Dịch COVID-19 không chỉ làm chới với những ngành kinh tế trọng điểm mà còn ảnh hưởng đến dịch vụ lưu trú ngắn hạn, khiến ngành này có thể sụp đổ. Một trong số đó chính là hệ thống Airbnb, công ty cung cấp dịch vụ đặt phòng toàn cầu có trị giá 30 tỉ USD này, đang lung lay.
Với sự tê liệt của ngành du lịch, Airbnb đã chính thức cắt 25% nhân sự để giảm chi phí hoạt động và nhanh chóng điều chỉnh mô hình kinh doanh hòng tồn tại.
Airbnb đối với VN là một thị trường sôi động vì giúp việc cho thuê phòng ngắn hạn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, các chỗ nghỉ được đăng (gọi là listing) trên Airbnb tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Nha Trang giảm mạnh đến 40% trong đầu quý 2-2020 do chịu tác động mạnh từ dịch bệnh đang bùng phát ở nhiều quốc gia châu Âu, châu Mỹ, đặc biệt là châu Á.
Kinh doanh Airbnb mùa dịch
Với đặc thù thuê từ chủ rồi cho thuê lại qua Airbnb, gánh nặng lớn nhất sẽ đến từ tiền thuê nhà hằng tháng. Trong mùa dịch, nếu chủ đầu tư may mắn là người có sẵn chủ nhà tốt bụng như thiên thần, họ thường giảm 30-50% tiền nhà để hỗ trợ chủ đầu tư trong quý 2, 3 hoặc đến khi thị trường bình ổn trở lại.
Kinh doanh 17 căn trên Airbnb tại TP.HCM bằng cách thuê lại các phòng trống và cải tạo lại để kinh doanh, Hoàng Thanh (30 tuổi) tự nhận là một trong những người kinh doanh Airbnb may mắn nhất mùa dịch và vẫn có cơ hội phục hồi kinh doanh sau dịch.
Nhưng trải qua khoảng thời gian hơn một tháng sau tết không quá khó khăn, vẫn còn đặt phòng (booking) lai rai, đến tháng 3-4 chị đã phải tìm đến các chủ nhà, phòng trên Airbnb để xin giảm giá thuê. Chị may mắn khi hầu hết đều đồng ý giảm, thậm chí giảm sâu, từ 50-70%, có chủ nhà còn đồng ý không thu tiền trong 2 tháng đến khi ổn định hơn.
Các căn Airbnb của Thanh hầu hết đều ở quận Bình Thạnh với 30% số phòng cho thuê dài hạn, còn lại đều cho thuê theo ngày. “Mấy tháng nay chủ yếu là khách nước ngoài còn kẹt lại ở VN thuê nhưng không nhiều. Những phòng không có khách, biết mình không có khách đặt phòng nên chủ nhà không thu tiền”, Thanh cho biết.
Tuy nhiên, chị hiểu rõ hết tháng 5 sẽ là giai đoạn khó khăn. “Chủ nhà bắt đầu thu tiền nhà như bình thường khi hết dịch nên mình phải cố gắng có khách. Dù vậy, tình hình kinh doanh hiện vẫn chưa sáng sủa. Trước đây tôi có thể có khách đặt kín các phòng trong 2-3 tháng liên tục, nhưng hiện tại khách đặt ngày nào hay ngày đó. Chủ yếu là khách VN đi chơi”, chị Thanh kể.
Người giảm giá, người không
Không may mắn như Thanh, nhiều người kinh doanh homestay rơi vào tình cảnh “hơn một tháng qua không có một khách đặt phòng nào”. Không ít người thuê phải ngậm đắng nuốt cay, đành từ bỏ tâm huyết cũng như vốn đầu tư ban đầu vì không nhận được sự hỗ trợ từ phía chủ nhà.
Với bản chất cạnh tranh, người kinh doanh Airbnb sẵn sàng bỏ một trăm đến vài trăm triệu đồng cho căn nhà hoặc căn chung cư cũ nom như vịt con xấu xí để biến nó thành thiên nga. Khi dịch COVID-19 bùng phát cũng là lúc gánh nặng tiền thuê chồng chất, người kinh doanh bị cắt đứt nguồn thu, rất khó thu hồi vốn. Trên các diễn đàn Airbnb của VN, hiện nay nhiều người đang liên tục sang lại toàn bộ căn nhà, hợp đồng thuê và sang luôn nội thất.
Trần Ngọc Anh (24 tuổi) mới chân ướt chân ráo kinh doanh homestay từ trước tết bằng cách vay mượn để thuê và tu sửa một căn ở Bình Thạnh. Mới kinh doanh được hai tháng và bắt đầu có khách đặt thì rơi vào đợt dịch.
