Với doanh số lên đến hàng chục tỉ USD/năm, mỹ thuật đã trở thành một ngành công nghiệp không khói quan trọng của thế giới, kéo theo sự phát triển mạnh của công nghệ số trong lĩnh vực này. Và một hiện tượng kỳ lạ đang diễn ra: ngày càng có nhiều người mua tranh qua mạng mà không cần xem tận mắt tác phẩm, không phải cất công đến các gallery.
Lấy ví dụ ở một quốc gia có công nghiệp mỹ thuật rất phát triển là nước Anh, nơi số người đến với các bảo tàng và gallery hằng năm cao hơn số người đến các sân bóng đá xem các trận đấu của Premier League (Giải Ngoại hạng Anh) và Bảo tàng Tate Modern ở London đã đón tới 5,3 triệu khách tham quan trong năm 2012.
Tranh bán trên mạng nhiều hơn ở các gallery
Chính tại Anh, người ta đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc của kinh doanh tác phẩm mỹ thuật qua internet; nói như Alex Hudson của đài BBC thì “tranh được bán qua mạng còn nhiều hơn ở các gallery”.
Trong kỷ nguyên của công nghệ số và trong một thị trường tác phẩm mỹ thuật có giá trị tới 40 tỉ bảng Anh thì mua bán tranh qua mạng đang trở thành một xu thế áp đảo. Theo các ước tính, thị trường tác phẩm mỹ thuật qua mạng tăng 20% mỗi năm tại Anh trong vài năm trở lại đây. Bà Rebecca Wilson, một trong những giám đốc của hệ thống gallery Saatchi uy tín bậc nhất tại Anh cho biết: “Mỗi tháng chúng tôi bán được qua mạng một lượng tác phẩm còn nhiều hơn doanh số cả năm tại hầu hết các gallery đang hiện hữu của Saatchi. Đó là nhờ vào số lượng khổng lồ người xem trên mạng khắp thế giới, nhờ số lượng tác phẩm rất dồi dào của chúng tôi và nhờ một đội ngũ giám tuyển của Saatchi luôn đảm bảo sẵn sàng cung ứng tác phẩm chất lượng cao”.
Trong tình hình ngày càng có nhiều người xem tranh qua mạng thay vì đến các gallery và các gallery cũng đưa tranh lên mạng ngày càng nhiều hơn thay vì treo chúng lên tường, phải chăng sự hiện hữu của các gallery trong đời thực rồi sẽ không còn quan trọng nữa? Jonas Almgren, giám đốc điều hành website mỹ thuật Artfinder khẳng định: “Ngay cả trước khi được đưa lên internet thì đa số tác phẩm của các gallery, kể cả các gallery trên mạng, được bán tại các hội chợ mỹ thuật chứ không ở các phòng trưng bày. Sự quan trọng của các không gian trưng bày cố định đang mất dần. Ngoại trừ một ngoại lệ là gallery White Cube (một trong những gallery đương đại hàng đầu thế giới) đang bắt đầu mở thêm nhiều mặt bằng ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, còn thì rất nhiều phòng trưng bày của các gallery đã thực sự đóng cửa hoặc thu hẹp hoạt động”. Và điều đáng kinh ngạc đang diễn ra là số lượng tác phẩm được đông đảo người mua mà “không cần xem” (tận mắt) ngày càng nhiều. Các gallery truyền thống vẫn bán được tranh nhưng người mua chẳng hề thấy chúng trong đời thực! Theo một thống kê của Công ty bảo hiểm Hiscox, có khoảng 90% các gallery thông thường ở Anh đã bán tác phẩm cho khách hàng chỉ bằng phương thức qua mạng.
Lý giải về điều này, ông Jonas Almgren của website Artfinder nói: “Mỹ thuật sống khỏe hơn nhiều ở trên mạng, tất nhiên với điều kiện chúng tôi phải nỗ lực để vượt qua nhiều thứ. Một khi đã mua tranh qua mạng, bạn sẽ ghiền cách sưu tầm đó. Điều kỳ diệu xảy ra khi bạn mở tác phẩm ra và xem nó trên mạng thay vì tại một gallery nào đó”. Cũng đừng nghĩ rằng chỉ có giới trẻ mới ưa thích vào mạng xem tranh: theo ghi nhận của Công ty Hiscox, phần lớn các nhà sưu tập trên 65 tuổi đã chọn phương thức mua tranh trực tiếp qua internet.
