Rồi thì cũng đến lúc học sinh nhiều nơi trở lại trường, còn người lao động cũng phải đến sở làm. Nhưng có thể nhiều công sở sẽ không còn giống như thời chưa có dịch COVID-19.
Các trụ sở công ty, cao ốc văn phòng đã bỗng dưng trống vắng khi người lao động chuyển sang làm việc tại nhà nhằm ngăn dịch bệnh lây lan, nay sắp sửa mở cửa, sáng đèn và có sinh khí trở lại.
Trở lại làm việc, song nỗi lo nhiễm virus và một làn sóng dịch bệnh thứ hai sẽ xảy ra vẫn hiển hiện trong cả giới chủ lẫn người lao động. Vì thế, những gì áp dụng trong xã hội trong đại dịch sẽ được đưa vào công sở: đo thân nhiệt công nhân viên, giãn cách xã hội trở thành giãn cách văn phòng (chẳng hạn sắp xếp lại bàn ghế, quy định số người được vào thang máy mỗi lần), thiết lập quy trình khi có người lao động nhiễm bệnh… Và nếu nhiều quốc gia đã có ứng dụng truy vết để lập danh sách những người đã tiếp xúc với người được xác nhận mắc virus, thì cũng có một ứng dụng tương tự dành cho doanh nghiệp.
Theo báo Washington Post, các công ty đã có app riêng dành cho người lao động có thể thêm tính năng contact tracing do Hãng PricewaterhouseCoopers phát triển, để smartphone ghi nhận tiếp xúc gần giữa những người có cài app với nhau. Sau này nếu lỡ có ai được phát hiện nhiễm bệnh thì sẽ biết ai đã từng tiếp xúc với bệnh nhân đó.
Giải pháp căn cơ nhất để giảm nguy cơ lây nhiễm là đừng để quá đông người tập trung trong một không gian chung, nhưng điều này rõ ràng thiếu thực tế. “Chủ lao động không thể mong đợi người lao động sẽ trở lại văn phòng giống như thời chưa có dịch bệnh, mà phải giải quyết gốc rễ của nỗi sợ lây nhiễm” – Tracy D. Wymer, phó chủ tịch hãng nội thất văn phòng Knoll, nói với tờ New York Times ngày 4-5.
Theo Wymer, để văn phòng sạch bóng virus 100% là mục tiêu không thực tế, mà cái đích cần hướng đến là điều chỉnh, “định nghĩa lại” thiết kế văn phòng để người lao động thấy an toàn. Đây là lúc văn phòng hậu đại dịch sẽ có những thay đổi hữu hình, bên cạnh các nội quy, chính sách mới, chẳng hạn nước rửa tay gắn sẵn khắp nơi, mở cửa sổ thay vì dùng máy lạnh, hội họp trong không gian mở thay vì phòng kín có điều hòa.
Những tấm vách ngăn trên bàn làm việc công sở vốn đã biến mất trong thiết kế văn phòng hiện đại giờ đang trở lại trong thời phải hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người với người. Obex P.E., một công ty ở California (Mỹ), đã quảng bá tấm vách ngăn văn phòng bằng cái tên mỹ miều và thức thời – “màn chắn ngăn ho và hắt hơi”. “Vách ngăn của chúng tôi giảm tiếp xúc người với người và thực hành giãn cách xã hội” – Obex viết trong email chào hàng.
Những “lá chắn hắt hơi” này chẳng qua là tấm chắn trong suốt bằng nhựa hay kính, đủ để việc giao tiếp không quá bất tiện nhưng lại cho cảm giác an toàn. Những tấm vách như thế đã xuất hiện trên bàn ở quán cà phê, nhà hàng, ở quầy thu ngân siêu thị, và tương lai là sẽ tràn ngập các văn phòng, như khuyến nghị của công ty quản lý địa ốc CRBE trong báo cáo “COVID-19 và tương lai ngành nội thất”.
Tiến sĩ Susan Huang – giám đốc y tế về dịch tễ và phòng chống nhiễm trùng Đại học California, Irvine – cho rằng an toàn nơi làm việc đòi hỏi nhiều hơn là các tấm chắn bằng nhựa.
Khi phòng lab nơi bà làm việc mở cửa trở lại hồi cuối tháng 4, việc đầu tiên tiến sĩ Huang làm là phổ biến nội quy vệ sinh mới – bao gồm việc rửa tay và đeo khẩu trang – cho toàn bộ nhân viên.
- Xem thêm: Những chấn thương tâm lý thời dịch bệnh
“Tôi phải nói với họ rằng, các bạn sẽ phải đeo khẩu trang đúng cách và đeo cả ngày, và nhớ rửa tay trước khi cầm khẩu trang” – Huang kể với New York Times.
Cũng theo New York Times, ngoài các giải pháp kể trên thì nhiều chủ lao động có thể chọn một cách làm khác đơn giản và ít tốn kém hơn bài trí lại văn phòng: cứ cho nhân viên tiếp tục làm việc tại nhà, bởi đó là một mũi tên trúng hai đích: bảo đảm an toàn và tiết kiệm chi phí.