“Mặc dù đã điều đình với chủ nhà để giảm 50% phí thuê, nhưng vì không có tài chính dự phòng nên tôi vẫn không thể gánh nổi chi phí”, chị nói. Do bị ràng buộc bởi thời hạn hợp đồng thuê nhà 5 năm và “đã vay tiền đầu tư tu sửa” mà chưa gỡ được vốn, Ngọc Anh đang phải tìm người sang lại hợp đồng để cắt lỗ.
N.A.Thiện (27 tuổi) đang quản lý 4 căn ở TP.HCM với gần 20 phòng đã gặp phải một chủ nhà “nhất quyết không đồng ý giảm giá thuê”. Anh phải trả lại một căn 11 phòng ở ngay trung tâm quận 1 mà anh ưng ý nhất. Đây là căn Thiện thuê với giá 55 triệu đồng/tháng, nhưng sau tháng 3 hầu như không có khách đặt. Thiện gặp chủ nhà xin giảm giá thuê còn khoảng 23 triệu nhưng chủ nhà không đồng ý.
Thiện kể anh mới lấy căn nhà này chưa đầy 1 năm trong khi hợp đồng nhà tới 5 năm. Chi phí đầu tư để cải tạo, trang bị cho 11 phòng trong căn này ngốn của anh hơn 500 triệu đồng. “Trong điều khoản hợp đồng thuê có đề cập đến rủi ro khách quan như thiên tai, nhưng chủ nhà nhất quyết không giảm giá và phá hợp đồng để lấy lại nhà.
Nhiều người nghĩ thường chủ nhà sẽ cố gắng san sẻ bởi mùa dịch sẽ khó cho thuê lại nhưng đây là căn ở quận 1, dù mùa dịch nhưng họ không thiếu khách thuê nên sẵn sàng lấy lại nhà”, Thiện cho biết. Anh thậm chí đã nghĩ đến việc kiện ra tòa để giải quyết, nhưng cuối cùng đành “ngậm đắng”.
“Tôi không lập công ty, không có pháp lý để thưa kiện. Nếu kiện dân sự, giải quyết các trường hợp như thế này phải chờ đợi rất lâu, “được vạ thì má cũng sưng”, chưa kể tiền thuê luật sư, đóng án phí cũng mất tới 30-40 triệu, phải đổ thời gian theo đuổi nên tôi đành rút lui, chịu thiệt thòi”, Thiện nói.
Thiện cho biết giá thuê các căn ở quận 1 từ 20 triệu/căn trở lên. Ngoài căn trên, ba căn còn lại Thiện may mắn được chủ nhà đồng ý giảm giá thuê một nửa nên vẫn giữ lại chờ cơ hội kinh doanh. “Tôi còn làm chung với bạn một số căn ở quận Bình Thạnh, nhưng mùa này chúng tôi phải chuyển sang cho khách VN hoặc người nước ngoài làm việc tại VN thuê dài hạn. Không có lời nhiều như kinh doanh phòng theo ngày nhưng không còn cách nào khác”, anh nói.
Để bù cho khoản thu nhập mất đi từ kinh doanh phòng, hơn một tháng nay Thiện tập trung làm dịch vụ tài chính online, tiếp thị online. “Cách gỡ gạc duy nhất là thanh lý đồ đạc đã mua sắm. Tôi đã học được bài học đắt giá qua chuyện vừa rồi trong việc ký hợp đồng và các điều khoản trong hợp đồng cũng như việc tìm một chủ nhà có tâm”, Thiện nói.
Những nỗi lo khác
Vẫn còn một trở ngại khác trong mùa dịch: chủ đầu tư phải bận tâm cả về lịch trình di chuyển của vị khách. Hiện hoàn toàn không có công cụ nào giúp theo dõi lộ trình của khách, nên nhiều người vẫn lo rằng chính căn nhà của mình sẽ trở thành điểm bùng phát dịch mới. Điều đó khiến nhiều chủ đầu tư không dám nhận khách nước ngoài, khiến doanh thu bị giảm.
Với người đầu tư nhiều căn để cho thuê cùng lúc, hiện không có sự hỗ trợ nào về chi phí điện nước hay chính sách giảm giá. Với người kinh doanh Airbnb chuyên nghiệp, họ cần cộng tác với một đội ngũ lao động tinh gọn, bao gồm ít nhất một nhân viên dọn phòng (được huấn luyện bài bản) và nhân viên đón khách (không khác biệt với khách sạn, thậm chí các nhân viên này còn giao tiếp gần gũi với khách hơn, xem khách như bạn bè đến thăm nhà).
Đối diện các khó khăn tài chính, nhiều chủ đầu tư buộc phải tạm ngưng cộng tác với các nhân viên này để giảm tối đa tiền lương, tự mình đón và tiễn khách. Cắt giảm nhân sự để sinh tồn, đối với họ cũng như đối với các khách sạn, là một giải pháp đau khổ vì chẳng ai muốn thấy người gắn bó với mình bao lâu nay bị mất việc, nhưng không thể không làm.