Hiện trên thế giới có 200 gallery online trưng bày tác phẩm của 2.000 tác giả và có khoảng 2.000 khách mua thường xuyên, theo lời ông Jonas Almgren. Đứng đầu trong thị trường mỹ thuật trên mạng có lẽ là gallery Saatchi với khoảng 200.000 bức tranh đã được bán theo phương thức này thời gian qua – một con số khó tin!
Tranh triệu đô rao bán trên mạng
Ngày nay việc mua bán qua trang mạng Amazon.com đã thành phổ biến khắp thế giới (Amazon.com, Inc là một công ty thương mại điện tử đa quốc gia, trụ sở đặt tại Seattle, Mỹ). Khởi đầu từ kinh doanh sách qua mạng cách nay 19 năm, bây giờAmazon.com có thể cung ứng cho khách hàng hầu như bất kỳ sản phẩm nào cần thiết cho cuộc sống. Mới nhất là tác phẩm mỹ thuật, kể cả với tranh của những bậc thầy như Claude Monet, Salvado Dali, Marc Chagall… hay các siêu sao đương đại như Andy Warhol, Damien Hirst. Khách hàng có thể chọn tranh từ nhiều góc độ: đề tài, chất liệu, phong cách tác giả, có thể xem tranh với độ phân giải cao và được thông tin chi tiết về tác phẩm, tác giả.
Tranh rao bán trên Amazon.com có giá rất đa dạng, từ tranh vẽ mấy chú mèo trên giấy giá chỉ khoảng 44 USD cho tới bức tranh cao giá nhất trên mạng hiện nay là tác phẩm Binh nhì Willie Gillis: hàng gửi từ quê nhà của họa sĩ Mỹ Norman Rockwell, đang được rao bán với giá 4,85 triệu USD. Hiện mảng mỹ thuật của Amazon.com cung cấp cho người xem trên 40.000 tác phẩm từ 150 gallery trên khắp nước Mỹ, trong số đó có những tên tuổi nổi tiếng như Paddle8 ở New York, Holden Luntz ở Miami, McLoughlin Gallery ở San Francisco, Catherine Person Gallery ở Seattle… Jodie và Joshua Steen, chủ gallery LusterNYC ở Brooklyn (New York) nhận định: “Chúng ta bắt đầu chứng kiến một “nòi” các nhà sưu tập hoàn toàn mới. Điều đó thật tốt cho mọi người – chủ nhân gallery, nghệ sĩ và khách mua tranh”.
Dù vậy, cũng có những chỉ trích nặng lời đối với phương thức kinh doanh mới mẻ này. Nhà phê bình Georgina Adam viết trên tờ Financial Times: “Các họa sĩ bán tranh online là tự hạ thấp phẩm giá của mình. Một tác phẩm mỹ thuật độc đáo không đơn thuần là một sản phẩm. Nó là một sáng tạo độc đáo. Tôi nghĩ cách thức bán tranh trên Amazon làm giảm giá trị tác phẩm”. Bất chấp những phê phán như thế, công cuộc kinh doanh tác phẩm mỹ thuật trên mạng đang phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Tất nhiên nó đem lại lợi nhuận không nhỏ cho các gallery trên mạng cũng như cho Amazon.com. Chẳng thế mà mới đây ông chủ Jeff Bezos của Amazon.com đã mua lại tờ nhật báo kỳ cựu The Washington Post với giá 250 triệu USD.
Ở ViệtNam, dù chưa có thống kê nào nhưng theo lời chủ nhân một số gallery tại TP. Hồ Chí Minh thì khách nước ngoài xem và mua tranh qua website của các gallery cũng đang tăng dần.
- Đông Hà