Nhiều người gọi ông bằng học hàm, học vị đủ đầy, ông chỉ khiêm tốn nhận mình là người say mê làm toán, những thứ còn lại có lẽ là hư danh. Sau những cuộc nói chuyện với ông, chúng tôi nhận ra ông là một “cư sĩ” trong “ngôi đền” toán học của chính ông.
Ông là PGS-TS. Phạm Tiến Sơn (nguyên Trưởng khoa Toán Tin học, Trường Đại học Đà Lạt). Ông Sơn là một trong ba nhà khoa học vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 cho công trình khoa học xuất sắc thuộc lĩnh vực Toán học.
Công trình được giải thưởng “Generic properties for semialgebraic programs” (các tác giả: Gue Myung Lee và Phạm Tiến Sơn, xuất bản trên Tạp chí SIAM Journal on Optimization năm 2017) nghiên cứu tính tổng quát của bài toán tối ưu nửa đại số.
Đây là một bài toán khó thu hút sự quan tâm của nhiều nhà toán học, đặc biệt sau khi bài báo “Global optimization with polynomials and the problem of moments” của GS. Lasserre được xuất bản trên Tạp chí SIAM Journal on Optimization năm 2001. Các kết quả của Công trình đã được đưa vào sách chuyên khảo “Genericity in Polynomial Optimization” được viết bởi GS. Hà Huy Vui và PGS-TS. Phạm Tiến Sơn do Nhà Xuất bản World Scientific xuất bản và phát hành năm 2017.
Khám phá những bí ẩn lạ kỳ của toán học
Ông Sơn thuở nhỏ sinh sống ở Đà Nẵng, sau phổ thông vào Đà Lạt học đại học. Và đến nay “cư sĩ” toán học Phạm Tiến Sơn đã dành 30 năm ở Đà Lạt để làm toán. Nếu có đi đâu dài ngày thì cũng chỉ là những chuyến ông tiêu giao cùng bạn bè toán học trong và ngoài nước. Mối quan tâm thường trực của ông là toán học.
“Lúc nào tôi cũng có một bài toán cần giải trong đầu. Và tôi cứ giải toán liên tục như thế” – ông Sơn nói trong cuộc nói chuyện ngay sau khi ông nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.
____
Thưa PGS-TS. Phạm Tiến Sơn, có duyên cớ thú vị nào đã thôi thúc ông thực hiện công trình này?
Không có cái duyên nào rõ ràng cả; để thực hiện công trình này cùng đồng nghiệp (GS. Gue Myung Lee, Đại học Quốc gia Pukyong, Hàn Quốc) thì trước đó tôi cũng đã công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế một vài kết quả có liên quan.
Có thể nói, công trình đang nói đến có khởi nguồn từ những năm 2008 khi tôi cùng với GS. Hà Huy Vui (thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ của tôi) sử dụng Lý thuyết kỳ dị để nghiên cứu bài toán tối ưu nửa đại số. Khởi đầu giống như bạn ra biển và thấy đường chân trời, hiển hiện ở đó nhưng tại “vô hạn” và không biết mình sẽ đi đến đâu để gặp nó.
Có thể nỗ lực của bạn sẽ có kết quả hoặc không có gì cả. Điều này khiến người theo đuổi công trình không còn có mục đích nào khác ngoài mục đích thỏa sở thích làm toán và khám phá những bí ẩn lạ kỳ của toán học.
____
Mỗi khi nhắc đến toán, ông lại nói đến đam mê, không có lý giải khác cho sự bền bỉ 30 năm qua của ông. Chúng tôi tin thuở nhỏ ông học toán rất giỏi?
Phỏng đoán của anh sai rồi! Cho đến cuối năm cấp hai tôi vẫn là một cậu học sinh học toán rất bình thường, thậm chí dưới trung bình. Khi học cấp ba, tôi may mắn được học các thầy có cách dạy rất cuốn hút, đã khiến tôi yêu thích và phấn đấu. Từ đó tôi đã xem học toán, làm toán là mục đích cuộc đời. Có lẽ cách dạy của người thầy và sự phấn đấu của những người bạn xung quanh đã thay đổi tôi.
