ Nhật Bản cũng sử dụng vệ tinh Daichi số 2 của JAXA với hệ thống radar kỹ thuật cao có khả năng quan sát vào buổi đêm để có thể nhanh chóng xác định được các điểm sạt lở, khu vực ngập nước… qua đó góp phần đẩy nhanh công tác tái thiết sau thảm họa.