Sở QH-KT TP.HCM vừa công bố kết quả cuộc thi quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Công viên 23 tháng 9, dù không có giải nhất nhưng sẽ kết hợp hai giải nhì và ba để hình thành công viên trong tương lai.
Cụ thể, cuộc thi tuyển chọn phương án thiết kế Công viên 23 tháng 9 được phát động vào ngày 31-1. Đến nay, hội đồng thi tuyển đã xem xét và lựa chọn ra bốn đơn vị có kinh nghiệm và năng lực phù hợp trong danh số 10 đơn vị đăng ký tham gia để mời tham dự cuộc thi.
Không có phương án giải nhất (do không có phương án đạt số điểm yêu cầu theo quy chế cuộc thi), giải nhì thuộc về Công ty TNHH Kiến trúc Lava (Úc), giải ba thuộc về Công ty Thiết kế kiến trúc và cảnh quan Debarre Duplantiers (Pháp) và hai giải khuyến khích.
Nhận xét về các phương án dự thi, các thành viên hội đồng thi tuyển đánh giá các phương án dự thi đều là những phương án chất lượng, thể hiện sự làm việc nghiêm túc, nghiên cứu nhiệm vụ thiết kế kỹ lưỡng, có trách nhiệm của đơn vị dự thi.
Dù chưa lựa chọn được phương án tối ưu nhất nhưng mỗi phương án có những ý tưởng khác nhau, những điểm độc đáo riêng, không trùng lắp. Hai phương án đoạt giải nhì và ba có thể kết hợp với nhau để hoàn thiện một phương án tốt nhất cho Công viên 23 tháng 9.
TP.HCM dự kiến Công viên 23 tháng 9 tương lai sẽ có 100% diện tích mặt đất là công viên công cộng, các chức năng khác sẽ được bố trí ở bốn tầng ngầm.
Công viên sẽ kết nối tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) ở tầng hầm và kết nối liên tục lên mặt đất bằng không gian mở (nhiều cây xanh) tại trục Hàm Nghi, Lê Lợi, đường đi bộ Nguyễn Huệ, công viên cảng Bạch Đằng, hai cầu đi bộ qua khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).
Công viên 23 tháng 9 rộng khoảng 11ha, được tạo lập trên nền nhà ga xe lửa Sài Gòn trước đây. Đây là mảng xanh đô thị lớn ở trung tâm thành phố vốn dày đặc cao ốc, là không gian nối kết các khu vực thương mại và dịch vụ quan trọng như chợ Bến Thành, phố du lịch Bùi Viện – Phạm Ngũ Lão, khu vực thương mại dịch vụ Lê Lai – Nguyễn Trãi, chợ Thái Bình.
Phương án thiết kế đoạt giải nhì
Phương án thiết kế đoạt giải ba
Thành phố ra “tối hậu thư” để lấy lại mặt bằng xây Công viên 23 tháng 9
Đầu tháng 7-2019, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các sở ngành hoàn thành các bước chuẩn bị khởi công cải tạo Công viên 23 tháng 9 (quận 1) vào đầu năm tới.
Theo chỉ đạo này, thì sân khấu Sen Hồng sẽ dời về Rạp Công nhân trên đường Trần Hưng Đạo; phần đất Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Cửu Long thuê kinh doanh phải bàn giao lại trước ngày 20-7, riêng khu vực tầng hầm được duy trì đến khi khởi công dự án.
Trạm thông tin và hỗ trợ khách du lịch được tiếp tục hoạt động đến khi thi công chỉnh trang công viên; bãi xe do Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thành phố quản lý được duy trì đến hết hợp đồng vào ngày 5-12.
Tòa nhà thuộc Trung tâm Phát triển Quỹ đất phải dời về đường Phạm Ngọc Thạch trước ngày 30-8. Còn bãi xe buýt tại công viên, các đơn vị liên quan phải có phương án di dời kịp tiến độ thi công công trình.
UBND thành phố giao Công an phối hợp với UBND quận 1 đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực công viên, đặc biệt là sau khi di dời các công trình.
Trước đó, tại cuộc họp về kinh tế – văn hóa – xã hội và thu chi ngân sách sáu tháng đầu năm diễn ra vào hạ tuần tháng 7-2018, Chủ tịch UBND TP.HCM đã “điểm mặt” Công viên 23 tháng 9 bị các quán cà phê, ca nhạc lấn chiếm.
Ngay sau đó, ông Phong đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất phải chấm dứt, không gia hạn hợp đồng cho thuê đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại Công viên 23 tháng 9.
Đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng nhưng trong các văn bản pháp lý không ghi rõ thời gian hoàn trả, yêu cầu di dời trước ngày 30-4-2019; đồng thời khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị chức năng liên quan xây dựng kế hoạch di dời cụ thể các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe… Công tác di dời phải hoàn tất trước ngày 30-4-2019.
* Công viên 23 tháng 9 có diện tích gần 10ha với chiều rộng khoảng 90m và chiều dài hơn 1.100m. Công viên giáp quảng trường Quách Thị Trang, đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Nguyễn Trãi. Trong đó, hai đường Nguyễn Thái Học và Tôn Thất Tùng nối dài cắt ngang công viên và chia công viên ra làm ba đoạn.
Đây là nơi người dân thành phố và du khách đến vui chơi, thư giãn, được ví như “lá phổi” của Sài Gòn. Thế nhưng, những năm gần đây, Công viên 23 tháng 9 bị chia cắt, sử dụng sai mục đích, diện tích cây xanh ngày càng bị thu hẹp.
T.H