Những lời khuyên nho nhỏ
“Rủ” chủ nhà cùng kinh doanh
Tình hình dịch bệnh trên thế giới còn kéo dài, nguồn khách du lịch quốc tế tương lai còn mù mịt, nên giải pháp khả thi để duy trì mô hình kinh doanh này qua mùa dịch là hãy thử thương lượng với chủ nhà mô hình chia sẻ doanh thu, tức lấy phần trăm lợi nhuận thay vì lấy tiền cố định hằng tháng. Nếu may mắn, chủ nhà có thể đồng ý với người kinh doanh Airbnb.
Nếu căn nhà được đầu tư chỉnh chu, nội thất có gu thẩm mỹ mà vẫn chưa kiếm được người thuê, người kinh doanh hãy cân nhắc việc hợp tác với các công ty môi giới bất động sản nước ngoài, hoặc tham gia chương trình thuê nhà theo tháng của Airbnb. Tuy nhiên, hãy đối diện với thực tế, tính kỹ dòng tiền còn lại và xác định thời điểm phải dừng, vì nếu không có nguồn thu thì càng làm sẽ càng lỗ.
Kinh nghiệm cho thấy người kinh doanh Airbnb nên áp dụng nguyên tắc “không bỏ trứng vào một rổ” và cần điều chỉnh mô hình doanh thu. Đừng trông đợi mãi vào mỗi nguồn khách du lịch nước ngoài, mà đa dạng hóa khách hàng nội địa, hoặc tìm nguồn khách thuê dài hạn.
Đồng thời nới lỏng các chính sách về hủy phòng, chuyển nó sang chế độ linh hoạt, cho phép khách hủy trong 24 tiếng trước hôm vào ở. Với tình hình hiện tại, sẽ có nhiều lý do khiến khách thay đổi lịch trình chuyến đi, việc siết chặt chính sách hủy phòng sẽ làm khách không tự tin chọn chỗ.
Bên cạnh đó, nâng cao tiện ích căn hộ sao cho phù hợp nhu cầu vừa làm việc vừa nghỉ dưỡng, ví dụ đầu tư đường truyền mạng tốc độ cao, máy in, dịch vụ dọn phòng, giặt ủi hoặc giao thức ăn tận cửa. Có thể mua thêm máy lọc không khí, thêm cây xanh để tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên cho căn nhà – một yếu tố khiến nhiều khách thích hơn.
Tăng lượt xem với người có nhu cầu tìm nhà
Airbnb gần đây có thêm tính năng thuê theo tháng với mục tiêu thu hút khách thuê dài hạn. Tính năng này thực sự hữu dụng cho nhóm khách là người nước ngoài đang làm việc ở VN có nhu cầu tìm nhà. Những người này thường tin tưởng Airbnb vì họ có thể nhìn thấy ảnh chụp nhà thật mà không cần thông qua môi giới.
Nhưng ngoài các yếu tố về vị trí, nội thất và dịch vụ, các chủ kinh doanh chỉ đăng tin hoặc chỉ tham gia chương trình trên thì chưa đủ, cần tích cực chăm sóc cái góc của mình trên Airbnb bằng cách cập nhật thông tin, thêm hình ảnh và ngôn ngữ sống động nhằm tăng lượt người xem, kéo người xem để ý đến góc của mình. Từ đó, cơ hội tìm được khách hàng sẽ cao hơn.
Với chủ nhà
Đồng hành cùng người kinh doanh Airbnb bằng cách giảm giá tiền thuê sẽ có lợi hơn, vì thực tế chủ nhà sẽ mất mát nhiều hơn khi phải chật vật tìm khách thuê mới. Chủ nhà trung bình sẽ mất ít nhất 3-6 tháng để tìm được khách thuê và phải trả chi phí môi giới, chi phí cơ hội để tìm được người phù hợp. Do đó, việc đồng ý trợ giá không chỉ giúp duy trì nguồn thu mà còn giúp người kinh doanh sinh tồn qua mùa dịch.
Theo thống kê trên trang Airdna – website cập nhật hoạt động của Airbnb trên toàn thế giới, trong suốt 4 năm qua số lượng listing – địa điểm cho thuê trên Airbnb – tại TP.HCM liên tục tăng, từ 4.200 năm 2016 lên 21.500 cuối năm 2019.
Quý 1-2020 là quý đầu tiên trong suốt 4 năm qua số lượng địa điểm hoạt động trên Airbnb sụt giảm. Đến 19-5-2020, số địa điểm hoạt động tại TP.HCM còn lại khoảng 12.600. Tỉ lệ lấp đầy trong 12 tháng đạt đỉnh 70% vào cuối năm 2019 đã rớt mạnh còn 45% vào cuối tháng 4-2020. Doanh thu trung bình của một địa điểm trong 12 tháng cũng rớt từ đỉnh 17,7 triệu/tháng chỉ còn 7,4 triệu đồng/tháng vào tháng 4-2020.
Vũ Thủy