Khi tôi học tại Đại học Đà Lạt, GS. Nguyễn Hữu Đức (nguyên Hiệu trưởng Đại học Đà Lạt), đã hun đúc tôi thêm một lần nữa với Lý thuyết kỳ dị. Điều thú vị là GS. Nguyễn Hữu Đức và GS. Hà Huy Vui từng là những cán bộ thuộc nhóm nghiên cứu Lý thuyết kỳ dị ở Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được hai giáo sư Việt kiều Pháp là GS. Frederic Phạm và GS. Lê Dũng Tráng xây dựng nên vào cuối những năm 1970.
____
Toán học có biểu hiện quá khô khan, không hấp dẫn như nội hàm của nó. Một cách nói rất chủ quan nhưng có lẽ đúng là rất nhiều người trẻ đã không chọn đeo đuổi nghiên cứu toán học nói riêng và khoa học cơ bản nói chung. Ông nhìn nhận về chuyện này thế nào?
Tôi hiểu các bạn đang đặt lên bàn cân một câu chuyện sự nghiệp và bức bách của cơm áo gạo tiền mà nhà khoa học nào cũng gặp phải, không ít thì nhiều. Theo tôi, để làm toán và chọn toán học làm bạn “tâm giao” thì ngoài đam mê phải có một tinh thần vô tư khoa học. Đôi khi trước mặt anh là toán học và không còn gì khác, kể cả “cơm áo…”.
Năm 1994 tôi bắt đầu làm nghiên cứu sinh tại Viện Toán học dưới sự hướng dẫn của GS. Hà Huy Vui. Vượt qua nhiều khó khăn, tôi vẫn đeo đuổi để được làm toán cho đến nay. Đặc biệt, tôi bảo vệ tiến sĩ năm 2000 nhưng đến năm 2017 tôi vẫn còn viết chung các công trình khoa học với thầy hướng dẫn.
Người ta nói để quên đi mọi thứ chỉ còn nghĩ về toán như tôi thì gia thế phải vững, không lo ăn mặc nhưng không phải vậy. Năm 1995, hoàn cảnh của tôi và của chung các thầy cô ở Đại học Đà Lạt khá khó khăn. Tôi làm quen vợ tôi buổi sáng thì buổi chiều tôi đi nước ngoài một tháng để dự hội nghị.
Năm 1998, cưới vợ vừa xong thì tôi đi Pháp ba tháng để nghiên cứu với GS. Lê Dũng Tráng. Vợ sinh con thứ nhất, rồi thứ hai tôi đều đi công tác (nghiên cứu) ngay sau đó. Ngày đó, vợ tôi chưa có việc làm nên lại về Tuy Hòa sống với ba mẹ mỗi lần tôi đi công tác xa. Tôi vô tư được với khoa học có lẽ cũng nhờ… vợ vô tư với mình. Cô ấy đồng cảm cho sự say mê của mình. Tôi nghĩ khi đó, ba mẹ vợ chắc xót con gái nhiều lắm. Tôi có những người bạn, cùng đam mê và muốn sống trong không khí toán học nhưng rất tiếc họ không bước qua được vòng xoay cơm – áo.
Gỡ khó cho nhà khoa học trẻ
____
Ông kể mọi chuyện nhọc nhằn của quá khứ nhẹ như nước trôi qua cầu. Nhưng chúng tôi tin không dễ để lựa chọn cuộc sống của một “cư sĩ” và không chịu rời đi khỏi “ngôi đền” toán học. Có lúc nào ông tính rời xa Đà Lạt và bước ra khỏi lãnh địa của toán học?
Trước năm 1990 cuộc sống rất khó khăn, nên tôi cũng như nhiều thầy cô muốn đi về những thành phố lớn để tìm kiếm các công việc có thu nhập tốt hơn. Nhưng ngay khi được nhận việc tôi lại chán ngay. Có lẽ tôi không hợp khi ở bên ngoài toán học và bên ngoài Đà Lạt.
