Với dân số lên đến 1,4 tỉ người, việc săn lùng tội phạm ở Trung Quốc khó khăn chẳng khác nào mò kim đáy bể. Tuy nhiên, nhờ đầu tư vào công nghệ nhận dạng khuôn mặt, lực lượng thực thi pháp luật ở đây đã gặt hái được kết quả khả quan.
Không còn là viễn tưởng
Cảnh sát đi giám sát, dự báo, bắt tội phạm như trong phim Hollywood nhờ có kính, mũ bảo hiểm thông minh và trí tuệ nhân tạo. Ngoài kính thông minh cho cảnh sát, tập đoàn công nghệ Xloong cũng phát triển mũ bảo hiểm thông minh cho quân đội, cảnh sát.
Ngoài chức năng bảo vệ đầu, nó còn mở rộng tính năng khác như giám sát bằng công nghệ AR (công nghệ thực tế ảo), viễn thông, gắn thẻ địa lý, chế độ nhìn ban đêm. Công ty đã ký được một hợp đồng trị giá hàng triệu nhân dân tệ với tập đoàn quốc phòng Trung Quốc Norinco (China North Industries Group), cung cấp các mũ bảo hiểm thông minh này.
Các khách hàng cấp nhà nước khác bao gồm Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, Bộ Công an. Theo số liệu từ Bộ Tài chính Trung Quốc, quốc gia đông dân này đã chi ra số tiền cho an ninh nội địa nhiều hơn phòng vệ nước ngoài trong năm 2017: 184 tỉ USD so với 150 tỉ USD.
Cảnh tượng dùng kính thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để bắt giữ tội phạm xuất hiện trong nhiều bộ phim Hollywood. Bây giờ, nó đã thành hiện thực ở Trung Quốc. Công ty Xloong có trụ sở tại Bắc Kinh đã làm riêng cho cảnh sát một bộ kính thông minh mới đây. Sử dụng công nghệ thực tế tăng cường, cảnh sát có thể truy cập theo thời gian thực các thông tin như khuôn mặt, mã ID, biển số xe,… được liên kết với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Công ty cho biết chiếc kính này giúp cảnh sát tìm ra những kẻ tình nghi hiệu quả hơn. Chiếc kính cũng được sử dụng bởi các nhà thực thi pháp luật tại trạm kiểm soát sân bay, đường cao tốc. Sáu cơ quan an ninh địa phương khác cũng đang trang bị những sản phẩm tương tự, ở Bắc Kinh, Thiên Tân và khu tự trị Tân Cương. Xloong được thành lập bởi cựu kỹ sư phần cứng Huawei là Shi Xiaogang.
Công ty có hơn 100 nhân viên và thu hút hàng trăm triệu nhân dân tệ đầu tư từ các đơn vị như BOE, Gobi Ventures, Viện Nghiên cứu Công nghệ Bắc Kinh, chính quyền tỉnh lỵ một số nơi. Tuy nhiên, người phát ngôn công ty từ chối tiết lộ có bao nhiêu công ty, quỹ đầu tư và chính quyền địa phương hỗ trợ tài chính cho họ.
Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit ước tính, vào năm 2017, có 176 triệu camera giám sát đang hoạt động ở các nơi công cộng và riêng tư, trong khi ở Mỹ chỉ có 50 triệu. Nhờ nhu cầu khổng lồ này, Hikvision và Dahua là những hãng sản xuất camera an ninh lớn nhất thế giới.
Trả lời phỏng vấn tờ Nikkei năm 2018, Giám đốc điều hành Shi gạt bỏ những lo ngại xâm phạm quyền riêng tư mà hệ thống camera an ninh bị chỉ trích. Ông cho biết chính sự hỗ trợ quốc gia, nỗ lực chống khủng bố và duy trì trật tự xã hội của chính quyền trung ương đối với các công ty công nghệ, là những động lực thúc đẩy tăng trưởng. Shi khẳng định không bao giờ phải lo cạn kiệt nguồn ngân sách từ các cơ quan nhà nước.
Bên cạnh các ứng dụng phòng chống tội phạm và quốc phòng, công ty cũng làm sản phẩm cho thường dân sử dụng trong các lĩnh vực như du lịch, bất động sản, chăm sóc sức khỏe,… Năm 2016, Shi tung ra một chiếc kính AR phục vụ thể thao, có chức năng quay video và tích hợp Bluetooth, có thể phác họa bản đồ kỹ thuật số cho người dùng khi chạy bộ hay đạp xe. Giá của kính AR này khoảng 223 USD, rẻ bằng 1/10 các loại kính AR phục vụ cho ngành công nghiệp.