Thực sự, Đà Lạt rất xứng đáng để nhiều nhà khoa học đến ẩn cư làm toán. Tôi thường xuyên mời những nhà toán học trẻ đến Đà Lạt cùng trao đổi chuyên môn. Ở đây, không gian thoáng mát và yên tĩnh rất thích hợp với nghiên cứu…
____
Nhưng thực tế có nhiều nhà khoa học, nhất là người trẻ đang gặp khó khăn. Nhà khoa học, người nghiên cứu nói chung thường không dư dả kinh phí để sống và đeo đuổi. Cần phải gỡ khó thế nào thưa ông?
Mong muốn của đa số các nhà khoa học là có được thu nhập vừa đủ, xứng đáng với công sức lao động của mình và xây dựng gia đình mà không phải mất quá nhiều thời gian cho các công việc khác như dạy thêm. Họ cũng mong muốn có một môi trường làm việc thật sự vì khoa học, giảm bớt được càng nhiều càng tốt các thủ tục hành chính.
Sự ra đời của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đã đem đến một luồng không khí mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản, và đối với ngành Toán thì Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM), với mô hình hoạt động chuẩn mực quốc tế đã hỗ trợ được rất lớn cho các nhà khoa học – giảng viên tại các trường đại học.
Bản thân tôi và nhóm nghiên cứu của mình, thông qua Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, đã tổ chức được nhiều hoạt động khoa học trong nước với sự tham gia của các đồng nghiệp quốc tế như các giáo sư Kurdyka, Lasserre, Schmüdgen… Trong khi kinh phí dành cho hoạt động khoa học ở các trường đại học nói chung còn rất khiêm tốn thì đây là một hình thức hỗ trợ hết sức hiệu quả.
Mặt khác, cần phải thừa nhận rằng do kinh phí hoạt động khá hạn chế, cả Quỹ NAFOSTED và cả Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán đều chỉ có thể có mức tài trợ cho các nhóm nghiên cứu vừa phải, số lượng được xét duyệt không cao. Vì thế, cơ hội dành cho các nhà khoa học đã thành danh sẽ nhiều hơn, và các nhóm nghiên cứu trẻ, dù có nhiều tiềm năng, sẽ ít được chú ý hơn.
Đối với các nhà khoa học trẻ, tôi nghĩ rằng chúng ta cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa. Thông thường thì khi nhận bằng tiến sĩ cũng là khoảng thời gian mà phần đông các nhà khoa học trẻ lập gia đình. Họ gặp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như trong khoa học, khi phải bắt đầu tự mình tạo lập một hướng đi riêng.
Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán là nơi đầu tiên ở Việt Nam có các suất học bổng sau tiến sĩ (postdoc) nhưng số lượng rất ít và thời gian làm việc cũng rất ngắn (chỉ có 1 năm, so với chuẩn mực quốc tế là từ 2 đến 3 năm) và tôi rất vui mừng khi thấy rằng gần đây, đã có nhiều trường, viện, các quỹ đổi mới sáng tạo đã bắt đầu có các chương trình tài trợ dành riêng cho các nhà khoa học trẻ. Mặc dù vậy, vẫn cần có các chính sách cụ thể tiếp tục hỗ trợ mạnh hơn cho các nhà khoa học trẻ, thông qua các hình thức khác nhau như học bổng sau tiến sĩ, đề tài nghiên cứu dành riêng cho các tiến sĩ trẻ, đi trao đổi khoa học ở nước ngoài…
Căn phòng không có bằng khen
Trong phòng làm việc của “cư sĩ” toán học Phạm Tiến Sơn tại Đại học Đà Lạt không có bất kỳ một tấm bằng khen nào. Bốn bức tường trống khiến chúng tôi tò mò.
Ông cười, có vẻ ngại nhắc đến: “Nó là quá khứ rồi, những vấn đề toán học phía trước thú vị hơn. Với lại treo cũng để ai nhìn vào đâu. Thầy tôi ngày trước có dạy rằng người giỏi khen ta thì ta vui, còn người khác khen thì cũng là bình thường. Tôi mong muốn những cộng sự cùng nhìn vào toán học và tương lai hơn là những bằng khen của quá khứ”.