Công ty cũng đã ký được hợp đồng với khách hàng khu vực Đông Nam Á, nhưng từ chối tiết lộ cụ thể về người mua và dự án. Họ còn có dự định Mỹ tiến, nhưng không nói chi tiết. Các công ty công nghệ Trung Quốc như Megvii và Yitu, đã tìm cách liên doanh ra nước ngoài để tăng trưởng mạnh hơn.
Ví dụ ở Malaysia, lực lượng bán quân sự hỗ trợ cho cảnh sát sử dụng một camera gắn trên người, tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt từ Yitu có thể đối chiếu gần như tức thời với cơ sở dữ liệu của cảnh sát, từ đó tìm ra các hình ảnh trùng khớp nhanh hơn.
Thực hiện hơn 1 tỉ phép đối chiếu/ngày
Trung Quốc rất nổi tiếng với hệ thống giám sát dựa trên khuôn mặt Skynet. Một tiết lộ mới đây cho thấy, công nghệ này đã giúp cảnh sát Trung Quốc bắt giữ hơn 10.000 tội phạm trong bốn năm qua.
Theo báo South China Morning Post, Cloudwalk, một startup (công ty khởi nghiệp) có trụ sở tại Quảng Châu được chính phủ đầu tư, tuyên bố họ đã giúp cảnh sát tóm được hơn 10.000 kẻ phạm tội trong hơn bốn năm qua. Hệ thống camera giám sát dày đặc tại hơn 29 tỉnh thành, mỗi ngày thực hiện hơn 1 tỉ phép đối chiếu giữa khuôn mặt người dân với cơ sở dữ liệu của họ.
Chưa hài lòng với kết quả hiện nay, công ty đã hợp tác với phòng nghiên cứu trực thuộc Bộ Công an, thành lập một liên doanh chuyên phân tích dữ liệu video. Mục đích là tạo ra công cụ mạnh mẽ hơn nữa hỗ trợ cho các cảnh sát. Họ không phải là công ty hãng duy nhất ở Trung Quốc cung cấp công nghệ này.
Đối thủ của Cloudwalk còn có SenseTime Group và Megvii, giúp xây dựng nên mạng lưới giám sát trên toàn Trung Quốc. Dự án có tên “Skynet”, theo đuổi mục tiêu chiến đấu với bọn tội phạm và cảnh báo các thảm họa tiềm năng. Hơn 20 triệu camera giám sát đã được lắp đặt tại các điểm công cộng, trong khi một dự án khác là “Sharp Eye” được tiến hành rộng rãi ở các vùng nông thôn, theo cơ quan nhà nước.
Cloudwalk được thành lập bởi Zhou Xi, một nhà khoa học về thị giác máy tính, vào năm 2015. Ông từng làm việc ở Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu của quốc gia này.
Cloudwalk bây giờ là đối tác lớn nhất về trí tuệ nhân tạo với các ngân hàng trong nước. Hơn 400 ngân hàng đều sử dụng công nghệ của họ. Lắp đặt tại các cây ATM, hệ thống thực hiện giám sát 216 triệu giao dịch mỗi ngày. Ngoài ra, nó xuất hiện tại hơn 60 sân bay trên khắp lãnh thổ Trung Quốc.
Công ty đã nhận được giúp đỡ mặt tài chính và ủng hộ của chính phủ từ trung ương đến địa phương. Họ cũng tham gia xây dựng tiêu chuẩn về nhận dạng khuôn mặt ở cấp độ quốc gia cũng như góp mặt trong danh sách được hỗ trợ bởi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc.
- Xem thêm: Chiếc máy đọc tư tưởng con người
Bắc Kinh xem nhận dạng khuôn mặt như chìa khóa để quản lý mọi mặt đời sống người dân. Từ việc quy định sử dụng giấy vệ sinh nhằm tránh lãng phí và mất cắp, ngăn chặn hiện tượng phe vé, đi bộ xuống lòng đường trái quy định cho đến thanh toán điện tử. Năm 2017, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Kế hoạch phát triển Trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo” nhằm đặt ra lộ trình ba bước, vươn tới thống trị AI năm 2030.
Công ty Startup như Cloudwalk đã nhận được 297 triệu USD từ chính quyền thành phố Quảng Châu năm 2017, cũng như nhiều quỹ khác liên quan đến chính phủ để tăng cường nguồn tài chính. Hiện nay, họ đạt giá trị khoảng 3 tỉ USD, là một trong những “kỳ lân” của giới khởi nghiệp. Công ty đang để mắt đến thị trường nước ngoài.
Theo báo cáo, họ đã ký hợp đồng với chính phủ Zimbabwe. Mục đích xây dựng một hệ thống tài chính thông minh trong các ngân hàng, cũng như hệ thống giám sát nơi công cộng. Cùng với đó, công ty cũng sẽ xây dựng cho đất nước này một hệ cơ sở dữ liệu khuôn mặt quốc gia.